Bản Sắc Dân Tộc - cailuongvietnam.com

Tin Tức Hậu Trường Sân Khấu

DUY TRÌ TRANG WEB CLVN

NỮ NS BÍCH SƠN MỪNG CHÚA GIÁNG SINH NGOÀI CỒN PHỤNG

Thứ năm - 24/12/2015 05:30

Nhà thờ Mỹ Tho

CLVNCOM - Nhắc đến Cồn Phụng, nhiều người liên tưởng đến Ông Đạo Dừa Nguyễn Thành Nam. Năm 1963, ông Nguyễn Thành Nam đến Cồn Phụng thuộc xã Tân Thạch, huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre dựng chùa Nam Quốc Phật, lập ra đạo Dừa, tuyên bố theo ba tôn giáo là Nho, Phật, Lão.
Cồn Phụng là một trong bốn cồn nằm trên đoạn sông MỹTho, được đặt theo quan niệm Tứ Linh, mang điềm lành hạnh phúc : Long, Lân, Quy, Phụng. Cồn Rồng là « long », cồn Thới Sơn là « lân », cồn Biện Quy là « Quy », cồn Tân Vinh là « Phụng » tức cồn Phụng.

.

Image


Chuyện nữ nghệ sĩ Bích Sơn mừng Chúa Giáng sinh ngoài Cồn Phụng là một kỷ niệm nhớ đời xảy ra trên sông Mỹtho, ngang mũi Cồn Phụng.
Đêm 24 tháng 12 năm 1965 là đêm cuối của đoàn Thanh Minh Thanh Nga hát ở rạp Lạc Thành tỉnh Bến Tre. Điểm diễn kế tiếp là rạp Viễn Trường tỉnh Mỹtho. Trừ nữ nghệ sĩ Bích Sơn, cháu của nữ nghệ sĩ Bích Thuận là người có đạo Chúa, còn đại đa số nghệ sĩ trong đoàn đều thờ cúng ông bà và thờ Tổ nghiệp sân khấu nên ngày Noel, chúng tôi mừng lễ Chúa Giáng Sinh theo cách thức của chúng tôi.


Khi được hỏi về lễ Noel,cô Bích Sơn nói : « Người có đạo mừng lễ Chúa Giáng Sinh, trong nhà có dựng hang đá Bê Lem, máng cỏ, có Chúa Hài Đồng, đức Mẹ Maria,Các Thiên Thần, ba vua, có treo đèn ngôi sao trước nhà. Đến đêm lễ, họ đến nhà thờ, nghe đức Cha giảng đạo, họ rước lễ Thánh, cầu nguyện, thắp nến, cùng hát bài Đêm Giáng Sinh huyền dịệu và lắng nghe tiếng chuông nhà thờ gióng giả lúc nữa đêm báo tin mừng Chúa ra đời, họ rước kiệu Chúa Hài Đồng từ hang đá Bê Lem vào nhà thờ, sau đó họ chúc cho nhau Giáng Sinh được đầy ân phước thiêng liêng rồi chia tay về nhà dự tiệc nửa đêm.»

Tôi nói : « Đối với nghệ sĩ và một số người ngoại đạo, lễ Giáng Sinh trở thành một lễ của gia đình, không mang nặng tính tôn giáo, không phải đi nhà thờ nghe giảng đạo, rước thánh lễ. Nghệ sĩ mừng lễ Chúa Giáng Sinh, thường là tổ chức một tiệc nửa đêm, tiệc réveillon, đó là một cái  mode thời thượng, một dịp hợp pháp và hợp lý để các nghệ sĩ tổ chức ăn nhậu linh đình lúc giữa khuya mà người khác không phê phán, và cũng là một dịp để nghệ sĩ tụ tập quanh cây Noel, mở quà và tặng quà cho nhau, chúc nhau đêm Noel được nhiều may mắn rồi tổ chức khiêu vũ suốt đêm.»  
Các rạp hát thường được xây cất gần các ngôi chợ, dọc đường lớn có nhiều cửa hàng mua bán, gần trường học, đình, chùa nhưng rất xa các xóm đạo, những vùng có nhà thờ Thiên Chúa nên khán giả ái mộ cải lương đa số là người ngoại đạo. Ít có giáo dân ngoan đạo mà lại thích xem hát cải lương. Những dịp lễ lớn của đạo Thiên Chúa nhất là ngày lễ mừng Chúa Giáng Sinh, dân chúng đi ngoài đường thật đông, họ đến nhà thờ, nơi có treo nhiều lồng đèn sáng rực cả một vùng, dân xem hang đá Bê Lem, máng cỏ có hình đức Hài đồng, Mẹ Maria, Ba vua, hình Thiên thần, mục đồng…v…v…hoặc dân chúng dạo chơi nơi các phố xá, tiệm quán bán quà Noel, đèn lồng, đèn ngôi sao hoặc ăn kem, vui chơi hơn là chịu ngồi bó gối trong rạp hát cải lương. Vì vậy các đoàn hát cải lương thường ế khách trong đêm lễ Noel.

