Bản Sắc Dân Tộc - cailuongvietnam.com

Tin Tức Hậu Trường Sân Khấu

DUY TRÌ TRANG WEB CLVN

Giai thoại về ‘sưu tầm đồ cổ’ cải lương

Thứ bảy - 08/06/2013 08:11

Giai thoại về ‘sưu tầm đồ cổ’ cải lương

Nhân buổi hát kỷ niệm 5 năm thành lập “Ðoàn Nghệ Thuật Sân Khấu Văn Lang”, được tổ chức vào Chủ Nhật ngày 23 Tháng Sáu, 2013 sắp tới đây tại Sài Gòn Performing Arts Center. Người ta nhớ lại những thất bại của cải lương trước đây, và nhờ đâu mà đoàn Văn Lang thành công?

?

Image
Kép chánh của đoàn nghệ thuật sân khấu Văn Lang, hai nghệ sĩ Tuấn Phong và Chi Phượng, trong buổi lễ phát giải Phụng Hoàng 2001. Bên trái là Thiếu Tướng Trần Văn Nhựt. (Hình: Hội cổ nhạc cung cấp)

Muốn nắm vững được vấn đề, phải ngược thời gian trở lại khoảng 8, 9 năm về trước, lúc có phong trào nghệ sĩ tên tuổi nổi tiếng trước 1975 ra hải ngoại tham gia nhiều sô hát, mà giờ đây nhắc lại ai cũng cười.

Thật vậy, có một dạo cải lương ở hải ngoại vùng lên thấy rõ, đến nỗi báo chí trong nước cũng nói đến khá nhiều. Tờ sân khấu có bài viết “Muốn coi kịch về Việt Nam, coi cải lương sang Mỹ”. Như thế đủ cho người ta mường tượng được rằng cải lương ở hải ngoại đã có lúc vươn cao đến bực nào.

Lúc bấy giờ tự nhiên nhà tổ chức (tức bầu sô) mọc ra như nấm, có những tay mà xưa giờ chưa biết gì hết về hoạt động cải lương, cũng nhảy ra làm bầu sô, và không biết bắt mạch từ đâu, lại bay về Việt Nam tìm kiếm các nghệ sĩ tên tuổi thời kỳ trước 1975, từng là thần tượng của khán giả cải lương, rồi lo thủ tục giấy tờ đưa họ đi Mỹ du lịch khỏi mất tiền, mà lại còn cho thêm đôla bỏ túi.

Có điều xin nói thêm là lúc đó báo chí đề cập nghệ sĩ trước 1975 khá nhiều, có tờ báo gọi việc về Việt Nam tìm mời nghệ sĩ nổi danh trước 1975 là đi “sưu tầm đồ cổ”. Cũng như vài tờ báo ở miền Bắc Cali đã dùng từ ngữ “quá đát” để nói những nghệ sĩ luống tuổi.

Do bởi ái mộ thần tượng cải lương năm xưa, nên mấy sô hát đầu rất đông khán giả, dù giá vé khá cao. Bầu sô lời khẩm! Thừa thắng xông lên, các bầu sô nhà ta tiếp tục về Việt Nam “sưu tầm đồ cổ”. Các nghệ sĩ “quá đát”, đã bị khán giả trong nước cho lui về vườn từ lâu rồi, kẻ thì chạy xe ôm kiếm sống, người thì bán cà phê sống đấp đổi qua ngày. Ðào Ngọc Giàu (giải Thanh Tâm 1960) về mở quán cà phê ở Thủ Thiêm phía bên kia sông Sài Gòn. Kép Thanh Sang (giải Thanh Tâm 1964) thì cũng bán cà phê ở gần đường Cường Ðể. Tóm lại dù là nghệ sĩ tên tuổi cũng đã nghỉ hát lâu ngày, cuộc sống chật vật, thiếu thốn. Bỗng nhiên bầu sô hải ngoại mang “linh dược” về, đã làm cho giới này xôn xao một dạo.
Và cũng do đồ cổ trong nước còn có giá, nên đồ cổ hải ngoại cũng được ăn theo. Lúc ấy khán giả cải lương ùn ùn đi coi, đào kép “quá đát” lên hương hí hửng, tưởng rằng ta đây trở lại thời kỳ vàng son.

Thế nhưng, những người am tường về cải lương thì họ thở dài chán nản, nói rằng: Cải lương đã đến hồi mạt vận rồi chăng, mà nhìn lên sân khấu thì thấy toàn diễn viên ông già bà lão. Ngó xuống khán giả thì cũng thấy ông lão bà già! Một ngày kia hai thành phần này đi tàu suốt thì cải lương còn ai hát, còn ai coi?

Lời nhận định trên thật chí lý, bởi độ chừng hơn một năm thì việc “khai thác đồ cổ” đã không còn kiếm ăn được nữa, bầu sô bắt đầu chịu lỗ lã. Có gì đâu, dễ hiểu quá, các nghệ sĩ tên tuổi ngày xưa, sau mấy chục năm họ đã già đi rồi, thì hơi hám đâu nữa mà ca vọng cổ, đi đứng còn không vững thì diễn thế nào chớ! Lại nữa họ ra đây đâu có tuồng tích gì để diễn, mà chỉ hát lại một vai trò nào đó trong các tuồng xưa, khi họ còn trẻ. Rồi giờ đây với con người “quá đát” rồi thì đâu còn thích hợp với vai trò đó nữa. Thí dụ như một đào hát đến tuổi 65, tức cái tuổi mà ở Mỹ được ăn tiền già, mà lên sân khấu làm Kiều Nguyệt Nga. Cụ Ðồ Chiểu mà sống lại chắc phải khóc ròng!

Do vậy mà mấy sô hát sau khán giả thờ ơ, bán vé ế quá, bầu sô lỗ nặng, mấy bầu biết khôn ngừng lại ngay thì lỗ ít. Còn mấy tay “chưa thấy quan tài chưa đổ lệ” cứ tiếp tục lao vào món đồ cổ, thì sau đó mất trắng, đổ nợ, có tay bay mất tiệm băng nhạc cũng do làm bầu sô. Cải lương như quả bóng bị xì hơi, xẹp rất nhanh, vắng bặt luôn một thời gian dài.

Thế nhưng, đến khoảng 2007, 2008 thì có một đoàn hát trẻ trung được hình thành: Ðoàn nghệ thuật Văn Lang, với thành phần nghệ sĩ là các thí sinh từng trúng giải Phụng Hoàng của những năm qua, đã tập trung dưới cờ Văn Lang rất nhiều, và đoàn này được kể như thành công, sống đến ngày nay ăn mừng kỷ niệm 5 năm thành lập.

Ngành Mai

Tác giả bài viết: phuongdiep

Nguồn tin: NV

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Bình luận mới

Gửi bình luận của bạn

Tên của bạn Email Nội dung Mã an toàn

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 

DUY TRÌ TRANG WEB CLVN