09:16 PDT Chủ nhật, 02/06/2024

Menu

xuan lan
CLVNCOM English Edition
HÌNH MCHAU PMAI

Thống kê truy cập

Đang truy cậpĐang truy cập : 245

Máy chủ tìm kiếm : 3

Khách viếng thăm : 242


Hôm nayHôm nay : 27480

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 96198

Tổng lượt truy cậpTổng lượt truy cập : 79073313

Trang nhất » Tin Tức » Mầm Non Nghệ Thuật

Nghệ sĩ trẻ Thanh Vũ và những ước mơ phát triển nghiệp diễn

Đăng lúc: Thứ hai - 27/07/2015 19:44 - Đã xem: 4340
NS Thanh Vũ

NS Thanh Vũ

Một trong những điều khiến những người tâm huyết với nghệ thuật cải lương tại Hoa Kỳ nói chung, tại Quận Cam nói riêng, lấy làm vui mừng là bên cạnh các nghệ sĩ tài danh như Văn Chung, Hương Huyền, Phượng Liên, Chí Tâm, Ngọc Đáng, Thanh Thanh Tâm, Linh Tâm, Cẩm Thu, Tuấn Châu, Bình Trang… góp mặt trên một số sân khấu, đã xuất hiện một thế hệ nghệ sĩ trẻ nhiều tiềm năng, không những ca hay, diễn khá, lại còn có sắc vóc sáng sân khấu. Nghệ sĩ Thanh Vũ là một trong những nghệ sĩ trẻ tiềm năng ấy đang kiên trì gắn bó với sàn diễn tại hải ngoại, dù công việc chính để mưu sinh và nuôi sống gia đình của anh, lại không liên quan gì đến nghệ thuật cải lương. Nhưng mỗi khi có dịp được mời tham gia một vai diễn trong một vở cải lương, anh đều siêng năng luyện tập để cống hiến tài năng của mình cho khán giả.

Poster đêm diễn Hương Sắc Miền Nam


 

Về chương trình Hương Sắc Miền Nam

Trước khi kể về tình yêu mà anh đã dành cho cổ nhạc cải lương và chặng đường nghệ thuật của mình suốt từ những năm cuối thập niên 1980 khi còn ở Việt Nam, nghệ sĩ Thanh Vũ nhờ nhật báo Viễn Đông gửi lời mời của anh đến khán giả yêu cải lương hãy đến ủng hộ chương trình gồm các trích đoạn cải lương mang chủ đề “Hương Sắc Miền Nam” do anh thực hiện với phần đạo diễn của nghệ sĩ Lê Tín. Chương trình sẽ diễn ra vào lúc 7 giờ 30 tối Chủ Nhật, ngày 19 tháng Bảy, 2015 tại nhà hàng Seafood Place (địa chỉ 12181 Brookhurst St., Garden Grove, CA 92840). Chương trình sẽ hát live và trực tiếp thu hình, thực hiện DVD.
Nghệ sĩ Thanh Vũ giới thiệu, “Đây là show kỷ niệm đầu tay sau bao năm đi hát của Thanh Vũ. Chương trình được sự bảo trợ của anh Quốc Thái và đài VStar TV – Channel 57.11. Anh giúp quảng bá về show diễn trên đài này. Đặc biệt, Thanh Vũ rất cảm ơn các nghệ sĩ đã nhận lời tham gia chương trình, các nghệ sĩ đến từ Việt Nam như cô Hồng Nga, chị Thoại Mỹ, nghệ sĩ Vũ Luân.
“Các nghệ sĩ bên này thì có nghệ sĩ Ngọc Đáng, Thanh Thanh Tâm, Tuấn Châu, Bình Trang, Minh Cảnh Em, Thanh Kim Mỹ, Lê Tín, Tuấn Phong, Thành Đạt, Hà Mỹ Xuân, Yến Linh, Phạm Minh Tuấn, Tuyết Nga... Ban cổ nhạc gồm nhạc sĩ Văn Hoàng, Kim Đồng, Thanh Tùng, Hoàng Nghĩa. Ngoài phần trình diễn của nghệ sĩ những bài vọng cổ, tân cổ giao duyên, chương trình còn có các trích đoạn cải lương như Tây Thi- Ngô Phù Sai, Tuyệt Tình Ca, Mặt Trời Đêm Thế Kỷ, Trà Hoa Nữ, Hòn vọng Phu... Chắc chắn khán giả đến xem chương trình sẽ không thất vọng, rất mong khán giả hãy ủng hộ cho các nghệ sĩ đến tham dự buổi diễn thật đông.”

 


Nghệ sĩ Thanh Vũ trong một vai diễn cổ trang



 

Nét riêng của nghệ sĩ Thanh Vũ

Thanh Vũ (Nguyễn Thanh Vũ) là tên thật của anh và cũng là nghệ danh anh chọn khi mới bước vào nghề. Anh có gương mặt điển trai, rất “sáng sân khấu,” cùng chất giọng ngọt ngào thu hút người nghe. Với một làn hơi khỏe, chất giọng trong sáng, khá bay bướm, lại rõ chữ tròn vành. Anh ca khá truyền cảm, ngọt ngào, đầy hương vị của vọng cổ miền Nam, và rất thuần chất âm điệu ca ngâm trầm bổng. Vốn có chất giọng “đồng,” kỹ thuật ca ngâm của Thanh Vũ nhờ được học hành bài bản, nên kỹ thuật anh ngân nga, nhấn nhá khá độc đáo. Khi nhân vật, hay tình huống bi ai, sầu não thì anh trầm giọng, làm cho âm điệu ca ngâm trầm lắng, đượm buồn, mùi mẫn, êm dịu.
 

