Bản Sắc Dân Tộc - cailuongvietnam.com

Tin Tức Tâm Tình Khán Giả

DUY TRÌ TRANG WEB CLVN

Cứu cải lương bằng cách nào?

Chủ nhật - 16/09/2018 11:25

CL

Nhiều loại hình nghệ thuật truyền thống ở Việt Nam, trong đó có cải lương đang đứng trước nguy cơ mai một vì thiếu nguồn nhân lực kế thừa, thiếu không gian biểu diễn, cơ sở vật chất lạc hậu, các loại hình giải trí mới bủa vây... Tuy nhiên, thời gian qua, nhiều cá nhân và đơn vị vẫn không ngừng nỗ lực để gìn giữ và lan tỏa nghệ thuật cải lương.

Nốt trầm cải lương

Nghệ thuật cải lương ra đời cách đây tròn một thế kỷ và phổ biến ở cả 3 miền, tuy nhiên bộ môn nghệ thuật này phát triển nhất tại các tỉnh phía Nam nước ta. Theo các nhà nghiên cứu, ngày 15/3/1918, tại rạp hát Thầy Năm Tú (TP.Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang), tuồng hát Kim Vân Kiều được công diễn, đánh dấu sự ra đời của sân khấu cải lương Việt Nam. Một năm sau, nhạc sĩ Cao Văn Lầu viết bản đờn ca tài tử “Dạ cổ hoài lang”, sau đó được các đồng nghiệp nâng lên thành bản “Vọng cổ”, đã trở thành bản nhạc “vua” của sân khấu cải lương, thúc đẩy bộ môn nghệ thuật này phát triển rực rỡ, rộng khắp cả nước.

Nguyễn Văn Khởi (bên trái) - quán quân cuộc thi Chuông vàng vọng cổ 2017 được đánh giá là một tài năng không dễ tìm

Tại miền Nam, vào thập niên 1960, sân khấu cải lương phát triển rực rỡ, lấn át ca nhạc và tất cả các loại hình nghệ thuật khác. Thông qua những tác phẩm cải lương đã góp phần hun đúc tinh thần yêu nước, đấu tranh giải phóng đất nước trong những năm chiến tranh. Trong thời đại mới, cải lương cũng là món ăn tinh thần bổ ích, mang tính giáo dục con người hướng thiện, yêu quê hương đất nước... Thế nhưng, “ngày vui ngắn chẳng tày gang”, vài thập niên trở lại đây, sân khấu cải lương ngày càng hiu hắt. Thực tế cải lương nước nhà vẫn tồn tại bên cạnh nhiều loại hình nghệ thuật khác, tuy nhiên trong thời đại công nghệ 4.0 và sự phát triển của các chương trình giải trí mới như hiện nay đã tác động không nhỏ đến cải lương.

NSƯT Trần Minh Ngọc đánh giá, cải lương đang thưa vắng khán giả vì từ lâu cải lương đã không đổi mới theo kịp nhu cầu khán giả đô thị. Trong khi đó, NSND Giang Mạnh Hà chỉ ra những bất cập của sân khấu cải lương hiện nay, cả nước chưa có một nhà hát cải lương đúng chuẩn, trong khi hầu hết các rạp biểu diễn tại các tỉnh đều trở thành nhà hàng, khách sạn, siêu thị.

Trang thiết bị kỹ thuật, hệ thống âm thanh, ánh sáng của các đoàn hát đều cũ kỹ, lạc hậu, chắp vá dẫn tới nghệ sĩ không có cơ hội để dàn dựng những vở diễn công phu, họa sĩ thiết kế không có cơ hội được thỏa sức tung hoành… khiến sân khấu cải lương không còn hấp dẫn và vắng bóng người xem. Trong khi mức chi trả cho tác giả, đạo diễn, họa sĩ, nhạc sĩ, diễn viên còn nhiều bất cập đã làm cho tình yêu sân khấu cải lương bị xói mòn, động lực sáng tạo cống hiến bị phôi phai.

Cũng từ đây chúng ta thiếu đi nguồn nhân lực kế thừa, gìn giữ và phát triển cải lương trong thời đại mới. Nhiều nghệ sĩ cải lương vì cuộc mưu sinh mà phải làm nhiều nghề khác, coi như là… lấy nghề tay trái nuôi nghề tay phải.

