Đang
truy
cập
:
336
•Máy chủ tìm kiếm : 2
•Khách viếng thăm : 334
Hôm
nay
:
34345
Tháng
hiện
tại
:
980927
Tổng
lượt
truy
cập
:
99443026
Sắp tới đây là kỷ niệm 21 năm ngày thành lập trang web cailuongvietnam.com (13/04/2004 - 13/04/2025) Dây là trang tin tức đầu tiên của cailuongvietnam.com từ năm 2004. Còn đuọc gọi là CLVNCOM1 . Thân mời các dộc giả xem những bằi mới hơn tại trang tin tưc CLVNCOM2 theo link dưới dây https://www.cailuongvietnam.com/newscl
Ngày Tết lội bì bõm trên đường ngập nước,
Năm 2005, lần thứ hai chúng tôi về thăm Saigon và đi du lịch các tỉnh từ Huế trở vô các tỉnh miền Tiền Giang, Hậu Giang.
Năm 2008, chúng tôi lại về Saigon, dự định đi một tour ra thăm động Phong Nha, Mũi Né, Nha Trang, Phú Quốc và Côn Đảo, tuy nhiên vì bão tố bất kỳ, chúng tôi chỉ đi thăm được Côn Đảo và các tỉnh Mỹtho, Cần Thơ, Sóc Trăng, Long Xuyên rồi trở về đi xem hát cải lương ở Đầm Sen, ở rạp hát thành phố ( Quốc Hội cũ) rạp Hưng Đạo, rạp Thủ Đô và các đêm biểu diễn Vầng Trăng Cổ Nhạc, Đêm Rầm Ca Hát ở viện dưỡng lão nghệ sĩ đường Âu Dương Lân quận 8, thăm bà Bảy Phùng Há, chùa nghệ sĩ và nghĩa trang nghệ sĩ ở GòVấp.
Chương trình định như vậy là vì tôi muốn đi viếng thăm lại những nơi chốn mà ngày xưa, khi còn ở Việt Nam, lúc theo đoàn hát, tôi đã đến ăn ở trong các rạp hát hoặc nơi các đình miếu hay sân bãi có dựng sân khấu. Ở những nơi mà đoàn hát biểu diễn, tôi quen biết nhiều người dân ở địa phương. Tôi từng được họ giúp đỡ, cho chỗ ở, giúp miếng ăn hoặc thuốc thang khi đau yếu và nhất là họ trao cho nghệ sĩ những tình cảm thân thương, tình cảm đó đã nâng cao tâm hồn chúng tôi, giúp chúng tôi không ít những tư tưởng hay, những cảm xúc tốt đẹp để dựng thành nhân vật trong các tác phẩm trên sân khấu.
Ngoài ra tôi rất muốn biết sau hơn ba mươi năm đổi chủ, cuộc sống của người dân có thật sự thay đổi tốt đẹp hơn không, Saigon đã được thay đổi như thế nào… không phải chỉ nhìn cái bề ngoài với hàng triệu xe gắng máy và xe đạp chạy loạn xị trong thành phố, không phải choáng mắt vì những chiếc xe hơi bóng lộn, những dãy nhà cao tầng và đèn điện sáng choang ngày đêm…những cái giả tạo làm cho Saigon có bộ mặt bề ngoài hấp dẫn … tôi muốn biết một phần nào về cuộc sống thật của các nghệ sĩ sân khấu, các dân nghèo, các tầng lớp lao động , những người mua gánh bán bưng trong thành phố. Điểu này tưởng dễ dàng nhưng thật sự không dễ dàng chút nào cả!
Giữa rừng người, vẫn cảm thấy cô đơn,
Về đến quê hương, một tuần lễ sau khi thăm viếng mồ mả ông bà cha mẹ, thăm và giúp đỡ tiền bạc thuốc men cho các em cháu trong gia đình, tôi bảo cháu tôi đưa tôi đi đến các rạp hát trong thành phố, bắt đầu từ rạp hát Thành Phố ( Nhà Quốc Hội cũ của Việt Nam Cộng Hòa), sau đó sẽ đến các rạp Hưng Đạo, đình Cầu Quan, đình Cầu Muối…
Đầu đội nón sắt, ngồi sau yên xe Dream, tôi ôm ngang eo ếch của cháu tôi,…Nếu có cái kiếng để nhìn mặt tôi trong lúc đó, tôi chắc là cái bản mặt của tôi trông cũng có vẻ “ ngầu” lắm. Xe ra khỏi cổng nhà, cháu tôi lái xe chạy ào ào, lượn qua lượn lại, len lỏi giữa dòng xe gắng máy đang chạy đen nghẹt trên đường phố. Tôi bỗng cảm thấy sợ… cái thằng cháu của tôi nó muốn làm xiếc hay sao mà nó lái xe chạy quá mau, lại chen lấn, lòn lách qua nhiều xe khác… Tôi muốn đi dạo bằng xe gắng máy để có thể quan sát thành phố giữa ban ngày chớ đâu có muốn nó đưa tôi vô nhà thương, tôi đâu có muốn bị đụng xe, xứt tay gãy gọng… Tôi nói nhỏ vào tai của nó: “ Mầy chạy chậm chậm, để tao còn nhận ra đường đất, phố xá… Chạy mau quá, đâu có nhìn thấy cái gì đâu nà?