Đến bốn giờ chiều, khi thấy vé hát bán ra không được nhiều, bà Bầu Thơ quyết định nghỉ hát, đoàn trả vé và hoàn tiền cho khán giả nào đã mua vé. Bà Bầu, cô Thanh Nga và một số nghệ sĩ qua Mỹ Tho trước vì ông Quản Lý đã mướn sẵn nhiều phòng ở khách sạn Bumgalow ngay gốc ngả ba sông Mekong và rạch Bảo Định.
Nghệ sĩ Hữu Phước rủ Kim Quang, Minh Điển, Phương Ánh, Ngọc Giàu, BÍch Sơn, Nguyễn Phương qua sau vì chúng tôi cần đi chợ mua thức ăn để tổ chức tiệc nửa đêm ngay tại phòng dành cho chúng tôi ở khách sạn bên Mỹ Tho. Chúng tôi hùn tiền lại, hai cô Phương Ánh và Ngọc GIàu đi chợ, mua bốn con gà quay, thịt nguội, pâté, saucisse, củ cải trắng, tomate, 8 ổ bánh mì lớn, hai hộp bánh Buche Noel có trang trí hoa bằng chocolat và chữ Merry Christmas. Hữu Phước mua hai chai rượu chát. Tôi cũng mua hai chai rượu chát vì nhóm chúng tôi mười người, hai chai rượu chát của Hữu Phước không đủ trợ hứng cho cả đám đồ đệ lưu linh nầy. Kim Quang mua thêm một lít rượu đế. Ngoài ra mỗi người chúng tôi mua một món quà, để khi sắp dự tiệc, bắt thăm xem ai sẽ được nhận quà nào của người khác trong nhóm của chúng tôi.



Image


Bích Sơn nói :« Chúng mình qua Mỹtho sớm, em muốn đi nhà thờ MỹTho rước lễ rồi mới trở về phòng của em. Vậy các anh cứ ăn tiệc Noel trước, khỏi chờ. Em về lúc nào thì đến dự tiệc vui với các anh chị là được rồi.»
Hữu Phước :« Anh Hai tài xế của tôi cũng có đạo, anh xin phép đi nhà thờ, để tôi biểu anh Hai lái xe đưa Bích Sơn đi nhà thờ, rước lễ xong, anh Hai sẽ đưa Bích Sơn về, cuộc tiệc nửa đêm chắc chưa xong, tôi để dành phần cho Bích Sơn và anh Hai. Bây giờ Bích Sơn, Phương Ánh, Ngọc Giàu đi chung xe với tôi, Anh Nguyễn Phương, Minh Điển, Kim Quang bao xe lôi đi nhe!»
Kim Quang : « Khỏi nói! Biết ngay mà! Có xe hơi thì chở đào đi, còn tụi đực rựa nầy thì cho đi xe lôi, chạy theo xe hơi hửi bụi! Chơi vậy…chơi với ai ?»
Phương Ánh : « Anh Kim Quang đi xe hơi, thế chỗ của em. Em thích đi xe lôi, chạy chậm chậm, hứng gió đồng, nhìn hai bên đường, vườn dừa, ruộng lúa… xe lôi chạy qua cầu sông Ba Lai, nhìn dòng sông cũng thích lắm mà…»
Hữu Phước: « Ối! thằng chả nói chơi, Phương Ánh đi xe lôi thì Kim Quang cũng đi xe lôi theo Phương Ánh !»
Chúng tôi đem thức ăn chuẩn bị cho tiệc nửa đêm để vô xe của Hữu Phước xong, định đi kiếm xe lôi thì một chiếc xe hơi chevrolet màu đen trờ tới, thắng nghe một cái két thật lớn, Hoàng Giang ngồi sau tay lái, thò đầu ra hỏi lớn : « Ê! Mấy cha đi nhậu với tôi không ? Cậu Hai, con ông Cả Hoài ở đầu cầu Cá Lóc, qua mời vợ chồng tôi và nhờ mời thêm nhiều anh em trong đoàn qua nhà ổng nhậu chơi. Nè mấy anh đi với vợ chồng tôi nghe? Mình ăn nhậu tới 7, 8 giờ tối thì xin kiếu, mình qua MỹTho trễ lắm là 9, 10 giờ tối.»
Các cô không thích nhậu nhưng Hữu Phước nói : « Qua MỹTho giờ nầy nắng nóng lắm, chờ chiều tối, xe chạy một cái vèo là tới ngay, mình còn thì giờ tắm rửa, sau đó đi dạo phố, đi nhà thờ, còn rộng thì giờ lắm, đi nhậu thì khỏi lo cơm bửa chiều, vừa vui vừa khỏi phụ lòng khán giả ái mộ mình…»
-          Đi…Đi! Mấy cha…mấy má…bàn hoài…ông nội đói bụng rồi nè!
-         Hoàng Giang nói chuyện cửa cha à! Kêu tụi nầy bằng mấy cha, mấy má, rồi tự xưng ông nội, vậy thì Tía  dẫn đường đi mau đi tía!

