Nghệ sĩ Phương Bình bán 5 căn nhà, 5 xe hơi để …trả nợ

PB

PB

Trên sân khấu Sen Hồng, nghệ sĩ Phương Bình cùng với tập thể diễn viên trẻ của CLB sân khấu Lạc Long Quân tái hiện ca cảnh "Quê anh, quê em" (tác giả Trọng Nguyễn) vào tối 3-8. Lần này, anh vào vai chú sáu, bên cạnh NS Mỹ Chi, Kiều Phượng Loan…yểm trợ cho các diễn viên trẻ.

.

 

 

Nghệ sĩ Phương Bình bán 5 căn nhà, 5 xe hơi để …trả nợ - Ảnh 1.

Nghệ sĩ Phương Bình

Trở về từ miền Trung sau chuyến lưu diễn, ông quay lại sàn diễn TP HCM để yểm trợ cho các diễn viên trẻ dù đã 71 tuổi. Trước đây, khi thời cải lương video thịnh hành, khán giả yêu sân khấu chỉ được gặp Phương Bình qua băng video và nghe giọng ca của ông trên đài phát thanh.

 Ông là nam nghệ sĩ sống chừng mực ở đời thường, luôn tạo cảm tình với người tiếp đối diện. Ít ai biết ông đã từng là thợ sắp chữ trong một nhà in ở Đồng Nai trước khi đến với nghề hát. Gần đây ông xuất hiện trong chương trình Vằng trăng cổ nhạc của HTV, vẫn nguyên vẹn phong độ danh ca Phương Bình với giọng ca trầm ấm, chân phương. Lời thoại của ông trong các vai diễn lúc nào dứt khoát, khẳng khái, rành rẽ và gặp lại ông vẫn là một người tràn đầy đam mê dù xa cách sàn diễn TP HCM nhiều năm.

Nghệ sĩ Phương Bình bán 5 căn nhà, 5 xe hơi để …trả nợ - Ảnh 2.

Cùng bạn bè

Hơn 50 năm trước, khán giả yêu cải lương ở Sài Gòn đã nghe danh tiếng nghệ sĩ Phương Bình qua giải HCV Thanh Tâm năm 1967 với vai Cổ Gia Trường (vở "Gió giao mùa" – đạo diễn NSƯT Trường Xuân). Khác với các danh ca thời đó, tên tuổi ông trở thành một huyền thoại của sân khấu cải lương với phong cách ca diễn rất phóng khoáng. Nếu các tài danh khởi xướng sự nghiệp bằng giọng ca, có khi ra sân khấu chỉ đứng khoanh tay ca là đủ điểm, còn ông được các nhà chuyên môn đánh giá  là "kép diễn" nổi tiếng với nội tâm sâu lắng.

Khác với các danh ca: Hùng Cường, Thành Được, Minh Cảnh, Tấn Tài... Phương Bình bước chân vào sân khấu khá muộn. Năm 21 tuổi ông bước vào thế giới đờn ca tài tử, được nghệ nhân guitar Văn Lắm và Tám Đèn (đờn kìm) dìu dắt (nghệ sĩ Tám Đen cũng là thầy của nghệ sĩ Hồng Nga). Chỉ sau một năm rèn luyện, ông đã được thầy đưa lên làm kép chánh cho gánh Hưng Bình. NS Hồng Nga nhớ: "Phải nói vóc dáng và gương mặt thanh tú của anh ấy đã thu hút khán giả, nhất là phái nữ một thời mê Phương Bình qua những vai hiệp khách giang hồ. Đến năm 1964, anh được bà bầu Thơ mời về gánh Thanh Nga, nổi tiếng ngay trong vở "Men rượu Sake" hát với cố NSƯT Thanh Nga. Sau đó anh về Kim Chung được ký công tra (hợp đồng) với giá rất cao (150 ngàn đồng/2 năm) để đóng cặp với NSƯT Mỹ Châu".

Nghệ sĩ Phương Bình bán 5 căn nhà, 5 xe hơi để …trả nợ - Ảnh 3.