- Cậu ơi…chạy như vầy là chậm quá trời rồi…. Đường kẹt xe mà mình chạy chậm quá, xe sau nó ủi mình té à cậu…
- Thôi, vậy thì mầy tấp vô lề đường, cho tao xuống, tao đi bộ… Chừng nào mệt, tao kêu taxi tao về… Tao biết đường mà, không có đi lạc đâu mà mầy sợ.
- Dạ, con hổng để cho cậu đi một mình đâu…Ba con biểu chở cho cậu đi quan sát đường phố, vậy thì con phải theo cậu, bất kỳ là cậu đi đâu…
- Thì tao đi bộ, mầy chạy xe rề rề theo phía sau, sát lề đường.
- Tới nhà hát thành phố rồi kìa. Để con dừng trước nhà hát, cậu đi coi, quan sát gì đó, con chờ cậu ở trước cửa rạp hát nhe…
Tôi xuống xe, đi bộ như con cá được thả xuống sông xuống rạch, thấy khoẻ khoắn trong người, hết sợ đụng xe, hết phải đội cái nồi cơm sắt trên đầu. Tôi rút cây quạt giấy dắt phía sau lưng ra, quạt phe phẩy như tiên ông Lữ ĐồngTân, tà tà quan sát mặt tiền của rạp hát thành phố. Tôi lấy máy ảnh ra chụp hình tượng hai cô đầm cao lớn như hai cột trụ nâng đỡ mái trước của nhà hát. Đây là kiến trúc mới, phục hồi nguyên trạng mặt tiền của rạp Théâtre central của Pháp ngày xưa. Thời Việt Nam Cộng Hòa, khi dùng nhà hát nầy làm trụ sở của Quốc Hội, người ta đã phá bỏ hai bức tượng hai cô đầm đó đi.
Tôi nhiều lần đến rạp hát này để xem các chương trình Làn Điệu Phương Nam của đạo diễn kiêm ký giả Thanh Hiệp tổ chức, đã nhiều lần vào hậu trường quan sát, thăm các bạn nghệ sĩ nên lần nầy, tôi chỉ đi quanh rạp hát để xem có gì thay đổi không. Sau đó tôi đi qua nhà hàng Continental, bước qua lộ đến quán café bánh ngọt Givral. Tôi vào uống một tách càfé, ăn một cái bánh croissant. Tôi kêu thằng cháu vô uống café nhưng nó lắc đầu, nói mắc công gởi xe rồi nó đẩy xe tà tà đi chỗ khác, khuất mắt tôi.
Ngồi trong Givral, tôi nhớ lại những năm 60…hồi đó, ngồi trong quán mát lạnh, thực khách đa số là những nhà báo Tây, Ta, và một số dân biểu ngồi nhâm nhi càfé, ngóng trông tin tức…Xéo bên kia đường là Hạ nghị viện( nay là nhà hát TP) và Trung Tâm Quốc Gia Báo Chí…Chỉ cần một hai ông dân biểu xuất hiện ở tiền đình Quốc Hội với vẻ hơi bất thường, chỉ cần một hai sinh viên từ đâu chạy ào tới, tức rốc căng lên một banderole, lập tức các vị khách trong quán Givral túa ra ngay, máy ảnh chớp lia lịa…Và những giây phút sau đó, cả khu vực sôi sục một cuộc hội thảo, mết tinh, biểu tình, xuống đường rầm rộ, chớp nhoáng hoặc dằng dai…Thức ăn, bia rượu, café của Givral không có gì đáng nói, chỉ có tin tức…tin tức trong nước, tin ngoài nước, tin chính trường, tin tăng quân, rút quân hay cúp viện trợ, chiến tranh hay ký kết đình chiến? những tin tức sốt dẻo đó là cái thứ gia vị thay đổi không ngừng cho một dĩa súp hay một cốc bia của quán. Thời đó nói tới Givral là nói tới Radio Catinat, cái radio miệng phát thanh từ cả chục cái loa miệng với những tiếng nói khác nhau, những tin tức có khi chống đối nhau, những tin tức giựt gân, làm giàu cho những kẻ thương buôn đầu cơ tích trử… từ thời chiến tranh Việt Pháp năm 1945 cho đến năm 1975!
- Cậu, đi cậu ! … Thằng cháu của tôi đứng bên vệ đường kêu tôi inh ỏi.
