Bản Sắc Dân Tộc - cailuongvietnam.com

Tin Tức Nghệ Sĩ Tâm Sự

DUY TRÌ TRANG WEB CLVN

NSƯT Thanh Nguyệt Tôn sư trọng đạo

Thứ ba - 13/01/2015 15:31

Trong những ngày HTV phát sóng vở kịch Trái tim trong trắng của Lưu Quang Vũ, NSƯT Thanh Nguyệt bỗng nhớ da diết vở cải lương “Trái tim trong trắng” do NSƯT Hoa Hạ dựng tại sân khấu Tao Đàn - Cung văn hóa lao động TPHCM. Lúc đó nghệ sĩ Hải Phượng đàn tranh cùng với các nghệ nhân đờn kìm, ghita, sáo, sến, bầu… đã tạo dấu ấn tuyệt đẹp cho tác phẩm sân khấu này. Nghe tiếng đờn kìm, NSƯT Thanh Nguyệt đã kể về một người thầy mà đối với chị đó là người đầu tiên dạy chị ca theo nhịp đờn và hướng chị đến với nghề qua tiếng đờn kìm khắc khoải.

Người nghệ nhân đó là thầy Năm Nhu, một nghệ nhân chơi đờn kìm rất điêu luyện. Nhà ông ở cùng xóm với chị, một ngôi nhà vách lá có hàng dừa cao nằm khuất trong con hẻm đường Minh Mạng của tỉnh Bạc Liêu. Năm đó, chị vừa tròn 14 tuổi. Làn hơi đã bắt đầu tạo được những luyến láy mà nhờ nghe Radio và dĩa nhựa chị tiếp thu với sự sáng dạ của một cô bé nhà quê. Biết con mình thích ca cổ, nên má chị dẫn chị tới nhà thầy Năm Nhu và nhờ ông dạy ca theo nhịp đờn.

 

          Chị kể: “Thầy biểu tôi ca mấy câu trong bài vọng cổ “Lắng tiếng chuông ngân” của bác bảy Viễn Châu, rồi sau đó phân tích cho tôi nghe cách ngắt câu và phương pháp nhã chữ, lấy hơi, cũng như đếm nhịp đờn. Chỉ học hai buổi là tôi đã có thể ca chắc nhịp bài vọng cổ mà tôi yêu thích đó. Gia đình thầy rất nghèo, nên học phí của tôi là những táo gạo, hoặc con cá, bó rau… Nhờ tiếng đờn của thầy mà tôi đã hướng ước mơ của mình đến với cánh màn nhung sân khấu. Đó là sự kiện thầy dẫn tôi đi thu đài. Hồi đó trên sóng phát thanh của Bạc Liêu hàng tuần có chương trình ca nhạc tài tử. Tôi vui mừng lắm khi được thu bài “Lắng tiếng chuông ngân” và được các cô chú trong đài khen con nhỏ hát giống Thanh Nga quá. Một năm sau đoàn cải lương Hoa Sen của ông Bầu Cao về hát tại Bạc Liêu, ba tôi làm quen với người gác cửa nên tôi được giới thiệu với ông bầu. Chính bài vọng cổ Lắng tiếng chuông ngân do thầy uốn nắn đã cho tôi cơ hội đến với sân khấu. Sau này mỗi lần về thăm quê, tôi đều ghé thăm thầy. Vẫn dáng người cao gầy, vẫn nụ cười cởi mở và ngón đờn kìm khắc khoải. Thầy nói trong xúc động khi biết tôi đã thành danh và khuyên bảo tôi nên cố gắng giữ gìn giọng ca riêng biệt của mình, đừng để những trào lưu biến hóa trong cách tân lối ca, lối diễn làm khác đi nét riêng của mình. Sau giải phóng thầy đã qua đời, gia đình thầy cũng dọn đi nơi khác. Nhưng mỗi khi đi ngang qua đường Minh Mạng, nhìn thấy hàng dừa soi bóng trong con hẻm hun hút là tôi bỗng nhớ đến thầy. Tôi luôn ghi trong dạ một câu nói: “Thời gian câu hát đưa thoi, lòng tôi vẫn nhớ tiếng đờn kìm năm xưa”.