Chúng tôi chia nhau vô ngồi trong hai xe hơi của Hoàng Giang và Hữu Phước, xe chạy lại đậu gần đầu cầu Cá Lóc, anh Hai, tài xế của Hữu Phước ở lại coi xe, chúng tôi qua cầu, đến nhà ông Cả Hoài.
Xuống dốc cầu bên kia sông đối diện với bên chợ Bến Tre là trại cưa Đồng Tâm, qua dựa mắm cá lóc của bà Giáo Chánh, đến xưởng đóng ghe tam bản của ông Cả Hoài. Ông Cả mất đi nhiều năm rồi, con ông là Cậu Hai Thà nối nghiệp cha nhưng người lối xóm quen miệng gọi xưởng đóng ghe của ông Cả Hoài. Cậu Hai Thà là người điệu nghệ, thường tổ chức đờn ca tài tử ngay trong xưởng đóng ghe, cậu kết bạn với nhiều tài tử, nhạc sĩ và nghệ sĩ nổi tiếng của các gánh hát nên khi có đoàn hát về hát ở rạp Lạc Thành bên chợ Bến Tre thì cậu mời các nghệ sĩ đến nhà ăn nhậu chơi, có đờn ca hay không, không quan trọng. Cậu chỉ muốn tiếp chuyện, làm quen với đào, kép, nói chuyện vui với nhau là được rồi. Cậu rất hãnh diện khoe với bà con lối xóm nào là nữ nghệ sĩ Thanh Nga đến thăm vợ chồng Cậu, mang thiệp mời xem hát, các nữ nghệ sĩ Ngọc Giàu, Ngọc Hương, Kim Cương khi có dịp đến Bến Tre là luôn luôn đến thăm Cậu, mời xem hát, tặng hình…v…v Văn phòng của Cậu nơi xưởng đóng ghe, trên vách treo rất nhiều hình đào kép cải lương và nam, nữ ca sĩ tân nhạc. Cậu thích kép Hoàng Giang vì anh vui vẻ, nói chuyện bô bô rất có duyện, hay pha trò. Cậu cũng thích Hữu Phước và Thành Được vì hai anh chàng này khi gặp đàn ca, không mời, không rủ, hai anh cũng ca tặng vài bài ca vọng cổ tuyệt vời. Bửa đó biết đoàn TMTN không hát, dọn đi MỹTho nên Cậu tổ chức một bửa ăn thân mật, định mời bà Bầu, Thanh Nga và các nghệ sĩ quen biết qua nhà dùng cơm, nhưng bà Bầu, Thanh Nga và một số nghệ sĩ đã đi qua MỹTho rồi, Cậu Hai Thà đích thân qua rạp, gặp vợ chồng Hoàng Giang, Cậu mời và nhờ Hoàng Giang mời thêm nhiều nghệ sĩ, do đó Hữu Phước và chúng tôi có dịp dùng bửa cơm đặc biệt nầy.
Bữa cơm thật là ngon, khai vị mỗi người một cốc rượu dâu, ăn với gỏi ngó sen, tôm thẻ và thịt ba rọi, sau đó dùng cơm gạo nàng hương thơm phức, ăn với canh chua cá lóc nấu bông điên điển, cá rô mề kho tộ, tôm kho tàu, rau muống xào tỏi, cá chiên xù dầm nước mắm tỏi ớt, cuốn bánh tráng rau sống, tép với thịt ba rọi kho rim khóm…Có rượu đế đưa cay nhưng Cậu Hai để chúng tôi tự tiện, không nài ép uống rượu mà chỉ ép ăn cho thật ngon, ăn cho thật no.
Hoàng Giang, Kim Quang thì trổ tài ăn nói, chúng tôi thì trổ tài ăn nhậu, mọi người quên phức cái chuyện đi nhà thờ và tổ chức tiệc Noel. Chỉ có cô Bích Sơn cứ hít hà hoài, cô muốn nhắc chúng tôi mà không dám nhắc. Khi thấy trời sụp tối, Bích Sơn nhấp nhỏm, đi ra, đi vô, hít hà, chắt lưỡi mà không biết nói sao để kéo Hữu Phước ra khỏi bàn tiệc. Câu Hai chủ nhà tưởng là Bích Sơn ăn ớt cay quá nên nói : « Chắc cô Bích Sơn ăn cay không quen nên tôi thấy cô cứ hít hà hoài. Để tôi biểu sắp nhỏ chặt cho cô một trái dừa xiêm, nước ngọt và mát lắm, cô uống nước dừa sẽ đỡ ngay.»
Bích Sơn chưa kịp trả lời, tôi chợt nhớ đến chuyện cô muốn đi nhà thờ rước lễ nên tôi nói : « Chết cha tôi rồi! Tôi quên…Vì MỹTho là quê của tôi, bà Bầu nhờ tôi đưa cô Thanh Nga đi nhà thờ xem lễ, chắc cô Nga chờ tôi tới chết luôn!»