Tôi trả tiền xong, bước ra khỏi Givral, khoát tay bảo cháu tôi cứ đi theo sau, tôi thả bộ đi dọc theo đường Lê Lợi, quan sát các cửa hàng sang trọng trong khu Eden cũ. Có nhiều hàng hóa nhập cảng của nhiều nước, trình bày đẹp dưới ánh đèn màu rực rỡ, tôi bỗng có cảm giác như có người đi theo mình. Tôi sợ bị móc túi nên giấy tờ, passeport, tiền dollars thì để trong túi đeo trước bụng, bên trong một lớp áo. Tiền trong bóp để túi quần tây chỉ có một hai triệu tiền Việt Nam…Nhìn lại tôi thấy hai cô gái lẻo đẻo đi theo tôi từ cửa hàng Givral đến gần ngã tư đường Pasteur - Lê Lợi…Hai cô gái, tay ôm hộp đựng những món hàng nhỏ nhắn, xinh xắn như nữ trang giả, những đồ mỹ nghệ dành để bán cho du khách ngoại quốc mua kỷ niệm Việt Nam. Một cô tươi cười, chìa cái hộp đựng các món hàng đó, miệng liếng thoắng mời tôi mua hàng kỷ niệm bằng tiếng Quan Thoại.
Tôi cười, lắc đầu, khoát tay ý muốn nói là tôi không mua… Tôi đi chậm chậm dọc theo đường Lê Lợi. Hai cô bám riết theo tôi… Tôi nghe một trong hai cô nói:” Ổng không phải Đài Loan… Tao chắc là Hàn Quốc…”
Cô bạn gái rao hàng kia vội nói một hơi năm ba câu bằng tiếng Đại Hàn. Tôi lắc đầu nói:” No..no…no” .
Cô thấy tôi trả lời : No…no.., cổ liền nói:” Ổng là dân Philippine mầy ơi…
Thế là cô kia quất cho một tràng tiếng Mỹ…ten dollars…Ok ?...Ok?...five dollars…Ok ? Ok?..Cô đưa món hàng nầy lên, nói gíá rồi để xuống lấy món hàng khác giới thiệu…lại nói giá…
Tôi bực quá nên nói: Trời ơi, tôi đã nói không mua mà hai cô đeo theo hỏi hoài…
Cô ta bật ngửa, la lớn: Ông nội ơi ông nội! ông nội là người Việt, sao hổng nói tiếng Việt mà cứ nói No..no hoài, thành ra tụi tui mới tưởng ông là dân Đài Loan, Hàn Quốc hay Philippine…
- “ Thì các cô có hỏi tôi bằng tiếng Việt đâu nà? Cô nói tiếng Đài Loan, Hàn Quốc, tôi không biết cô nói gì thì tôi no…no chứ sao?.... Mà cái bộ vó của tôi hổng giống người Việt sao mà cô tưởng tôi là Đài Loan hay người Hàn Quốc?
Cổ nói : “ Việt kiều ít ai uống càfé ở Givral, một tách café, một cái bánh croissant là bốn chục ngàn đồng, mắc hơn một tô phở hay hủ tíu…Chỉ có người Đài Loan, Đại Hàn hay Philippine tới du lịch Việt Nam, mới uống café ở cái quán sang trọng nầy thôi…
- À thì ra vậy…tôi đi bộ mỏi chân, gặp hàng quán nào thì tấp vô ngồi một chút cho đỡ mỏi …ngồi trong quán thì phải ăn hay uống một thứ gì đó, chớ bộ công viên sao mà ngồi miễn phí?
Mấy cô gái buông tha cho tôi, không theo nài nỉ mua hàng kỷ niệm nữa. Tôi bèn đi theo đưòng Pasteur hướng về dinh Độc Lập cũ( nay là dinh Thống Nhất) Cháu tôi vọt xe lên gần tôi, nói lớn: - Câu ơi, cậu đi lộn đường rồi. Đi tới đình Cầu Quan hay tới rạp Hưng Đạo thì phải đi thẳng theo con đường Lê Lợi, tới chợ Bến Thành mới qua đường Hưng Đạo….
- Cậu biết ! Hổng có đi lạc đâu… Cậu muốn tới cái quán La Pagode để coi nó có còn như ngày xưa, như cái quán Givral không…
- La pagode ? Là cái quán chi? Hổng có cái quán đó đâu, cậu ơi…
Tất nhiên là cháu tôi không biết cái quán La Pagode đó… trong những năm 60 và đầu thập niên 70 có một thế hệ ghiền đi dạo Catinat và ghiền ngồi ở những quán nổi tiếng trên đường Catinat như Majestic, Brodard, Givral, Continental, La Pagode…
Quán La Pagode ở góc đường Catinat và Lê Thánh Tôn, tôi đi tới đó tìm nhưng quán La Pagode đã đổi thành Trung Tâm Điều Hành Du Lịch không biết từ thời nào sau năm 1975…