Trò chuyện cùng đồng nghiệp

 NS Phương Bình tâm sự: "Tôi không ngại nói về những thất bại. Thời đứng trên đỉnh cao sự nghiệp, có tiền thì kép nào cũng muốn lập gánh hát để có quyền lực trong tay, muốn làm gì thì làm, để chứng tỏ mình có thể diễn đủ loại tuồng. Nhưng ông tổ đã cho cái nghề hát thì ít cho cái nghề làm bầu. Sau nhiều năm đứng mũi chịu sào lập gánh hát từ năm 1971 đến 1998 với tên bảng hiệu "Hương Dạ Thảo", "Hương Biển" thuộc Sở VHTT Vũng Tàu, tôi đã gặp nhiều sự cố trong đời. Đó là đối diện với những cơn bão, cộng với điểm diễn heo hút, đời sống người dân quá nghèo lấy tiền đâu mua vé. Và thế là hát "xả giàn", mở cửa cho khán giả vô coi miễn phí. Có điểm diễn bà con đem gạo đến cho nghệ sĩ, có chỗ đem cá khô, rau củ nên đoàn có cơm ăn mà sống lay lắt. Sự nghiệp của tôi với 5 ngôi nhà mặt tiền đường Trần Hưng Đạo, 5 xe ô tô đời mới, 2 xe vận tải... lần lượt đội nón ra đi. Bù lỗ riết đến năm 1998, gánh "Hương Biển" trụ tại Quảng Ninh, gặp khí hậu khắc nghiệt lại còn bị một số ông bầu cạnh tranh bất chính lôi kéo nghệ sĩ đoàn tôi bỏ đi, từ đó gánh hát tan rã. Mà số tôi mắc nợ cải lương, nên khi nào trả hết nợ mới chết" – ông bùi ngùi tâm sự.

Nghệ sĩ Phương Bình bán 5 căn nhà, 5 xe hơi để …trả nợ - Ảnh 4.

Ông nói mình mắc nợ cải lương

Ông về TP HCM đứng ra thành lập quán bia vọng cổ bên quận 8 (cầu chữ Y) nhưng thua lỗ, nợ nần khắp nơi nhưng chưa bao giờ nản chí.

 

Ông vẫn tiếp tục đi hát chầu, hát đình, hát miễu để nuôi con. Ông lập gia đình từ năm 22 tuổi và có 9 người con. Tất cả hầu như đều theo ông gắn bó với sân khấu, vì cha làm bầu thì con phải theo nghiệp hát. Nay chỉ có hai hậu duệ chính thức nối nghiệp cha là: Phương Lâm và Phương Loan.

"71 tuổi rồi tôi đâu dám nghĩ mình sẽ còn sống lâu với nghề. Nên còn bao nhiêu sức lực thì cứ hát, để trả hết nợ đã vay với sân khấu cải lương" – lời tâm sự của một danh ca nghe buồn và thật cảm kích.


 

Thanh Hiệp

Nghệ sĩ Phương Bình: Từng chán nản định bỏ nghề!


Nghệ sĩ Phương Bình tâm sự ông từng có những lúc chán nản, muốn bỏ nghề nhưng mối duyên với nghệ thuật cải lương chưa dứt đến tận ngày nay.

Hiện Phương Bình sống với các con tại nhà riêng ở Phú Lâm (quận 6, TP HCM). Ông tích cực tham gia phong trào văn nghệ của địa phương, đứng ra tổ chức các đêm văn nghệ ủng hộ phong trào đưa văn hóa về ngoại thành và xóa mù chữ cho trẻ em. Ông sống thanh nhàn, thỉnh thoảng có mặt trong các buổi họp mặt các nghệ sĩ thuộc Đoàn cải lương Kim Chung do Minh Vương tổ chức.

