Bản Sắc Dân Tộc - cailuongvietnam.com

Tin Tức Tìm Hiểu Nghệ Thuật

DUY TRÌ TRANG WEB CLVN

"Tổ nghề của đời nghệ sĩ": Nghệ sĩ thực hiện di nguyện của thầy

Thứ ba - 26/09/2023 17:00

"Tổ nghề của đời nghệ sĩ": Nghệ sĩ thực hiện di nguyện của thầy

Năm 2011, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã ban hành quyết định công nhận 12 tháng 8 âm lịch là ngày Sân khấu Việt Nam. Các thế hệ thầy và trò trên những sàn diễn ở TP HCM đã góp phần lan tỏa tinh thần tôn sư trọng đạo, vun đắp lòng yêu nghề, hăng hái lao động phục vụ công chúng

Trong 3 ngày, từ 25 đến 27-9 (tức 11 đến 13 tháng 8 âm lịch), các đơn vị nghệ thuật trên cả nước đều tổ chức long trọng "Ngày Sân khấu Việt Nam" (ngày Giỗ Tổ sân khấu)

Tổ nghề của đời nghệ sĩ: Nghệ sĩ thực hiện di nguyện của thầy - Ảnh 1.

Diễn viên Hà Linh và NSƯT Trịnh Kim Chi trong vở kịch sử Việt “Thái hậu Dương Vân Nga”

NSƯT Trịnh Kim Chi, Phó Chủ tịch Hội Sân khấu TP HCM, xúc động cho biết nếu không có sự dìu dắt của NSND Trần Ngọc Giàu, Chủ tịch Hội Sân khấu TP HCM, thì cô đã không có hướng đi ngày hôm nay.

"Từ khi còn là diễn viên của Nhà hát Kịch TP HCM, thầy Giàu lúc đó là trưởng đoàn đã dạy cho tôi nhiều bài học quý. Một trong số đó là sự nghiêm khắc trên sàn tập, gieo vào tôi một ý thức lao động nghệ thuật nghiêm túc. Vì như vậy mới có thể có được những giây phút thăng hoa trên sàn diễn. Từ những bài học này, hiện nay tôi tiếp tục truyền đến các thế hệ học trò" - NSƯT Trịnh Kim Chi bày tỏ.

Không chỉ là giảng viên thỉnh giảng của Trường Đại học Sân khấu Điện ảnh TP HCM, NSƯT Trịnh Kim Chi còn phụ trách Trung tâm Bồi dưỡng Nghệ thuật của hội và Ban Ái hữu Hội Nghệ sĩ Sân khấu TP HCM, góp phần tích cực trong công tác chăm lo cho đời sống nghệ sĩ lão thành tại Khu Dưỡng lão Nghệ sĩ TP và các đơn vị sân khấu xã hội hóa trên địa bàn TP HCM. Và cũng từ sự định hướng của thầy Trần Ngọc Giàu, NSƯT Trịnh Kim Chi đã tham gia khóa cao học Nghệ thuật Sân khấu - Truyền hình tại Trường Đại học Sân khấu Điện ảnh Hà Nội, với mong muốn tiếp nối con đường giảng dạy của thầy, đồng thời thuận lợi hơn trong việc tiếp cận nghiên cứu chuyên sâu ngành nghề mà cô theo đuổi.

Tương tự, đạo diễn - NSƯT Lê Nguyên Đạt, Chủ tịch Hội đồng Nhà trường Trường Đại học Sân khấu Điện ảnh TP HCM, nói về người thầy đáng kính - NSƯT Lê Chức: "Thầy luôn cho tôi những kiến thức mới, luôn dạy tôi phải tôn trọng đạo nghề và đạo làm người trong cuộc đời làm nghệ sĩ". Đạo diễn Lê Nguyên Đạt cho biết thêm: "Tôi học được ở thầy Lê Chức sự thấu đáo, sâu sắc, cẩn thận trong cách nghĩ cách làm và tính chuyên nghiệp trong công việc".

