Danh cầm NSƯT VĂN GIỎI: SỰ SÁNG TẠO KHÔNG NGỪNG

Danh cầm NSƯT VĂN GIỎI: SỰ SÁNG TẠO KHÔNG NGỪNG

Sau khi đệ nhất danh cầm Văn Vĩ qua đời, tuy không có cuộc phong danh vị nào trong giới danh cầm để tiếp nối, nhưng hầu như từ những người mộ điệu, đến nghệ sĩ, những nhà sản xuất băng đĩa cổ nhạc, tuồng cải lương mặc nhiên công nhận danh cầm Văn Giỏi xứng danh là tay đờn ghi-ta phím lõm số 1 từ đó đến nay. Văn Vĩ là bề trên, là người đưa cây đờn ghi- ta phím lõm lên hàng số 1 trong dàn đờn cải lương, không có xưng danh nào xứng đáng với tài năng và công lao của ông, có thể gọi ông là vua của đàn ghi- ta phím lõm.

Hiện nay, bất cứ ai biết đờn ghi- ta phím lõm đều đờn theo quĩ đạo của Văn Vĩ, nghĩa là sự sáng tạo của ông đã trở thành kinh điển, chuẩn mực trong kỹ thuật đỉnh cao đờn ghi- ta phím lõm. Tuy ngày nay có sự sáng tạo, biến đổi rất nhiều trong cách đờn, nhưng vẫn chưa thoát ra khỏi  những gì ông để lại. Không được trực tiếp làm học trò Văn Vĩ, chỉ nghe từ băng dĩa, từ đài phát thanh,Văn Giỏi đã học lóm, đờn theo chữ đờn của Văn Vĩ, khi còn là cậu thiếu niên 12, 13 tuổi ở làng quê Ba Dừa. Từ đó, hay cho đến khi thành danh, Văn Giỏi luôn coi Văn Vĩ là thầy của mình. Lúc sanh tiền Văn Vĩ rất yêu mến Văn Giỏi, coi Văn Giỏi là  người kế vị mình sau này.

