Chuyện Bà Năm Sa Đéc

5

5

Từ cuối năm 1965, Đài Truyền Hình Số 9 được mở ra tạo đất dụng võ cho giới điện ảnh – kịch nghệ. Trong số những diễn viên xuất hiện ấn tượng chính là Bà Năm Sa Đéc. Bà đóng rất thực như là sống trong vai diễn, không có vẻ nặng nề như các diễn viên khác.



Bà Năm Sa Đéc tên thật là Nguyễn Kim Chung, con thứ năm của ông bầu gánh hát bội Nguyễn Duy Tam, thập niên 20 lúc ấy phong trào hát bội còn tương đối thịnh hành, dù chỉ ở các rạp nhỏ hay hát cúng kỳ yên ở các đình làng. Lúc 7, 8 tuổi, bà đã theo gánh hát bội của thân phụ diễn khắp các vùng quê nghèo ở miền Nam. Bà đã chứng kiến những buổi tập tuồng nghiêm khắc của thân phụ bà, vì ông bầu vừa là thầy tuồng, vừa là đạo diễn mà phong cách diễn xuất, xướng âm của hát bội Tân Đông Ban của thân phụ bà trình diễn bất cứ nơi nào cũng được ban hội tề làng và khán giả địa phương khen ngợi. Bà Năm Sa Đéc đã mang dòng máu nghệ sĩ của người cha, lại nhiễm phong cách hát xướng của các nghệ sĩ từ lúc nhỏ cho nên khi trưởng thành, bà nghiễm nhiên trở thành một diễn viên thanh sắc lưỡng toàn của sân khấu hát bội lúc bấy giờ. Gánh hát bội Tân Đông Ban từ lúc có nữ diễn viên Năm Sa Đéc hát chính, bỗng tiếng tăm vang dội khắp vùng, nơi nào cũng muốn mời cho được gánh hát Tân Đông Ban về trình diễn. Từ nhan sắc đến bộ diễn của nữ nghệ sĩ hát bội Năm Sa Đéc đã chinh phục lòng khán giả từ miền quê ra tới tỉnh thành.

Đến khi ông bầu Nguyễn Duy Tam qua đời thì gánh Tân Đông Ban cũng rã theo, sau khi thọ tang cha xong, nữ nghệ sĩ Năm Sa Đéc gia nhập gánh hát bội Phước Thắng của bà bầu Ba Ngoạn. Phước Thắng là một gánh hát bội lớn nhất vùng Chợ Lớn, trình diễn thường trực tại rạp Palikao với những vở tuồng trích từ truyện Tàu như : Triệu Tử đoạt ấu chúa, Huê Dung đạo, Tam chiến Lữ Bố, Hoàng Phi Hổ Quy Châu, Phàn Lê Huê phá Hồng Thủy Trận, Tổng Tửu Đơn Hùng Tín, Lưu Kim Đính hạ sang … và nữ diễn viên Năm Sa Đéc đã làm say mê khách mộ điệu khắp vùng Chợ Lớn, Sài Gòn và cả những miền phụ cận. Khoảng đầu thập niên 30, một loạt các đoàn cải lương lần lượt ra đời, với tầm mức quy mô và phong cách trình diễn hoàn toàn mới lạ, thu hút khán giả thật đông đảo, đẩy các gánh hát bội về các vùng quê hẻo lánh, hoặc tan rã dần dần. Các đoàn cải lương ra đời lúc bấy giờ như : Đồng Bào Nam, Huỳnh Kỳ, Bầu Bòn, Song Phụng, Trần Đắc, Tân Hí Ban, Tái Đồng Ban, Kỳ Lân Bang, Tân Phước Ban v.v… và những soạn giả đầu tiên viết tuồng cho các sân khấu ấy gồm có: Trương Duy Toản, Đào Châu, Mộc Quán, Nguyễn Trọng Quyền, Trần Phong Sắc, Ngô Vĩnh Khang, Mộng Vân … Đồng thời một loạt nghệ sĩ cải lương xuất hiện, bên nữ có: Hai Cúc, Năm Phỉ, Phùng Há, Tư Sạn, Hai Xiêm, Ba Hai, Mười Nhàn, Bảy Ngọc, Hai Phụng, Tư Mão v.v… Bên nam có : Hải Giỏi, Bảy Cam, Tám Thông, Năm Châu, Tư Chơi, Tám Mẹo, Tư Út, Ba Vân, Ba Du, Hai Bông, Năm Long, Tư Thạch …