Bước đầu học nghề

Sinh ra và lớn lên trong gia đình mà cả hai bên nội ngoại đều là yêu thích cải lương, nên 7-8 tuổi đầu, cậu bé Thanh Vũ đã biết thưởng thức cải lương và rất mê nghệ sĩ Giang Châu, khi nghe những tuồng hát có nghệ sĩ Giang Châu ca như “Tiếng Hò Sông Hậu” trên radio. Khi có đoàn hát về quê Bến Tre, nơi gia đình Thanh Vũ sống lúc đó, sát bên Chợ Mới, có những đoàn hát như Bến Tre, Hương Dừa, Hương Mùa Thu về diễn, Thanh Vũ mê lắm, thường chui vô ổ chó để vào rạp xem hát.
Vì nhà sát với chợ Mới, gần ngay điểm diễn, nhà rộng, nên gia đình Thanh Vũ lúc ấy thường mời các nghệ sĩ vào ở trong nhà miễn phí. Nhờ các nghệ sĩ ở chung trong nhà, nên Thanh Vũ càng say mê nghề hát nhiều hơn. Bồi đắp trong lòng cậu bé Thanh Vũ ngày ấy ước vọng được trở thành một nghệ sĩ cải lương.
Năm Thanh Vũ lên 11 tuổi (năm 1983), gia đình Thanh Vũ chuyển lên sống ở Sài Gòn, để má anh tiện việc buôn bán, chăm lo cho gia đình, vì khi đó ba của Thanh Vũ, là một cựu quân nhân VNCH, vừa đi tù cải tạo về.
Năm anh 12 tuổi, biết con yêu thích cải lương, ba má anh đã âm thầm hỏi tìm thầy cho con học. Người thầy đó là nhạc sĩ Út Trong, một trong những người mở lò dạy ca cổ tại gia rất hiệu quả, ông đã góp phần đào tạo một đội ngũ nghệ sĩ tài năng của sân khấu cải lương như: cố nghệ sĩ Thanh Nga, Bảo Quốc, Thanh Tuấn, Ngân Huệ, Kim Tử Long, Thanh Hằng, Ngọc Huyền...
Ban ngày Thanh Vũ đi học chữ, chiều tối thứ Hai, Tư, Sáu từ 6 giờ đến 9 giờ, Thanh Vũ đến học ca với nhạc sĩ Út Trong. Anh nói khi đó, anh mê học lắm, không bỏ ngày nào hết. Học văn hóa thì có trốn học, chứ học ca cải lương thì không bao giờ. Khi mới học được 1 thời gian ngắn, các bài bản hò, xự, xang, xê, cống, và những bản vắn đã được Thanh Vũ ca vững vàng, chắc nhịp. Nhờ anh có năng khiếu, lại rất yêu thích, nên anh học bài bản rất nhanh.
Đảo ngũ cung 64 câu, mà Thanh Vũ chỉ học trong vòng 1 tuần là thuộc làu. Một năm sau, khi Thanh Vũ mới 13 tuổi, không muốn tài năng của anh bị lãng phí nên nhạc sĩ Út Trong đã đưa Thanh Vũ đến hát tài tử cải lương vào ngày thứ Tư, giữa tháng, giao lưu với các nghệ sĩ ca tài tử nổi tiếng như cô Tư Ngọc Ánh, nghệ sĩ Phương Quang, Quốc Hòa... Lúc đó, lớp xàng xê 20 câu lớp xề, đã được thầy dạy trước đó, là dịp Thanh Vũ phô diễn tài năng của mình trong lần giao lưu đầu tiên, đã nhận được lời ngợi khen của những nghệ sĩ tiền bối.
Thời gian từ 12 tuổi đến 16 tuổi theo học với nhạc sĩ Út Trong, Thanh Vũ đã nắm vững những bài bản tổ cải lương, những bài Quảng.
Trong số 140 bài bản nhỏ, nhưng thường các soạn giả của sân khấu cải lương chỉ sử dụng khoảng 60- 70 bản nhỏ mà thôi, Thanh Vũ nắm vững những bài cần thiết mà sân khấu thường hay sử dụng. Thầy còn dạy cho Thanh Vũ phong cách diễn trên sân khấu, hóa thân vào nhân vật. Suốt thời gian học ca, thầy Út Trong thường cho Thanh Vũ “hành” bằng việc sinh hoạt ca tài tử cải lương với các nghệ sĩ tài tử cải lương giỏi nghề, anh còn được thầy thường xuyên cho ra sân khấu tại quận 8 Phạm Thế Hiển, để hát những trích đoạn cải lương với các bạn học khác, phục vụ khán giả, để anh trở nên dạn dĩ trên sân khấu.

 

