Bản Sắc Dân Tộc - cailuongvietnam.com

Tin Tức Những Vở Diễn Hay

DUY TRÌ TRANG WEB CLVN

THÁNG SÁU TRỜI MƯA

Thứ tư - 10/08/2016 04:40

NS-HTT

Nguyên Sa là một trong những thi sĩ có thơ được phổ nhạc nhiều nhất. Nhạc sĩ phổ thơ của ông nhiều nhất có lẽ là Ngô Thụy Miên. Có thể nói, hầu như bài thơ nào của Nguyên Sa được Ngô Thụy Miên (chọn) phổ nhạc đều hay cả. Nói rõ hơn, thơ cũng hay mà nhạc cũng hay; như Paris Có Gì Lạ Không Em, Áo Lụa Hà Đông, Tuổi Mười Ba… Những ca khúc ấy, thơ và nhạc như quyện vào nhau, được người ta nghe đi nghe lại, hát đi hát lại suốt gần nửa thế kỷ qua. Tuy nhiên, có một bài thơ của Nguyên Sa được Ngô Thụy Miên phổ nhạc, cũng rất nổi tiếng, nhưng không phải nhờ công của Ngô Thụy Miên, mà là của nhạc sĩ Hoàng Thanh Tâm.
 

Nguyên Sa và Hoàng Thanh Tâm

Năm 1984, Ngô Thụy Miên phổ nhạc bài thơ ấy nhưng không được nhiều ca sĩ hát. Nếu được nghe người nào hát, không mấy ai muốn nghe đi nghe lại. Lý do vì giai điệu không có gì đặc biệt mà người nghe thường thấy trong nhạc Ngô Thụy Miên. Nói dở thì không hẳn là dở nhưng rõ ràng nhạc không hay, rất bình thường. Giai điệu nghe cứ ngang ngang, đều đều, lạt lạt, thiếu thiếu… gì đấy! Thậm chí, nghe hai ba lần rồi vẫn không nhớ nhạc hát như thế nào. Bỗng từ năm 1987, ca khúc Tháng Sáu Trời Mưa trở nên nổi tiếng, ai cũng (thích) hát, không riêng gì giới ca sĩ. Đấy cũng là thời điểm của tiếng hát Ngọc Lan… lan rộng khắp nơi, từ hải ngoại về đến trong nước. Bài hát ấy theo tiếng hát Ngọc Lan đến với nhiều người. Và… nhiều người nhớ mang máng bài này hình như của Ngô Thụy Miên! Lý do là nạn thâu băng nhạc lậu ở Việt Nam đã có từ hồi ấy. Các “cửa hàng” kinh doanh băng đĩa nhạc thường kiêm luôn dịch vụ thâu nhạc “chọn lọc”.  Khách cứ nói mình thích bài đó bài kia do ca sĩ này ca sĩ nọ hát rồi cửa hàng thâu đầy một băng… cassette. Trên hộp băng chỉ ghi (tay) mục lục thứ tự tên bài hát; còn tên tác giả thì không ai bận tâm. Những băng nhạc “chọn lọc” kiểu này tràn lan khắp Việt Nam giai đoạn ấy. Ở hải ngoại thì hầu như nhà nào cũng có máy nghe và thâu nhạc nên bạn bè ai thích bài nào thì mình thâu tặng bài đó; cũng “làm biếng” ghi tên tác giả! Lâu ngày, rất nhiều người cứ tưởng cái bài Tháng Sáu Trời Mưa mà mình thích là của Ngô Thụy Miên.
Thật sự, đấy chính là bản phổ nhạc của Hoàng Thanh Tâm khi ông ở bên Úc năm 1987. Chính ông lúc ấy cũng không hề biết nhạc sĩ Ngô Thụy Miên đã phổ nhạc bài này trước đó 3 năm. Bản của Hoàng Thanh Tâm đến với công chúng lần đầu tiên qua giọng hát Thái Hiền. Một lý do khác khiến sự nhầm lẫn này càng phổ biến là nhiều người, giống như nhạc sĩ Hoàng Thanh Tâm, không biết Ngô Thụy Miên cũng có một bản trùng tên trước đó. Có một số người nghe nói Ngô Thụy Miên phổ nhạc bài này nhưng lại chưa hề được nghe chính bản nhạc đó. Thành ra, cứ đinh ninh bản “Hoàng Thanh Tâm” là của Ngô Thụy Miên! Thậm chí sau này có internet rồi Youtube, không ít người còn nghĩ người ta viết lộn tên tác giả khi thấy tên Hoàng Thanh Tâm. Công bằng mà nói, một phần cũng vì nhạc sĩ Ngô Thụy Miên không chỉ là bậc đàn anh trong làng sáng tác ca khúc mà sự nổi tiếng của ông cũng hơn hẳn nhạc sĩ Hoàng Thanh Tâm; nhất là những bài phổ thơ của Nguyên Sa.