Hồi đó, quán La pagode là nơi hò hẹn của giới văn nghệ sĩ và trí thức, các sinh viên đại học hoặc các vị quan chức, các dân biểu…và cả dân chạy áp phe thường hẹn gặp nhau bàn chuyện riêng hoặc ăn nhậu trong quán La Pagode…Quán ở góc Lê Thánh Tôn và Catinat, thoáng rộng, tường lở, mở ra cả hai phía đường, sát vỉa hè. Ngồi trong quán có thể thấy người đi qua lại mua bán bên ngoài, tuy nhiên khung cảnh vẫn ấm cúng riêng biệt cho những thực khách quen thuộc của quán. Về sau lấp máy lạnh, bàn ghế bọc nệm màu nâu sậm, có tay vịn, thành ghế có thể tựa đầu thoải mái…khung cảnh càng tăng thêm vẻ ấm cúng riêng biệt, thực khách nói chuyện với nhau nhỏ tiếng, thân mật…Những anh bồi lớn tuổi, đồng phục trắng,, nơ đen, đa số là người Tàu, nói rành tiếng Việt và tiếng Anh, Pháp, tất cả đều lịch sự, nhã nhặn và tôn trọng cái không khí không ồn ào trong quán. Đó là cái thời buổi trào lưu triết học hiện sinh, triết lý nhập cuộc, của văn chương viễn mơ và văn nghệ dấn thân…người ta bàn chuyện văn chương, văn nghệ, chuyện áp phe riêng và bàn cả những chuyện liên quan tới thời sự …ăn nói tự do… không ai quấy rầy ai…Tôi nhớ soạn giả Thiếu Linh cùng tôi ngồi trong La Pagode, bàn tính với nhau viết tuồng Cô Gái Điên, chuyện một nữ sinh sống theo trào lưu hiện sinh, bị tên ma cô gạt cho dùng cocaine, thuốc phiện trắng đến nỗi thân tàn ma dại… Tại quán La Pagode này, các sinh viên bàn về thuyết hiện sinh và thú chơi thuốc phiện trắng đã vô tình cung cấp cho chúng tôi những tài liệu sống động của một tầng lớp thanh niên tinh thần băng hoại trong thời có chiến tranh…Các ký giả Nguyễn Ang Ca, Hoài Ngọc, Lê Hiền cũng thường ngồi uống bia trong quán La pagode…Bây giờ bọn họ đã về tiên cảnh, một mình tôi trở lại cái quán xưa, nhớ lại hình ảnh cũ nhưng rồi cái quán La Pagode…cái “quán chùa” đó đã bị dẹp bỏ, hổng chừng được dọn lên trên thượng giới cho linh hồn của các anh ký giả, soạn giả, thực khách quen thuộc của quán trở về tìm lại hương xưa.
Nghĩ đến đây tôi mới phát hiện ra là từ ngày tôi về thăm quê hương đến nay, đi ăn nhậu nơi các quán xá cũng nhiều, đi du lịch cũng lắm chỗ mà chưa có nơi nào có nhiều người cùng nhau tranh cãi về một vấn đề gì đó…dường như không ai dám tin ai, không ai dám đem ý kiến riêng của mình ra để nói cho người khác biết…Cái khung cảnh ngồi quán càfé tán chuyện tầm khào hoặc bàn chuyện thời sự không còn tồn tại trong cái thành phố này vì người ta không dám tin nhau nữa…Không biết ai là công an chìm, không biết con người đối diện với mình, vừa nói những câu gợi chuyện thời sự, lát nữa đây họ có đưa mình vô đồn công an không…Trong cái thành phố mà dân chúng chạy ào ào ngoài đường như những ổ kiến, ổ mối bị tạt nước sôi… chạy loạn xạ từ sáng cho đến khuya lơ khuya lắc, không hiểu họ đang làm ăn công việc gì mà họ bận rộn, gấp rút đến như vậy.
- Cậu ơi, gần trưa rồi…về nhà nghe cậu? Đi một hồi cậu say nắng, bịnh cảm đó…
- Cậu muốn đi lại quán Brodard hay đi lại quán Thanh Thế, để coi quán xá bây giờ có gì khác hơn hồi trước không?Hồi đó cậu với soạn giả Hoàng Khâm hay ngồi uống càfé ở Brodard, bà bầu Thơ, cô Thanh Nga sáng chúa nhật nào cũng mời các soạn giả của đoàn hát để đãi café và ăn sáng tại Brodard…Cậu muốn nhìn lại các quán cũ thử coi có còn cái khung cảnh ấm cúng như xưa không.
- Thì cũng giống như hai cái quán mà cậu vừa mới đến đó…Bây giờ người ta vô quán, ăn uống gì đó thì họ ăn uống ào ào, gấp rút như kiểu xe cộ chạy ngoài đường kia…Không có mấy người rỗi rảnh ngồi nhâm nhi tán láo như hồi đó đâu. Người ta ngại nói chuyện… tai vách mạch rừng, tai bay họa gởi…Khung cảnh của các quán xá bây giờ khác hơn trước lắm rồi, cậu ơi…
- Phải…cháu nói có lý…
Tôi bảo cháu tôi đưa đến tiệm cơm Minh Đức, hai cậu cháu ăn hai dĩa cơm tấm xường bì chả, tôi uống một lon bia Henneken, cháu tôi uống càfé đá…Đúng là trong quán xá, không ai nói chuyện gẫu như hồi trước. Kêu thức ăn xong, họ ăn ào ào như thể lối chạy xe Honda bạt mạng ngoài đường. Ăn cho mau lẹ, trả tiền rồi vọt. Dường như người ta bận phải làm việc chi gấp rút lắm, nhưng khi tôi hỏi thì cháu tôi cười: “ Trong quán nóng như vầy, ăn cho no rồi đi, ngồi hoài… ruồi nó bu…”
Trong quán không có ruồi, cháu tôi nói “ ruồi bu “ có phải chăng là cháu tôi nói ruồi là bọn công an chìm không? Chắc là vậy! Tôi ngồi trên xe cho cháu tôi chở về nhà, lòng bâng khuâng nhớ mãi cái thời hoàng kim của Saigon trước 1975.