Khởi nghiệp con đường trở thành nghệ sĩ chuyên nghiệp

Nhớ lại bước ngoặt lớn đưa Thanh Vũ trở thành kép hát, đi lưu diễn theo đoàn cải lương Cao Văn Lầu một thời gian, trước khi anh sang định cư tại Hoa Kỳ cùng gia đình, theo diện H.0 của ba, vào cuối năm 1992. Nghệ sĩ Thanh Vũ kể, “Mãi đến năm 1987, hội sân khấu thành phố tại Sài Gòn có tổ chức cuộc thi tuyển lựa tài năng mới, Thanh Vũ mạnh dạn ghi danh để thi, Thanh Vũ đã lọt được vào vòng chung kết, và chờ vài hôm nữa để thi xếp hạng. Ngày thi bán kết hôm Thanh Vũ thi, có ông trưởng đoàn cải lương Cao Văn Lầu, là chú Trần Anh Đạo đến xem. Thấy Thanh Vũ ca được quá, chú bèn ngỏ ý mời Thanh Vũ về đoàn, khi đó đoàn đang lưu diễn tại Bà Rịa Vũng Tàu, lúc này Thanh Vũ đang học lớp 11. Thanh Vũ bèn bỏ trận thi chung kết, bỏ luôn việc học phổ thông, đi theo đoàn luôn.”
Giải thích việc liều lĩnh này, nghệ sĩ Thanh Vũ cho rằng, anh được ông trưởng đoàn thuyết phục các thí sinh dự thi ai ca cũng hay hết, Thanh Vũ chưa chắc được giải cao nhất. Nhưng nếu muốn tiến thân theo nghiệp diễn chuyên nghiệp, thì hãy đi theo đoàn, có các anh chị em nghệ sĩ trong đoàn hướng dẫn thêm, được diễn trên sân khấu hằng đêm để rèn nghề, thì cơ hội đó không dễ gì có.
Nghệ sĩ Thanh Vũ cho biết vào tối khuya ngày hôm anh đi theo trưởng đoàn tới nơi đoàn Cao Văn Lầu đang đóng quân, là vào khoảng tháng 11, 1987. Cùng đi với Thanh Vũ còn có thêm hai cô đào, cũng là thí sinh dự thi cuộc thi đó, quyết định gia nhập đoàn. Hồi đầu đến đoàn, Thanh Vũ được ngồi xem các nghệ sĩ trong đoàn diễn. Lần lên sân khấu đầu tiên, anh được vào vai phụ, ca một màn, trong vai thần của một tuồng cổ trang. Nhờ vẻ ngoài của Thanh Vũ rất sáng sân khấu, nên sau đêm diễn đó, trưởng đoàn cho Thanh Vũ vào vai kép ba, vai thái tử con trai của hoàng đế trong vở cải lương “Hoàng đế cô độc.”
Nghệ sĩ Thanh Vũ tâm sự, “Khi Thanh Vũ vừa về đoàn, nghệ sĩ Minh Vương cũng vừa mãn hợp đồng sáu tháng với đoàn. Thành ra Vũ tiếc quá chừng, không có cơ hội làm việc chung và học nghề với anh. Đào thì có nghệ sĩ Hương Chung Thủy nhưng hai tháng sau, chị cũng hết hợp đồng để đi đoàn khác. Đoàn diễn tại Bà Rịa một thời gian, đêm cuối dọn đi, khi vãn hát, mọi người cùng dọn cảnh lên xe, thì đúng 2 giờ khuya. Xe đưa các nghệ sĩ lên đường đi về Bạc Liêu.”
Thanh Vũ nói, thời gian theo đoàn Cao Văn Lầu lưu diễn, có thời gian diễn ở Bạc Liêu hơn 7 tháng, mãi mãi là ký ức đẹp trong cuộc đời đi hát của anh. Đó là thời gian rất cực nhọc, nhưng rất vui. Mỗi khi đoàn di chuyển từ điểm diễn này sang điểm diễn khác, sâu xuống ấp, xã. Các nghệ sĩ trong đoàn thường xuyên ngủ đình, ngủ miễu. Sân khấu dựng ngoài ruộng, nhằm hôm diễn, mưa to quá, đoàn phải tạm ngưng, hôm sau diễn lại, không bán vé, cho mọi khán giả cùng có cơ hội vào xem. Mỗi khi đoàn về địa phương nào, thì người dân cũng đều kéo tới mời về nhà ở. Người dân rất mến mộ nghệ sĩ của đoàn. Dù là quân sĩ cũng được mời về ở, chứ nói chi đến kép chánh hay đào chánh. Thời đó kép ba như Thanh Vũ có tiền lương 15 ngàn, so với thời đó, tiền lương như vậy sống khá lắm. Kép chánh được 1, 2 chỉ vàng sau mỗi đêm diễn là chuyện bình thường lúc bấy giờ.

 

Quyết tâm trở lại với nghề

Đầu năm 1991, Thanh Vũ qua định cư tại Mỹ. Thời gian đầu gia đình anh sống ở tiểu bang miền Đông, đi học ESL, sau đó đi làm hãng.
Đến năm 2006, anh chuyển về California, tại Quận Cam và tiếp tục làm lại công việc cũ. Cũng trong thời gian này tại Quận Cam Hội Cổ Nhạc Miền Nam Việt Nam tổ chức cuộc thi Giải Phụng Hoàng. Thanh Vũ ghi danh thi và được giải Ba giải Phụng Hoàng năm 2006. Sau cuộc thi, Thanh Vũ được nghệ sĩ Hoài Trúc Linh mời về cộng tác với đoàn hát của nghệ sĩ Hoài Trúc Linh. Khi đó diễn vở cải lương đầu tiên của Thanh Vũ trên sân khấu tại hải ngoại là vở “Bão Cát,” có nghệ sĩ Văn Chung, Phượng Mai, nghệ sĩ Hoài Trúc Linh, Linh Tâm, Thanh Kim Mỹ, Thanh Vũ đóng vai khỉ dã nhân. Sau xuất diễn đó, Thanh Vũ gắn bó với đoàn của Hoài Trúc Linh, đều đặn mỗi hai tháng diễn một tuồng. Anh còn đi hát với nghệ sĩ Chí Tâm ở những vùng quanh Quận Cam…
Thanh Vũ nói, nhờ có cải lương, giúp anh giảm stress rất nhiều với những bộn bề khó khăn trong cuộc sống mưu sinh nơi xứ người. Cả ngày đi làm hãng rất mệt, nhưng tối về, anh vẫn dành chút thời gian lên Youtube nghe cổ nhạc, vào xem nghệ sĩ Vũ Linh tập tuồng trên trang web www.cailuong.com, hiện anh là thành viên. Khi buồn, anh lại ngân nga hát những bản vọng cổ. Bà xã của Thanh Vũ dù không phải là nghệ sĩ, nhưng luôn ủng hộ chồng. Con trai lớn của anh tròn 9 tuổi, nói tiếng Việt rất giỏi, con trai nhỏ mới 3 tuổi mà đã rất mê nghe cải lương, gia đình anh luôn ý thức việc giữ tiếng Việt cho hai con, để các con tiếp tục nghe ba hát cải lương và yêu thích nghệ thuật này như ba mình.
Cải lương không còn thời hoàng kim, điều đó cũng do thời cuộc mang lại. Tuy nhiên, khán giả vốn là những người khách quan, cứ có tuồng hay là họ xem. Vì thế, dù cải lương có sa sút, những nghệ sĩ trẻ như Thanh Vũ đã theo nghiệp Tổ, hát trên sân khấu và hưởng được lộc Tổ từ khán giả ban cho, trót yêu nghệ thuật này, không thể từ bỏ điều mà anh luôn đam mê. Ít người rời bỏ sân khấu. Nếu có khó khăn phải tạm nghĩ một thời gian, khi có dịp thuận tiện thì cũng đều làm nghề trở lại.
Nuôi hy vọng vực lại nền nghệ thuật cải lương tại hải ngoại, có vẻ nghe chừng hơi to tát, nhưng dù sao những nghệ sĩ gắn bó với nghệ thuật cải lương vẫn cần duy trì. Thanh Vũ nói rằng nghề nào cũng phải học suốt đời, huống chi là nghề hát, là nghệ thuật, nên nghệ sĩ phải luôn trau dồi. Anh luôn thích học hỏi với các nghệ sĩ tiền bối, đàn chị, đàn cô, đàn chú, đàn anh... Anh không bao giờ tự ái, ai dạy mình, anh cũng đều học hỏi, vì dù là nghệ sĩ nổi tiếng, cũng phải học những cách lạ của người khác để giàu thêm cách ca diễn cho mình.
Anh khát khao được diễn, được hóa thân vào những nhân vật với số phận khác nhau… Đó là dịp để anh được học hỏi vững hơn về diễn xuất, vốn vẫn cần nhiều rèn luyện hơn. Nhưng cơ hội cho nghệ sĩ trẻ như Thanh Vũ bây giờ lại quá hiếm hoi. Vì sân khấu “sáng đèn” diễn trọn tuồng chỉ bốn, năm tháng thậm chí có khi cả năm mới diễn được một xuất diễn duy nhất. Muốn giỏi, cũng thật khó khăn.
Con đường nghệ thuật thì rộng thênh thang, lắm hoa hồng và lắm nỗi gian truân. Mong rằng người nghệ sĩ trẻ Thanh Vũ sẽ tìm được cho mình những cơ hội để tiếp tục thử thách mình qua nhiều vai diễn khác nhau.
Quý khán giả muốn ủng hộ chương trình “Hương Sắc Miền Nam,” xin liên lạc mua vé:
Hồng Cúc, điện thoại 714.312.8994.
Tuyết Nga, điện thoại 714.726.7839.
Tú Quỳnh, điện thoại 714.531.4284.
Bolsa Ticket, điện thoại: 714. 418. 2499.
Thanh Kim Mỹ, điện thoại 714.251.7533.
Giá vé bao gồm ẩm thực 6 món, V.I.P $60 Mỹ kim, đồng hạng $45 mỹ kim.

