Bản Sắc Dân Tộc - cailuongvietnam.com

Tin Tức Đời Thường Nghệ Sĩ

DUY TRÌ TRANG WEB CLVN

Vua không ngai(Thành Được) tài hoa cở nào?

Thứ bảy - 10/08/2013 00:17

Vua không ngai(Thành Được) tài hoa cở nào?

Từ đó báo chí Sài Gòn chìu y’ anh Út Trà Ôn, toàn đăng tải những trận đấu bi-da sôi nổi của anh, thổi anh lên chín từng mây: “người Việt Nam duy nhất sắp đoạt giải bi-da quốc tế”. Có ai tổ chức giải bi-da quốc tế đâu! Đọc báo thấy đăng tin nói về mình “sắp đoạt giải quốc tế”, đi đâu anh Út cũng nhắc nhở với bà con rằng: “Nếu đoạt giải, chắc tôi giải nghệ Cải Lương, thụt bi-da mau làm giàu hơn”. Sự thực thì anh Út thua xiểng niểng, thua sạch túi. Bao nhiêu tiền ky’ giao kèo hát xướng, anh Út trịnh trọng nướng “đẹp” trong bàn bi-da. Anh Út trợn mắt, đổ mồ hôi hột tập trung tinh thần nguyên buổi chiều mới có thể “đi” một vài cơ từ 10 đến 20 điểm. Đối thủ anh Út, nhân viên nhắc tuồng chuyên nghiệp, tên là Thanh Trúc, tà tà vừa đánh vừa “thả”, đi một cơ từ 150 điểm trở lên. Càng thua càng tự ái nên càng muốn gỡ. Thanh Trúc bắt đúng mạch anh Út, tay đánh miệng cứ nhẹ nhàng chọc quê. Người thụt bi-da khi cảm thấy “quê cơ”, mất bình tĩnh, chơi mất “hứng”, nên sẽ từ thua tới chí thua.

Anh Hai chơi trội hơn anh Út Trà Ôn. Bi, cây cơ, túi “dết” đựng “đồ nghề” bi-da đều gởi mua thẳng từ bên Pháp. Mỗi khi anh Hai nhập trận đánh, từ đối thủ, người đánh cá, đến kẻ thua hết tiền đứng chầu rìa nhìn người ta sát phạt “rửa mắt” cho đỡ cơn ghiền, vô luận bao nhiêu số “khách tài tử” có mặt, cứ ăn hủ tiếu, cứ kêu cà phê thả giàn, anh Hai bao hết. Chỉ tuân theo một điều kiện là, mỗi khi anh Hai “canh” trật đường bi, người đứng ngoài hò hét ủng hộ tinh thần bằng cách: “Chà, bi kẹt mà anh Hai dám đánh tứ băng, đẹp thật”. Đẹp thì đẹp, nhưng có trúng trái bi nào đâu? Anh Hai “xách xe không” chạy mút mùa. Sức đánh, cho dù “hên cơ” đi một cơ khoảng 15 điểm là cùng. Đối thủ “chấp” hai bi đánh đồng điểm, anh Hai tự ái gạt phăng: “Thua thì chua! Tôi không thích chơi chấp”. Anh Hai thua bi-da từ năm 1960 đến năm 1975, ròng rã 15 năm, tiền cúng “cô hồn” nuôi chủ bàn bi-da, tiền đánh độ tính sổ lên đến nhiều triệu bạc.

Thua cầm canh, thua triền miên nên cương quyết gỡ. Tương tợ như anh Út Trà Ôn, càng quyết chí gỡ càng thua banh sự nghiệp. Một đối thủ nào đã ăn anh, “trên cơ” anh, anh chỉ dốc tâm gỡ với người đó, trận giao đấu kép dài năm mười năm, có thể kéo dài bất tận, có thể bán nhà bán xe cộ. Cả đời anh, anh không đánh bi-da với một người thứ hai, nếu anh chưa phục hận xong với người thứ nhất. Vì lẽ đó anh thua cơ chỉ có một người. Hàng ngày chìm đắm vào bàn bi-da 9, 10 tiếng đồng hồ để phục thù, để gỡ lại tự ái dựa trên một cuộc chơi không phải hơn thua về tiền bạc mà để trang trải một lối đam mê không có ngày giờ chợt tỉnh.

