Bản Sắc Dân Tộc - cailuongvietnam.com

Tin Tức Chân Dung Nghệ Sĩ

DUY TRÌ TRANG WEB CLVN

Kim Mao Sư Vương Tạ Tốn Nghệ sĩ Thanh Sang hoài niệm một thời vàng son

Thứ tư - 22/08/2012 08:32

Kim Mao Sư Vương Tạ Tốn Nghệ sĩ Thanh Sang hoài niệm một thời vàng son




Các nghệ sĩ cải lương tài danh, mỗi người có một vài vai diễn để đời. Khi nhắc đến vai diễn đó, khán giả ái mộ cải lương biết ngay tên nghệ sĩ và tên vở tuồng của người nghệ sĩ đó đã hát.

Ví dụ khi nhắc vai Hà Công Yên, người ta nhớ ngay nghệ sĩ tiền phong Tám Danh, người đã làm sống mãi hình tượng một người nghiện nha phiến đến tán gia bại sản tên Hà Công Yên trong tuồng Tứ Đổ Tường.

Khi nhắc vai người điên tên Phê, khán giả ái mộ cải lương nhớ quái kiệt Ba Vân thủ vai Phê trong tuồng Khi Người Điên Biết Yêu.

Các nghệ sĩ Năm Châu vai Đường Minh Hoàng trong tuồng Trường Hận, nữ nghệ sĩ Phùng Há vai Lữ Bố trong tuồng Phụng Nghi Đình, nghệ sĩ Hữu Phước vai Câu Tư Kiên trong tuồng Con Gái Chị Hằng, nghệ sĩ Thành Được vai tướng cướp Thy Đằng trong tuồng Tiếng Hạc Trong Trăng, nghệ sĩ Thanh Nga vai Quỳnh Nga trong tuồng Bên Cầu Dệt Lụa, nghệ sĩ Thanh Sang vai Kim Mao Sư Vương Tạ Tốn trong tuồng Cô Gái Đồ Long là những vai tuồng mà họ đã diễn rất xuất sắc và không nghệ sĩ nào hát hay hơn họ, vì vậy khán giả gọi đó là vai hát để đời của nghệ sĩ. Và còn rất nhiều nghệ sĩ khác có những vai diễn để đời của họ... tất cả những nghệ sĩ và vai diễn để đời của họ đều là những thành quả đóng góp cho kho tàng quý giá của nghệ thuật Sân khấu Cải lương Việt Nam.

Photobucket

Nghệ sĩ Thanh Sang được huy chương vàng Giải Thanh Tâm năm anh 20 tuổi, sau khi đi hát được bốn năm. Anh đến được đỉnh cao danh vọng của một nghệ sĩ cải lương, nhận được huy chương ca diễn cao nhất trong năm 1964, khi diễn vai Kim Mao Sư Vương Tạ Tốn trong tuồng Cô Gái Đồ Long của soạn giả Hà Triều Hoa Phượng.

Khi được hỏi, do cơ duyên nào khiến Thanh Sang theo nghề hát và những thăng trầm trong bước đầu khởi nghiệp cầm ca của anh, Thanh Sang cho biết: Thanh Sang tên thật là Nguyễn Văn Thu, sanh năm 1943, tại xã Phước Hải tỉnh Bà Rịa, Vũng Tàu. Cha mẹ của Thu là người quê ở Bình Định, làm nghề ngư phủ. Hai ông bà đi đánh cá khắp các vùng biển Quy Nhơn, Bình Định, Nha Trang, Rạch Giá, Cà Mau, Phú Quốc. Hai ông bà chọn tỉnh Phước Hải để định cư vì có nhiều bạn đồng nghiệp Bình Định đến lập nghiệp ở đây. Cha của Thu mất năm 1949 khi Thu được 7 tuổi. Chị của Thu 10 tuổi phải đi bán khoai lang, chuối nấu để kiếm tiền phụ với mẹ nuôi em. Thu tuy mới 7 tuổi cũng phải đi ở đợ, làm mướn cho chủ ghe cá như phụ việc khoanh chạc, tát nước ghe, gỡ cá trong lưới khi ghe đi biển đánh cá về.