BĂNG HUYỀN

 

Thành công của chương trình Hương Sắc Miền Nam


 

      Nghệ sĩ Bình Trang (Vai công chúa Tây Sơn), Đăng Linh (vai Nguyễn Huệ), Thanh Vũ (vai Vũ Văn Nhậm)                                      trong trích đoạn “Mặt Trời Đêm Thế Kỷ.” (Băng Huyền/Viễn Đông)

 
 
Trước tình trạng đìu hiu của sân khấu cải lương nhiều năm gần đây, thì đêm diễn hát live, đàn live những trích đoạn cải lương chủ đề “Hương Sắc Miền Nam” do nghệ sĩ trẻ Thanh Vũ thực hiện với sự giúp sức của nghệ sĩ Lê Tín trong vai trò đạo diễn, vào tối Chủ Nhật, ngày 19- 7- 2015 vừa qua, tại nhà hàng Seafood Place (thành phố Garden Grove) đã không còn một ghế trống là một tín hiệu đáng mừng cho cải lương.

Trong chương trình, đạo diễn Lê Tín đã chú trọng đưa cải lương trở về cái gốc của mình với việc tập trung vào sàn diễn, vào người nghệ sĩ hơn là quá chú trọng đến một sân khấu nhiều cảnh trí. Chương trình “thuần cải lương” với các lớp diễn hay của 5 trích đoạn “Mặt trời đêm thế kỷ,” “Hòn vọng Phu,” “Trà Hoa Nữ,” “Tuyệt tình ca,” “Giang Sơn và Mỹ Nhân” (Tây Thi- Ngô Phù Sai). Xen giữa mội trích đoạn để nghệ sĩ có thời gian thay trang phục là phần trình diễn những bài tân nhạc mang âm hưởng ngũ cung, những bài tân cổ, vọng cổ của các nghệ sĩ tham gia. Những tràng pháo tay vang lên không ngớt, cùng những cái gật gù tấm tắc, những lời khen tặng thật to vang lên từ hàng ghế khán giả, “diễn hay quá!,” “ca hay quá!” dành cho các nghệ sĩ Hồng Nga, Ngọc Đáng, Thanh Thanh Tâm, Thoại Mỹ, Bình Trang, Tuấn Châu, Vũ Luân, Thành Đạt, Thanh Vũ, Đăng Linh, Tuấn Phong, Yến Linh, Tuấn Hải. Ban cổ nhạc nghệ sĩ Văn Hoàng, Kim Đồng, Thanh Tùng, tân nhạc Hoàng Nghĩa. MC Tuyết Nga- Quốc Bảo.
Bằng tài ca diễn sống động của mình, các nghệ sĩ đã thổi vào đó hơi thở nửa như quen thuộc nửa như mới lạ, đã đưa khán giả cùng “ôn” lại một thời vàng son của cải lương với nhiều cảnh ca diễn đặc sắc và gieo vào lòng người xem một xúc cảm đẹp cùng cảm giác muốn được xem nữa.
                                                                                                                                    

     Nghệ sĩ Ngọc Đáng trong vai mẹ nuôi của Thanh và nghệ sĩ nghệ sĩ Tuấn Phong(Vai Vịnh) trong trích đoạn                                               “Hòn Vọng Phu.” (Băng Huyền/Viễn Đông)


