Bản Sắc Dân Tộc - cailuongvietnam.com

Tin Tức Đó Đây Gần Xa

DUY TRÌ TRANG WEB CLVN

Vĩnh biệt soạn giả Trọng Nguyễn: "Dân tộc còn, cải lương không chết"

Thứ năm - 25/01/2018 22:04

TN

Soạn giả Trọng Nguyễn là ngòi bút sắc bén, ca ngợi chiến công hiển hách của quân dân trong thời kỳ kháng chiến. Sự ra đi của ông để lại nhiều thương tiếc cho công chúng và văn nghệ sĩ

Ông bệnh nặng do té ngã phải cấp cứu tại Bệnh viện Chợ Rẫy (TP HCM), sau đó đưa về Bệnh viện Đa khoa Bạc Liêu và qua đời lúc 10 giờ ngày 25-1 do căn bệnh viêm phổi cấp tính, hưởng thọ 81 tuổi.

Khán thính giả khắp nơi mến mộ

Lần nào về Bạc Liêu tôi cũng ghé thăm ông, để được nghe ông kể chuyện sáng tác và những trải nghiệm, suy nghĩ trước xu thế sân khấu cải lương hôm nay. Nhìn lại con đường ông đi, từ chiến khu cho đến khi ngồi ghế chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Bạc Liêu, ông đều nói nôm na "tôi ăn cơm cải lương, thở bằng thi ca và nhìn với đôi mắt người làm văn học". Thời niên thiếu, ông nhớ nhất là năm 1954, khi mới vừa 16 tuổi, ông đã thoát ly gia đình đi theo cách mạng. Có bữa đói chỉ ăn trái bình bát thay cơm nhưng lòng sung sướng tự hào vì được đứng dưới ngọn cờ cách mạng.

Ông phấn đấu không ngừng để được tổ chức phân công, lần lượt qua các nhiệm vụ thuộc lực lượng vũ trang tỉnh Cà Mau. "Tôi hăng lắm, từ những trải nghiệm này đã đưa vào sáng tác. Khí thế hào hùng của thanh thiếu niên thời đó đã mang lại cho tôi nhiều chất liệu để viết" - ông trải lòng.

Năm 1961, ông được điều về làm Bí thư Đoàn của Đoàn Văn công tỉnh Cà Mau. Ông thừa nhận đây là giai đoạn sung sức nhất để đắm chìm trong sáng tác.

Vĩnh biệt soạn giả Trọng Nguyễn: Dân tộc còn, cải lương không chết - Ảnh 1.

Soạn giả Trọng Nguyễn

Đến 10 năm sau, ông được tín nhiệm giữ chức bí thư chi bộ, chính trị viên Đoàn Văn công khu Tây Nam Bộ. Từ đó về sau, ông lần lượt giữ các nhiệm vụ như: Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Bạc Liêu, Ủy viên Ban Chấp hành Hội Sân khấu Việt Nam, Liên Chi hội trưởng Chi hội Sân khấu Việt Nam, ĐBSCL. Tác giả Lê Duy Hạnh khi nói về soạn giả Trọng Nguyễn đã khâm phục tinh thần lao động nghệ thuật rất sắc bén, bền bỉ. "Những bản ca cổ như: "Chợ Mới", "Quê anh quê em", "Giọt sữa cuối cùng", "Bên sông Vàm Cỏ", "Đôi mắt"… được khán thính giả khắp nơi mến mộ. Các sáng tác của ông sau khi tách khỏi giai điệu, mỗi bài ca trở thành một tác phẩm văn học. Trong đó có hình tượng nghệ thuật với lối văn kể chuyện, đối thoại rất cụ thể, sống động và chưa bao giờ hình tượng ấy bị vụn vặt, kể lể. Chính sự cô đọng của bài ca cổ và kịch bản cải lương mang chất văn học đã làm nên tên tuổi của Trọng Nguyễn" - tác giả Lê Duy Hạnh nói.

Cải lương là máu thịt

Có lần tôi thắc mắc về bút danh của ông, vì sao không lấy đúng tên Nguyễn Phú Xuân, mà lại là Trọng Nguyễn. Ông lý giải chữ Nguyễn tất nhiên là họ, còn chữ Trọng, với dân Nam Bộ thì trọng tình, trọng nghĩa và trọng chữ tín. Do vậy, khi đã thành danh, ông ít nhận lời viết theo đơn đặt hàng, cho dù được trả cát-sê cao đến mấy.