Mới đây, trên Sân khấu rạp Thủ Đô, Phương Bình tích cực luyện tập cùng các diễn viên trẻ tái hiện trích đoạn "Tiếng trống Mê Linh" (tác giả: Vĩnh Điền, đạo diễn: NSƯT Hùng Minh) để kịp khai trương chương trình "Những ký ức trên sàn diễn". Lần này, ông vào vai Thi Sách, bên cạnh các bạn nghệ sĩ trẻ.

Phương Bình từng rất nổi tiếng, giọng ca của ông cùng nữ nghệ sĩ Mỹ Châu từng được phát nhiều trên đài phát thanh. Bài ca cổ “Quê anh, quê em” của soạn giả Trọng Nguyễn mà cả hai song ca từng tạo làn sóng hâm mộ rất lớn đối với khán thính giả nghe đài. Ông vào nghề đến nay đã hơn 50 năm.

Khác với Hùng Cường, Thành Được, Minh Cảnh, Tấn Tài...Phương Bình bước chân vào nghề khá muộn. Năm 21 tuổi, ông được nghệ nhân guitar Văn Lắm và Tám Đèn (đờn kìm) nhận dìu dắt. Nghệ sĩ Tám Đen cũng là thầy của nghệ sĩ Hồng Nga. Và chỉ sau một năm rèn luyện, ông đã được thầy đưa lên làm kép chánh cho gánh Hưng Bình.

Nhờ vẻ ngoài điển trai, phong cách ca diễn rất phóng khoáng, ông ghi dấu ấn với khán giả đặc biệt là nữ giới rất thích các vai hiệp khách giang hồ do nam nghệ sĩ này thủ diễn. Đến năm 1964, ông được bà bầu Thơ mời về gánh Thanh Nga và nổi tiếng ngay qua vở "Men rượu Sake" hát với Thanh Nga. Sau này, ông về đoàn Kim Chung, được thù lao cao (150 ngàn đồng/ 2 năm) và đóng cặp với Mỹ Châu. Giai đoạn này, ông lưu lại tên tuổi mình với những vai: Áo Vũ Cơ Hàn (vở Tâm sự loài chim biển), Mộ Dung Thạch (vở Kiếp nào có yêu nhau)...Sau này anh có vai Sơn Tinh (vở Sơn Tinh- Thủy Tinh) và Đại úy Hoàng Anh (vở Giọt máu chung tình)

 

NS Phương Bình, NS Minh Vương và soạn giả Đăng Minh
NS Phương Bình, NS Minh Vương và soạn giả Đăng Minh

Phương Bình tâm sự: “Trong sự nghiệp đi hát, tôi không kén chọn đào. Do đó, khi hát ở Kim Chung, tôi được báo chí Sài Gòn gọi là “anh kép đa tình”, vì diễn với Mỹ Châu, Thanh Nga, Thanh Kim Huệ, Diệu Hiền, Lệ Thủy, Lệ Thu rất mùi, đến mức thư khán giả hâm mộ gửi về gánh hát luôn ghép đôi tôi với các cô đào. Sau 1975, tôi có dịp diễn chung với Phương Hồng Thủy, Phượng Hằng...cũng tạo ra nhiều vai diễn ấn tượng”.

Nhìn lại sự nghiệp của mình, Phương Bình không ngại thừa nhận những giai đoạn thất bại. Đặc biệt, từ năm 1971 - 1984, ông đứng ra lập gánh hát Hương Dạ Thảo, Hương Biển thuộc Sở VH-TT Vũng Tàu và gặp nhiều sự cố trong đời. Gánh hát gặp khó khăn tài chính, 5 ngôi nhà mặt tiền đường Trần Hưng Đạo, 5 xe ô tô đời mới, 2 xe vận tải... cùng những tài sản tích cóp từ lúc ông đi hát lần lượt ra đi. Bù lỗ đến năm 1998, khi gánh Hương Biển trụ bến tại Quảng Ninh, gặp phải khí hậu khắc nghiệt và một số bầu cạnh tranh không lành mạnh, lôi kéo nghệ sĩ bỏ đoàn, ông tuyên bố rả gánh, về TPHCM làm lại từ đầu.