Cậu Hai : « Anh Nguyễn Phương có chuyện thì cứ về trước. Từ đây ra bến Bắc, chậm lắm là nửa tiếng đồng hồ là tới. Chưa có trễ đâu. Còn các anh thì cứ tà tà nhậu, còn « tăng thứ hai » có cá cơm chiên bơ, ếch xào lăn, lươn um nước dừa…»
Hữu Phước :« Dạ, chúng tôi cũng xin phép Cậu Hai cho về…No quá rồi…Mà cũng tối quá rồi…»
Cậu Hai : « Được…được…Các anh cứ tự nhiên, còn nhiều dịp anh em mình còn gặp nhau mà…»
Hoàng Giang : « Cám ơn Cậu, Mợ Hai. Bửa cơm quá xá ngon…Quá đã! Quá….thiệt là ngon hết biết…

Mỗi người chúng tôi khen một câu, nào là tiếc không thể ở chơi lâu hơn nữa…nào là bửa cơm ngon quá xá ngon…quá xá ngon! ( Không biết dùng danh từ nào để diễn tả cho đúng cái bửa ăn ngon nhớ đời đó.) Chúng tôi ra về, qua cầu Cá Lóc, về đến bờ sông bên chợ, thấy anh Hai tài xế đang ngồi gậm bánh mì xá xíu. Anh chắc nóng ruột muốn qua MỹTho sớm nhưng anh biết tánh của cậu chủ Hữu Phước, khi cao hứng thì không còn nhớ giờ giấc hay trời trăng mây nước gì cả.

Lúc đó có lẽ hơn chín giờ đêm, tất cả chúng tôi chen chúc ngồi trên hai xe của Hữu Phước và Hoàng Giang chạy ra bến Bắc Rạch Miểu. Trời tối om, đường vắng, xe chạy khá nhanh. Bích Sơn cười nói rom rả vì cô biết chắc là cô sẽ qua MỹTho kịp giờ đi rước lễ. Ngọc Giàu vui miệng kể chuyện tiếu lâm, tục mà thanh, thanh mà tục khiến cho chúng tôi ré lên cười nghiêng ngửa, anh Hai tài xế cười tới mức chao tay bánh lái, tưởng là xe của Hữu Phước bay luôn xuống ruộng, chúng tôi được Chúa rước về nước Thiên Đàng rồi. Hữu Phước hoảng hồn, yêu cầu NGọc Giàu đừng kể chuyện tiếu lâm nữa, mà Ngọc Giàu thấy chiếc xe lạng quạng, bay lên lề cỏ, cô ta hồn vía cũng lên mây, bố cô bảo cô kể chuyện tiếu lâm, cô cũng hết dám kể.