Ông cùng với soạn giả Viễn Châu, Yên Lang, Kiên Giang, Quy Sắc, Mộc Linh, Hoàng Khâm…là những tên tuổi sáng tác với nguyên tắc quan sát cuộc sống, tìm ý tứ cho bài ca. Có nhiều bài ca cổ ông phải mất khá lâu mới đủ tứ để viết. Mỗi lần nghe câu vọng cổ: "Anh xin kể đây, chuyện quê anh đánh tàu binh bằng xuồng câu và ghe biển. Giữa sóng gió mênh mông với tấm lòng yêu nhà thương xóm, nghe khóe mắt cay cay mỗi khi người thân vĩnh biệt sau trận pháo nổ bom gầm. Sóng gió trùng dương còn thua xa từng đợt sóng ngầm đang ngùn ngụt trong lòng người trai quê biển, từ kinh Mười Bảy, Năm Căn đến Rạch Gốc, Viên An…" là tôi lại thấm sự bi tráng, tự hào của cuộc đời những con người Nam Bộ bám đất, giữ làng cho đến hơi thở cuối cùng.

Nghe những sáng tác của ông, thế hệ hôm nay và mãi mãi về sau luôn cảm thấy tự hào trước giá trị của hòa bình, độc lập. Giữa xu thế hiện nay khi giới trẻ có quá nhiều lựa chọn gu thẩm mỹ, giải trí, nghệ thuật cải lương, theo ông, phải tìm cách chinh phục tuổi trẻ bằng chính hơi thở cuộc sống. Ông nói: "Cải lương 100 tuổi rồi còn gì. Dân tộc còn, cải lương không chết. Muốn trẻ hóa đúng với câu "cải cách hát ca theo tiến bộ, lương truyền tuồng tích sánh văn minh" thì phải đi từ nhịp sống của tuổi trẻ. Làm cho tuổi trẻ xa rời nó là mình có lỗi".

Trong tôi còn vang mãi những lời ca trong các tác phẩm sân khấu bất hủ của ông như: "Rừng thần", "Giọt máu oan cừu", "Bóng biển"… Ngòi bút của ông không mất đi, vẫn đồng hành cùng thế hệ sáng tác trẻ, để hướng đến trái tim yêu chuộng hòa bình, dốc sức bảo vệ gấm vóc giang sơn và xây dựng sự phồn vinh tươi đẹp.

Ông đã về với đất mẹ, mãi mãi lưu dấu trong ký ức người mộ điệu tình cảm của người con Bạc Liêu dâng trọn cho nghệ thuật cải lương. 

 

Với kịch bản cải lương, ông không chạy theo sự ca ngợi sáo rỗng, khoa trương mà đi vào chiều sâu tâm lý của các nhân vật cần tôn vinh. Ông vẫn thường nói khi ca ngợi những chiến công, phải luôn thấu hiểu. Không cường điệu thì điều vinh quang đó mới đi vào cảm nhận người xem, tìm được sự đồng thuận sâu sắc.

 

Danh sĩ đất Bạc Liêu

NSND Ngọc Giàu nhớ lại: "Tại hội thảo 90 năm ra đời bản "Dạ cổ hoài lang", tôi gặp ông và hỏi vì sao ông sinh trưởng ở Cà Mau mà lại nặng lòng với Bạc Liêu. Ông cười và nói đất Bạc Liêu cho ông nhiều chất liệu để sáng tác, để chiêm nghiệm nên ông viết nhiều bài ca cổ về Bạc Liêu và được bà con khán giả thương mến. Ông chọn đất sản sinh bài "Dạ cổ hoài lang" để làm chủ đề chính cho sáng tác, những mong góp phần giáo dục tuổi trẻ đồng bằng phải trân quý nghệ thuật đờn ca tài tử Nam Bộ. Đất Bạc Liêu đã nuôi dưỡng, chắp cánh cho ông thì ông có trách nhiệm đáp lại bằng những sáng tác ca ngợi quê hương của bài vọng cổ và chiếc nôi của sân khấu cải lương Nam Bộ".

 

Bài và ảnh: Thanh Hiệp
 

Cha đẻ vở "Giọt máu oan cừu" qua đời


Soạn giả Trọng Nguyễn, cha đẻ của tác phẩm sân khấu "Giọt máu oan cừu", đã trút hơi thở cuối cùng lúc 10 giờ ngày 25-1, hưởng thọ 81 tuổi.

