Bản Sắc Dân Tộc - cailuongvietnam.com

Tin Tức Tâm Tư Thành Viên

DUY TRÌ TRANG WEB CLVN

Nghệ sĩ "khóc" nhà báo Tần Nguyên

Thứ năm - 21/05/2020 09:07

TN

Tối 20-5, NSND Lệ Thủy và nhiều nghệ sĩ đã đến thắp hương tiễn biệt nhà báo Tần Nguyên – ký giả kịch trường thân thuộc với giới sân khấu, thành viên của Ban liên lạc Tổ chức phong trào "Ký giả ăn mày", Phó Ban Ái hữu Hội Sân khấu TP HCM.

 

Nghệ sĩ khóc nhà báo Tần Nguyên - Ảnh 1.

NSND Lệ Thủy xúc động viếng nhà báo Tần Nguyên, người có nhiều công lao với sân khấu nước nhà

"Anh là người sát cánh với nghệ sĩ nghèo khó, ốm đau, bệnh tật. Những năm anh còn sức khỏe, đến ngày Truyền thống sân khấu Việt Nam, anh vận động các nhà hảo tâm, các nghệ sĩ cùng đóng góp lương thực, tiền, thuốc men, quần áo… để trao tặng cho nghệ sĩ già yếu, neo đơn, công nhân sân khấu khó khăn. Giới nghệ sĩ sân khấu cải lương nhớ ơn anh vì nghĩa cử hết lòng vì nghệ sĩ khi hoạn nạn" – NSND Lệ Thủy chia sẻ.

Lúc sinh thời, nhà thơ Kiên Giang và soạn giả Mai Quân đánh giá cao nhà báo Tần Nguyên bởi ngoài ngòi bút sắc bén, ông còn là người giữ mối liên lạc giữa hàng trăm nhà báo trong Ban liên lạc Tổ chức phong trào "Ký giả ăn mày" ngày 10-10-1974 nhằm chống đạo luật 007 của chính quyền Nguyễn Văn Thiệu; đàn áp, bóp nghẹt tiếng nói tự do công luận của báo giới Sài Gòn.

Nghệ sĩ khóc nhà báo Tần Nguyên - Ảnh 2.

NSND Lệ Thủy chia buồn với vợ của nhà báo Tần Nguyên

"Ông còn có nhiều bài báo viết về các vở cải lương yêu nước thời đó như "Lắp sông Gianh". Ông mượn vở diễn để lên án chế độ hà khắc, đàn áp tự do ngôn luận của báo giới và kêu gọi tinh thần ái quốc" – NSND Đinh Bằng Phi nhớ lại.

NSƯT Diệu Hiền cho biết nhà báo Tần Nguyên là người luôn động viên các nghệ sĩ lão thành sống lang thang, không nơi nương tựa về mái ấm chung do cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt và NSND Phùng Há quyết định gầy dựng mang tên Khu dưỡng lão Nghệ sĩ TP HCM. 

 

"Nhà báo Tần Nguyên không để nghệ sĩ chúng tôi rày đây, mai đó vì tuổi cao sức yếu, các đoàn hát ngưng hoạt động. Ông và soạn giả Đức Hiền còn tổ chức chương trình văn nghệ "Đêm rằm ca hát" tại Khu dưỡng lão vào mỗi tối 15 âm lịch hàng tháng để chúng tôi được ca hát, giao lưu với khán giả. Nhớ ơn ông lắm, một nhà báo có tâm, có tài và sống chân thành, giản dị" – NSƯT Diệu Hiền tâm sự.

Nghệ sĩ khóc nhà báo Tần Nguyên - Ảnh 3.

NSND Lệ Thủy và các nghệ sĩ: Diệp Tuyết Anh, Minh Tiến, Ngọc Minh viếng nhà báo Tần Nguyên

Ngày mai (22-5), lễ động quan sẽ được tổ chức lúc 6 giờ, sau đó linh cửu của nhà báo Tần Nguyên được đưa đi an táng tại Nghĩa trang Hoa viên Bình Dương. 

Ông được an táng tại khu vực gần khu mộ của các nghệ sĩ tiền bối như: NSND soạn giả Viễn Châu, nhà thơ Kiên Giang, NSƯT Thanh Sang, nhạc sĩ Thanh Sơn (cha đẻ của ca khúc "Nỗi buồn hoa phượng"), nhà văn Sơn Nam, NSND đạo diễn Lê Dân, NSND Giang Châu… 

Nghệ sĩ khóc nhà báo Tần Nguyên - Ảnh 4.

Nhà báo Tần Nguyên trong ngày Truyền thống sân khấu Việt Nam

Trong những ngày qua rất đông nghệ sĩ, giới báo chí đã đến viếng và chia buồn với gia đình nhà báo Tần Nguyên. Gia đình miễn chấp điếu, đồng thời không nhận hoa viếng, trái cây, nhang, đèn... Theo đúng nguyện vọng của nhà báo Tần Nguyên, tang lễ được tổ chức đơn sơ, không làm phiền đến mọi người.