Lúc 8 tuổi, Thu đã theo ghe đánh cá đi biển. Em làm nhiệm vụ tát nước ghe, gỡ cá khi lưới kéo lên, nấu cơm, lo nước uống cho các ngư phủ khác. Lớn dần trong lúc đi biển, chịu bão táp mưa sa ngoài biển, Thu tập chèo sĩ và đánh lưới rùng cho ghe đánh cá đó. Chèo sĩ là chèo ghe đứng đằng mũi, chịu sóng dập mạnh hơn người chèo lái; còn đánh lưới rùng là phải “rùng mình” kéo lưới cá rất nặng rồi khiêng “con bò lưới” nặng trên 100 ký lô, đi từ bờ biển tới nhà chủ ghe hay chợ cá, xa đến cả chục cây số, chỉ có trai tráng khỏe mạnh mới đứng chèo sĩ và kéo lưới rùng được.

Thu siêng năng, giỏi giang, làm việc nặng nhọc gì cũng không kêu ca, nề hà nên ông chủ cho gia đình của Thu mướn một căn nhà nhỏ, ở gần nhà ông, để tiện sai vặt. Ngôi nhà đó ở sau rạp hát Hải Lạc ở xã Phước Hải, vì vậy nếu có đoàn hát nào về hát ở rạp Hải Lạc thì Thu ngồi trong nhà cũng nghe được tiếng đờn câu ca. Nghe hát cải lương riết rồi Thu mê vọng cổ. Thu theo các bạn học ca vọng cổ để hát nghêu ngao những khi ngồi vá lưới hay đụng trận nhậu, ca chơi trợ hứng cho cuộc nhậu thêm vui. Làn hơi của Thu rất dũng mãnh, giọng ca sang sảng, tuy là học theo dĩa hát của các danh ca Thành Công, Chín Sớm, Út Trà Ôn, Thu ca theo rất giống nên được người trong làng ưa thích. Tánh của Thu thích kết bạn, nên khi có gánh hát nào về hát ở rạp Hải Lạc, Thu cũng tìm cách làm quen với các nghệ sĩ. Hễ có tiệc nhậu của các nghệ sĩ thì thế nào Thu cũng kiếm cá lớn, rượu ngon, nấu mấy món ăn đặc biệt để góp phần chung vui.

Năm 1960, đoàn cải lương Ngọc Kiều của ông bầu Hoàng Kinh-Ngọc Đáng về hát ở rạp Hải Lạc, bữa nhậu rượu chung với nghệ sĩ trong đoàn hát, giọng ca của Thu được nữ nghệ sĩ Kim Nên chú ý và giới thiệu với bầu Hoàng Kinh để đề nghị thu nhận em Thu vào gánh hát. Lúc mới vô Thu làm quân sĩ, rồi ngồi bên cánh gà học theo các vai tuồng, Thu đã thế nhiều vai kép được thành công và anh học thuộc vai của kép chánh trong tuồng Chiều Đông Gió Lạnh Về. Ông bầu Hoàng Kinh đặt nghệ danh cho Thu, ông nói: “Tên Thu nghe con gái quá, mầy ở lứa tuổi của ca sĩ có giọng ca dũng mãnh như Thanh Kỳ, Thanh Liêm ở đoàn Phước Chung, như Thanh Tú ở đoàn Thanh Minh, Thanh Nhàn, Thanh Sơn con của danh ca Thanh Tao ở đoàn Kim Thanh, nên tao đặt cho mày nghệ danh là Thanh Sang, mầy chịu hông?” Thu vui mừng chấp nhận nghệ danh Thanh Sang, vài năm sau dân làng Phước Hải quên mất tên Thu mà chỉ nhớ và hãnh diện với tên Thanh Sang của anh dân chài làng biển trở thành ngôi sao sân khấu.

Nghệ sĩ Thanh Sang đã thế vai kép chánh Hùng Cường (vai Đông Nhật trong tuồng Tuyết Phủ Chiều Đông) và trở thành kép chánh của đoàn hát Ngọc Kiều chỉ sau hai năm theo đoàn hát. Thanh Sang đã làm kép chánh các đoàn hát Ngọc Kiều, Song Kiều, Ngọc Kiều Mới, đoàn Dạ Lý Hương, đoàn Thanh Minh-Thanh Nga...

Năm 1964, đoàn hát Dạ Lý Hương hát tuồng Cô Gái Đồ Long, nghệ sĩ Tấn Tài thủ vai Trương Vô Kỵ, Bạch Tuyết vai Triệu Minh Quận Chúa, Út Hiền vai Trương Thúy Sơn, Ngọc Giàu vai Hân Tố Tố, Thanh Sang vai Kim Mao Sư Vương Tạ Tốn.