NSƯT Văn Giỏi tên thật là Trần Văn Giỏi, tuổi thật sanh năm 1944, tuổi giấy đề  năm 1947, tại xã Long Trung, Huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang. Nơi ông ở còn có tên là chợ Ba Dừa, một địa danh nổi tiếng, lớn lên trong một gia đình, hai bên nội ngoại đều đờn rất giỏi, ba ông có ngón đờn cò rất hay. Còn ông thì học đờn với anh tư Vỹ là học trò của người cậu thứ 3, sau đó ông học thêm với người cậu thứ 8. Người thầy dạy bài bản lớn cho ông là ông Sáu Hoanh. Mười hai tuổi đã đờn rành 6 câu và một số bản nhỏ, mười bảy tuổi thành thạo hai mươi bài bản tổ. Hai mươi hai tuổi lên Sài Gòn lập nghiệp, hai mươi bốn tuổi được nhạc sĩ Hai Thơm giới thiệu vào đờn cho hãng dĩa Continental, dĩa hát đầu tiên ông đờn là Mùa Sao Sáng do Mộng Tuyền ca. Còn ở hãng dĩa Việt Nam, đã hát đầu tiên ông đờn là bài Tha La Xóm Đạo. Thuở nhỏ Văn Giỏi không bị mù, hằng ngày đi làm ông vẫn chạy xe gắn máy bình thường. Sau này, mắt ông bị bệnh, tuy có thể chữa khỏi nhưng ông để cho mù luôn vì không muốn bị bắt đi quân dịch. Tuy được gia đình dạy đờn rất căn cơ, nhưng ông vẫn mê nhất là Đệ Nhất Danh Cầm Văn Vĩ. Thời ấy rất nhiều người đờn ghi- ta phím lõm hay như Hoàng Ân, Hoàng Thành, Phụng Hoàng, Hữu Hạnh… Nhưng ông chọn đi theo phong cách đờn của Văn Vĩ. Bản tánh hiền lành, khiêm tốn,  ham học hỏi chỉ một thời gian, Văn Giỏi đã chiếm được cảm tình của những bậc danh cầm như Năm Cơ, Văn Vĩ. Sau khi Văn Vĩ tách ra không đờn cho hãng dĩa Việt Nam, cô Sáu Liên là chủ hãng dĩa đã hỏi ý kiến danh cầm Năm Cơ, trong số các tay đờn ghi- ta phím lõm ở Sài Gòn, ai là người có thể đờn thay cho Văn Vĩ ở hãng dĩa Việt Nam, ông Năm Cơ đã nói: “Chỉ có thằng Giỏi mới thế được thằng Vĩ thôi”, (Ông Năm Cơ thường gọi ông Văn Vĩ bằng thằng, xưng danh ấy ông chỉ dành cho những người thân nhất, những đàn em bạn bè chí cốt nhất). Thật ra thì cô Sáu Liên đã mời Văn Giỏi về đờn ở hãng dĩa Việt Nam một vài lần, trong lòng cô đã chọn, cô hỏi ý ông Năm Cơ là để khẳng định ý nghĩ lăng xê Văn Giỏi lên. Thời đó, Văn Vĩ như một ông vua, tên ông không có trên bìa dĩa cũng ảnh hưởng tới doanh thu. Đờn thay cho một ông vua đờn, chuyện không hề đơn giản, ban đầu  Văn Giỏi cố sao cho giống chữ đờn Văn Vĩ để được người nghe chấp nhận, khi đã quen rồi ông dần dần sáng tạo thêm những kỹ năng riêng của mình để dần dà hình thành phong cách riêng của mình, trở thành một danh cầm trẻ được yêu thích, chỉ đứng sau Văn Vĩ. Từ trước cho đến năm 1980, các tay đờn ghi- ta phím lõm, kể cả Văn Vĩ vẫn quen đờn dây ba bọc, Văn Giỏi  nghiên cứu thấy dây ba bọc dày, không nhấn được chữ xang cho hay, ông đã thay thế bằng dây ba trần rồi đờn thử trên đài phát thanh, từ đó đến nay dây ba trần trên cây ghi- ta phím lõm được sử dụng phổ biến. Trong nghệ thuật đờn của mình, Văn Giỏi đã sán chế ra dây chận để đờn bài bản, sự sáng tạo này làm phong phú hơn giai điệu mượt mà của cây ghi- ta phím lõm. Đặc biệt nhất là ông đã nghiên cứu nhấn chữ Xê tới chữ Líu, chữ Xang nhấn tới Liu, cách đờn độc đáo này mang thương hiệu riêng của Văn Giỏi, chưa có tay đờn ghi- ta phím lõm nào đờn được như vậy. Văn Giỏi có cách đờn rất mềm dịu, vừa ngọt, vừa chín, vừa mùi, vẫn chuyển chạy nhiều chữ lắt léo, khó, nghe rất mới nhưng vẫn giữ được cái hồn, cái chất ru êm của bản vọng cổ. Theo từng thời kỳ, Văn Giỏi đờn rât hợp với nhiều danh cầm, đờn sến với Năm Cơ, đờn kìm với Tám Kiên, Ba Tu, Minh Thảo, Huỳnh Tuấn, đờn cò, gáo với Thanh Hồng, đặc biệt với NSND Thanh Hải dàn tranh, đã tạo nên một cặp song tấu ghi- ta, tranh độc nhất vô nhị, nổi tiếng với bài hòa tấu Vọng Kim Lang, Phi Vân Điệp Khúc, Đoản Khúc Lam Giang… Thông thường người ta rất ngại khi song tấu ghi- ta phím lõm với ghi ta hạ uy di nhưng Văn Giỏi đã phá lệ, ông đã cùng với danh cầm Hoàng Ân song tấu một số bài tân cổ ở Sài Gòn Audio mở ra một sự kết hợp độc đáo giữa hai cây đờn tưởng chừng như kỵ nhau. Trong bài tân cổ Mimosa của tác giả Thanh Bình do Minh Vương, Lệ Thủy trình bày còn lưu lại bản đờn này của hai danh cầm. Năm nay, NSƯT Văn Giỏi vừa tròn bảy mươi tuổi, ông thường hay nói: “Lão lai tài tận”, nhưng khi nghe ông đờn vẫn tràn đầy phong độ, vẫn là một danh cầm số một, hiện nay vẫn chưa có người thay thế nổi. Từ tiếng đờn cho đến nhân dạng bên ngoài, phong cách sống, sinh hoạt, khi gặp Văn Giỏi không ai nghĩ ông đang ở cái tuổi thất thập cổ lai hi. Suốt cuộc đời hoạt động nghệ thuật của mình, ông luôn sáng tạo không ngừng, những luyến láy  mới, những chữ đờn mới cho tới hôm nay vẫn được ông tiếp tục sáng tạo ra. Ông luôn nghiên cứu, áp dụng kỹ thuật điện tử dành cho đờn ghi- ta của nước ngoài vào cho đờn ghi- ta phím lõm, tạo nên hiệu ứng âm thanh phong phú, nhiều màu sắc, theo ông xã hội ngày càng tiến lên, trình độ thưởng thức của người nghe cũng nâng lên, chúng ta không nên dừng lại, hài lòng với  những thứ đã có mà phải đổi mới không ngừng. Các tay đờn ghi- ta trẻ hiện nay gần như đều học theo chữ đờn, cách pha trộn âm thanh tiếng đờn của NSƯT Văn Giỏi, ông là đại biểu, từ cái cơ bản, mẫu mực của Văn Vĩ đến sự sáng tạo, phát triển sau này, có thể nói ông là người kế thừa và phát triển cây đờn ghi- ta phím lõm lên một tầm cao mới, xứng đáng là một danh sư. Trong sự nghiệp của mình, ông sáng tác hai bản nhạc Phi Vân Điệp Khúc (dây đào), Đoản Khúc Lam Giang (dây kép) như đôi uyên ương nghệ thuật tuyệt kỷ, kỷ niệm ngày đất nước chấm dứt chiến tranh, thống nhất Nam Bắc, hay ông với Thanh Hải cùng hòa tấu giới thiệu bài Vọng Kim Lang được sáng tác bởi một nhạc sĩ ở miền Trung trở thành một bài bản thông dụng trong làn điệu âm nhạc cải lương.