Thanh Hiệp
 


 

Người cuối cùng trong ban liên lạc của tổ chức phong trào “ký giả ăn mày” qua đời

Đạo diễn Nguyễn Hồng Dung, Phó chủ tịch Hội Sân khấu TP HCM, cho biết ký giả kịch trường nổi tiếng với bút hiệu Tần Nguyên, Phó Ban Ái Hữu Hội Nghệ sĩ TP HCM, đã qua đời trong sự tiếc thương của các nghệ sĩ sân khấu.

 
 

Ông tên thật Nguyễn Văn Tấn sinh năm 1945 tại Bến Tre, với bút danh Tần Nguyên, là nhà báo kỳ cựu của các trang kịch trường trên một số tờ báo lớn tại Sài Gòn trước 1975. Do bệnh suy tim, suy thận nhiều năm, tối qua, gia đình đưa ông vào Bệnh viện Nguyễn Trãi (TP HCM) cấp cứu nhưng vẫn không qua khỏi. Ông trút hơi thở cuối lúc 19 giờ ngày 19-5, hưởng thọ 75 tuổi.

Nhà báo Tần Nguyên gắn bó với nhà thơ Kiên Giang, tức soạn giả Hà Huy Hà, từ thập niên 50, ông tích cực tham gia phong trào phản đối chính quyền Việt Nam Cộng Hòa năm 1972 đã cho áp dụng sắc luật 007 với quy định số tiền phải ký quỹ rất lớn làm nhiều báo không có tiền đành đóng cửa. 

Người cuối cùng trong ban liên lạc của tổ chức phong trào “ký giả ăn mày” qua đời - Ảnh 1.

“Phong trào ký giả ăn mày” phản đối đạo luật của chính quyền Sài Gòn năm 1974.

Đạo diễn Nguyễn Hồng Dung xúc động kể: "Ông đã gắn bó với Ban Ái hữu nghệ sĩ từ ngày đầu thành lập. Sau thế hệ đầu tiên gầy dựng là NSND Năm Châu, NSND Phùng Há… đến thế hệ soạn giả Kiên Giang, soạn gia Mai Quân thì ông là Phó Ban Ái hữu, chăm lo rất chu đáo cho các nghệ sĩ lão thành".

Nhắc đến giai đoạn Sài Gòn bùng phát phong trào "Ký giả ăn mày", NSND Kim Cương nói: "Theo điều luật tai ác đó, tờ báo nào bị tịch thu lần thứ hai do có bài vi phạm an ninh quốc gia và trật tự công cộng thì sẽ bị đóng cửa vĩnh viễn. Điều này được xem như cách cai trị của chính quyền Sài Gòn, nhằm dùng "bàn tay sắt" khống chế giới báo chí. Nhiều tờ báo bị đóng cửa, chủ báo bị phạt, bị tịch thu tiền ký quỹ, một số người còn bị tù. Có khoảng 70% người làm báo bị thất nghiệp. Anh Tần Nguyên đã sát cánh với nhà thơ Kiên Giang và nhiều ký giả kịch trường yêu nước, xuống đường biểu tình, tổ chức các cuộc hội họp, vận động các nghiệp đoàn ký giả tập hợp lại để tìm ra một biện pháp nhằm cứu nguy cho

 
Người cuối cùng trong ban liên lạc của tổ chức phong trào “ký giả ăn mày” qua đời - Ảnh 2.

Cáo phó của tang lễ nhà báo Tần Nguyên

NSND Đinh Bằng Phi cho biết lúc đó, hình thức đấu tranh "ký giả xuống đường đi ăn mày" được thống nhất. Các đại diện của ban tổ chức có nhà thơ Kiên Giang và nhà báo Tần Nguyên. Danh xưng ban đầu là "Ngày báo chí xuống đường đi ăn mày" nhằm tập hợp, tranh thủ giới chủ báo và tất cả những người làm việc trong bộ máy làm báo, từ ký giả, nhà văn chuyên viết tiểu thuyết trên báo, họa sĩ, nhiếp ảnh viên… Ban tổ chức quyết định chọn ngày 10-10-1974 làm ngày xuống đường biểu tình. "Công lao của nhà báo Tần Nguyên rất lớn. Có thể nói anh là nhà báo cuối cùng của phong trào này ra đi, rời xa các nghệ sĩ đồng nghiệp trong niềm thương tiếc bởi anh đã đóng góp nhiều cho sân khấu" - NSND Đinh Bằng Phi nói.

Tang lễ của nhà báo Tần Nguyên được tổ chức tại nhà riêng: 345/7 Trần Hưng Đạo, phường Cầu Kho, quận 1, TP HCM.

Lễ động quan lúc 6 giờ ngày 22-5-2020, sau đó an táng tại Nghĩa trang Hoa Viên Bình Dương. (Gia đình miễn phúng điếu)

Thanh Hiệp (ảnh do gia đình cung cấp


BẤM XEM THÊM TIN TỨC HÌNH ẢNH VIDEO TẠI DIỄN ĐÀN CLVNCOM)
 
 
 
 

XEM
 

Nguồn tin: tcgd theo NLĐ

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Từ khóa:nghệ sĩ, tiễn biệt, nhà báo, ký giả, thân thuộc, sân khấu, thành viên, liên lạc, tổ chức, phong trào, ăn mày, ái hữu

Bình luận mới

Gửi bình luận của bạn

Tên của bạn Email Nội dung Mã an toàn

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 

DUY TRÌ TRANG WEB CLVN