 Đem lại hài lòng cho những khán giả yêu thích cải lương

Có nhiều người đến từ những tiểu bang xa Georgia, Virginia... như anh Trần Châu (đến từ Virginia) về đây nghỉ hè, được mấy người quen rủ đi xem show này, anh đi ngay, vì anh vốn rất mê cải lương từ nhỏ, mà tại nơi anh ở ít có dịp được xem cải lương, nhất là được trực tiếp gặp gỡ nghệ sĩ như thế này. Anh nói anh vui lắm vì ở Mỹ mà nghe cải lương như thấy quê hương gần gũi vô cùng.
Còn với khán giả có pháp danh Viên Hải (ngoài 70 tuổi) cùng chị bạn sống ở vùng San Bernadino, đến xem chương trình vì rất hâm mộ những nghệ sĩ như Thoại Mỹ, Hồng Nga, Vũ Luân... Bà nói, “mình xa quê hương, mà được gặp gỡ nhau trong một chương trình cải lương như vậy rất quý. Lớn tuổi như tụi tôi mê cải lương hơn là nghe nhạc trẻ, đặc biệt là được nghe hát live, đàn live thì càng thú vị hơn.”
Nhìn thấy khán giả đến đông, ngồi kín hết các dãy bàn trong nhà hàng, nghệ sĩ Vũ Luân bày tỏ với người viết:
“Vũ Luân rất vui khi tham gia chương trình đầy ý nghĩa như thế này, đây là chương trình họp mặt các anh chị em nghệ sĩ sống tại quận Cam và một số anh chị em nghệ sĩ đến từ Việt Nam. Điều trước tiên, Vũ Luân thấy được sự nghiêm túc của anh Thanh Vũ, Lê Tín đã tổ chức một chương trình mang tính nghệ thuật cao, với đầy đủ thể loại ca nhạc, dân ca, tân cổ, trích đoạn cải lương tâm lý xã hội, cải lương Hồ Quảng, cải lương tuồng cổ... Sân khấu được các anh trang trí như ở rạp, dù đây chỉ là khán phòng của nhà hàng. Nhờ sân khấu này, Luân được gặp gỡ, giao lưu với khán giả quận Cam mà đã 3 năm rồi Luân mới gặp lại. Nhiều khán giả đến bắt tay, ôm hun mình như con, nhiều bác còn nói “con ơi, không biết má có đủ sức khỏe để đi coi tụi con diễn nữa không, tụi con diễn nghiêm túc quá.” Nghe những lời như vậy, Luân luôn tự dặn mình phải phấn đấu hơn nữa để không phụ lòng khán giả. Các bậc tiền bối đã ví nghệ sĩ như kiếp tằm nhả tơ, bằng sức khỏe, thể lực Luân luôn cố gắng cống hiến cho khán giả những vở diễn hay. Đối với Luân, không bao giờ lơ là từ phục trang cho đến cách ca, cách diễn. Nếu có kiếp sau, Luân cũng xin được tiếp tục làm nghệ sĩ. ”
Nghệ sĩ Lê Tín thì chia sẻ, “Lê Tín cám ơn báo Viễn Đông, đài truyền hình Vstar TV, đài Little Saigon TV, đã giúp đỡ các anh chị em nghệ sĩ quảng bá chương trình này đến các quý vị khán giả, nhờ vậy chương trình của chúng tôi mới được nhiều khán gỉa biết đến và ủng hộ rất đông. Đây là điều đáng mừng cho cải lương. Vì nhiều bầu show nói rằng thực hiện chương trình cải lương rất khó bán vé. Tổ chức chương trình tân nhạc thì chỉ cần thông báo là có khán giả đông, còn tổ chức cải lương phải bán từng chiếc vé, điều đó rất đúng. Chúng tôi đã lấy công làm lời. Đi giao từng chiếc vé cho khán giả, dù 1 vé cũng giao luôn. Chúng tôi luôn cố gắng đem lại niềm vui cho các khán giả của mình từ nội dung chương trình sao cho thật hấp dẫn, để khán giả lại tiếp tục những chương trình tiếp theo số 2, số 3...”

 Trích đoạn Mặt Trời Đêm Thế Kỷ

“Mượn xưa nói nay,” mượn chuyện sử không chỉ kể lại chuyện xưa, mà còn là đối chiếu chuyện nay, soi rọi lại bài học muôn đời, là điều mà soạn giả Phi Hùng- Lê Duy Hạnh đã thể hiện qua vở cải lương “Mặt trời đêm thế kỷ.” Trong chương trình nghệ sĩ Lê Tín đã chọn dàn dựng trích đoạn với lớp diễn Bắc Bình Vương Nguyễn Huệ xử tội danh tướng Vũ Văn Nhậm, là danh tướng dưới quyền của Bắc Bình Vương đã ỷ vào quyền thế mà tham ô, ức hiếp những người dân vô tội, khiến người dân mất lòng tin vào Tây Sơn. Các nghệ sĩ Đăng Linh (vai Nguyễn Huệ), Thanh Vũ (vai Vũ Văn Nhậm), Bình Trang (Vai công chúa Tây Sơn) và Lê Tín (vai người dân) đã gây xúc động mạnh cho khán giả qua lớp diễn nhiều kịch tính. Một Nguyễn Huệ thần sắc uy nghi được nghệ sĩ Đăng Linh thể hiện trọn vẹn qua từng ánh mắt, điệu bộ và từng lời thoại, lời hát, đặc biệt là những giằng xé nội tâm buộc lòng phải trị tội “gia hình” (tử hình) Vũ Văn Nhậm.
Nghệ sĩ Lê Tín trong vai người dân đầy uất ức, công phẫn khi buộc tội danh tướng Vũ Văn Nhậm về những tha hóa, sa đọa, ức hiếp dân đen mà danh tướng này đã gây ra, khiến dân chúng không còn tin vào chính nghĩa của Tây Sơn.
Danh tướng Vũ Văn Nhậm của Thanh Vũ từng lập nên nhiều công trạng, nhưng nay đã không còn ngẩng cao đầu mà phải cúi đầu chịu tội vì những sai lầm mình đã gây ra. Nhưng cũng đầy tình cảm với người vợ trong phút giây giã từ để nhận tội “gia hình.”
Nghệ sĩ Bình Trang trong vai công chúa Tây Sơn, một nàng công chúa có số phận bi thương, mặc dù yêu chồng nhưng nàng vẫn quyết một lòng vì chính nghĩa, chấp nhận để chồng phải đền tội đã gây ra.


                   Nghệ sĩ Vũ Luân vai Ngô Phù Sai và Thanh Thanh Tâm vai Tây Thi. (Băng Huyền/Viễn Đông)

  

Trích đoạn Hòn Vọng Phu

Là chuyện kể về hai anh em ruột gặp nạn phải xa nhau từ nhỏ. Về sau họ gặp lại nhau mà không biết họ là anh em. Họ yêu nhau, cưới nhau làm vợ chồng rồi sinh ra một đứa con. Một hôm anh chồng nhìn thấy dấu sẹo ẩn trên đầu người vợ mà lâu nay vợ anh cố tình che giấu, anh nhận ra vợ mình là em gái mình. Người chồng ra đi không có ngày về, mang theo tâm sự thầm kín không để cho vợ con biết.
Lớp diễn cuối của vở cải lương được tái hiện lại qua sự hóa thân của nghệ sĩ Tuấn Phong trong vai Vịnh, người chồng, đồng thời cũng là anh trai, nghệ sĩ Thanh Thanh Tâm trong vai Thanh là vợ và cũng là em gái của Vịnh; nghệ sĩ Ngọc Đáng trong vai mẹ nuôi của Thanh.
Nghệ sĩ Tuấn Phong khá tròn vai trong lớp diễn khi biết mình là kẻ có tội “loạn luân.” Đặc biệt khi anh và nghệ sĩ Ngọc Đáng ca, diễn đoạn cuối lúc Vịnh nói ra sự thật, đem lại cảm thương cho người xem trước số phận nghiệt ngã đã giáng xuống Vịnh- Thanh và con trai của 2 người. Nghệ sĩ Thanh Thanh Tâm trong vai Thanh, vốn là vai diễn mà chị từng thành công trước đây cùng nghệ sĩ Vũ Linh (vai Vịnh) cách nay hơn 20 năm trên sân khấu ở trong nước, nay diễn lại vai này, nét thanh xuân trong lời ca, nét diễn của chị dường như vẫn không hề phai nhạt theo thời gian mà còn nồng đượm, đằm thắm hơn.