 

Phong trào cải lương như một luồng gió mạnh, tỏa rộng khắp tỉnh miền Nam, dần dần lan rộng ra tới miền Trung, miền Bắc, nơi nào khán giả cũng yêu thích cải lương. Nữ nghệ sĩ hát bội Năm Sa Đéc đành phải chuyển sang hát cải lương và bà đã diễn trên các sân khấu Trần Đắc, Bầu Bòn, Huỳnh Kỳ, Song Phụng với các vai nữ võ tướng rất thành công. Bà đã theo đuổi nghiệp diễn sân khấu đến những năm lớn tuổi và là người chuyên thủ diễn vai bà mẹ. Có lẽ, vì vậy bà đã tham gia đóng nhiều vai bà mẹ trên phim.

Khoảng năm 1971 phim Lệ Đá trình chiếu. Bà Năm Sa Đéc xuất hiện trong phim và khán giả la ó lên: “Tại sao bà Năm Sa Đéc nói tiếng Bắc”? Thật ra người ta đâu có lạ gì tiếng nói rặt Nam Kỳ của bà Năm. Sở dĩ có như vậy là do kỹ thuật chuyển âm thu tiếng Bắc thay thế. Do bởi Thanh Lan nói giọng Bắc thì dĩ nhiên bà mẹ cũng nói tiếng Bắc luôn vậy!

Sau một cuộc hôn nhân tan vỡ, năm 40 tuổi, nữ nghệ sĩ Năm Sa Đéc chính thức kết hôn với nhà khảo cổ Vương Hồng Sển, một học giả tiếng tăm của miền Nam, quê ở Sóc Trăng, ông viết nhiều sách về văn học, về khảo cứu rất có giá trị. Mối tình già gắn bó keo sơn hơn 40 năm để lại nhiều giai thoại rất đẹp về cuộc đời tình cảm của hai người.

Bà mất năm 81 tuổi, để lại trong lòng cụ Vương Hồng Sển là một niềm cảm thương sâu lắng.

Cụ đã đưa thi hài của người vợ thân yêu về chôn cất nơi quê hương của bà ở Tân Đông, Sa Đéc. Sau đó cụ Vương Hồng Sển có ghi lại bài điếu văn của thi sĩ thân hữu đọc trong lễ an táng nữ nghệ sĩ Năm Sa Đéc, đã đóng góp một thời gian dài cho nghệ thuật sân khấu, từ hát bội sang qua lĩnh vực cải lương và kịch, luôn cả phim ảnh.

Trình chơi Video
 
00:00
 
08:59
 


LQTT (TH)
 

Chuyện “Bà Năm Sa Đéc”


Nghệ sĩ Năm Sa Đéc đã cống hiến trọn cuộc đời mình cho nghệ thuật hát bội, cải lương, kịch nói và điện ảnh nước nhà. Nhân dịp mừng Xuân Ất Mùi 2015, nhắc tới chuyện “Bà Năm Sa Đéc” vang bóng một thời để mọi người cùng hoài niệm, ôn cố tri tân và thương tiếc cho một tài hoa đức hạnh lưỡng toàn kỳ mỹ…

Qua tìm hiểu, bà Năm Sa Đéc sinh năm 1907 là con của ông Hương Cả Nguyễn Văn Tam (Cả Tam) và là cháu nội của ông Hương Cả Nhiều, chính quán tại làng Tân Đông, tổng An Thạnh Hạ, quận Châu Thành, tỉnh Sa Đéc (nay là ấp Đông Quới, xã Tân Khánh Đông, thành phố Sa Đéc, tỉnh Đồng Tháp). Ông Cả Tam có tổng cộng 5 người con, 3 người con đầu do khó nuôi nên đã lần lượt qua đời, chỉ còn lại 2 người con là “Bà Năm Sa Đéc” và ông Nguyễn Duy Cang (Sáu Biết). Năm 1915, ông Nguyễn Văn Tam đứng ra thành lập và làm “Bầu” một gánh hát bội “Thiện Tiền Ban” đầu tiên tại tỉnh Sa Đéc.