Dọc đường, khi thấy bà gánh hai giỏ mận hồng đào, ngồi bán nơi gốc cây trên lề ngã tư đường, tôi bảo cháu tôi dừng xe lại. Bà bán mận cho biết giá mỗi ký lô là 5000 đồng. Tôi mua hai ký và hỏi một ngày bà bán được bao nhiêu ký lô mận và mỗi ký bà lời bao nhiêu? Bà nói nếu gánh đi hai lần, bán sáng và chiều, mỗi ngày bán được ba…bốn chục ký, mỗi ký lời 500 đồng…Tôi lẩm nhẩm tính: Cứ cho là bà bán mỗi ngày 50 ký lô trái mận, như vậy bà có thể lời 25.000 đồng, tiền lời nầy chỉ đủ ăn một tô phở 24 hay phở Hòa. Gánh năm chục ký lô trên vai, đi trên đường phố không biết là bao xa và suốt một ngày phơi nắng hứng bụi đường, bán được hết giỏ mận 50 ký lô, tiền lời chỉ đủ để ăn một tô phở…Biết bao giờ bà mới thoát khỏi cái kiếp nghèo nơi đô thành hào nhoáng xa hoa này? Trong thành phố này còn quá nhiều người nghèo…nghèo sát đất, nghèo mạt rệp trong khi đó thì có những kẻ giàu đến nỗi không đếm nổi số dollars lợi nhuận hàng tháng. Có kẻ nhà giàu( con của ba má là cán bộ trong rừng ra sau 30 tháng 4 năm 1975) có 5 chiếc xe hơi loại đắc giá nhất mà một triệu phú của nước công nghiệp cũng chưa dám xài tới: Xe Roll Roy, xe Mercedes, xe Porsche…Mỗi cuộc vui chơi anh ta dám chi trả cả ngàn dollars, đến nỗi anh chàng công tử bột này nổi danh là C.Dollars. .
Những kẻ nghèo là dân của Saigon cũ, công chức hay quân nhân thuộc phe bại trận…Những kẻ giàu nứt trứng là những cán bộ, công an, hải quan, bộ đội, con cái của họ và những kẻ cơ hội thuộc về phe chiến thắng sau 30 tháng 4 năm 1975. Ôi nghĩ mà đau buốt tận xương tận óc!
Tôi đi giữa rừng người mà vẫn cảm thấy lạc lõng, cô đơn.
- Cậu ơi, cậu, đừng suy nghĩ nữa, cậu về ngủ trưa một giấc, tối nay hai cậu cháu mình đi coi hát cải lương hay đi tới quán ca cổ nhạc, uống bia nghe vọng cổ…Vui lắm… Chắc cậu sẽ gặp lại các ca sĩ quen biết cũ.
Đêm đó cháu tôi chở tôi đi quận Bình Thạnh đến quán ca cổ nhạc.. Khoảng 6 giờ chiều, tôi dục cháu tôi chở tôi đi để ghé trại Phước Chung ở dốc Cầu Bông thăm các bạn nghệ sĩ. Xe chạy trên đường Hồng Thập Tự, nhè nhằm giờ tan sở, kẹt xe nên xe cứ cà nhích cà nhích. Mồ hôi ra ướt áo mà từ trước cửa rạp hát Olympic đến ngõ quẹo qua đường Đinh Tiên Hoàng, xe phải chạy mất hơn 40 phút…
Đến đường Đinh Tiên Hoàng( đường Albert 1er cũ), tôi nhớ những quán cơm Tây nổi tiếng ngày xưa như quán Duy Ban với món súp Bouillabaisse ngon tuyệt, quán Chez Albert, cơm Tây mỗi phần ba món với gía bình dân, quán Riou, Casino, Pékin với các món bít tết, thỏ nấu rượu chát, gà quay beurre Bretel…Các quán đó đã dẹp tiệm sau năm 1975, bây giờ nhớ lại tôi còn thèm ăn những món ngon tuyệt vời mà từ ngày về quê hương đến nay tôi chưa hề được ăn những món ngon với cái gu đáng nhớ đời đó.
Trại Phước Chung sắp bị giải tỏa, một số nghệ sĩ ở trong trại đã dọn đi nơi khác, tôi chỉ gặp chị Nguyễn Quyền( vợ của hoạ sĩ N. Q) con gái của chị Quyền có quán bán cháo trắng ở đầu hẻm nên chị nấn ná ở lại, chị hy vọng nếu trại Phước Chung bị giải tỏa, chánh phủ sẽ cấp cho chị một căn ở chung cư nào đó hoặc bồi thường tiền. Chị Quyền hy vọng hảo huyền vì đất nước nầy có biết bao nhiêu ngàn dân bị cán bộ lấy đất ngang xương, không bồi thường hoặc bồi thường không thỏa đáng. Dân đi khiếu nại thì bị công an bắt nhốt bót, đánh đập để giải tán họ…Có người đi khiếu nại đòi lại nhà cửa, đất đai đã bị bọn cán bộ cướp đi, họ đi đòi đến cả chục năm rồi mà có ai giải quyết, đem lại sự công bằng cho họ đâu!