 

                   Nghệ sĩ Lê Tín vai Ngũ Tử Tư và Vũ Luân vai Ngô Phù Sai. (Băng Huyền/Viễn Đông)
 


 Trích đoạn Trà Hoa Nữ

Nghệ sĩ Thoại Mỹ đã qua Mỹ lưu diễn nhiều lần, nhưng tại quận Cam thì với chương trình “Hương sắc miền Nam” là dịp chị hội ngộ với khán giả quận Cam sau 5 năm vắng mặt. Chị tâm sự, “5 năm rồi mới trở lại đây, nhưng Thoại Mỹ vẫn cảm thấy tình cảm nồng nàn của bà con cô bác dành cho nghệ sĩ nói chung, cho Thoại Mỹ nói riêng, Thoại Mỹ rất vui và cảm thấy ấm cúng khi xa xứ. Lần này vì qua cận ngày quá, không có nhiều thời gian tập dợt với anh em nghệ sĩ bên này, nên Thoại Mỹ chỉ diễn một trích đoạn “Trà hoa nữ” với Thanh Vũ, hy vọng lần sau, Thoại Mỹ sẽ có dịp cống hiến nhiều tác phẩm hơn với bà con cô bác.”
Chị cũng cho biết dù chưa bao giờ diễn với nghệ sĩ Thanh Vũ, nhưng trong quá trình tập luyện trích đoạn này, nghệ sĩ Thanh Vũ chịu lắng nghe những lời góp ý của chị, để cả hai kết hợp được hài hòa khi ca diễn với nhau, nên chị rất an tâm về bạn diễn mới này.
Vở cải lương “Trà Hoa Nữ” được phóng tác theo tiểu thuyết “Trà hoa nữ” của đại văn hào Pháp Alaxandre Dumas “con”( xuất bản lần đầu vào năm 1848). Nội dung “Trà hoa nữ” kể về mối tình bất thành của anh chàng luật sư Duval với cô kỹ nữ Marguerite. Mặc dù Marguerite sống bằng nghề kỹ nữ nhưng cô là người có tâm hồn và giàu lòng vị tha, biết hi sinh bản thân mình cho người mình yêu. Tại Việt Nam, đã có nhiều kịch bản từ sân khấu kịch nói cho đến cải lương đã dựa vào chuyện tình đau thương của nàng kỹ nữ yêu hoa trà được Việt hóa thành câu chuyện xảy ra tại Việt Nam. Nổi bật nhất phải kể đến tác phẩm kịch nói của kỳ nữ Kim Cương. Trích đoạn cải lương “Trà hoa nữ” được trình diễn lần này là của tác giả Vĩnh Xuân - Thúy Phượng - Hữu Lộc.
Hóa thân vào nàng kỹ nữ tên Trang (Trà Hoa Nữ), tạo hình của nghệ sĩ Thoại Mỹ với vẻ đẹp thanh cao, nhưng cũng rất mong manh, yếu đuối. Trong lớp diễn gặp lại Đạt, cô van lơn anh hãy về lại bên gia đình với cha và em của anh, chăm lo đèn sách để thăng tiến trong sự nghiệp, chứ không nên vì thù hận cô mà sa ngã vào đời sống trụy lạc. Nét diễn cùng lời ca đầy tâm trạng của mình, nghệ sĩ Thoại Mỹ đã chuyển tãi đến người xem có những giá trị vượt lên trên cả tình yêu trai gái bình thường, đó là sự hi sinh cuộc sống của mình vì người mình yêu và người thân của người yêu.
Còn nghệ sĩ Thanh Vũ thể hiện tròn vai một anh chàng thật mãnh liệt trong tình yêu, nhưng cũng chính vì quá si tình mà chàng cũng đầy thù hận người yêu khi nàng vì lời hứa với cha anh (nhưng anh không biết) chịu rời xa anh để anh trở về với đời sống danh giá mà gia đình bao đời nay gìn giữ.
Ngoài vai diễn trong trích đoạn “Trà Hoa Nữ,” nghệ sĩ Thoại Mỹ còn ca vài bài tân nhạc và tân cổ (hát cùng với nghệ sĩ Hồng Nga) để tặng khán giả, đặc biệt chị còn thể hiện lại một đoạn diễn từng đem lại thành công cho chị trước đây, một lúc chị đảm nhận 2 vai diễn: Võ Tắc Thiên và Thái Bình công chúa, là hai vai diễn hoàn toàn trái ngược nhau: Một bà hoàng uy nghi, toát lên khí khái uy quyền của một bà hoàng hiểm ác và một cô công chúa hồn nhiên, trong sáng, chị biến đổi cách ca, diễn khi thể hiện hai nhân vật, từ ánh mắt sắc như dao cạo của bà hoàng Võ Tắc Thiên hay ánh mắt thơ ngây của công chúa Thái Bình đều được chị chăm chút và “thả” cảm xúc rất liều lượng, chuẩn mực.

 

  Ban nhạc trong chương trình. (Băng Huyền/Viễn Đông)