Anh Sang (trái) và nhà thơ Trần Minh Tạo bên mộ Bà Năm Sa Đéc.


Do có tài năng ca hát, diễn ra bộ nên vào năm 1928, bà Năm Sa Đéc đã gia nhập đoàn gánh hát Phước Tường. Sau đó, Bà Năm Sa Đéc lần lượt cộng sự với các đoàn Phụng Hảo, Vân Hảo, Thanh Minh - Thanh Nga… Từ sân khấu hát bội bước qua lĩnh vực cải lương, nên nghề nghiệp của Bà rất vững vàng, chỉ cần học tập thêm chút ca cổ là tiến bộ rực rỡ trên con đường nghệ thuật sân khấu cải lương. Trong thời gian lưu diễn, bà Năm Sa Đéc đã có rất nhiều khán giả ái mộ và cũng có một vài mối tình đầu đời. Vào khoảng năm 1938 - 1939, một trong những mối tình hương sắc mặn nồng giữa bà Năm và ông Đốc Phủ Sứ Đặng Ngọc Chấn (quê tỉnh Long An) đã cho ra đời một cậu con trai. Nhưng vì một lý do thật tế nhị nên tình duyên của đôi “trai tài-gái sắc” này không thành vợ chồng và bà Năm Sa Đéc đã âm thầm, lặng lẽ nuôi con và đặt tên cho đứa con là Nguyễn Ngọc Đặng! 

Tình yêu tan vỡ, bà Năm dồn hết tâm sức, trí lực cho nghệ thuật sân khấu cải lương, kịch nói… Tài năng ca diễn xuất chúng và danh tiếng của bà Năm Sa Đéc vang lừng khắp nơi, với nhiều vai diễn ăn sâu vào lòng người mộ điệu lúc bấy giờ. Đến năm 1947, bà Năm Sa Đéc đã phải lòng và kết nghĩa tơ hồng với học giả, nhà biên khảo Vương Hồng Sển (nguyên là Giám thư Bảo tàng Viện Sài Gòn). Suốt hơn 40 năm chung sống với cụ Vương, bà Năm đã hạ sinh một đứa con trai là Vương Hồng Bảo. Không chỉ thành công trong lĩnh vực sân khấu ca kịch cải lương, bà Năm Sa Đéc còn là một nữ minh tinh điện ảnh tài-sắc vẹn toàn luôn được nhiều người ngưỡng mộ, qua các bộ phim Lệ đá, Con ma nhà họ Hứa (trước năm 1975) và nhiều bộ phim sau năm 1975 là “Cho đến bao giờ”, “Mùa nước nổi”, “Con thú tật nguyền”, “Nơi bình yên chim hót”… Và năm 1987, bà Năm Sa Đéc thủ diễn vai bà Hai Lành trong bộ phim Phù Sa. Bà bị bệnh đột ngột và qua đời vào ngày mồng 8 tháng Chạp năm Đinh Mão (1988). Thi hài của nữ nghệ sĩ tài hoa đã được chồng và con cháu đưa về an táng tại nơi mà bà đã được sinh ra từ hơn 80 năm trước.

Bà Năm Sa Đéc tên thật là Nguyễn Kim Chung. Theo cháu ruột của bà là Thái Thanh Sang, vào những năm cuối thập niên 40 của thế kỷ XX, lúc bà Năm về chung sống với người chồng Vương Hồng Sển, do vóc dáng nhỏ nhắn, xinh đẹp nên cụ Vương thường gọi vợ là “cô Năm Nhỏ”. Lúc bấy giờ, khi cô Năm Nhỏ Kim Chung đi hát diễn cùng trong một gánh hát nọ lại có một cô đào Năm Nhỏ khác (quê ở Cần Thơ) và hai nghệ sĩ này đều nổi tiếng trên lĩnh vực nghệ thuật sân khẩu cải lương. Để phân biệt hai người với nhau nên nhiều nghệ sĩ trong đoàn hát gọi cô Năm Nhỏ Kim Chung bằng danh xưng cô Năm Sa Đéc hay bà Năm Sa Đéc (nghĩa là cô Năm Nhỏ Kim Chung quê ở Sa Đéc). Từ đó, nghệ danh cô Năm Sa Đéc hay bà Năm Sa Đéc vang danh cho tới ngày nay.