Muốn đi Bình Thạnh để đến quán ca cổ nhạc, phải chạy ngang lăng Ông Bà Chiểu, đến trước cửa dinh tỉnh trưởng Gia Định cũ, quẹo trái, đi lên đường Lê Quang Định, nhưng con đường đi ngang lăng Ông đang ngẹt người đi hành hương. Đa số là người Hoa kiều, mỗi người tay cầm một cây nhang lớn, dài cả thước tây…Họ đi chật đường chật xá, đi hết lớp người này đến lớp người khác, cuồn cuộn như nước vỡ bờ. Cháu tôi phải đẩy xe đi bộ, tôi cũng phải lội bộ, tai tôi nghe tiếng xí xô xí xào như thể đang đi trong thành phố Hồng Kông hay ở tỉnh Quảng Đông bên Tàu chớ không phải đang ở trên đất nước Việt Nam…Tôi nghĩ cái ngày mà bọn Trung Quốc bành trướng ào qua Việt Nam chừng năm ba triệu quân, chắc là Saigon, Chợ Lớn, Gia Định và cả các tỉnh khác cũng sẽ đen nghẹt người Trung Quốc giống như cảnh người Hoa đi hành hương ở Lăng Ông Bà Chiểu trong dịp Tết này.
Tới Lăng Ông Bà Chiểu là đã hơn chín giờ tối, tôi bèn bảo cháu tôi thôi không đi đến quán ca cổ nhạc nữa mà hãy chở tôi kiếm đường trở về nhà. Người ta đi sắm Tết ở chợ Bà Chiểu và đi mua hoa dọc theo con lộ trước dinh tỉnh trưởng, đường xá chật ních người mua kẻ bán. Nhiều toán thanh niên nam nữ du xuân kêu réo, trửng giỡn ồn ào. Đến gần 11 giờ khuya, chúng tôi vất vã lắm mới trở lại được con đường Võ Thị Sáu( đường Hiền Vương cũ). Về đến nhà cháu của tôi ở đường Tô Hiến Thành quận 10 là đúng 12 giờ đêm. Cái rừng người, rừng xe không lúc nào vơi người bớt xe, không lúc nào ngừng chuyển động…, TẾT năm 2008, đi lạc vào giữa rừng người, rừng xe… đối với tôi, đó là một kỷ niệm không thể nào quên.
Đêm đó tôi thao thức, không tài nào nhắm mắt ngủ được…Cái thành phố Saigon với hơn ba triệu dân của thời Việt Nam Cộng Hòa, từ khi đô thành Saigon bị đổi tên, nó đã tăng dân số lên đến hơn 8 triệu người…Đô thành Saigon với ba triệu dân mà có 27 cái rạp hát dành cho cải lương, đêm nào cũng sáng đèn, đông nghẹt khán giả, ngày lễ ngày Tết hát hai ba suất hát…Vậy mà bây giờ với hơn 8 triệu dân, TPHCM chỉ còn có một cái rạp Hưng Đạo dành cho cải lương… mỗi tuần chỉ hát được một hai suất vào tối thứ bảy và chúa nhựt…Rạp hát thành phố ( Quốc Hội cũ) thì một tháng chỉ hát được một suất Làn Điệu Phương Nam vào ngày 4 tây… Cái TPHCM này một ngày nào đó sẽ bị đổi tên lần nữa…nó sẽ mang tên thành phố Mao Trạch Đông hay thành phố Hồ Cẩm Đào với dân số hơn 20 triệu người Tàu và sẽ có hơn một trăm cái rạp hát Quảng, rạp hát Tiều và rạp hát Kinh Kịch Trung Quốc…Nghĩ đến đây, tức quá, tôi la hét, khóc ré lên…
Tôi bỗng nghe cháu tôi kêu réo..: Cậu ơi, cậu chiêm bao thấy cái gì mà cậu la cậu khóc vậy hả cậu? Tôi giựt mình tỉnh giấc. Thì ra vì đi trên con đường đến lăng ông Bà Chiểu, thấy quá nhiều người Hoa đi cúng Ông, xin xăm, tôi mơ màng thấy cái ngày TPHCM sẽ giống như Hoàng Sa và Trường Sa, đổi tên là Tam Sa, Tây Sa…Cái ngày thành phố và đất nước Việt Nam bị đổi tên sẽ không xa nếu như nhà nước Việt Nam cứ thần phục theo đảng cộng sản Trung Quốc.