 
Nghệ sĩ Hồng Nga và trích đoạn Tuyệt Tình Ca


Đem lại thích thú và ngạc nhiên cho khán giả trong chương trình “Hương sắc miền Nam” còn phải kể đến nghệ sĩ Hồng Nga. Giọng hát của người nghệ sĩ đã bước vào tuổi 70 vẫn còn nồng đượm khi thể hiện những bài hát mang âm hưởng dân ca như “Hoa cau vườn trầu“à đã đem lại bất ngờ cho khán giả khi bà vừa nhảy cha cha cha vừa hát ca khúc “Nếu có yêu tôi” (Thơ Ngô Tịnh Yên, nhạc Trần Duy Đức), nhưng khán giả tán thưởng nhiều nhất vẫn là được nghe bà hát những bài vọng cổ ngọt ngào, đặc biệt là bài vọng cổ về nỗi cô đơn khắc khoải của người nghệ sĩ khi bức màn nhung khép lại trong “Kiếp Cầm Ca” (soạn giả Viễn Châu).
Trong phần hát vọng cổ và tân nhạc, bà đã nhận được tình cảm nồng nhiệt từ các khán giả, họ liên tiếp tặng hoa kèm với phong bao tiền tặng cho bà, cuối giờ diễn bà đã cảm ơn khán giả và thông báo số tiền thu được là 900 mỹ kim, bà gửi tặng lại cho ban nhạc 200 mỹ kim, còn lại 700 bà sẽ đem về Việt Nam, giúp các nghệ sĩ hiện đang sống trong Viện dưỡng lão nghệ sĩ tại Sài Gòn. Mọi người đã vỗ tay tán thưởng trước ý đẹp của người nghệ sĩ và 1 khán giả đã lên tặng thêm 100 mỹ kim để số tiền đủ tròn 800.
Vai cô giáo Lan, là vợ thứ của ông cò quận 9 còn gọi là cò Hương (nghệ sĩ Út Trà Ôn đảm nhận) trong vở cải lương Tuyệt Tình Ca vốn là vai diễn để đời của nghệ sĩ Hồng Nga. Tâm sự với người viết, nghệ sĩ Hồng Nga nói, “Hồng Nga hát vai này khi mới 18 tuổi, bây giờ Hồng Nga đã 70 tuổi, bây giờ diễn thì điêu luyện hơn, và cũng đã già vừa vặn. Hồi xưa phải vẽ nếp nhăn trên mặt, bây giờ không cần vẽ nó đã nhăn rồi. Nếu hồi xưa Hồng Nga diễn cùng bạn diễn là nghệ sĩ Út Trà Ôn, thì lần này lại diễn với một bạn diễn không chuyên nghiệp ngay tại đây, nhưng sự nghiêm túc học hỏi của bạn diễn này (nghệ sĩ Thành Đạt) chắc chắn không phụ lòng khán giả.”
Nghệ sĩ Thành Đạt cho biết, “Tôi chỉ là một nghệ sĩ nghiệp dư, đi làm công việc khác, vì mê cải lương mà đi hát thôi. Vai này đệ nhứt danh ca Út Trà Ôn đã đi vào lòng người rất ấn tượng rồi, thành ra tôi chỉ cố gắng học hỏi những cái hay của nghệ sĩ tiền bối Út Trà Ôn. Vai ông cò Hương trước đây tôi cũng đã đóng vài lần với vài nghệ sĩ tại đây như nghệ sĩ Ngọc Đáng, Phượng Hồng, lần này đặc biệt khi tôi được hát với nghệ sĩ tên tuổi hàng đầu từng diễn với nghệ sĩ Út Trà Ôn, nên tôi đã bị rất nhiều áp lực. Nhưng cũng may được nghệ sĩ Hồng Nga và đạo diễn Lê Tín chỉ dẫn, nên tôi cố gắng hết sức mình. Ngày trước khi diễn vai này, tôi nói thoại nhanh lắm. Lần này nghệ sĩ Hồng Nga nhắc nhở tôi khi thoại chầm chậm lại và diễn thật nhiều, để thấm vào khán giả, vì đây là hai vợ chồng lâu ngày mới gặp nhau. Với người bạn diễn xuất sắc cũng làm cho tôi khi diễn có nhiều cảm xúc hứng thú, hòa nhập với lối diễn, cách diễn.”
Qua lớp diễn ông Cò Hương tái ngộ đầy nước mắt với bà Lan sau hai mươi năm cách biệt, cả hai nghệ sĩ đã để lại nhiều xúc cảm cho khán giả. Bà Lan với nỗi lòng đau khổ của một người đàn bà quá thương người chồng xa cách đến độ gìn giữ, nâng niu từng kỷ niệm, kỷ vật của chồng; Phải chịu đựng trong kiếp “làm thân vợ bé, chồng đã bỏ về với vợ lớn phải vất vả nuôi con mà bia đời còn nguyền rủa.” Còn ông cò Hương dù về bên vợ lớn và bị thất lạc nhau, nhưng hình ảnh người vợ thứ vẫn theo đuổi ông trong bao nhiêu năm xa cách, tình yêu của ông không mờ nhạt, vẫn như ngày còn sống chung. Chính cái tình chồng vợ đoàn tụ sau bao năm xa cách mà người diễn “tình” quá, khiến nhiều khán giả đã rơi nước mắt.

 Trích đoạn “Giang Sơn Mỹ Nhân”

Đây là trích đoạn chọn để kết thúc chương trình qua diễn xuất của nghệ sĩ Vũ Luân trong vai Ngô Phù Sai, Thanh Thanh Tâm trong vai Tây Thi và Lê Tín trong vai Ngũ Tử Tư. Cả ba nghệ sĩ thật xuất sắc từ tạo hình cho đến cách ca, diễn, đã đem lại hài lòng cho các khán giả vẫn ở lại đến cuối chương trình, lúc này đã gần 12 giờ đêm.
Đặc biệt là Tây Thi của Thanh Thanh Tâm và Ngô Phù Sai của Vũ Luân có sự kết hợp tuyệt vời trong diễn xuất, ăn ý trong từng ánh mắt, điệu bộ, từng nét biểu cảm tinh tế và đầy cảm xúc, đã tạo nên sức hút riêng biệt.
Buổi diễn kết thúc, nhưng mọi người dường như vẫn chưa muốn về, dù đã hơn 12 giờ đêm, nhiều khán giả còn ở lại để được chụp hình với nghệ sĩ, mua cd ủng hộ nghệ sĩ và trên đường ra bãi xe, họ vẫn tiếp tục cùng nhau bàn luận, nhận xét đầy hào hứng về các trích đoạn mà mình vừa xem.
Sân khấu cải lương cần lắm những chương trình có phẩm chất cao và tạo được hiệu ứng từ khán giả như chương trình “Hương Sắc Miền Nam,” để thắp lên bao hy vọng và củng cố thêm niềm tin không chỉ cho khán giả mộ điệu mà còn cho cả những nghệ sĩ đang miệt mài theo đuổi nghiệp dĩ cải lương.

BĂNG HUYỀN

 

 


Nguồn: http://www.viendongdaily.com/thanh-cong-cua-chuong-trinh-huong-sac-mien-nam-djSjifds.html

Nguồn tin: www.viendongdaily.com
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Ý kiến bạn đọc

Mã an toàn:   Mã chống spamThay mới     

 

CHUYỂN ĐẾN WEBSITE...

