Bản Sắc Dân Tộc - cailuongvietnam.com

Tin Tức Tin Tức Hoạt Động

DUY TRÌ TRANG WEB CLVN

‘Cội Nguồn,’ Lê Tín muốn cổ nhạc cải lương không bị mai một

Thứ hai - 23/03/2020 20:47

Tuấn Phong (trái) trong vai Lý Trung và Lê Tín trong vai tướng giặc, trong cảnh Lý Trung trá hình sang trại giặc

Đây là sáng tác mới nhất của tôi và cũng là vở cải lương tuồng cổ hoàn toàn mới mẻ cho khán giả hải ngoại khắp nơi trên thế giới cũng như cho khán giả trong nước,” anh Lê Tín, tác giả kiêm diễn viên kiêm đạo diễn, không giấu được niềm tự hào.

Tự hào là phải. Vì chẳng những “Cội Nguồn” là một sáng tác mới mẻ mà còn là một tài liệu mới mẻ về lịch sử Việt Nam mà rất ít người biết đến.

 
 

“Tôi luôn luôn muốn những đóng góp của mình cho nghệ thuật cải lương Việt Nam phải vừa hào hứng, hấp dẫn, ly kỳ nhưng cũng phải chính xác nữa,” Lê Tín cho biết. “Phải được như vậy thì vở tuồng hay trích đoạn của tôi mới được công diễn.”

Biết được một tình tiết lịch sử hào hùng của Hoàng Tử Lý Long Tường, Lê Tín xắn tay áo bắt đầu miệt mài sưu tầm, đào bới để thu thập cho đầy đủ thông tin và tình tiết lịch sử cho một kịch bản hoàn toàn mới, và “Cội Nguồn” được ra đời.

“Cội Nguồn” tập trung vào câu chuyện của ông Lý Long Tường, con trai thứ bảy của vua Lý Anh Tông. Để trốn tránh cuộc truy sát đẫm máu của Trần Thủ Độ, ông đã buộc lòng phải bỏ nước Đại Việt sau lưng, vượt biển trốn sang Cao Ly (nay là Nam Hàn). Tại đây, ông đã giúp vua Cao Ly hai lần đánh đuổi quân Mông Cổ.

Ông đã sinh sống và lập nghiệp một cách vẻ vang tại Cao Ly. Nhưng 800 năm sau, con cháu ông, tuân theo tâm huyết và nguyện vọng của ông, vẫn trở lại Việt Nam và tìm lại cội nguồn.

“‘Cội Nguồn’ muốn nói lên nỗi lòng của người yêu quê hương, và dù có phải đi bao xa, trong bao lâu đi nữa thì không ai có thể thể quên được cội nguồn,” Lê Tín chia sẻ.

Anh nói: “Tôi rất tâm đắc với tâm sự của ông Lý Long Tường và thích nhất câu, ‘Ta xây Vọng Quốc Đài trên đảo Hoa Sơn/ Cho con cháu ngày đêm nhang khói/ Nếu sau này có trở về Đại Việt/ Cho ta nhắn đôi lời vĩnh biệt cố hương/ Đại Việt là cố quốc, Cao Ly là quê hương.’”

Tuấn Phong (trái) và Thanh Huyền trong vai Lý Chiêu Hoàng trao lại linh vị tám đời vua Lý cho Lý Trung. (Hình: Ban tổ chức cung cấp)

“Cội Nguồn” quy tụ những nghệ sĩ cải lương tầm vóc của nhóm Cổ Nhạc Tình Quê như Linh Tuấn, Thanh Huyền, Lê Tín, Quỳnh Hoa, Tuấn Phong và Ngân Linh.

Theo anh, đa số các diễn viên đã thành danh và hoạt động nghệ thuật ở Việt Nam.

“Chỉ mình Quỳnh Hoa là diễn viên trẻ tuổi nhất thôi. Nhưng với tài năng, sự hăng hái, năng nổ và nhan sắc, cô đã đóng góp một phần vào việc truyền hơi thở cho ‘Cội Nguồn’ và cùng đội ngũ diễn viên lão luyện làm cho vở tuồng mới mẻ này vô cùng sống động,” tác giả kiêm đạo diễn kiêm diễn viên Lê Tín trình bày.

“Tôi hoàn toàn yên tâm khi đặt ‘Cội Nguồn’ vào tay những người nghệ sĩ chân chính này,” anh tự tin nói.

Để thực hiện được một vở tuồng cải lương cổ với trang phục thật chính xác nhưng cũng thật đẹp mắt từ nước Đại Việt đến nước Cao Ly, toàn nhóm Cổ Nhạc Tình Quê đã đồng lòng làm việc không thù lao. “Anh chị em trong nhóm rất rộng rãi cho nghệ thuật, ai cũng vừa tan sở là chạy lại tập tuồng mà lại không lấy đồng nào hết,” Lê Tín tình thật. “Phần tôi thì còn bị lỗ vì cảm thấy nên mời mọi người ra nhà hàng.”