Còn với nghệ sĩ Võ Minh Lâm, anh có nhiều người thầy nhưng trong tim luôn dành cho soạn giả Hoàng Song Việt sự yêu thương. Bởi, trong hành trình làm nghệ thuật, nghệ sĩ Võ Minh Lâm đã đoạt nhiều giải thưởng sân khấu, 6 lần đoạt Giải Mai Vàng, trong số này có 2 vở diễn gây tiếng vang là do soạn giả Hoàng Song Việt "đo ni đóng giày" cho anh, đó là vở "Đứa con họ Triệu" và "Đời như ý". "Mỗi lần đoạt giải thưởng là tôi khoe với thầy, rồi hai thầy trò cùng khóc vì hạnh phúc" - nghệ sĩ Võ Minh Lâm bày tỏ.

NSƯT Kim Tử Long cũng là một hậu duệ xuất sắc tiếp nối NSND Minh Vương, qua các vai diễn nhân vật sử Việt, đáng chú ý nhất là vai Nguyễn Trãi trong vở "Rạng ngọc Côn Sơn". "Nghệ sĩ Minh Vương đã truyền cho tôi tinh thần sáng tạo trong diễn xuất. Mỗi khi gặp vai diễn khó, lúng túng cách xử lý trong bài ca là tôi tìm đến thầy Minh Vương để lĩnh giáo. Những gì học được từ thầy Minh Vương, tôi tiếp tục truyền lại cho đàn em, minh chứng là các thế hệ bây giờ cũng là những nghệ sĩ đầy nội lực như Lê Hậu, Bình Tinh…" - NSƯT Kim Tử Long bộc bạch.

 
Tổ nghề của đời nghệ sĩ: Nghệ sĩ thực hiện di nguyện của thầy - Ảnh 3.

Các nghệ sĩ TP HCM tiếp nối thế hệ đi trước làm tốt trọng trách người nghệ sĩ công dân. Trong ảnh: NSƯT Hữu Châu, Thành Lộc và NSND Kim Cương trao học bổng NSND Bảy Nam cho con em nghệ sĩ nghèo hiếu học
 

NSƯT Lê Tứ tiết lộ anh luôn nhớ ơn những người đã dìu dắt mình đến với sàn diễn cải lương, trong số đó có NSƯT - đạo diễn Ca Lê Hồng (nguyên Hiệu trưởng Trường Nghệ thuật Sân khấu II, nay là Trường Đại học Sân khấu Điện ảnh TP HCM). Theo NSƯT Lê Tứ, để thể hiện lòng tri ân những người thầy tiền bối, bản thân anh luôn suy nghĩ sáng tạo không ngừng để có những vai diễn hay, chất lượng cao cho khán giả. Ngoài ra, anh cũng tích cực tham gia các chương trình "Sân khấu học đường" nhằm phổ cập sâu rộng hơn nữa cải lương Việt đến với thế hệ trẻ, song song đó là nỗ lực đưa sân khấu cải lương gắn với ngành du lịch.

Soạn giả Hoàng Song Việt nhìn nhận văn học nghệ thuật nói chung và nghệ thuật sân khấu nói riêng là tấm gương phản chiếu của hiện thực đời sống. "Những điều tôi gửi gắm vào kịch bản chính là những lời căn dặn đối với diễn viên trẻ. Ngày nay xã hội phát triển, diễn viên tiếp cận công chúng dễ dàng nhưng đó là "con dao hai lưỡi", đôi khi vì bồng bột, nông nổi mà phát ngôn thiếu thận trọng như vậy sẽ gây tác hại khôn lường. Nên tôi mong các nghệ sĩ trẻ luôn có được thái độ làm nghề nghiêm túc, tử tế" - soạn giả Hoàng Song Việt tâm huyết.

Đạo diễn - NSƯT Ca Lê Hồng tâm sự: "Người nghệ sĩ được đào tạo bài bản thôi chưa đủ mà phải luôn ý thức nâng mình lên trong những vai diễn, nhằm tạo ra những hình tượng nhân vật điển hình trong lao động và chiến đấu bảo vệ, xây dựng đất nước. Tôi mong mỏi và kỳ vọng các thế hệ diễn viên trẻ hãy cùng chung tay góp phần tạo nên những mỹ cảm mới ở khán giả, giúp người xem trân trọng những giá trị đạo đức xã hội".