Nghệ sĩ Thanh Sang mới 20 tuổi mà phải thủ diễn vai một lão mù, tuổi trên năm mươi, lại trong tâm trạng nửa tỉnh nửa điên. Diễn viên rất sợ phải thủ diễn một nhân vật mù. Đôi mắt của diễn viên là một lợi khí sắc bén giúp cho diễn viên chinh phục khán giả. Trên sân khấu, cái liếc mắt tống tình, liếc mắt căm hờn, liếc mắt nghi ngờ, đôi mắt ngạc nhiên, đôi mắt bối rối... đôi mắt diễn đạt nhanh hơn và hiệu quả hơn lời nói, lời ca. Diễn một nhân vật mù thì đã mất hết cái lợi thế của đôi mắt nên rất khó diễn. Nhưng Thanh Sang lại diễn nhân vật Tạ Tốn mù rất hay, anh được thưởng Huy Chương Vàng Giải Thanh Tâm nhờ diễn vai tuồng này. Chuyện tuồng như sau:

“Kim Mao Sư Vương Tạ Tốn cướp được Đồ Long Đao, cùng với hai vợ chồng nghĩa đệ Trương Thúy Sơn, Hân Tố Tố đi biển Đông, định tìm một nơi yên tịnh để nghiên cứu bí mật của Đồ Long Đao, không ngờ bị bão biển, chìm ghe, trôi dạt đến Băng Hỏa Đảo. Vì suy nghĩ hoài mà không tìm ra bí mật Đồ Long Đao nên Tạ Tốn phát điên, lúc này thì Tạ Tốn đã bị mù vì độc châm của của Hân Tố Tố. Trong một đêm mưa bão, Tạ Tốn nhớ tới mối thù vợ con bị Thành Khôn cưỡng hiếp rồi giết chết, nghĩ tới bí mật Đồ Long Đao chưa tìm ra manh mối thì mối thù của vợ con không thể nào trả được, ông nổi cơn điên, định giết cả Trương Thúy Sơn và Hân Tố Tố.

“Kim Mao Sư Vương Tạ Tốn cướp được Đồ Long Đao, cùng với hai vợ chồng nghĩa đệ Trương Thúy Sơn, Hân Tố Tố đi biển Đông, định tìm một nơi yên tịnh để nghiên cứu bí mật của Đồ Long Đao, không ngờ bị bão biển, chìm ghe, trôi dạt đến Băng Hỏa Đảo. Vì suy nghĩ hoài mà không tìm ra bí mật Đồ Long Đao nên Tạ Tốn phát điên, lúc này thì Tạ Tốn đã bị mù vì độc châm của của Hân Tố Tố. Trong một đêm mưa bão, Tạ Tốn nhớ tới mối thù vợ con bị Thành Khôn cưỡng hiếp rồi giết chết, nghĩ tới bí mật Đồ Long Đao chưa tìm ra manh mối thì mối thù của vợ con không thể nào trả được, ông nổi cơn điên, định giết cả Trương Thúy Sơn và Hân Tố Tố.

Lớp tuồng hay nhất là lớp này, trong lúc Tạ Tốn nổi cơn điên dữ dội, đâm chém loạn xạ, Trương Thúy Sơn bị thương nặng chỉ còn chờ chết dưới đao của Tạ Tốn thì ngay giữa nguy hiểm ngàn cân treo sợi tóc đó, Hân Tố Tố sinh ra một đứa hài nhi. Hài Nhi kêu lên tiếng khóc chào đời, tiếng khóc trẻ thơ đánh thức lương tri của Tạ Tốn, khiến ông liên tưởng tới tiếng khóc của con ông, ông tỉnh dần, những ý tưởng giết người tan đi, nhường cho tình thương dành cho trẻ sơ sinh. Lúc này, Thanh Sang mới 20 tuổi, thủ diễn một vai lão mù, đầu tóc Kim Mao Sư Vương vàng hoe, xù lên như một cái bờm sư tử, khi nổi cơn điên thì đâm chém loạn xạ, thái độ bạo tàn, thét gầm dữ dội, nhưng chỉ nghe một tiếng khóc của trẻ sơ sinh, Thanh Sang (Tạ Tốn) khựng lại, ngơ ngác, lắng nghe, nghễnh tai về hướng động đá, tiếng khóc lại thêm một lần tu oa... tu oa, môi Thanh Sang (Tạ Tốn) nhếch cười, run giọng nói: “Con tôi... Phải tiếng khóc của con tôi không?”