Theo gia đình soạn giả Trọng Nguyễn, cách đây một tháng, ông bị té ngã và gãy chân phải. Sau khi lên Bệnh viện Chợ Rẫy điều trị, tình trạng sức khỏe ổn định nên ông về Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bạc Liêu tiếp tục điều trị căn bệnh viêm phổi. 

Dù được đội ngũ y bác sĩ giỏi của tỉnh nhà tận tình cứu chữa nhưng soạn giả Trọng Nguyễn đã qua đời trong niềm thương xót của đông đảo nghệ sĩ sân khấu và những người yêu văn học nghệ thuật ĐBSCL.

Soạn giả Trọng Nguyễn tên thật là Nguyễn Phú Xuân, sinh năm 1938 tại xã Quách Phẩm, huyện Đầm Dơi, tỉnh Cà Mau. Ông còn có các bút danh khác như: Dương Nghĩa Trần, Khắc Tâm, Bùi Công Sắc.

Từ thuở còn đi học Trường Trung học Thái Văn Lung, soạn giả Trọng Nguyễn đã được học nhạc với nhạc sĩ Trương Bỉnh Tòng và Hoàng Mãnh.

Năm 1954, khi mới 16 tuổi, ông đã thoát ly gia đình đi theo cách mạng, được tổ chức phân công lần lượt qua các nhiệm vụ, như tổ trưởng tổ giao liên, phân đoàn trưởng thanh niên lao động, tổ trưởng trong lực lượng vũ trang tỉnh Cà Mau.

Năm 1961, soạn giả Trọng Nguyễn được điều về giữ chức Bí thư Đoàn của Đoàn Văn Công tỉnh Cà Mau. Đây là thời gian ông phát triển tài năng của mình với nhiều sáng tác tạo dấu ấn đậm nét đối với văn học nghệ thuật ĐBSCL.

Cha đẻ vở Giọt máu oan cừu qua đời - Ảnh 2.

Soạn giả Trọng Nguyễn, Viễn Châu và NSND Út Trà Ôn là những tên tuổi lưu danh trong làng cổ nhạc Việt Nam

Năm 1972, ông được tín nhiệm làm Bí thư chi bộ, chính tri viên Đoàn Văn Công Khu Tây Nam Bộ. Từ đó, ông lần lược giữ các chức vụ như: Chủ tịch Hội VHNT tỉnh Bạc Liêu, Ủy viên Ban Chấp hành Hội Sân khấu Việt Nam, Liên Chi Hội trưởng Chi Hội Sân khấu Việt Nam - ĐBSCL.

Từ năm 2002, soạn giả Trọng Nguyễn nghỉ hưu nhưng vẫn miệt mài sáng tác và tham gia ban giám khảo các hội thi sáng tác bài ca cổ, cải lương và các hội thi phát hiện tài năng trẻ của nghệ thuật sân khấu.

Cuộc đời nghệ thuật của ông bắt đầu từ sáng tác thơ những năm 1950. Tuy nhiên, công chúng biết nhiều đến nghệ danh Trọng Nguyễn qua những bài ca vọng cổ, kịch bản cải lương và một số bài tân nhạc.

 
Cha đẻ vở Giọt máu oan cừu qua đời - Ảnh 3.

Soạn giả Trọng Nguyễn và GSTS Trần Văn Khê tại Hội thảo về Đờn ca tài tử Nam Bộ

Gia tài ông để lại cho đời gồm 19 kịch bản cải lương, hơn 200 bài ca vọng cổ, nổi bật có các tác phẩm như: Giọt máu oan cừu, Bóng biển, Rừng thần; Ơn Đảng, Bạc Liêu ngày ấy, Chợ Mới, Giọt sữa cuối cùng, Đôi mắt, Quê anh quê em,...

Soạn giả Trọng Nguyễn được người dân tỉnh Bạc Liêu và nhiều nơi quý mến. Qua những sáng tác của ông, người dân cả nước và kiều bào xa xứ đều cảm thấy gần gũi, thân thương khi nghĩ về miền đất được xem là chiếc nôi của nghệ thuật cải lương.

