Truyền lửa cho sân khấu cải lương

KT-HL

KT-HL

Tối 7 và 8-5, chương trình nghệ thuật quảng bá cuộc thi "Tài năng diễn viên sân khấu cải lương Trần Hữu Trang" đã được Nhà hát Trần Hữu Trang tổ chức tại nhà hát (7-5) và huyện Củ Chi (8-5), thu hút nhiều khán giả theo dõi trực tiếp và trực tuyến

Khán giả đã thích thú khi xem những trích đoạn cải lương hay do các diễn viên thi nhau khoe tài, bởi những vai diễn đã được tính toán theo hướng khai thác triệt để sở trường của nghệ sĩ.

Chạm đến cảm xúc người xem

Sự kết hợp trình diễn của nghệ sĩ hai miền Nam - Bắc nhằm quảng bá cuộc thi "Tài năng diễn viên sân khấu cải lương Trần Hữu Trang năm 2022" đã mở ra một tín hiệu lạc quan cho sân khấu cải lương - không còn bó hẹp phạm vi các tỉnh, thành phía Nam mà có thể kết hợp các nghệ sĩ trong cả nước.

NSƯT Thiên Hoa ở Nhà hát Cải lương Việt Nam vào TP HCM trình diễn dịp này đã nhận được sự hỗ trợ đắc lực của Nhà hát Trần Hữu Trang để vai diễn của cô trong trích đoạn "Trọn đời trung hiếu với Thăng Long" thật sự tỏa sáng. Hay nghệ sĩ Hải Linh đến từ TP Cần Thơ cũng nhận được sự hỗ trợ của vũ đoàn Việt Hải, với trích đoạn ca ngợi ông bầu kiêm soạn giả cải lương, thà chết chứ không viết tuồng phản nước, hại dân trong trích đoạn "Miền nhớ" của tác giả Lê Duy Hạnh.

Truyền lửa cho sân khấu cải lương - Ảnh 1.

NSƯT Thiên Hoa và NSƯT Trọng Bình trong trích đoạn “Trọn đời trung hiếu với Thăng Long” vừa công diễn tại TP HCM

Nghệ sĩ kép độc Khánh Tuấn đến từ Đoàn Cải lương Thanh Nga thì nhận được sự hỗ trợ đắc lực của NSƯT Tâm Tâm, để cả hai vai diễn chạm đến cảm xúc người xem trong trích đoạn "Hương sứ Hòn Đất". Nghệ sĩ Khánh Tuấn tâm sự sau suất diễn: "Vai Sâm, tên ác ôn giết hại chị Sứ ở Hòn Đất - Kiên Giang, là vai kép độc tôi thích nhất trong trích đoạn "Hương sứ Hòn Đất". Diễn vai phản diện bị khán giả ghét mà tôi hạnh phúc, khi nhân vật bị tử hình khán giả vỗ tay mà tôi sung sướng".

Diễn viên Võ Thành Phê bộc bạch: "Làm nghệ sĩ bắt buộc phải sáng tạo không ngừng, bản thân tôi luôn tranh thủ cơ hội làm nghề mỗi khi có dịp, một trong những cơ hội quý giá để được hành nghề là phải mạnh dạn tham gia các cuộc thi để duy trì hoạt động sàn diễn. Những cuộc thi này thường tập hợp đầy đủ nghệ sĩ đồng nghiệp với các vai sở trường như độc, mùi, lẳng, hài, võ… nên sẽ là dịp rất tốt để tôi học hỏi, nâng cao tay nghề".

Kỳ vọng một tác phẩm kết hợp

Các nhà chuyên môn cho rằng sân khấu cải lương không chỉ dừng lại với các trích đoạn đoạt huy chương của cuộc thi Trần Hữu Trang mà khán giả kỳ vọng Nhà hát Trần Hữu Trang sẽ chọn một số kịch bản xuất sắc, mời đạo diễn giỏi nghề thực hiện những tác phẩm giá trị có sự kết hợp độc đáo nghệ sĩ hai miền Nam - Bắc. Thời gian qua có không ít vở diễn cải lương do các nghệ sĩ phía Bắc trình diễn đã được khán giả cả nước nói chung, khán giả phía Nam nói riêng đón nhận.

 

Năm 2014, lần đầu tiên một vở cải lương của đoàn phía Bắc được khán giả TP HCM nồng nhiệt đón nhận, trong đó bạn đọc Báo Người Lao Động đã bầu chọn Giải Mai Vàng, đó là vở "Chuyện tình Khau Vai" - được dàn dựng từ kịch bản thơ của tác giả PGS-TS Nguyễn Thế Kỷ, do NSND Triệu Trung Kiên chuyển thể cải lương và dàn dựng.