Image
Bắc Rạch Miễu 100 tấn

Xe đến bến Bắc Rạch Miểu nhưng xe phải đậu cách bến Bắc khá xa vì phía trước có nhiều xe hàng, xe GMC của nhà binh đậu một hàng dài. Hữu Phước đưa cho anh Hai tài xế 500 đồng, bảo anh đi giao thiệp với người xếp đang điều khiển cho các xe xuống chiếc Bắc để cho xe của Hữu Phước và Hoàng GIang được qua Bắc sớm. Anh Hai chớp bạc, chạy nhanh đi thi hành xứ mạng.
Chờ một lúc lâu, Bích Sơn, Ngọc Giàu, Phương Ánh, Minh Điển, Kim Quang định đi bộ tới mua giấy xuống Bắc, qua bên MỹTho sẽ mướn xe về khách sạn nhưng thời may, anh Hai chạy về, tay nắm một xấp vé qua Bắc, có nhân viên của bến Bắc, tay mang brassard, lên ngồi bên tài xế, thổi tu hít, điều khiển cho hai chiếc xe của Hữu Phước và Hoàng Giang xuống chiếc Bắc 100 tấn vừa cặp bến.
Tuy là được xếp cho xe xuống Bắc nhưng vượt qua được cái hàng rào xe hàng đậu dài phía trước cũng mất khá nhiều thời gian nên khi xe của chúng tôi xuống được chiếc Bắc 100 tấn thì có lẽ cũng quá 11 giờ khuya, chiếc Bắc mới nổ máy, xụt tới, xịt lui, từ từ nhích ra khỏi cầu sắt của bến Bắc.