Trong một chương trình nhạc Hoàng Thanh Tâm tại Úc năm 2011, chính tác giả lên sân khấu tâm sự với khán giả và nói rằng đây là nhạc phẩm tiêu biểu nhất trong cuộc đời sáng tác của ông. Ông viết ở một căn phòng nhỏ dành cho người độc thân trong một đêm mưa gió, cũng vào Tháng Sáu. Một tác phẩm rất tâm đắc như thế lại bị hiểu nhầm của người khác thì không có gì khổ tâm bằng! Thà bị như những nhạc sĩ khác viết ca khúc mà không được trả tiền bản quyền hoặc không được nhắc đến tên, còn đỡ khổ (tâm) hơn. Tâm lý chung của nhiều người nghe nhạc, chỉ chú trọng đến bài hát và ca sĩ mà ít quan tâm đến nhạc sĩ. Có một thời người ta phát hành băng nhạc mà không thèm ghi tên tác giả ca khúc. Không phải vì họ không cần trả tiền bản quyền tác giả mà chính vì họ biết đa số người mua băng cũng chẳng bận tâm gì lắm. Những sự vô tình ấy đôi khi gây ra những thiệt thòi về vật chất và mất mát về tinh thần đối với người nhạc sĩ. Không ít nhạc sĩ có nhiều ca khúc được ưa chuộng nhưng chính bản thân họ sống trong nghèo khổ giữa sự thờ ơ của người đời như Trúc Phương.
Ngoài bản Tháng Sáu Trời Mưa, Hoàng Thanh Tâm và Ngô Thụy Miên còn “đụng hàng” một lần nữa trong bài thơ Cần Thiết của Nguyên Sa. Bài này cũng được Hoàng Thanh Tâm phổ nhạc năm 1987; còn Ngô Thụy Miên phổ nhạc năm 1993. Tuy nhiên, lần này không có rắc rối hoặc nhầm lẫn gì. Một phần, có lẽ, vì cả hai phiên bản không được công chúng đón nhận nồng nhiệt như bản Tháng Sáu Trời Mưa của Hoàng Thanh Tâm. Phiên bản nổi tiếng này thực ra không khó để phân biệt với bản kia của Ngô Thụy Miên. Ngoài giai điệu khác hẳn nhau, lời ca cũng khác rõ nhiều chỗ. Chẳng hạn của Hoàng Thanh Tâm:
Mình dựa vào nhau cho thuyền ghé bến
Sưởi ấm đời nhau bằng những môi hôn 
Mình cầm tay nhau nghe tình dâng sóng nổi 
Hãy biến cuộc đời thành những tối tân hôn…
Còn của Ngô Thụy Miên:
Đôi mắt em, anh xin, đừng lo ngại
Mười ngón tay đừng tà áo mân mê
Đừng hỏi anh rằng: có phải đêm đã khuya
Đừng hỏi anh rằng: có phải đêm đã khuya…
Lúc còn sống, có lẽ thi sĩ Nguyên Sa rất vừa ý với những bài của Ngô Thụy Miên phổ nhạc. Không biết riêng trong bản Tháng Sáu Trời Mưa, ông thích bản phổ nhạc của ai hơn?

Nguyên Tâm

XEM THÊM CHI TIẾT & AUDIO - VIDEO TẠI ĐÂY

Nguồn tin: tcgd theo BTO

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Từ khóa:thi sĩ, phổ nhạc, nhạc sĩ, của ông, có lẽ, có thể, bài thơ, ca khúc, người ta, thế kỷ, tuy nhiên, nổi tiếng

Bình luận mới

Gửi bình luận của bạn

Tên của bạn Email Nội dung Mã an toàn

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 

DUY TRÌ TRANG WEB CLVN