Bản Sắc Dân Tộc - cailuongvietnam.com

Tin Tức Nghệ Sĩ Tâm Sự

DUY TRÌ TRANG WEB CLVN

Ca sĩ Bạch Yến: “Tôi và anh Hải giống như tình nhân”

Thứ tư - 05/03/2014 11:17

Ca sĩ Bạch Yến: “Tôi và anh Hải giống như tình nhân”




Tiếp xúc với âm nhạc năm chín tuổi, trong ca đoàn của một nhà thờ tại Cần Thơ; 11 tuổi đoạt huy chương vàng cuộc thi dành cho giọng ca nhi đồng của đài phát thanh Pháp Á; 17 tuổi trở thành giọng ca vàng của các phòng trà Sài Gòn với những tình khúc nhạc Pháp; là người Việt Nam đầu tiên và duy nhất xuất hiện trên chương trình Ed Sullivan Show nổi tiếng của Mỹ năm 1965, là nghệ sĩ Việt Nam duy nhất có cơ hội trình diễn trên cùng một chương trình với những tên tuổi nổi tiếng của Mỹ như Bob Hope, Bing Crosby, Pat Boone, Frankie Avalon, Jimmy Durante, Joey Bishop, Mike Douglas, Liberace… Đó là chưa kể hành trình cùng chồng, giáo sư Trần Quang Hải - con trai giáo sư Trần Văn Khê, mang âm nhạc dân tộc Việt Nam đi biểu diễn trên 70 nước. Trong lần về nước này, Bạch Yến góp mặt trong Liveshow Dấu ấn - Hiền Thục diễn ra vào 1/3/2014.

 

Image



* Về nước lần đầu vào 2009, nhưng bà chỉ biểu diễn tại một vài phòng trà. Vì sao lần này bà lại nhận lời tham gia liveshow Hiền Thục với vai trò khách mời?

- Tôi cũng có một chút kén chọn trong việc nhận show. Ở tuổi này, tôi không hát vì tiếng hay vì tiền nữa, mà vì tình. Tôi và Hiền Thục có một chút nhân duyên, bắt đầu từ việc mẹ của Hiền Thục là một khán giả thích tôi. Thục từng chở mẹ đến phòng trà xem tôi hát. Trong một lần tôi đến xem một chương trình, tuy tôi chưa biết Thục là ai nhưng Thục vẫn cúi đầu chào tôi. Đêm đó xem Thục hát, thầm nghĩ cô bé này hát cũng khá hay. Bất ngờ hát xong Thục tìm tôi, kể câu chuyện Thục đã chở mẹ đi xem tôi hát thế nào. Chúng tôi quen nhau từ đó. Chính vì tình cảm đó mà lần này về Việt Nam để thu âm album, Thục mời là tôi đồng ý ngay.

* Nhắc đến Bạch Yến là nhắc đến một nghịch lý thú vị: khi hát cho khán giả Việt, bà chủ yếu hát nhạc Pháp, nhưng khi biểu diễn cho người nước ngoài, bà lại hát nhạc dân tộc Việt Nam…

- Đúng là nghịch lý, nhưng là nghịch lý… hợp lý. Từ năm 15 tuổi tôi đã được biết đến như một ca sĩ chuyên hát nhạc Pháp. Chẳng vì lý do gì cao siêu cả, chỉ là lúc ấy thị trường đã có nhiều ca sĩ nổi danh, tôi chọn cho mình hướng đi khác một chút để không bị trộn lẫn. Năm 1961, tôi quyết định tu nghiệp ở Pháp vì muốn học thêm cách hát theo kiểu Tây phương. Dù không hiểu nhiều về nhạc tình Việt Nam, nhưng tôi lại cực kỳ thích và tự hào về chiếc áo dài. Đến khi gặp anh Hải, tôi lại hiểu và thêm tự hào về nhạc dân tộc. Bây giờ, mỗi lần tôi xuất hiện trước khán giả nước ngoài là tôi mang nhạc dân tộc ra “khoe”, mấy mươi năm vẫn thế. Còn diễn cho khán giả Việt thì vẫn là nhạc Pháp (cười).

* Đầy đủ phải là: vẫn là nhạc Pháp và vẫn là áo dài chứ?