Nước ròng, chiếc Bắc xuôi theo dòng sông nên chạy nhanh một chút nhưng khi đến đầu cồn thì ngược con nước, nước chảy siết, chiếc Bắc chậm lại như cố trườn trên dòng nước ngược, chậm như rùa bò…
Bầu trời hơi tối, chỉ có những vì sao nhấp nhái trên không, ngoài hai chiếc đèn pha của chiếc Bắc rọi sáng phía trước mũi, chỉ nghe tiếng sóng ào ạt, cuồn cuộn chảy về phía sau đuôi chiếc Bắc. Nhìn lên bờ cù lao phía tay phải, tôi thấy nhiều ánh đèn vàng mù mờ trước mấy mái nhà lụp xụp và thấp thoáng hình chiếc tháp sắt cao của ông Đạo Dừa trên cồn Phụng. Tôi lẩn thẩn nghĩ ngợi… ông Đạo Dừa muốn lên trời bằng chiếc tháp sắt  nầy thì biết đến đời thuở nào ổng mới lên được đến Thiên đình ?
Hai cô Phương Ánh, Ngọc Giàu ngồi trong xe, tựa đầu nhau ngủ gà ngủ gật. Cô Bích Sơn vẫn còn thức nhưng đôi mắt lim dim như đang suy tư hay cầu nguyện, hai bàn tay chấp lại, nắm chặt mặt chiếc giây chuyền Thánh giá. Tôi và Hữu Phước đứng tựa vào phía sau chiếc xe, hút thuốc, nhìn bầu trời với hàng triệu vì sao nhấp nháy. Tôi nhìn bầu trời, thử kiếm ngôi sao nào là ngôi sao của Chúa? Ngôi sao Vua có phãi là ngôi sao của Ba Vua trong truyện ba vua quỳ trước hang đá Bê Lem hầu Chúa Hài đồng không? Tôi lại băn khoăn không hiểu tại sao không có ai viết một tuồng cải lương kể chuyện Chúa Giáng sinh hay chuyện Chúa chịu tội thay cho loài người trên cây thập tự giá?  
Gió sông thổi buốt lạnh, nhiều hành khách đứng tụm năm tụm ba, hút thuốc. Tiếng máy chiếc Bắc rù rì…rù rì làm tăng thêm lòng nôn nóng vì người ta sợ khi chiếc Bắc sang đến MỹTho thì đã quá nửa đêm…. Một cô gái nhỏ ngồi co ro trong góc với một ông già mù, tay cô bé cầm chiếc đèn ngôi sao nhỏ, ánh đèn cầy chao đi chao lại theo từng cơn gió. Ông già ôm một cây đờn guitare thùng cũ, đầu gục xuống như đang ngủ. Đó là hai ông cháu người mù hát dạo trên chiếc Bắc, có lẽ hai ông cháu theo chiếc Bắc qua lại nhiều lần trên sông đã cả ngày rồi, đến tối mịt mệt quá nên ngủ gà ngủ gật, cái lon xin tiền để trước mặt trống trơn…
Không gian như lắng đọng, mọi người im lìm cam phận đợi chờ trên chiếc Bắc rù rì chậm chạp trên dòng sông ngược nước. Có lẽ đã quá khuya, tôi bỗng bừng tỉnh, tai tôi nghe thoang thoảng chuông nhà thờ vọng đến… Hữu Phước, Bích Sơn, Ngọc Giàu, Phương Ánh cũng như bừng tỉnh giấc mơ…Tiếng chuông nhà thờ lớn dần như vang lộng trong gió, nghe tưởng chừng như chúng tôi đang đứng trong khuôn viên nhà thờ…Những hành khách, cô gái nhỏ, ông già mù cũng bừng tỉnh, ngơ ngác…Chiếc Bắc chưa qua khỏi cồn Phụng mà sao có tiếng chuông ngân vang báo tin mừng Thiên Chúa Giáng sinh trên con sông quạnh quẻ này?
Thì ra đúng 12 giờ khuya, chiếc Bắc còn bơi bơi trên dòng nước ngược, anh Hai Tài xế mở băng cassette trong xe hơi, mở hết công xuất, tiếng chuông nhà thờ vang lộng từ chiếc máy trong xe hơi của Hữu Phước, đánh thức mọi người…
Đêm Thánh vô cùng…                                                                                                 
Giây phút tưng bừng…
Đất với trời se chữ đồng.
Đêm nay Chúa con thánh thần tôn thờ.
Canh khuya giáng sinh trong chốn hang lừa…
Bích Sơn, Phương Ánh, Ngọc Giàu mở cửa xe, bước xuống sàn chiếc Bắc vì có nhiều hành khách tụ lại nghe nhạc thánh ca. Bé gái cầm đèn ngôi sao cũng dẫn ông già mù, ôm đàn tới gần xe để nghe hát cho rõ hơn… Tiếng ca nghe như chơi vơi trên vòm trời cao, tiếng hát của thiên thần kính mừng Chúa, vọng đến từ cõi hư vô…
Cao cung lên khúc nhạc Thiên Thần Chúa
Hòa trong làn gió, nhè nhẹ vấn vương
Ôi thiêng liêng lắng nghe thoang thoảng cung đàn
Một đêm khuya vang, vẳng trong tuyết sương
Đàn ơi, cứ rung những điệu réo rắt,
Hát khen con Một Chúa Trời,
Rầy sinh xuống cõi đời.
Hởi người dương thế, lắng nghe cung đàn.
Mau tìm cho tới thờ kính Vua Giáng Trần.