Về cái gọi là “hủ tiếu Bà Năm Sa Đéc” từng nổi tiếng trên đất Sài Gòn, theo anh Thái Thanh Sang, cùng lời kể thêm của nhà thơ Trần Minh Tạo (lấy nguồn từ cô bạn thân lâu năm, vốn là cháu gái ruột gọi bà Năm Sa Đéc bằng Bà Cô, từng có thời gian khá lâu gần gũi, chăm sóc bà) thì: bản thân bà Năm Sa Đéc và các con, cháu của bà từ xưa tới nay không có một ai từng hành nghề mua bán hủ tiếu hay sản xuất bánh hủ tiếu ở bất kỳ nơi đâu. Sở dĩ có tên “hủ tiếu Bà Năm Sa Đéc” là do, vào khoảng năm 1973, một người con trai thứ ba của người yêu cũ hồi còn trẻ của bà Năm Sa Đéc (quê ở vùng Mỹ Tho, Tiền Giang ngày nay) có mở một quán bán hủ tiếu tại Sài Gòn. Do hiểu biết, yêu thương mối dây thân tình, trìu mến cũ của cha mình, cùng riêng ái mộ tài danh nghệ thuật của bà Năm Sa Đéc nên ông đã xin làm con nuôi. 

Sau đó là xin được lấy nghệ danh của bà đặt tên cho quán hủ tiếu của mình và được bà Năm chấp thuận. Nhờ tài nghệ chế biến tô hủ tiếu thơm, ngon, hợp khẩu vị với thực khách của “cậu ba” nên quán “hủ tiếu Bà Năm Sa Đéc” thu hút được nhiều người rủ nhau đến thưởng thức món ẩm thực độc đáo này. Từ đó, thương hiệu “hủ tiếu Bà Năm Sa Đéc” vang xa. Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, thống nhất Tổ quốc (30/4/1975), quán “hủ tiếu Bà Năm Sa Đéc” còn bán một thời gian rồi đổi chủ. Hiện nay, chủ quán “hủ tiếu Bà Năm Sa Đéc” (con nuôi của bà) đang định cư ở Thụy Điển và vẫn còn tiếp tục theo nghề bán hủ tiếu với thương hiệu “Bà Năm Sa Đéc” như xưa. Trong quán có treo hình Bà Năm Sa Đéc tại một nơi rất trang trọng để tưởng niệm, yêu thương và ái mộ. 

Vì mến mộ tài năng, đức hạnh của bà Năm Sa Đéc nên gần đây có người quán hủ tiếu hay lò sản xuất sợi bánh hủ tiếu (không có quan hệ họ tộc gì với bà) cũng “mượn” danh tiếng Bà Năm Sa Đéc đưa làm bảng hiệu cho cơ sở kinh doanh, sản xuất của mình như: quán “hủ tiếu Bà Năm Sa Đéc”, lò “hủ tiếu Bà Năm Sa Đéc”.

Suốt cả một đời hơn 80 năm tại thế, bà Năm Sa Đéc đã sống và cống hiến hết mình cho nghệ thuật. Nhắc đến chuyện nữ nghệ sĩ Bà Năm Sa Đéc, người dân Sa Đéc và Đồng Tháp rất tự hào và vinh dự, vì bà đã góp phần làm rạng danh cho mảnh đất quê hương, một thời đóng góp công sức, tài năng tỏa sáng đáng kể cho nền nghệ thuật sân khấu, cải lương, kịch nói và điện ảnh nước nhà. 

Bài và ảnh: Trần Trọng Trung
 


 


Nguồn tin: tcgd theo ILS - tt