Bản Sắc Dân Tộc - cailuongvietnam.com

Tin Tức Hậu Trường Sân Khấu

DUY TRÌ TRANG WEB CLVN

Rạp Aristo đã lui về dĩ vãng

Thứ hai - 24/12/2012 08:20

Ông Trần Viết Long, tức Bầu Long giám đốc đoàn Kim Chung, trụ diễn tại rạp Aristo trong nhiêu năm




Ngày xưa ở gần chợ Bến Thành, Sài Gòn có một rạp hát mang tên Aristo, đã đón tiếp nhiều đoàn hát lớn, nhưng giờ đây thì rạp không còn, có còn chăng là trong ký ức của khán giả cải lương. Ngày nay rạp biến mất, nhường chỗ cho công trình xây dựng lớn hơn gấp nhiều lần.


Rạp Aristo (còn có tên là Trung Ương Hí Viện) có tự bao giờ và ai là chủ nhân, điều này gần như không còn ai nhớ nổi. Chỉ biết rằng nó có sau rạp Thành Xương (tọa lạc ở góc đường Phạm Ngũ Lão) và rộng hơn, sang trọng hơn rạp Thành Xương.

Rạp Aristo mặt hướng về đường Lê Lai. Thuở đầu tiên nó chỉ là một khán trường nhỏ nằm trong một nhà hàng. Vào khoảng những năm 40, do khán giả đông, chủ nhân đã xây cất, mở rộng biến nó thành rạp hát. Trước 1954, rạp Aristo cùng với rạp Thành Xương, Nguyễn Văn Hảo, Modern được coi là những rạp cải lương lớn ở địa phận Sài Gòn. Rạp Aristo từng là điểm diễn của các gánh hát đại bang đương thời như: Năm Phỉ, Phụng Hảo, Nam Phương... Thỉnh thoảng rạp Aristo còn được ông Trần Tấn Quốc (người sáng lập giải Thanh Tâm), ông Tòa Thiết mượn làm nơi tổ chức các buổi hát bội, với thành phần diễn viên tài danh được quy tụ, như:

Nghệ sĩ Năm Ðồ, Minh Tơ, Mười Vàng, Mười Sự, Năm Còn... Nhiều lúc khán giả của rạp Aristo ngoài xem cải lương, còn được xem chương trình phụ diễn ca nhạc, mỗi khi đoàn cải lương Hoa Sen (của ông Bảy Cao) ghé về đây.

Rạp Aristo, nơi trụ diễn của đoàn cải lương Kim Chung thuở đầu lập nghiệp tại Sài Gòn. Vào khoảng năm 1955, sân khấu cải lương Sài Gòn đón nhận đoàn hát từ ngoài Bắc vào an cư lạc nghiệp. Sân khấu Aristo “nổi đình nổi đám,” rầm rộ nhất là từ khi đoàn Kim Chung về đây trụ diễn hàng đêm (từ 1955 đến 1960).

Vào những năm cuối thập kỷ 60, một loạt rạp hát ra đời với tầm cỡ lớn hơn, tiện nghi hơn đã kéo dần khán giả của Aristo. Hơn nữa rạp Aristo lại nằm ở vị trí không thuận tiện: một bên là nhà ga xe lửa bít bùng, một bên là đường cùng; vì vậy các đoàn hát cũng ít về đây. Do đó rạp Aristo gần như bỏ trống và khoảng thời gian sau đó cũng dần “biến mất.”

Vậy là hơn 20 năm tồn tại, rạp Aristo từng là điểm diễn của rất nhiều đoàn cải lương, địa danh của nó với những kỷ niệm buồn vui mãi mãi khắc ghi trong tâm trí của các nghệ sĩ đương thời. Rạp Aristo cũng chính là “chứng nhân” cho sự ra đời của hai đoàn cải lương rất nổi tiếng là Kim Chưởng và Kim Chung. Và mỗi khi nhắc đến hai đoàn hát đó, người ta thường nhắc đến tài quán xuyến, lãnh đạo đoàn hát rất giỏi của hai vị bầu gánh.

Ðương thời ít có đoàn cải lương nào trụ diễn thường trực tại một rạp hát, mà thường chỉ ghé ở mỗi rạp khoảng một tuần và diễn mỗi đêm một vở khác nhau. Thế nhưng, đoàn cải lương Kim Chung không những trụ diễn lâu dài tại rạp Aristo mà còn gây kinh ngạc cho giới cải lương qua việc diễn nhiều ngày chỉ có một vở “Trăng Giãi Ðêm Sương” được diễn liên tục trên 40 suất. Có thể nói rằng, đây là vở cải lương được hát liên tục trên sân khấu lần đầu tiên xuất hiện ở Sài Gòn. Và từ đó, chuyện hát nhiều ngày một vở diễn bắt đầu được các đoàn cải lương khác áp dụng.

Ngành Mai

Tác giả bài viết: meoxu

Nguồn tin: Ngành Mai - NV

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Bình luận mới

Gửi bình luận của bạn

Tên của bạn Email Nội dung Mã an toàn

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 

DUY TRÌ TRANG WEB CLVN