 

NS Phương Bình vui mừng gặp lại các nghệ sĩ công ty Kim Chung xưa
NS Phương Bình vui mừng gặp lại các nghệ sĩ công ty Kim Chung xưa

Về lại TP HCM, Phương Bình đứng ra mở quán bia vọng cổ bên kia cầu chữ Y nhưng rồi lỗ vẫn hoàn lỗ, nợ một đẻ ra mười. Ông nản đến mức định giải nghệ, sống ẩn dật cho an lành. Nhưng rồi từ khi quyết tâm chuyển qua dàn dựng chương trình, được sự giúp đỡ của đồng nghiệp, mọi chuyện dần ổn thỏa hơn. Ông thoát khỏi nỗi lo kinh tế.

Phương Bình lập gia đình từ năm 22 tuổi, có 9 người con, tất cả đều gắn bó với sân khấu. Nhưng cho đến nay chỉ có hai con còn chính thức nối nghiệp ông là: Phương Lâm và Phương Loan.

"Tôi sống đơn giản, chỉ cần cơm rau hai buổi là có thể yên tâm đi hát. Trải qua nhiều chông gai, tôi hiểu tiền tài là vật ngoài thân, có mất, có hư hao cũng chẳng quan trọng bằng niềm tin và một cái nghề ổn định. Từ khi về TP HCM, tôi đã mấy lần định lập gánh lại nhưng bạn bè đều khuyên giai đoạn này chưa thích hợp. Tôi nhớ quay quắt khoảng thời gian đêm hát sáng ra đồng, ra biển với người lao động. Bà con ở các tỉnh miền Bắc rất mê cải lương, đoàn đi đến đâu cũng đều được đón chào nồng nhiệt. Có khi, đoàn thiếu ăn bà con nông dân biếu gạo. Đoàn mất niềm tin, bà con lại động viên. Nếu có điều kiện, tôi cũng thích bôn ba làm gánh hát. Vì đó mới chính là cái nghiệp của tôi!” - Phương Bình chia sẻ cảm xúc.

Ông nói thêm mình có một niềm tin vững chắc là ngày nào người Việt Nam còn nói tiếng Việt Nam, nghệ thuật cải lương vẫn tồn tại. Ở tuổi 68, ông tự hào một điều là tuy vào nghề muộn nhưng may mắn thành công bằng chính đôi chân, sức lực của mình. Thế hệ trẻ hiện có quá nhiều bệ phóng nhưng nếu không quyết tâm bám nghề, cứ nhận vai diễn bừa bãi sẽ chẳng thể phát triển.

 

Ân hận lớn nhất đời Phương Bình!

Phương Bình bảo ông học được rất nhiều trong quá trình làm "bầu" dù kết quả thất bại. Trong suốt quá trình đó, Phương Bình đã học được ở các đàn em sự trong sáng, hồn nhiên thuở mới vào nghề, lòng nhiệt huyết muốn được cống hiến. Ông học được sự nỗ lực, phấn đấu vươn lên của người dân vùng quê heo hút luôn đối mặt với cái nghèo hay bà con miền Trung nắng, gió chông chênh đón những cơn bão dữ đổ sập, cuốn phăng những ngôi nhà, tài sản. Tuy nhiên, cũng vì nghiệp làm "bầu", ông đưa đoàn đi biền biệt, không về thọ tang cha, mẹ. Đến khi trở về thăm nhà sau bao năm, mồ cha mẹ ông đã xanh cỏ. Đó là nỗi ân hận triền miên luôn dày vò ông.

Giờ nhắc lại, Phương Bình vẫn cảm thấy hối hận nhưng được mọi người an ủi rằng có thể cha mẹ ông vẫn vui nơi chín suối vì con trai họ giữ vẹn lời thề: “Sống chết với sân khấu đến hơi thở cuối cùng”.

 

 

Bài và ảnh: Thanh Hiệp

 

Nguồn tin: tcgd theo NLĐ