Tiếng hát bài Thánh Ca như tiếng hát của Thiên thần trên không trung khiến cho khung cảnh thêm trang nghiêm, ấm cúng nhưng tôi nghe tiếng răng đánh bù cạp của cô bé gái: « Nội ơi! Con lạnh quá!»
Ông già mù vói tay, kéo đứa bé gái đứng sát vào ông như muốn dùng thân già khẳng khiu che bớt những cơn gió sông buốt lạnh. Cô gái nói như rên:« Ông ơi! Con đói quá!...Tiếng của cô gái run run, nói thật nhỏ như chỉ muốn nói riêng với ông nội của cô. Chúng tôi đều nghe rõ đến rúng động tận tâm can.
Ông già mù run tay mở cái túi đeo ngang vai, mò mò lấy ra một khúc bánh mì ăn dở chừng, cứng ngắt như một khúc xương: « Cháu…còn một chút bánh mì đây…» Cô bé cạp cạp như lấy răng cào cào khúc xương, không cắn được miếng nào.
Cô Bích Sơn bỗng bước lại mở cửa xe, lấy ra một con gà quay và một ổ bánh mì, bước đến trao cho em bé: « Bé ơi! Ông già Noel gởi quà cho cháu đây!...
Cô bé ngơ ngác, chưa tin chính tai nghe, mắt thấy con gà quay thơm phức với ổ bánh mì thật lớn. Cô bé chưa dám cầm. Ông già mù hỏi: « Ai … Ai nói gì vậy con ?»
-         « Cô đây nói ông già Noel gởi quà cho con! Một con gà quay với một ổ bánh mì thật lớn! Nội ơi! Ông già Noel có thiệt, ông nội ơi…Ông già Noel cho quà cho con nè…
-         Chúa ôi! Lạy Chúa ! ( Ông già bật lên tiếng nấc nghẹn nhưng kịp kềm lại)...Con…con cám ơn ông già Noel đi! Con nhờ cô nói cám ơn ông già Noel đi…
Giọng ông già run run, ông ngước lên nhìn lên trời, hai dòng nước mắt chảy qua hốc mắt mù, môi ông run run, cái miệng mếu, không hiểu ông khóc hay cười mếu…Cô bé gái quỳ xuống, làm dấu thánh, hai tay chấp lại, mắt hướng lên trời: Cám ơn Chúa ! Cám ơn ông Noel…
Cô Ngọc Giàu, cởi chiếc áo laine cô đang mặc, lại khoác lên mình cô bé: « Ông Già Noel gởi quà cho cháu chiếc áo laine nầy, cháu phải mặc vô cho ấm, nghe chưa!»
Cô bé: « Cám ơn cô…Cám ơn ông Noel…Ông nội ơi, ông già Noel cho con quà một chiếc áo len…
Hai ông cháu ôm nhau, tôi thấy đôi dòng nước mắt trào ra từ trong hai hốc mắt sâu thẳm, ông nghẹn ngào nói: « Xin Chúa ban phước lành cho quý ông, quý bà, quý cô…Chúng tôi và một vài hành khách dúi tiền vô tay ông già, mỗi người một số tiền, ai cũng nói là quà của ông già Noel gởi cho hai ông cháu người mù đi đờn ca kiếm cơm đó.
Chiếc Bắc cặp bến MỹTho, chúng tôi lên cầu sắt, Bích Sơn nói: « Hôm nay em không đến nhà thờ kịp để rước Thánh lễ và được ban phước lành cuối lễ nhưng em kính mừng Chúa Hài Đồng và được sống trong giây phút trong tình yêu của Chúa. Chúa giáng sinh trong sự nghèo khổ, Chúa dạy các con của Ngài phải hiểu biết và yêu thương lẫn nhau. Em nhận thấy khi cháu bé gái đó nhận quà của ông Noel, cháu tin có Chúa trên trời…
Giọng nói của Bích Sơn như nghẹn lại, giọt lệ long lanh trong khoé mắt rồi lăn dài trên đôi má hồng. Bích Sơn khóc vì hạnh phúc khi cô ban một niềm vui nhỏ cho người kém may mắn hơn cô ngay grong đêm mừng Chúa giáng sinh.
Chúng tôi lên xe hơi ngồi, tôi quay nhìn xuống cầu sắt của bến Bắc, thấy hai ông cháu người mù còn đứng trên tấm bửng lớn sát dòng sông. Hai ông cháu ôm những món quà bất ngờ, ngơ ngác quay qua quay lại như muốn nói gì với ai đó. Bỗng ông qụy gối xuống, cô cháu gái cũng quỳ theo, trong bóng dáng mờ mờ, tôi có cảm giác họ làm dấu Thánh và đang cầu kinh hay cám ơn phép lành của Chúa ban cho họ vào đêm Chúa Giáng sinh.


Đêm Noel vùng Bắc Mỹ tuyết trắng.
Nhớ về quê xa thẳm muôn trùng.

Soạn giả Nguyễn Phương.

Nguồn tin: SG Nguyễn Phương - cailuongvietnam.com

Chú ý: Việc đăng lại bài viết trên ở website hoặc các phương tiện truyền thông khác mà không ghi rõ nguồn http://www.cailuongvietnam.com là vi phạm bản quyền
Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Từ khóa:liên tưởng, châu thành, bến tre, tuyên bố, tôn giáo

Bình luận mới

Gửi bình luận của bạn

Tên của bạn Email Nội dung Mã an toàn

Theo dòng sự kiện

Xem tiếp...

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 

DUY TRÌ TRANG WEB CLVN