 

          Có thể nói, hơn bao giờ hết, người nghệ sĩ luôn ghi nhớ công ơn của những người thầy đã tận tình truyền đạt kinh nghiệm cho nghề nghiệp của mình. Nhất là đối với người đầu tiên dạy mình ca theo đờn. Bởi, bất cứ một người có năng khiếu ca cổ nào cũng có thể hát rất hay bằng sự bắt chước theo băng, dĩa hoặc Radio, còn khi được ráp với đờn, đối diện với những khuôn phép quy định họ vẫn thường lo ngại trước những thách đố của nhịp. NSƯT Thanh Nguyệt đã may mắn tìm được người thầy biết áp dụng sự phân tích trong cách ca dạy như: hướng dẫn cách lấy hơi, cách nhã chữ, sắp câu. Để chỉ trong vòng hai ngày người học trò của mình đã có thể hát chắc nhịp một bài vọng cổ trong khi chẳng biết chút gì về niêm luật ca cổ. Cái đáng quý ở người thầy mà NSƯT Thanh Nguyệt nhớ đời chính là những lời căn dặn khi chị đã thành danh. Hiếm có người thầy nào lo lắng cho đứa học trò mình sẽ bị những cơn lốc cách tân làm mất đi nét riêng của nó. Tuy chỉ học với thầy về cách ca trong một khoảng thời gian ngắn, nhưng NSƯT Thanh Nguyệt vẫn luôn hoài niệm về tiếng đờn kìm của thầy, và xem đó là bí quyết giúp chị luôn tự tin với trường phái chân phương không mòn qua bao năm tháng.

Quân Thạch



 Thanh Nguyệt - Từ giải Thanh Tâm 1965

Nhiều nghệ sĩ trong lĩnh vực sân khấu, điện ảnh, ca nhạc, dù hiện nay có người đã trên dưới tuổi thất thập cổ lai hy nhưng vẫn là dấu khắc đậm đà trong lòng người mộ điệu.

Ở tuổi 63, nghệ sĩ Thanh Nguyệt với gương mặt đậm nét phúc hậu, luôn được những chương trình quảng cáo mời đóng các vai nội ngoại trong một gia đình hạnh phúc.

Giải Thanh Tâm 1965

Thanh Nguyệt sinh năm 1947 tại Bạc Liêu. Cha là người nuôi giấu cán bộ, bị bắt ở tù mấy năm. Thanh Nguyệt phải nghỉ học để phụ má nuôi đàn em thơ dại. Khi cha mãn hạn tù trở về, ông mất sức luôn, không làm gì được. Một hôm, ông gặp lại người bạn cũ trong một gánh hát, dẫn ông này về nhà chơi. Ông trông thấy cô bé Thanh Nguyệt, liền khen: “Con nhỏ mặt mũi sáng láng quá! Nó có biết ca không?”. Cha Thanh Nguyệt nói: “Tôi thấy nó đọc kinh hay lắm, chứ ca thì chưa nghe!”. Gia đình đạo Cao Đài, kinh đọc nghe vần điệu ngân nga. Nhưng không ngờ, Thanh Nguyệt đã được ông Năm trong xóm dạy cho bài vọng cổ duy nhất Lắng tiếng chuông ngân, mà bài này gắn với tên tuổi nghệ sĩ Thanh Nga đang nổi như cồn lúc bấy giờ. Thanh Nguyệt ca thử, được ông khách trầm trồ: “Ủa, sao cái hơi ca của con nhỏ này giống hơi của Thanh Nga vậy!”. Thế là ông giới thiệu cô bé cho Đài phát thanh tỉnh Bạc Liêu, mỗi tuần lên hát một lần, ai cũng thích thú.

Thanh Nguyệt vai Hoàng hậu Maya phim "Cuộc đời Đức Phật" - Ảnh: NS cung cấp

Lời đồn tới tai ông bầu Bảy Cao, ông liền đem Thanh Nguyệt về đoàn Hoa Sen cho làm đào, vì lúc ấy Thanh Nguyệt đã 16 tuổi. Nhưng vô đó rồi mới hoảng hồn vì ca rớt nhịp tùm lum. Nhạc sĩ Tuyết Mai thương tình kèm cặp thêm, cho tới ngày Thanh Nguyệt lên thay cô đào chánh thì sự nghiệp cứ thẳng đường mà tiến.

Sau giải phóng bà về đoàn Trung Hiếu, Thanh Minh - Thanh Nga, Nhà hát Trần Hữu Trang. Khán giả ấn tượng nhất vai bà mẹ du kích trong Hòn đảo thần vệ nữ đã sóng đôi với nghệ sĩ Thanh Vy làm nên cái đẹp bi tráng trong chiến tranh. Vai nữ tướng Lê Chân trong Tiếng trống Mê Linh, vai Thái hậu Dương Vân Nga, Kiều Nguyệt Nga, Thị Bình (Lôi Vũ)... đều rất chuẩn mực.