NSND Trần Ngọc Giàu, Chủ tịch Hội Sân khấu TP HCM, tâm sự: “Tôi mong các diễn viên trẻ đang làm nghề, trong ngày Giỗ Tổ sân khấu hãy gửi lời tri ân đến khán giả, vì họ đã dành nhiều sự cổ vũ cho tác phẩm, vai diễn của mình. Song không phải chỉ có ngày Giỗ Tổ sân khấu mới gửi lời tri ân, mà các diễn viên nói chung, diễn viên trẻ nói riêng phải luôn bày tỏ lòng biết ơn đến những khán giả ân nhân, vì họ vẫn trung thành với tình yêu dành cho sàn diễn. Họ đến xem, cổ vũ, khen chê, họ chính là những người thầy sành điệu, nhận xét công tâm nhất cho từng sản phẩm sân khấu. Vì vậy, đã là diễn viên sân khấu thì phải biết nâng niu, tri ân “những người thầy sành điệu” - khán giả”.
Sở Văn hóa - Thể thao TP HCM tổ chức chương trình nghệ thuật chào mừng “Ngày Sân khấu Việt Nam” tại Nhà hát TP lúc 17 giờ ngày 25-9. Nhân dịp này, Sở Văn hóa - Thể thao TP sẽ tặng quà tri ân cho hơn 70 nghệ sĩ lão thành đã có nhiều công lao đóng góp cho sân khấu TP HCM.

(Còn tiếp)

Bài và ảnh: THANH HIỆP




























 

Món quà ý nghĩa kính dâng nghiệp Tổ 

Nhiều văn nghệ sĩ đã dành tặng những món quà tri ân Tổ nghiệp một cách thiết thực nhất

 
 

NSND Hồng Vân luôn xem cố tác giả Lê Duy Hạnh là người thầy đáng kính. Với bà, dù ông chưa một ngày bước lên bục giảng thị phạm nhưng suốt thời gian 4 nhiệm kỳ ông làm Tổng Thư ký, rồi chủ tịch Hội Sân khấu TP HCM, ông đã bảo ban, định hướng để bà ý thức rõ vai trò của người nghệ sĩ đó là không thể khước từ trách nhiệm với xã hội.

"Tôi nguyện dâng lên thầy Lê Duy Hạnh món quà ý nghĩa nhất, đó là dàn dựng tác phẩm nhạc kịch sử Việt "Nỏ thần" do ông sáng tác. Ông chính là người thầy, người thuyền trưởng lèo lái con thuyền sân khấu TP HCM nhiều thập niên qua, dấu ấn của mỗi tác phẩm trên Sân khấu Kịch Hồng Vân và nhiều sàn diễn khác đều đậm nét phong cách của cố soạn giả Lê Duy Hạnh. Tôi sẽ chú tâm dàn dựng thêm nhiều vở nhạc kịch sử Việt, đây không chỉ là sự tri ân mà còn là kim chỉ nam cho thế hệ học trò của tôi, nhằm phát huy những giá trị đẹp đẽ nhất hướng đến tính nhân văn đầy trí tuệ mà thầy Lê Duy Hạnh đã để lại" - NSND Hồng Vân bộc bạch.

Tổ nghề của đời nghệ sĩ (*): Món quà ý nghĩa kính dâng nghiệp Tổ - Ảnh 1.

NSND Minh Vương luôn động viên thế hệ nghệ sĩ trẻ phát huy vai trò sáng tạo nghệ thuật nhân Ngày Sân khấu Việt Nam

NSƯT Quế Trân cũng cho rằng cha cô - cố NSND Thanh Tòng - đồng thời cũng là người thầy đầy nghiêm khắc đã dành trọn cuộc đời cho sân khấu cải lương tuồng cổ, để từ công trình nghiên cứu khoa học - "Từ hát bội đến cải lương tuồng cổ" của ông, để lại cho đời di sản đồ sộ là hàng trăm kịch bản, trình thức vũ đạo, sự đổi mới về âm nhạc tuồng cổ.