Năm 2015, cuộc thi sân khấu cải lương chuyên nghiệp toàn quốc ở tỉnh Bạc Liêu, nhiều vở diễn của các đoàn cải lương phía Bắc đã được các nghệ sĩ cải lương miền Nam đánh giá cao như: "Vua thánh triều Lê", "Yêu là thoát tội", "Những người con Thạch Thành thuở ấy"…

Đặc biệt, vở "Mai Hắc Đế" do Nhà hát Cải lương Việt Nam dàn dựng đã chinh phục được hầu hết khán giả yêu cải lương trong những đợt lưu diễn miền Nam.

Gần đây, vở "Hừng đông" - vở cải lương về cuộc đời người chiến sĩ cộng sản Phan Đăng Lưu - cũng tạo dấu ấn đậm nét và nhân kỷ niệm 120 năm ngày sinh của ông (5.5.1902-5.5.2022), VTV1 đã phát sóng vở diễn phục vụ đông đảo khán giả cả nước.

Ngày 19-5, vở "Nước non vạn dặm" của Nhà hát Cải lương Việt Nam sẽ ra mắt vào dịp sinh nhật Bác. Theo đạo diễn - NSND Triệu Trung Kiên, vở có sự kết hợp giữa nghệ thuật cải lương với những yếu tố âm nhạc, biểu diễn hình thể, hiệu ứng âm thanh, ánh sáng hiện đại để hướng tới đối tượng trẻ… và sẽ lưu diễn tại tỉnh Nghệ An, TP HCM.

Các nghệ sĩ cho rằng sân khấu cải lương TP HCM đang nỗ lực vượt qua những khó khăn, cuộc thi "Tài năng diễn viên sân khấu cải lương Trần Hữu Trang năm 2022" chứng tỏ thông điệp "quyết tâm phục dựng nghệ thuật cải lương", do vậy cần chung tay tìm hướng đi phù hợp để làm mới cải lương, tìm kiếm kịch bản hay, xây dựng những tác phẩm chung cho nghệ sĩ cả nước cùng nhau tỏa sáng.

Theo NSND - đạo diễn Triệu Trung Kiên, đã có sự phối hợp khéo léo giữa cải lương truyền thống với âm nhạc, những phá cách trong diễn xuất và hình thức dàn dựng, vì vậy hoàn toàn có thể kỳ vọng sẽ sớm có những tác phẩm chung cho nghệ sĩ hai miền Nam - Bắc cùng nhau phô diễn tài nghệ, tạo sự tương tác giữa các thế hệ làm nghề.
 

Đưa cải lương đến đình làng

Thực hiện chủ trương của Sở Văn hóa và Thể thao TP HCM về việc quảng bá nghệ thuật truyền thống tại các di tích, đình làng, đáp ứng nhu cầu thụ hưởng của công chúng, Nhà hát Trần Hữu Trang vừa đưa nghệ thuật cải lương đến biểu diễn ở tại huyện đảo Cần Giờ, được người dân hưởng ứng nồng nhiệt.
 

.

Đưa cải lương đến đình làng - Ảnh 1.

Nghệ sĩ Kim Thùy và Võ Hoài Long trong trích đoạn “Quang Trung hoàng đế”. (Ảnh: NGUYỄN THU)

Khán giả thích thú, nghệ sĩ hân hoan

Theo chân các nghệ sĩ Nhà hát Trần Hữu Trang đến huyện Cần Giờ, chúng tôi nhận thấy hiệu quả tích cực từ chủ trương nêu trên. Các suất diễn tại đình Tam Thôn Hiệp (xã Tam Thôn Hiệp, ngày 9-4), đình Long Thạnh (xã Long Hòa, 11-4) và đình An Thới Đông (xã An Thới Đông, 15-4) đều đông kín người xem. Nhiều khán giả cho biết đây là dịp họ gặp mặt nghệ sĩ mà lâu nay chỉ thấy trên màn ảnh. Họ còn được xem trực tiếp những trích đoạn, bài ca cổ, tân cổ giao duyên mà mình thích.

Nhiều nghệ sĩ cũng cảm thấy hưng phấn khi được biểu diễn tại các di tích văn hóa của địa phương và hòa mình vào không gian lễ cúng Kỳ yên. NSƯT Mỹ Hằng cho biết: "Khán giả đến đình trước bái yết trong mùa Kỳ yên, sau đó ở lại xem hát. Được diễn tại những nơi thờ cúng linh thiêng của địa phương, là nơi được công nhận di tích văn hóa cấp thành phố, tôi cảm thấy rất tự hào".

Nghệ sĩ Phùng Ngọc Bảy cũng hân hoan không kém. Anh cho rằng đợt lưu diễn này rất ý nghĩa. Anh cùng các đồng nghiệp đã nhận được nhiều phản hồi tích cực của khán giả nông thôn.