Cờ tướng, môn giải trí nát óc. Anh Hai mê cờ tướng bỏ ăn bỏ ngủ. Điểm đặc biệt, anh không đấu trí cờ tướng với một ai khác, ngoài ông Tư Hiếu, quản ly’ đoàn Tiếng Hát Dân Tộc. Đoàn hát vãn trước 1 giờ khuya, giờ giới nghiêm và thiết quân luật. Anh không về nhà nghỉ ngơi, ôm bàn cờ tướng ra quán cà phê rạp Quốc Thanh cùng với ông Tư Hiếu thức trắng đêm ngồi nghiền ngẫm những nước cờ lên Chốt, qua Pháo, nhích Xe, ra Tượng, chống Sĩ, v.v. Đụng thế cờ bí, thì anh đứng dậy thọt tay vô túi quần đi vòng tròn quanh bàn cờ độ 15, 20 phút để suy nghĩ, tìm cách phá vòng vây của đối phương. Hai người ngồi bàn cờ tướng có khi ba ngày ba đêm không chợp mắt, không thay quần áo và dĩ nhiên dẹp luôn giờ giấc tập tuồng, hát hò trình diễn văn nghệ. Những nhân chứng từng là quan sát viên cả ngàn cuộc chiến đấu cờ tướng giữa ông Tư Hiếu và anh Hai trên 11 năm thuật lại, mỗi ván cờ anh Hai thua từ năm chục ngàn trở lên. Thua xanh da người, thua chảy nước mắt.

Ông Tư Hiếu thương hại, thành thật khuyên anh Hai đừng đấu cờ với ông nữa. Anh Hai ấm ức, đưa ra lập luận rằng: “Anh phải chơi tiếp với tôi. Mà tôi chỉ chơi với anh thôi. Phải cho tôi gỡ. Không cho tôi gỡ, tức quá chắc tôi chết mất”. Ông Tư Hiếu “ngồi đồng” chìu anh Hai hết tháng nầy đến năm nọ. Nước cờ anh Hai tầm thường, phản pháo chẵn 11 năm nhưng chưa thắng ông Tư Hiếu quá 7 lần. Năm 1973, viên quản l‎y’ đoàn hát với số lương khiêm nhượng đủ nuôi 1 vợ 9 đứa con là giỏi lắm, tự dưng cả gan bỏ ra 4 triệu bạc mua một căn nhà hai tầng lầu ở đường Nguyễn Thông. Ông Tư Hiếu tâm sự với những người bạn thân: “Tôi không bao giờ quên ơn anh Hai. Ngày nay tôi có nhà cửa, vợ con no đủ là nhờ anh Hai đánh cờ tướng với tôi 11 năm”.

Ở đời ai lại chẳng thích nhà cao cửa rộng, vợ đẹp con xinh. Ai lại chẳng thích sự nghiệp, công danh? Xã hội Việt Nam thời nào cũng thế, có rồi trong tay một sự nghiệp khấm khá, người ta nghĩ ngay đến việc “đi đứng” sao cho nó có vẻ “thượng lưu” xã hội … “kim tiền”. Hay nhất, hợp thời trang nhất không gì hơn là “đi” bằng xe hơi. Chiếc xe hơi vừa là phương tiện “thượng lưu” vừa là một “động sản” bề thế có tác dụng cấp thời xác nhận sở hữu chủ thuộc thành phần giàu có. Tâm ly’ chung chung, thích làm chủ một chiếc xe hơi, ấy cũng chỉ là chuyện thường tình. Trường hợp anh Hai trái ngược hẳn. Anh không thích xe hơi như để làm của, như làm phương tiện di chuyển hoặc chiều chiều lái Cadillac “hiệu Huê Kỳ” dạo phố “diễn binh” trước công chúng để đời ngắm ta, trầm trồ chiêm ngưỡng ta, v.v.