Nỗ lực hồi sinh, phát triển

Nhiều nghệ sĩ làm nghề cho rằng, để cải lương tồn tại và phát triển trong thời đại mới, trước hết chúng ta phải xây dựng nhà hát biểu diễn xứng tầm, chuyên nghiệp. Hoặc như ý kiến của NSƯT Trần Minh Ngọc, chúng ta cần chuyên nghiệp hóa, tập trung bồi dưỡng chuyên môn cho nghệ sĩ biểu diễn thay vì quá nhiều lý thuyết cũng như đào tạo đạo diễn chuyên ngành sân khấu cải lương.

Trên thực tế, nhiều nghệ sĩ cũng như các tổ chức vẫn luôn nỗ lực để cải lương không bị mai một và lụi tàn. Điển hình như NSƯT Kim Tử Long đã tự mở một nhà hàng nho nhỏ rồi từ đó lấy đó làm vốn thực hiện cho những dự án xã hội hóa bộ môn nghệ thuật cải lương. “Ví dụ chương trình ngôi sao phương Nam đưa cải lương ra miền Bắc, hoặc chương trình “Về lại cội nguồn” hát hàng tháng tại Rạp công nhân” - NSƯT Kim Tử Long chia sẻ.

Bên cạnh đó, soạn giả Hoàng Song Việt trong khoảng 2 năm trở lại đây đi về giữa TP.HCM và Cần Thơ để quán xuyến chương trình “Hòa điệu đất chín rồng”, phát trực tiếp một tháng 1 số trên kênh VTV5 và VTV9 với mong muốn tạo đất diễn cho lực lượng kế thừa đồng thời tạo chất xúc tác để sân khấu cải lương vẫn luôn sáng đèn trong lòng công chúng.

Đáng kể nhất là từ năm 2006 đến nay, cuộc thi “Chuông vàng vọng cổ” do Đài phát thanh – truyền hình TP.HCM (HTV) tổ chức vẫn bền bỉ tồn tại, đều đặn diễn ra. “Chuông vàng vọng cổ” là cuộc thi nghiêm túc của nghệ thuật cải lương ở nước ta trong 13 năm qua. Ở cuộc thi này, thí sinh được thử thách khả năng ca diễn và có cơ hội được đứng chung sân khấu với các nghệ sĩ nổi tiếng trong nhiều trích đoạn cải lương với đủ mẫu nhân vật: bi, hài, thương, mùi, độc. Từ cuộc thi này, rất nhiều thí sinh nghiệp dư đã trưởng thành và có được chỗ đứng trong lòng khán giả yêu nghệ thuật cải lương như: Lê Văn Gàn, Võ Thành Phê, Võ Minh Lâm, Ngọc Đợi, Huyền Trang, Nguyễn Văn Mẹo, Ngọc Trinh...

“Chuông vàng vọng cổ 2018” hiện đã chọn được 9 thí sinh xuất sắc nhất có tuổi đời trung bình rất trẻ từ 16 - 22 tuổi, có sắc vóc, chất giọng tốt và dành nhiều tình yêu, tâm huyết cho nghệ thuật cải lương để tranh tài tại vòng chung kết diễn ra trong tháng 9/2018. Các thí sinh này sẽ được 3 vị giám khảo uy tín, gắn bó với sân khấu cải lương gồm NSƯT Minh Vương, NSƯT Thanh Tuấn và NSƯT - đạo diễn Hoa Hạ chấm chọn trong các phần thi. Theo NSND Bạch Tuyết, qua cuộc thi “Chuông vàng vọng cổ”, bà cảm thấy yên tâm vì đã có một đội ngũ có khả năng kế thừa sự nghiệp sân khấu cải lương. “Qua các phần thi, chứng tỏ các em rất tâm huyết và yêu những điệu vọng cổ” - NSND Bạch Tuyết đánh giá.

Nguồn tin: tcgd theo TBNH

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Từ khóa:Cứu cải lương bằng cách nào?

Bình luận mới

Gửi bình luận của bạn

Tên của bạn Email Nội dung Mã an toàn

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 

DUY TRÌ TRANG WEB CLVN