DUY TRÌ TRANG WEB

Đăng nhập thành viên

NSMAU
animation

Facebook

NS ANIMATION NHO

MC Đức Tiến và Hoa hậu...

Sao Việt đồng loạt sốc, tiếc thương trước sự ra đi đột ngột của siêu mẫu, diễn viên Đức Tiến ở tuổi 44.

 

Nghệ sĩ Nhã Thy: Tâm huyết với sân khấu cải lương

Nghệ sĩ Nhã Thy cùng các nghệ sĩ trẻ tâm huyết với nghệ thuật cải lương truyền thống đã và đang tiếp tục ra sức gìn giữ, phát huy, lan tỏa các giá trị nghệ thuật quý giá của sân khấu cải lương trong đời sống hiện đại.

 

Nghệ sĩ Linh Cường, từng chặng đường không quên

CLVNCOM .-- Bạn đọc, khán giả, các nghệ sĩ và tất cả thành viên của cailuongvietnam.com vẫn không quên nghệ sĩ Linh Cường vì ông luôn có mặt trong tất cả nhung buổi từ thiện hay giao lưu cùa trang web CLVNCOM hàng năm vào dịp lễ Tết tại Khu Dưỡng Lão Nghê Sĩ , đình Nhơn Hoà...vv.... . Không những góp công góp sức góp của mà nghệ sĩ Linh Cưởng vẫn luôn cung nghệ sĩ Xuân Lan và chị Việt Hồng tham gia phẩn văn nghệ giúp vui nữa. Những hình ảnh đều có trong diễn dàn của website CLVNCOM vốn là SÂN CHƠI DÀNH CHO KHÁN GIẢ đã ngót 20 năm nay! Dưới đây đây là bài viết của Soan Giả Nguyễn Phương nói về anh : NS LINH CƯỜNG .

 

NSƯT Kim Tiểu Long với ngày 1-5 nhiều ý nghĩa

Vào ngày 1-5 hàng năm, khi bạn bè đồng nghiệp và khán giả gửi lời chúc mừng sinh nhật, NSƯT Kim Tiểu Long không khỏi bồi hồi nhớ lại những lời mẹ kể.

 

Lan tỏa nét độc đáo của đờn ca tài tử

Sách "Tìm hiểu âm nhạc tài tử và cải lương vọng cổ - Ghita phím lõm" vừa ra mắt công chúng của nhạc sĩ Kiều Tấn là một tư liệu quý về tân nhạc, cổ nhạc và đờn ca tài tử (ĐCTT).

 

Nghệ sĩ Trung Dân xúc động khi được khen thế vai NSND Diệp Lang

Trong đời nghệ sĩ, một lần được thế vai diễn của thần tượng chắc chắn sẽ là kỷ niệm khó quên trong sự nghiệp hóa thân với hàng trăm số phận. Nghệ sĩ Trung Dân đã có những khoảnh khắc đáng nhớ.

 

Kim Tiểu Long: "Ly hôn" là món quà tôi tặng cho đời mình

Buổi ra mắt MV như một lời tâm sự tận đáy lòng của người nghệ sĩ trước những hoàn cảnh ly hôn, ảnh hưởng lớn đến con cái mà NSƯT Kim Tiểu Long muốn nhấn mạnh.

 

Hành trình 20 năm - Một trang web để đời

Làm sao nói hết đuợc, làm sao đo đuợc sự phát triển , nổ lực của trang web trong 20 năm , làm sao thấu hiểu hết đuợc những công việc thầm lặng của Admin, ban điều hành và hàng nghìn thành viên tâm huyết của web cailuongvietnam.com.

 

Nghệ Sĩ hài Hồng Vân "thắng án" CEO Nguyễn Phương Hằng ngoạn mục

Nữ nghệ sĩ hề đa năng Hồng Vân là một trong những nghệ sĩ đầu tiên được réo tên trong danh sách phong sát nghệ sĩ trong Đ Ra Ma của bà Hằng năm 2022,

 

Lê Phương mê làm đào chánh, như "nhặt được vàng" với phim "Sáng đèn"

Không ai có thể ngờ ước mơ từ thuở nhỏ của diễn viên Lê Phương là được làm đào chánh trên sân khấu cải lương.

 

Nghệ sĩ Diệu Hiền: Ai hỏi, tui nói tui là bạn của Bạch Tuyết

Đến chúc mừng bạn thân Bạch Tuyết ra mắt Học viện cải lương, nghệ sĩ Diệu Hiền tiết lộ từ lâu bà muốn nói rằng bà hãnh diện khi có người bạn như Bạch Tuyết.

 

Cá tháng Tư

Ngày Cá tháng Tư được biết đến là ngày mọi người có thể mang lại tiếng cười sảng khoái cho nhau, có thể thỏa thích nói dối hay lừa mọi người theo kiểu trò đùa vô hại mà không bị chỉ trích, trách mắng.

 

Nghệ sĩ Phước Sang bị đột quỵ

Thông tin này khiến nhiều nghệ sĩ là đồng nghiệp của ông bầu Phước Sang quan tâm. Bởi, ngoài tài năng diễn xuất ông còn là người sáng lập nhóm hài “Tuổi đôi mươi” và sân khấu kịch Sài Gòn.

 

Nghệ sĩ Bích Hạnh đánh đổi nghệ thuật cho gia đình, cuối đời lủi thủi một mình

Tại chương trình 'Người kể chuyện đời', nghệ sĩ cải lương Bích Hạnh có những trải lòng về chặng đường hoạt động nghệ thuật và cuộc sống ở tuổi ngoài 70.

 

NSƯT Kim Phương, NSƯT Mỹ Hằng đào tạo 60 học viên cho nghệ thuật cải lương

Nỗ lực tạo thêm nhiều hạt nhân nòng cốt đẩy mạnh các hoạt động văn hóa nghệ thuật, trong đó có nghệ thuật đờn ca tài tử và cải lương, Nhà hát cải lương Trần Hữu Trang đã tạo được uy tín trong việc truyền lửa đam mê cho giới trẻ.

 

Tiết lộ bí mật của cố diễn viên Mai Phương

Ca sĩ Ngọc Châu, bạn thân cố diễn viên Mai Phương, mới đây tiết lộ Mai Phương từng từ chối lời cầu hôn và cơ hội sang Mỹ định cư.