Tin - ảnh: Thanh Hiệp

 
Soạn giả Trọng Nguyễn, danh tài vọng cổ đất Bạc Liêu 

Trong một đêm buồn của mấy mươi năm về trước, tại Bạc Liêu, nhạc sĩ Cao Văn Lầu vì khóc thương cho tình duyên trắc trở của chính mình mà sáng tác bài “Dạ cổ hoài lang” tiền thân của bản vọng cổ ngày nay... 

Rồi mấy mươi năm sau cũng tại Bạc Liêu có một nghệ sĩ đã gắn bó đời mình với cải lương Nam Bộ, ông được đồng nghiệp và khán giả mộ điệu phong tặng cho một cái tên trìu mến là “ông vua vọng cổ”- người nghệ sĩ ấy là soạn giả Trọng Nguyễn, tức Tám Nguyễn. 

Sinh năm 1938, trong gia đình có 6 người con nhưng không có truyền thống nghệ thuật, soạn giả Trọng Nguyễn (tên thật là Nguyễn Phú Xuân) đã đến với nghệ thuật đờn ca tài tử bằng con tim của người con vùng sông nước vốn đã mến yêu những câu vọng của từ thuở mới lọt lòng. Nơi ông chào đời là đồng Bìm bịp, xã Quách Phẩm, huyện Đầm Dơi, tỉnh Cà Mau (Minh Hải cũ). Ông từng là diễn viên của đoàn Văn Công khu Tây Nam Bộ rồi đoàn Văn Công tỉnh Minh Hải. Năm 1960, ông bắt đầu sáng tác với những vở cải lương đầu đời. Trong số hơn 20 vở cải lương của ông được khán giả mộ điệu nhớ nhất là vở: “Giọt máu oan cừu”, “Bóng biển”, “Rừng thần”, “Hãy tha lỗi cho em”... ông viết nhiều về cuộc chiến đấu giữ nước hôm qua và xây dựng Tổ quốc hôm nay, những lời ca của ông thật giản dị và chân tình có sức lay động lòng người, vì ông không chỉ dừng lại ở cái tình, cái trung chung chung mà ông đã đi vào cái nghĩa, cái thực của cuộc sống . 

Soạn giả Trọng Nguyễn viết rất nhiều, từ đề tài tâm lý xã hội cho đến đề tài truyền thống cách mạng, nhưng đặc biệt khi ông viết về đề tài cách mạng ca từ trong các tác phẩm lại dào dạt chất thơ, qua đó Trọng Nguyễn đã xây dựng một tình yêu mang lý tưởng cao đẹp, một tinh thần lãng mạn cách mạng của các chàng trai cô gái ở vùng đất tận cùng của Tổ Quốc sinh ra trong buổi loạn ly, họ đã đặt tình yêu đất nước lên trên tình yêu đôi lứa “quyết tử cho Tổ Quốc quyết sinh” và mỗi lời ca của ông như là giọt mật rót vào lòng người. Bây giờ nhìn lại hơn 40 năm sáng tác, ông chỉ tâm đắc nhất là ở mỗi đề tài mình sống hết mình với nó, khán giả nghe có chút gì của người ta trong tác phẩm của mình. 

Ngoài 20 vở cải lương, ông còn có hơn 200 bài vọng cổ. Trong sáng tác, Trọng Nguyễn quan niệm: mỗi bài vọng cổ đều có vài chi tiết đắt giá, nó như là nhụy hoa thơm mà khi chạm vào sẽ tỏa hương ngào ngạt, như: “Mẹ ơi, con chưa về thăm Rạch Cát, chưa qua đám lá tối trời nơi thằng Út trú quân, để gặp con chim sáo con bảo nó về với mẹ, cho gánh cô đơn vơi nhẹ ở bờ vai” hoặc “cất nước từng lon đói ăn trái mắm mà chẳng một ngày chịu rời bỏ nơi này” hay “trăng trắng bờ sông con nước ròng bịn rịn, đợi trăng tàn gọi nước lớn vào sông, nói đi em sao nửa chừng nín lặng, hay em bịn rịn như con nước ròng trong buổi tiễn đưa”... Nhìn tượng nàng Tô thị bị sụp nát vụn dưới chân núi, ông viết: “Ai đã vô tâm bứng nàng ra khỏi vùng núi đợi, cho câu hát gầy mòn bên tượng đá ôm con”. 