Hôm sau, cháu tôi đưa tôi đi ăn cơm chiều ở quán ca cổ nhạc của nữ nghệ sĩ Kim Thoa( quán cũ của nữ nghệ sĩ Kiều Hoa sang lại) Quán ở đầu cầu chữ Y. Nhiều nghệ sĩ quen biết thuộc về thế hệ các nghệ sĩ đàn con, đàn cháu. Các cháu ca nghe rất ngọt, tình cảm. có nghệ thuật, nếu hát tuồng trên sân khấu, các cháu thừa sức đóng những vai đào chánh xuất sắc không kém gì các nghệ sĩ thế hệ trước. Hôm đó tôi tặng nhiều bông hoa kèm theo tiền boa hậu hĩ. Một cháu ca bài Xuân đất khách, xong hỏi tôi: có phải bài ca này nói lên được tâm trạng của các người Việt xa quê hương không?.. Tôi không biết trả lời sao cho đúng, vì người nào xa quê hương, chắc chắn cũng có những giờ phút nhớ quê hương và những kỷ niệm với người thân, bạn bè hoặc bạn đồng nghiệp. Nhớ cảnh trí, nhớ món ăn ngon miệng… hoặc nhớ những cuộc tình đã đi qua đời mình. Nhưng khi về quê hương rồi, tôi lại có cảm giác như mình đang đi du ngoạn ở một cái nước xa lạ nào đó chớ không phải quê hương cũ của mình. Nhiều luật lệ mới khác xưa, những luật bất công nhằm khai thác túi tiền của dân chúng, đặc biệt móc hầu bao của du khách và Việt Kiều…Tâm lý, tình cảm giữa con người với con người được đánh giá qua việc kẻ đó dám vun tiền làm quà cáp, hoặc chi tiêu hậu hĩ trong các bàn tiệc nhậu hay không? Tiền…tiền…tất cả mọi việc đều được đánh giá thông qua đồng tiền… Các cô gái vị thành niên sẽ không ngại so vai cạ vế với người lớn tuổi đáng cha, đáng ông của cô ta, chỉ cần cho cô ta nhiều dollars thì cái gì cũng Ok …Ok..
Tôi đang miên man suy nghĩ, nghệ sĩ Thanh An, người mới vừa ca một bài Văn Thiên Tường tặng tôi, rủ tôi qua nhà dưỡng lão nghệ sĩ bên kia sông, đường Âu Dương Lân quận 8 vì đêm nay tại nhà dưỡng lão nghệ sĩ có tổ chức đờn ca tài tử lấy tên là Đêm Rầm Cổ Nhạc. Tôi và cháu tôi cùng với các nghệ sĩ Thanh An, Kiều Thu, nhạc sĩ Tư Em cùng đi qua cầu Nguyễn Cảnh Chân, đến đường Phạm Thế Hiển thì các xe gắng máy đều chết máy vì nước ngập trên đường lộ cao hơn nửa bánh xe Honda, ngập máy xe Honda nên tôi phải bắt chước mọi người, xăn quần lên, lội bì bõm trên con đường ngập nước đó để đi vào khu nhà của Viện Dưỡng Lão Nghệ Sĩ. Cháu tôi và nghệ sĩ Thanh An đẩy xe đi theo sau.
Trời không mưa mà cả khu vực Phạm Thế Hiển – Âu Dương Lân bị ngập nước cao hơn nửa thước… hồi đó vùng đất nầy đâu có khi nào bị ngập nước như vậy… Anh Thanh An cho biết không có mưa thì mỗi chiều khi nước sông lớn( cán bộ thủy văn thì gọi là triều cường) thì cả khu vực ở trong phạm vi các đường Phạm Thế Hiển, Âu Dương Lân ngập nước từ ngoài đường vô đến trong nhà. Nếu có mưa lớn thì có khi nước ngập cao lên đến gần cả thước, con nít không thể đi ngoài đường được, mà ở trong nhà thì cũng phải đứng trên giường, trên bàn ghế chớ nếu sơ ý thì có thể bị chết chìm…Khi nước ngập thì điện dùng trong nhà bị cúp, người trong phu phố phải đốt đèn dầu hoặc đèn cầy. Khi nước rút hết thì nhà đèn mới cung cấp điện. Họ nói đó là đề phòng tai nạn do điện chạm nước gây ra và đó cũng là một cách tiết kiệm điện mỗi đêm. Tôi muốn trở về nhà ở đường Tô Hiến Thành, cũng không thể trở về bên kia sông được vì trở về thì cũng phải lội bì bõm trên đường một khoảng khá xa. Nước ngập đen ngòm, bẩn thỉu, đầy rác rến, có chỗ có những bãi phân người, phân bò trôi bập bều… Thanh An cười cười, trấn an tôi: “ Tụi tôi sống ở đây, quen như vậy rồi. Vô đến nhà dưỡng lão, múc nước sạch cho anh rửa tay rửa chân. Tối về nhà anh tắm lại rồi xịt dầu thơm chanel no 5 thì anh sẽ thơm phức, đừng có lo…
Cô Kiều Thu thì cho biết ngay trong thành phố, những đường như Cống Quỳnh, đường Cao Thắng, Bàn Cờ, đường 3 tháng 2, một đoạn đường Cách Mạng Tháng 8 tức đường Lê Văn Duyệt cũ, nhiều đường ở Chợ lớn, ở Phú Lâm cũng bị ngập nước khi có mưa. Các ông có trách nhiệm trong việc thiết kế đô thị thì đổ thừa tại có những tư nhân xây cất nhà cửa, lấp đi các đường cống thoát nước hoặc các đường cống thoát nước của đô thành xưa bị hư hại, rác rến ngập làm nghẽn không cho nước mưa rút đi nên thành phố mới có nhiều chỗ bị ngập lụt mỗi khi có mưa lớn.