Cơn điên giận dữ qua mau như một trận bão tàn, nhường cho khoảng trời quang mây tạnh, nụ cười nở trên môi, Tạ Tốn bồng đứa trẻ thơ, ôm nó vào lòng, kêu lên trong một giọng đẫm lệ vì sung sướng: “Con tôi đây rồi... Con tôi... Phải cho nó làm con nuôi của ta mới được!” Vở tuồng hát khai trương tại rạp Quốc Thanh, các vai của Út Hiền – Trương Thúy Sơn và nghệ sĩ Tấn Tài - Trương Vô Kỵ chỉ thỏa mãn khán giả bằng mấy câu vọng cổ, nhưng lớp tuồng gây xúc động nhất, gieo ấn tượng vào lòng khán giả chính là lớp diễn của Thanh Sang - Tạ Tốn kể trên. Chỉ sau bốn năm theo nghề hát, Thanh Sang, một chàng trai chài lưới, chưa qua trường lớp nào của sân khấu, đã trở thành một ngôi sao cải lương với cái huy chương vàng của Giải Thanh Tâm.

Ngày nhận giải thưởng, Thanh Sang phát biểu: Thanh Sang đã tập nhìn thẳng vào ánh sáng mặt trời nhằm tạo thói quen không nháy mắt để diễn vai Tạ Tốn mù sao cho thật giống người mù. Về diễn tả tâm trạng Tạ Tốn thương nhớ con, Thanh Sang nhớ tới mẹ của mình, cả đời bà chịu khổ chịu khó, thương yêu, nuôi dưỡng Thanh Sang nên Thanh Sang rất xúc động trước tình yêu của cha mẹ dành cho con cái hoặc con cái có hiếu với cha mẹ. Thanh Sang cũng đã đọc đi đọc lại quyển truyện chưởng Cô Gái Đồ Long của nhà văn Kim Dung để tìm hiểu tâm trạng của nhân vật Tạ Tốn mà soạn giả Hà Triều Hoa Phượng đã dựng thành tuồng để mà nuôi dưỡng cái tâm lý nhơn vật trong lòng để khi hát trên sân khấu mình thể hiện nó ra được. Có lẽ nhờ vậy mà Thanh Sang thành công trong vai tuồng này. Nghệ sĩ Thanh Sang đã thành công rất nhiều vai tuồng trước năm 1975, như vai Trần Minh, hát chung với nghệ sĩ Thanh Tú trong vai Nhuận Điền tuồng Bên Cầu Dệt Lụa, vai Du Thản Chi hát chung với nữ nghệ sĩ Bạch Tuyết – vai A Tỷ trong tuồng Kiều Phong – A Tỷ, vai tướng cướp Thy Đằng tuồng Tiếng Hạc Trong Trăng, vai Thi Sách trong tuồng Tiếng Trống Mê Linh, vai Lê Hoàn tuồng Thái Hậu Dương Vân Nga... Giọng ca trầm buồn và dũng mãnh của Thanh Sang rất hợp để diễn tả các tâm trạng hào hùng của các nhân vật lịch sử. Có thể nói nghệ sĩ Thanh Sang biết kết hợp nhuần nhuyễn giữa ca và diễn, khai thác ưu thế của giọng ca trầm hùng, nên Thanh Sang dễ thành công khi thực hiện các vai có tính cách, các vai dũng tướng trong tuồng.

Hiện nay, ở cái tuổi 70 (tính theo âm lịch), Thanh Sang không còn đi hát nữa, trừ trường hợp anh tham dự diễn các trích đoạn cải lương nổi tiếng khi xưa trong các chương trình vinh danh các nghệ sĩ bạn. Thanh Sang có một người vợ đảm đang, rất yêu anh và chiều chuộng anh, đó là một hạnh phúc trong tuổi xế chiều mà không phải nghệ sĩ nào cũng được may mắn như anh. Năm 2004, cô con gái cưng Bảo Trân có chồng trước Tết, con trai Bảo Châu vào đại học, anh chị tuy ở nhà vắng vẻ nhưng hạnh phúc tràn đầy và rất yên tâm khi thấy hai con đã trưởng thành và thành đạt trên đường đời và trên đường học vấn. Rất vui mừng khi biết nghệ sĩ Thanh Sang được hạnh phúc, vui thú điền viên và sống cùng hoài niệm một thời huy hoàng trên sân khấu cải lương.

Nguyễn Phương, 2012

Tác giả bài viết: tancogiaoduyen

Nguồn tin: SG Nguyễn Phương - TBO

Tổng số điểm của bài viết là: 2 trong 1 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Bình luận mới

Gửi bình luận của bạn

Tên của bạn Email Nội dung Mã an toàn

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 

DUY TRÌ TRANG WEB CLVN