Thấp thoáng trong các tác phẩm của ông có bóng dáng của Trọng Nguyễn với một thời trai trẻ đã từng tham gia cuộc chiến đấu đầy ý nghĩa. Điều đó, đã trở thành tự nhiên như chính phong cách sống và trong mỗi lời ca của ông. Tuy ông làm quen với các vở cải lương trước khi viết các bài ca lẻ nhưng số đông khán giả nhớ nhiều đến ông qua những bài ca như: “Quê anh quê em”, “Mỹ Tho mùa Trăng bến hẹn”, “Đò chiều Tô Châu”, “Bên sông Vàm Cỏ”…được ông viết bằng một bút lực khỏe khoắn mang sức sống mãnh liệt và sức lan tỏa sâu rộng. Nhiều nghệ sĩ tâm sự, khi hát những của Trọng Nguyễn như có sự ăn ý giữa tác giả và diễn viên nên bài hát diễn rất nhanh. Có lẽ, hơn ai hết các nghệ sĩ cải lương - người luôn gắn bó với ca khúc vở viễn của ông là thấu hiểu ông nhất, nghệ sĩ Thanh Kim Huệ đã từng tâm sự: “Soạn giả Trọng Nguyễn xây dựng bài hát rất có hồn và nội dung súc tích, khi trình bày người nghệ sĩ dễ dàng thể hiện tình cảm mình vào bài hát”. 

Một trong những bài vọng cổ rất đặc biệt của Trọng Nguyễn có thể kể đến là bài “Ơn Đảng”, viết về thể loại truyền thống nhưng ca từ mượt mà, ý tứ thâm sâu. Chỉ vỏn vẹn chỉ 6 câu vọng cổ, ông đã khắc họa hình tượng người mẹ Việt Nam rất gần gũi với những nét khái quát mà không phải người cầm bút nào cũng có thể viết được chứ chưa nói đến viết thành công thể lọai này. Nghệ sĩ Hoài Thanh – người thể hiện khá thành công bài này, tâm sự: “khi hát bài “Ơn Đảng” nếu không kìm nén sẽ dễ dàng bật khóc”. Trong một dịp về lại Bạc Liêu, ông đã kể cho chúng tôi nghe trong số những bài vọng cổ của ông có một bài mà ông rất ấn tượng, đó là câu chuyện về người mẹ anh hùng – liệt sĩ Nguyễn Thị Tư, một câu chuyện cảm động mà chúng tôi không kìm được xúc động khi được nghe một giọng ca nghiệp dư biễu diễn ngay tại ngôi nhà chị Mỹ Linh, bằng chính giọng ca của chị - đứa con thơ tội nghiệp của liệt sĩ Nguyễn Thị Tư, người đã chứng kiến cái chết anh hùng của mẹ mình năm xưa. 

Hiện tại, soạn giả Trọng Nguyễn là Ủy viên của Ban Chấp hành Hội Nghệ sĩ Sân Khấu Việt Nam, Chi hội trưởng Liên chi Hội Sân Khấu Đồng Bằng sông Cửu Long, tuy giữ nhiều trọng trách quan trọng nhưng vốn dĩ là một người nghệ sĩ, nên nhiều đồng nghiệp nhận xét Trọng Nguyễn là người sống rất chí tình và giản dị... Vốn là người gắn bó với nhiều vở cải lương của soan giả Trong Nguyễn, nghệ sĩ Minh Vương thường nói về ông với bằng tất cả sự quí mến: “Trọng Nguyễn là người tài hoa và rất quý trọng văn nghệ sĩ”. Với một gia tài đồ sộ gồm hơn 20 vở cải lương và hơn 200 bài ca lẻ, nhưng đỉnh cao nghệ thuật của soạn giả Trọng Nguyễn vẫn còn ở phía trước. Hy vọng là ông sẽ có thêm nhiều tác phẩm hay công hiến cho cải lương của vùng quê sông nước Nam bộ này… 

Công Chương 

Nguồn tin: tcgd theo NLĐ - VNN

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Từ khóa:soạn giả, ngòi bút, sắc bén, ca ngợi, hiển hách, thời kỳ, kháng chiến, ra đi, của ông, thương tiếc, công chúng

Bình luận mới

Gửi bình luận của bạn

Tên của bạn Email Nội dung Mã an toàn

Theo dòng sự kiện

Xem tiếp...

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 

DUY TRÌ TRANG WEB CLVN