Linh Tuấn (trái) trong vai Lý Long Tường và Quỳnh Hoa trong vai Anh Cơ trên Vọng Quốc Đài tại Cao Ly. (Hình: Ban tổ chức cung cấp)

Là người nặng nợ với nghệ thuật sân khấu cải lương, Lê Tín từng đóng góp công sức trong những trích đoạn nổi tiếng như “Nam Quốc Sơn Hà,” nói về danh tướng Lý Thường Kiệt; “Bạch Đằng Giang,” nói về Ngô Quyền, vị vua đầu tiên nhà Ngô; “Quang Trung Hoàng Đế,” nói về vua Nguyễn Huệ, và nhiều nữa.

Anh cho biết: “Tôi không sáng tác những trích đoạn này mà chỉ ‘chỉnh lý’ lại cho chính xác với lịch sử.”

Anh giải thích: “Các vị soạn giả, thường thường, để cấu tạo một câu chuyện có nhiều tình tiết éo le, hoặc để có tính lôi cuốn, hoặc để có những màn ngoạn mục trên sân khấu mà thường quên đi sự chính xác.”

Với anh, cải lương tuồng cổ hay trích đoạn phải chính xác thì mới thực sự có giá trị. “Khán giả của tôi, ngoài những bậc trưởng thượng còn có những em trẻ tuổi, sinh ra và lớn lên bên này. Các em đến với cải lương không chỉ để đơn thuần giải trí mà còn để học tiếng Việt, học lịch sử Việt nên tôi không thể phụ lòng các em được,” Lê Tín nói với giọng đôn hậu.

Vở cải lương lịch sử “Cội Nguồn” sẽ được đài Asian World Media phát hình trên băng tần CALI 14.1 và DIRECT TV 2032 trong thời gian sắp tới.

Một cảnh trong vở “Cội Nguồn.” (Hình: Ban tổ chức cung cấp)

Dù “Cội Nguồn” kể về cuộc đời gian nan với những thành tựu đáng phục của một vị hoàng tử nhà Lý đã sinh sống và lập công trên đất Cao Ly trong nhiều năm về trước, người coi sẽ thấy đây cũng là câu chuyện của chính mình, những người phải bỏ nước ra đi nhưng lòng luôn hướng về nơi chôn nhau, cắt rốn bên kia bờ đại dương.

Lê Tín là một trong số ít người trẻ tuổi miệt mài cho cải lương. Năm 1987, anh là học viên của đoàn cải lương tuồng cổ Huỳnh Long. Năm 1992, anh trở thành diễn hài. Đến năm 1997, anh định cư tại Mỹ và tham gia vào trung tâm Vân Sơn, sau đó cùng với Kiều Oanh tham gia vào trung tâm Thúy Nga trong những vở hài kịch như “Trúng Số Độc Đắc,” “Tình Quê,” “Việt Nam Idol,” và “Chồng Chúa Vợ Tôi.”

Trước khi bắt tay sáng tác và dàn dựng vở “Cội Nguồn,” Lê Tín từng cưu mang một ước nguyện canh cánh bên lòng. Anh chia sẻ: “Tôi luôn mong muốn cổ nhạc cải lương không bị mai một trong nước cũng như tại hải ngoại. Và tôi cũng mong muốn thế hệ trẻ gốc Việt luôn luôn tìm hiểu thêm về sử Việt và không bao giờ quên cội nguồn mình.”

Toàn ban “Cội Nguồn,” từ trái, Tuấn Phong, Ngân Linh, Quỳnh Hoa, và Linh Tuấn. (Hình: Ban tổ chức cung cấp)

Với những nỗ lực miệt mài của Lê Tín cũng như của các nghệ sĩ cải lương một lòng tận tụy cho nghệ thuật, “Cội Nguồn” xứng đáng là một thành tựu đáng hãnh diện của nền cải lương hải ngoại.

Vở tuồng “Cội Nguồn” sẽ được công diễn vào trung tuần Tháng Ba.

“Nếu số người hưởng ứng ‘Cội Nguồn’ do đài Asian World Media phát hình trên băng tần CALI 14.1 và DIRECT TV 2032 đông đủ, nhóm Cổ Nhạc Tình Quê sẽ gởi đến khán giả những vở tuồng mới mẻ và đặc sắc nữa,” đại diện nhóm Cổ Nhạc Tình Quê, Lê Tín kêu gọi. 

Đằng-Giao

Nguồn tin: tcgd theo NV

Tổng số điểm của bài viết là: 1 trong 1 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Từ khóa:sáng tác, hoàn toàn, mới mẻ, khán giả, hải ngoại, thế giới, tác giả, diễn viên

Bình luận mới

Gửi bình luận của bạn

Tên của bạn Email Nội dung Mã an toàn

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 

DUY TRÌ TRANG WEB CLVN