- Đúng, tôi mê áo dài lắm. Không chỉ đi biểu diễn mà khi dự các sự kiện của các đại sứ tại các nước tôi vẫn mặc áo dài. Càng đến những nơi có nhiều người nước ngoài tôi lại càng phải mặc áo dài, vì hai lý do: đẹp, và không bị trộn lẫn. Mà phải đúng áo dài nhé, có cổ và có tay, tôi không thích áo dài cách tân. Áo dài của mình đẹp vậy nhưng về Việt Nam tôi lại không thấy nhiều người mặc.

* Chuyên hát nhạc Pháp nhưng vì sao sắp tới, sản phẩm bà giới thiệu cho khán giả Việt lại là album nhạc Lam Phương?

- Thật lòng thì tôi không biết nhiều về nhạc Lam Phương. Cách đây không lâu, tôi tham gia thu âm theo lời mời của một người, với nhiều ca khúc Lam Phương. Tôi nhận ra nhạc Lam Phương có nhiều cái hay quá nên quyết định thực hiện một album. Nhạc Lam Phương đã quá nhiều ca sĩ hát, nhưng tôi sẽ hát nhạc của anh theo cách của mình. Đó sẽ là một album mà khi nghe qua, mọi người sẽ biết Bạch Yến hát Lam Phương chứ không phải là một ca sĩ nào khác.

 

Image



* Cái khác đó, liệu có là do Bạch Yến mang một cảm xúc khác khi hát nhạc Lam Phương, nhất là ca khúc Cho em quên tuổi ngọc mà nhạc sĩ viết riêng cho bà?

- Anh Phương là bạn trai đầu tiên của tôi. Chuyện của tôi và anh là chuyện của cảm xúc đầu đời, của thời mới lớn. Anh Phương là người tử tế, mỗi khi muốn đưa tôi đi chơi đâu đó, anh đều đến nhà xin phép ba má tôi. Chuyện tôi với anh Phương chỉ vậy mà thôi. Với album lần này, 10 bài hát đều do anh chọn. Ca khúc Cho em quên tuổi ngọc, là từ một lần anh Phương đến nhà tôi chơi ở Pháp, anh bảo sẽ viết tặng tôi một bài hát. Tưởng anh chỉ nói chơi, ai ngờ sau đó anh gửi cho tôi một bài hát thật. Tôi hát thử, thấy thích lắm. Thấy tôi thích, anh viết thêm lời Pháp cho ca khúc đó.

* Bây giờ, sau mấy mươi năm, người ta vẫn thấy Bạch Yến và giáo sư Trần Quang Hải cứ tươi mới như vợ chồng son, dù ngày đó hai người đến cưới nhau chỉ sau hai tuần gặp. Điều gì đã giữ cho hai người đi cùng nhau chặt đến thế?

- Nói vợ chồng son chưa đủ đâu, chúng tôi giống như tình nhân thì đúng hơn. Và gọi là đến với nhau sau hai tuần vẫn chưa chính xác, đúng ra là cưới nhau chỉ sau một lần hẹn hò. Vậy mà cuộc sống lúc nào cũng đầy tiếng cười. Tháng Sáu tới là tròn 36 năm chúng tôi bên nhau. Có lẽ vì chúng tôi có chung một tình yêu lớn là nhạc dân tộc Việt Nam. Em hát, anh đàn, cứ thế, cùng đi và cùng vui với tình yêu lớn đó. Còn lại, tôi và anh Hải không có con chung, con gái của anh Hải lớn lên cùng tôi. Tôi chăm cháu, dựng vợ gả chồng. Lần này, sau khi thu âm xong album Lam Phương tôi sẽ quay lại Pháp, tiếp tục hành trình mang âm nhạc dân tộc đến các nước châu Âu cùng anh Hải. Lần nào biểu diễn cùng nhau cũng giống như lần đầu, không tươi mới sao được.

* Làm mẹ của một người con mình không sinh ra, bà có thể phác họa hành trình đó?

- Anh Hải không hề ép tôi là lấy anh thì phải nuôi con anh hay làm bất kỳ điều gì khác. Có thương thì mới có thể nuôi được, dù tôi cũng gặp không ít khó khăn. Con bé về sống với chúng tôi lúc năm tuổi, khi đã đủ nhận thức mọi thứ. Tôi sợ định kiến mẹ ghẻ con chồng, sợ con nói mình không thương nên phải làm nhiều thứ để con có thể cảm nhận được tình yêu đó. Mỗi khi có tiệc tùng tôi đều để anh Hải đi, tôi ở nhà chơi, dạy con học. Tôi dạy con tiếng Việt, ăn cơm Việt, dạy nói giọng Nam, giọng Bắc. Nhớ mỗi lần con nói không được từ gì thì hai mẹ con lại tập nói từ đầu, tôi bắt nói đi nói lại hàng chục lần… Tôi nghĩ, có lẽ cái gì tôi cũng đã có hết rồi. Sự nổi tiếng, danh vọng, tiền bạc tôi đều đã đạt được nên tôi sống rất thoải mái.