"Ngày 28-9, Hội Sân khấu TP HCM sẽ tổ chức tọa đàm "Vai trò của cải lương tuồng cổ TP HCM từ năm 1975 đến nay" - một công trình tiếp nối những nghiên cứu của cha tôi. Là thế hệ hậu bối của cải lương tuồng cổ, tôi sẽ chung sức cùng các đồng nghiệp trẻ làm nên những giá trị vẻ vang này bằng việc sáng tác nhiều hơn, hay hơn kịch bản sử Việt. Bởi đó là trách nhiệm của người nghệ sĩ công dân" - NSƯT Quế Trân bày tỏ.

NSƯT Lê Trung Thảo tâm sự: "Tôi đã học được rất nhiều từ người thầy đáng kính là NSƯT - đạo diễn Hoa Hạ, người đã truyền dạy để tôi được vinh danh với vai Lê Văn Duyệt trong vở "Trung thần". Tôi đang ấp ủ kế hoạch xây dựng con đường di sản văn hóa nghệ thuật, theo đó sẽ mang sân khấu cải lương đến gần hơn với công chúng tại sảnh Nhà hát Thành phố hay phố đi bộ Bùi Viện… Tôi cho rằng đây sẽ là món quà tri ân ý nghĩa, thiết thực nhất dành cho các bậc tiền bối, cũng là thể hiện tinh thần trách nhiệm của người nghệ sĩ".

 

Là nghệ sĩ đi học lớp đại học đạo diễn sân khấu khá muộn, bởi đã thành danh với vai trò diễn viên, thế nhưng NSƯT Thành Hội luôn một mực tôn kính NSND Trần Minh Ngọc - người đã âm thầm đứng sau lưng những thành quả nghệ thuật mà anh đạt được. NSND Trần Minh Ngọc xúc động nhắc lại: "Thành Hội đi học đạo diễn chăm chỉ như con ong thợ. Sau đó đã vận dụng kiến thức rất tốt, cho ra nhiều tác phẩm sân khấu mang thương hiệu Kịch Hoàng Thái Thanh".

Nghệ sĩ trẻ Hoàng Hải, học trò của NSND Bạch Tuyết, trải lòng: "Tôi rất hạnh phúc vì những lần tổ chức live show của mình, các bạn trẻ đến xem và cổ vũ thật đông. Thành quả đó có được là từ những chỉ dạy tận tình của cô Bạch Tuyết. Cô đã nhiều lần nói với tôi - mỗi vai diễn đều phải vì lợi ích và tiến bộ chung của xã hội".

Nghệ sĩ hài Tấn Beo từng nhắc đến danh hài NSƯT Bảo Quốc - người thầy đáng kính của làng sân khấu hài TP HCM. "Chú Sáu Bảo Quốc vẫn thường nói với tôi: Nghệ sĩ hài cần bỏ đi cái tật chọc cười nhảm, xàm; tiếng cười phải có trách nhiệm làm đẹp cho đời. Quả thật, tôi cảm thấy mình làm được việc có ích cho xã hội khi mang được tiếng cười "vị nhân sinh" cho đời" - nghệ sĩ Tấn Beo kể.

Có thể nói những thành tựu nghệ thuật mà các nghệ sĩ với vai trò người thầy và các nghệ sĩ hậu bối đã làm được đều đáng quý và đáng trân trọng. Món quà ý nghĩa mà những văn nghệ sĩ kính dâng lên Tổ nghề chính là đã và đang thực hiện các tác phẩm nghệ thuật giá trị cho cuộc sống. Đây là những hình ảnh đẹp nhất, sống động nhất trong Ngày Sân khấu Việt Nam.

Bài và ảnh: THANH HIỆP
 
 
  •  

Nguồn tin: tcgd theo NLĐ

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Từ khóa:năm 2011, thủ tướng, nguyễn tấn, dũng đã, ban hành, quyết định, công nhận, 12 tháng, âm lịch, là ngày, sân khấu, việt nam, các thế, hệ thầy, và trò, trên những, sàn diễn, tp hcm, đã góp, phần lan, tỏa tinh, thần tôn, sư trọng, đạo vun, đắp lòng, yêu nghề, hăng hái, lao động, phục vụ, công chúng

Bình luận mới

Gửi bình luận của bạn

Tên của bạn Email Nội dung Mã an toàn

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 

DUY TRÌ TRANG WEB CLVN