Nhà hát Trần Hữu Trang đã đáp ứng thị hiếu đa dạng của khán giả ở nhiều lứa tuổi qua đợt biểu diễn ý nghĩa này. Mỗi tiết mục dàn dựng đều nhằm vào một bộ phận khán giả với những vấn đề liên quan trực tiếp đến cuộc sống hằng ngày, như: lòng yêu nước, tình cảm gia đình, tình yêu đôi lứa và hướng đến việc giữ gìn truyền thống, nguồn cội văn hóa.

Ông Phan Quốc Kiệt, Giám đốc Nhà hát Trần Hữu Trang, nhìn nhận: "Văn hóa đình làng là thiết chế văn hóa tín ngưỡng trong dân gian. Vì thế, khi chọn lựa kịch mục biểu diễn, chủ đề chương trình, nhà hát chú trọng chọn lọc những trích đoạn kinh điển, những bài ca cổ ca ngợi công đức các tiền nhân và công lao dựng nước của các vua Hùng. Những buổi biểu diễn này đã trở thành sợi dây liên kết, gắn bó cộng đồng, cùng chung sức xây dựng cuộc sống tốt đẹp hơn".

Đưa cải lương đến đình làng - Ảnh 2.

Đông đảo khán giả đến xem chương trình nghệ thuật cải lương của Nhà hát Trần Hữu Trang tại đình Tam Thôn Hiệp, huyện Cần Giờ. (Ảnh: NGUYỄN THU)

 

Không phải "hát show"!

Đình làng không chỉ đơn thuần là nơi thờ cúng linh thiêng của cộng đồng, là không gian sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng mà còn là "chứng nhân" của lịch sử, cùng trải qua biết bao thăng trầm, biến cố của thời gian. Do vậy, khi đến đây, khán giả không chỉ được thưởng thức nghệ thuật cải lương mà còn có dịp thưởng lãm vẻ đẹp kiến trúc cổ kính của ngôi đình.

Khán giả Cần Giờ đã thật sự thích thú khi được tiếp cận những thông điệp mang tính thời sự thông qua hệ thống nhân vật, lời ca gần gũi, nét diễn hài hước duyên dáng của các diễn viên. Ông Lê Văn Thanh, ngụ xã Tam Thôn Hiệp, nhận xét các tiết mục mang tính giải trí, phản ánh đời sống xã hội hiện đại và mang ý nghĩa giáo dục cao khiến ông rất vui. Mỗi tiết mục hay trích đoạn đều kể một câu chuyện hay về cuộc sống, ẩn chứa những bài học sâu sắc, đầy tính nhân văn. Từ đó, mọi người có ý thức thực hiện nếp sống lành mạnh, bảo vệ di tích của địa phương.

Theo NSƯT Mỹ Hằng, Nhà hát Trần Hữu Trang đã lồng ghép vào chương trình các trích đoạn, chặp cải lương phản ánh đa dạng những vấn đề thời sự, nhiều chiều về cuộc sống từ nông thôn đến thành thị; cảnh báo, phê phán tác động tiêu cực từ những mặt trái ảnh hưởng đến truyền thống văn hóa dân tộc. "Quan trọng nhất là nghệ sĩ và khán giả cùng chung tay bảo tồn di sản văn hóa, di sản kiến trúc đình làng mà ông cha để lại" - NSƯT Mỹ Hằng bày tỏ.

Theo lãnh đạo Nhà hát Trần Hữu Trang, về lâu dài, để thực hiện tốt hơn chủ trương bảo tồn di sản văn hóa, nhà hát sẽ đặt hàng các tác giả sáng tác những vở ngắn, tiểu phẩm, chặp ca cảnh theo từng chủ đề của đình làng. Hoạt động này góp phần quảng bá, lan tỏa tích cực việc bảo tồn di sản, di tích gắn với du lịch địa phương.

Nhiều nghệ sĩ lão thành cho rằng không có biện pháp tuyên truyền nào hiệu quả bằng các tiết mục cải lương về ngôi đình tại địa phương, về những vị tướng, anh hùng dân tộc, chiến sĩ cách mạng đã đổ biết bao xương máu gầy dựng đất nước. "Sân khấu cải lương về đình làng, di tích không thể mang tinh thần "hát show". Cần phải làm thật hiệu quả việc tuyên truyền bảo vệ di sản, văn hóa dân tộc với hình thức thực sự sinh động, hấp dẫn người dân" - NSND Trần Ngọc Giàu, Chủ tịch Hội Sân khấu TP HCM, nhấn mạnh.

PGS-TS Nguyễn Thị Minh Thái lưu ý khi đưa nghệ thuật cải lương vào đình làng cần giữ sự chuẩn mực trong ca diễn, có thể “làm mới” cho phù hợp xu hướng xã hội nhưng không thể cách tân quá mức khiến khán giả phải ngỡ ngàng.

THANH HIỆP

 
 
 
Bài và ảnh: THANH HIỆP

Nguồn tin: Tcgd theo NLD