1992, Thanh Nguyệt nghỉ hát sân khấu nhưng quay video rất nhiều. Và sau này bà còn tất bật tham gia phim truyền hình, nào Người con gái đất đỏ, Dòng xoáy tình yêu, Ngã rẽ cuộc đời, Ký túc xá, Những chiếc lá thời gian... Đặc biệt, vai Hoàng hậu Maya trong phim Cuộc đời Đức Phật càng tôn nét đoan trang, phúc hậu của Thanh Nguyệt.

Bà rất kỹ tính trong biểu diễn, không chấp nhận làm qua loa, cẩu thả. Có lần quay vai bà mẹ cách mạng vừa ngồi xay bột vừa thủ thỉ vận động người lính quốc gia, Thanh Nguyệt chọn mặc cái áo màu nâu hơi cũ. Đạo diễn bắt mặc cái áo có hoa, bà đã phản đối. Nhưng rồi bà thở dài, cải lương bây giờ sao mà lạ lùng, mình làm nghiêm túc quá có khi lạc lõng.

1964, đại bang Kim Chưởng mời Thanh Nguyệt về thì 1965 bà đoạt giải Thanh Tâm. Ngoài vai trẻ Tiểu Long Nữ trong vở Song Long thần chưởng, còn có vai già là người mẹ trong vở Quỹ bão đã lọt vào mắt xanh ban giám khảo. Và những vở nổi tiếng của đoàn này là Người gọi đò bên sông, Con gái nữ thần… đều có vai Thanh Nguyệt. 1967, Thanh Nguyệt về đại bang Kim Chung, chung đoàn với Lệ Thủy, Minh Phụng, Tấn Tài, Thanh Hải, Tô Kim Hồng, Trường Xuân…

Hạnh phúc bình dị

Nói đến Thanh Nguyệt là nhớ ngay đến người chồng của bà, nghệ sĩ Quốc Nhĩ trong vai Đông Bản vở Tiếng trống Mê Linh. Một Đông Bản mộc mạc, nghĩa khí đã thay mặt tướng sĩ đòi tiến công diệt quân Hán xâm lăng, từ đó tiếng trống của ông cụ Đô Trinh - Ba Xây mới cất lên hào hùng, và Trưng Trắc - Thanh Nga đã nuốt lệ tiễn chồng, kéo quân về Luy Lâu viết nên trang sử vàng cho phụ nữ Việt Nam. Đông Bản chỉ xuất hiện trong vài lớp diễn ngắn nhưng khán giả rất ấn tượng. Và “vai diễn” trọn đời của ông là trở thành nơi nương tựa cho Thanh Nguyệt cùng đứa con thơ dại.

Nghệ sĩ Quốc Nhĩ nhờ Tiếng trống Mê Linh se duyên với Thanh Nguyệt, rồi ông nhẫn nhịn nuôi đứa con riêng của vợ, thương như con ruột. Ông hiền lành, bà chung thủy, đảm đang. Vợ chồng già hủ hỉ với nhau trong căn nhà nhỏ ở Gò Vấp, con trai và cháu nội ở gần đó cứ chạy tới chạy lui thăm viếng. Những ngày bà đi quay phim thì ông ở nhà chăm sóc bà chị vợ bị tâm thần tuổi già. Khi bà ở nhà, ông cũng lo trong lo ngoài để bà rảnh rang học thoại. Lúc tôi đến, bà đang cầm trong tay mấy chục tập phim sắp quay. Bà soạn riêng ra từng phân đoạn, viết chữ thiệt bự để dễ đọc, dễ nhớ. Hai con chó ú nu, hiền lành cứ quấn quít bên chân hai ông bà, như hai đứa con cưng. Ông lấy vòi nước rửa chân cho hai con chó, rồi cười cười: “Thôi kệ, mình không giàu có bằng ai, nhưng gia đình yên ấm là hơn. Tiền bạc thì ai cũng cần, nhưng nếu có tiền mà không hạnh phúc thì tôi hổng ham”.

Con trai của bà là tác giả Thế Phi, đang là tác giả viết kịch bản cải lương. Anh có một số vở đã được dàn dựng. Dòng máu cải lương truyền tới đời này không biết có còn tiếp tục?

Hoàng Kim

Tác giả bài viết: khangbang & tcgd

Nguồn tin: BSK - BM

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Bình luận mới

Gửi bình luận của bạn

Tên của bạn Email Nội dung Mã an toàn

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 

DUY TRÌ TRANG WEB CLVN