Anh mê chơi xe hơi như người ta mê chơi kiểng, sưu tầm hoa lạ. Xe hơi, dưới mắt anh Hai là một món đồ cổ thời thượng qu‎y’ giá cần bảo trì, chăm nom săn sóc, giữ gìn cẩn thận và thưởng thức nó. Nhưng anh giữ gìn được bao lâu? Chẳng có bao lâu. Do bản tánh thích tìm “của lạ”, chiếc xe hơi nhiều khi ở lại với anh có một ngày rồi chuyền sang tay người chủ khác. Trước đó khoảng 1, 2 giờ, anh lau chùi, đánh bóng, lấy mền trùm kín mít, không để trời mưa trời nắng “sờ mó” đến chiếc xe yêu quy’. Đến lúc thưởng thức, anh dành trọn buổi sáng đi vòng quanh chiếc xe, nhìn kiếng, nhìn mui, nhìn toàn diện “bóng dáng”. Mỗi vị trí, anh dừng tầm mắt thật lâu, năm mười phút quan sát, tìm tòi, chắt lưỡi hít hà, khen ngợi chiếc xe không tiếc lời. Vì chủ trương “chơi” xe chứ không “xài” xe, nên mua về để nằm ì trong ga-ra, để chiêm ngưỡng “dung nhan” nhiều hơn là lái ra đường.

Năm khi mười họa, chuyện rất cần, anh mới lái xe ra khỏi nhà, và mỗi lần như vậy anh có thái độ bực dọc, càu nhàu tại sao xe hơi cưng mà nỡ nào hành hạ nó, cưỡng bách nó chở người nặng nề, chạy trên những con đường nhựa nóng đổ lửa, đày đọa nó, tội nghiệp. Soạn giả Hoa Phượng lấy làm khó chịu, hỏi anh Hai:
- Vật phục vụ người, trường hợp anh, tôi lại thấy người nô lệ vật. Anh nghĩ có đúng không?
Anh Hai trả lời cộc cằn:
- Ê Hoa Phượng, mầy hỏi nghe lãng nhách. Người ta xài xe thì dụng cụ là phục vụ người. Còn tao, tao chơi xe, chẳng khác gì một môn giải trí, tao có quyền đam mê, có quyền phụng sự nó. Xe mua có hai ba triệu bạc trong khi tao xài cho bạn bè năm ba triệu bạc. Chứng tỏ tao không nô lệ đồng tiền, mầy thấy chớ?
- Thế sao anh lại đổi xe còn hơn người ta đổi một cái áo thun? Mỗi lần đổi xe mới, anh lỗ cả triệu đồng. Chiếc này vừa mua, chưa đầy hai ngày, anh bán tháo bán đổ, mua liền chiếc khác. Anh chơi một trò chơi hoang phí vô ích. Uổng lắm, anh Hai à.
Anh Hai l‎y’ luận một chiều:
- Trò chơi nào chẳng công phu, chẳng hao tiền tốn bạc? Tao chơi xe hơi, công phu vô cùng. Mầy chơi “tình ái” cũng công phu vô cùng. Lo phê bình tao, mầy dành năm phút tự phê mình mầy đi. Giữa tình ái và xe, trò chơi nào ít nguy hiểm, ít tốn kém hơn?

(TRẦN TRUNG QUÂN : HẬU TRƯÒNG SÂN KHẤU CẢI LƯƠNG)

Tác giả bài viết: keomienxa

Nguồn tin: suu tầm

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Bình luận mới

Gửi bình luận của bạn

Tên của bạn Email Nội dung Mã an toàn

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 

DUY TRÌ TRANG WEB CLVN