Đêm đó, tôi nghe ca cổ nhạc mà nghe như mưa bão hay tiếng rên rĩ của những người dân nghèo khổ trong một cái xóm mà cứ chiều chiều khi nước sông lớn thì nước cống nước rãnh hôi thúi lại dâng lên tràn ngập cả khu phố và đường xá. Chờ tới khuya nước rút, cả nhả phải tát nước trong nhà ra, lau tủ lau bàn ghế, lau nhà cho sạch, bớt mùi hôi thúi thì mới có thể ngủ được. Và tình trạng dơ bẩn khó chiụ nầy đã kéo dài nhiều năm rồi, cứ lập đi lập lại mỗi khi có mưa lớn hay nước sông lớn, chưa biết đến bao giờ mới chấm dứt.
Các nghệ sĩ già ở khu dưỡng lão nghệ sĩ cũng phải chịu chung hoàn cảnh bị ngập nước tanh hôi quanh ngôi nhà dưỡng lão. Cứ chiều chiều, khi nghe chim vịt kêu chiều thì không phải bâng khuâng nhớ bạn chín chiều ruột đau như câu hát đưa em ngày xưa mà là:
Chiều chiều chim vịt kêu chiều,
Lao đao lội nước, bập bều rác dơ…
Các nghệ sĩ già đã một thời huy hoàng trên sân khấu, có người chuyên đóng vai hoàng hậu, công nương, xiêm y bội ngọc sáng ngời, sóng mắt đầu môi từng làm điên đảo bao khán giả si tình. Có những anh vào vai hiệp sĩ, múa gươm khua giáo oai hùng, tay vuốt lông con chim trỉ, đá giáp phun râu làm mê hồn các cô khán giả mơ có chồng dũng tướng. Bây giờ về già, sân khấu lại xuống dốc thê thảm, các nghệ sĩ già không thể kiếm tiền để tự nuôi sống, không còn khoát áo công chúa vương phi hay mang bộ dáng anh hùng dũng tướng được nữa, chiều chiều khi con nước rông đưa rác rến và nước bẩn vây quanh ngôi nhà dưỡng lão, các bạn ngồi chồm hổm trên ghế đá ngoài vườn, nhìn dòng nước đen quánh đang làm cho khu dưỡng lão biến thành một cái ốc đảo tanh hôi, lòng buồn mênh mang cho số phận không may.
Đêm đó có nữ nghệ sĩ Thanh Ngân đến ca giúp vui cho Đêm Rầm Cổ Nhạc, tôi viết vội bài thơ cho cháu Thanh Ngân ngâm tặng các bạn nghệ sĩ tiền bối trong khu dưỡng lão nghệ sĩ.
Kiếp cầm ca:
Tặng những ai đã một thời vang bóng trong nghiệp cầm ca:
Từ đó em về trong nguyệt điện
Gót hoa phủ kín gót hài tiên
Trắng canh em khóc tình tan vỡ
Tủi phận hồng nhan chẳng vẹn nguyền!
“ Vọng cổ “ buồn lên: nhan sắc phai
Tiếng em như gió quyện sông dài.
Đau thương gói kín niềm tâm sự.
Anh khóc trong hồn, em có hay?
Rồi một thời gian lặng lẽ qua
Ai đem xuân đến để em già ?
Hẩm hiu chiếc bóng sầu cô quạnh
Soi bóng gương buồn, ôi xót xa !
Công chúa ngày xưa, ôi đã hết,
Còn đây nhan sắc đã nghiêng buồn,
Lãnh vai “đào mụ “ hồn chua xót
Em nức nở nhiều, lệ mãi tuôn
Nghệ thuật còn đây trang giấy trắng
Mực hằn kỷ niệm chuyện ngày thơ,
Tặng em tất cả niềm tâm sự
Để gọi chút tình trong ước mơ.
Thanh Ngân ngâm thêm mấy câu thơ đời nghệ sĩ:
Khi cánh màn nhung khép lại rồi,
Chỉ còn hiu hắc nỗi đơn côi,
Xiêm y trả lại cho sân khấu,
Cả những niềm vui lẫn ngậm ngùi.
Rồi khi thanh sắc không còn nữa,
Son phấn tàn phai buổi xế tà,
Giã từ sân khấu ai còn nhớ?
Mã
an
toàn:
Sắp tới đây là kỷ niệm 21 năm ngày thành lập trang web cailuongvietnam.com (13/04/2004 - 13/04/2025) Dây là trang tin tức đầu tiên của cailuongvietnam.com từ năm 2004. Còn đuọc gọi là CLVNCOM1 . Thân mời các dộc giả xem những bằi mới hơn tại trang tin tưc CLVNCOM2 theo link dưới dây https://www.cailuongvietnam.com/newscl
Ý kiến bạn đọc