 

Image



* Cuộc đời bà nhiều cú rẽ khó lường. Đang “làm mưa làm gió” tại Việt Nam, bà bỏ sang Pháp tu nghiệp. Đang ở đỉnh cao tại Hollywood với nhiều lời mời mọc như một minh tinh thật sự, bà rẽ về Pháp định cư. Đang tân nhạc phương Tây, bà rẽ sang nhạc dân tộc Việt Nam. Là định mệnh hay là sự lựa chọn của chị?

- Khó nói lắm! Có thể lựa chọn của tôi lúc ấy cũng là sắp xếp của định mệnh. Ngã rẽ lớn nhất của tôi là... gặp anh Hải. Nhiều người giàu có ở Mỹ theo đuổi, tôi muốn gì là được nấy nhưng tôi vẫn không lấy, vậy mà lấy anh Hải, dù lúc đó anh chưa có tiếng tăm gì. Vì lấy anh mà dù vẫn còn hợp đồng ở Mỹ, tôi cũng bỏ để về Pháp. Mười mấy năm sau đó tôi phải tập quên nhạc phương Tây, tôi chủ động ít nghe dần, bắt đầu từng chút với nhạc dân tộc. Với nhạc dân tộc thì anh Hải đúng là thầy tôi, anh chỉ cho tôi mọi thứ, từ điệu hát ru, câu hò. Bù lại, tôi có một thế giới mới và một cuộc sống đầy tiếng cười. Anh Hải là người hài hước, mọi vật dụng trong nhà đều có thể trở thành nhạc cụ đối với anh. Cái muỗng ăn cơm mà anh còn tấu, thổi được.

* Có bao giờ bà ngồi nhìn lại và thấy lạ lùng vì một cô bé chưa từng qua trường lớp đào tạo nào lại có thể hát hay và sau đó trở thành Bạch Yến - người đi biểu diễn vòng quanh thế giới?

- Hồi đó không ai dạy tôi cả. Vốn liếng về âm nhạc mà tôi có được là từ ca đoàn. Khi ý thức được sự thiếu hụt đó của mình, tôi bắt đầu tự học, nhất là học cách phát âm tiếng nước ngoài. Tôi học qua sách báo, băng đĩa. Tôi chỉ hát thôi, hoàn toàn không biết lời bài hát nói gì cả. Sau đó gặp người giỏi tiếng Anh, tôi đọc cho họ chép ra phần lời và dịch cho tôi hiểu. Họ bảo họ không tin vì cách phát âm của tôi không thể nào là tự học được cả. Rồi khi kiếm được tiền, tôi mua vé để vào rạp xem phim, xem cách người ta diễn, người ta biểu đạt cảm xúc. Hồi đó, ai đi xa về mà tặng tôi băng đĩa nhạc nước ngoài là tôi thích lắm. Sau này tôi sang Pháp cũng là để học về thanh nhạc. Thiếu cái gì thì phải bổ sung cái đó.

Tôi luôn trân trọng và luôn muốn khán giả hài lòng khi nghe Bạch Yến hát nên đến tuổi này tôi vẫn luyện thanh 15 phút mỗi ngày. Sáng uống một lít rưỡi nước, ăn sáng rồi đi bộ 4km. Ngày nào cũng vậy. Dù trời nắng, mưa, tuyết, tôi vẫn đi. Trở về nhà với mồ hôi ướt đẫm áo nhưng lúc nào tôi cũng thấy mình tràn trề năng lượng, hạnh phúc và yêu đời hơn. Rồi về Việt Nam thì cộng thêm niềm hạnh phúc là được ăn rau tần ô, chả cá thát lát, còn gì bằng.

Võ Hà

Tác giả bài viết: meoxu

Nguồn tin: PNO

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Bình luận mới

Gửi bình luận của bạn

Tên của bạn Email Nội dung Mã an toàn

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 

DUY TRÌ TRANG WEB CLVN