NSƯT Văn Giỏi vốn là một nhạc sĩ hiền lành, khiêm tốn, cầu tiến, ông rất trân trọng những dây đờn trẻ triển vọng. Dù ngày nay, đã trở thành một danh cầm có phong cách riêng, ông vẫn luôn nhớ và biết ơn Văn Vĩ , chính nhờ sự khai phá, sáng tạo của ông mà nhiều thế hệ trẻ tiếp theo, trong đó có Văn Giỏi đã học hỏi, làm cho giai điệu của cây đờn ghi- ta phím lõm ngày càng độc đáo, phong phú hơn. Khi được hỏi làm thế nào để đờn hay? NSƯT Văn Giỏi đã trả lời: “Ngoài kỹ thuật căn cơ, ngón đờn, chữ đờn, nhịp nhàng, bài bản, khi đờn người nhạc sĩ phải đờn bằng cả tâm hồn, cả trái tim. Bản chất vọng cổ là trữ tình, mùi mẫn, lắt léo thế nào, độc thế nào vẫn phải chừa đường về cho nghệ sĩ hát. Tiếng đờn là để nâng giọng ca hay hơn chớ không phải đờn để phá. Nên đờn cho mọi người yêu hơn là đờn cho người ta sợ”.

Chia tay NSƯT Văn Giỏi, lòng tôi chợt băn khoăn, ngày trước, phái sau Văn Vĩ còn cò Văn Giỏi, Văn Hải, Hoàng Huệ, Thanh Hải, Hoàng Thành… Bây giờ phía sau những danh cầm ấy là ai? Dường như có một khoảng cách tài năng ở thế hệ trẻ. Nhiều  người đờn ghi- ta phím lõm giỏi, nhưng để có tay đờn hay, xuất chúng duòng như vẫn phải đang tìm kiếm. Muốn đạt tới tinh hoa nghề nghiệp không phải là chuyện dễ dàng.

ĐĂNG MINH

Tác giả bài viết: vidolaem

Nguồn tin: BSKTP