Đời nghệ sĩ như một bông hoa…

HS

HS

Phóng viên Báo Cần Thơ có cuộc trao đổi với nghệ sĩ Hồng Sáp về những thăng trầm của đời nghệ sĩ và những nguyện ước ở tuổi 80.

Thưa cô, cảm xúc của cô như thế nào khi về Cần Thơ?

 

 Nụ cười lạc quan của lão nghệ sĩ tuổi 80- Hồng Sáp. Ảnh: DUY KHÔI

 

- Lâu lắm rồi cô mới cùng anh em nghệ sĩ về Cần Thơ diễn. Bà con Cần Thơ vẫn vậy, thấy thương lắm. Bữa hát nào bà con cũng coi chật kín, cổ vũ nhiệt tình, còn ra sau hậu đài xem diễn viên hóa trang; mua nước, quà vặt tặng diễn viên...

 Việc đóng phim của cô hiện nay có khó khăn gì không?

- Cô bị khớp, nhức mỏi hoài. Mấy bộ phim phải đi tỉnh đóng, cảnh dầm mưa dãi nắng vất vả. Nhiều khi muốn kiệt sức đó chớ. Nhưng thấy mấy em cháu làm việc cật lực, không lẽ bắt họ chờ mình. Vả lại, không nhận thì thôi, đã nhận lời là phải đóng tròn vai, không qua loa được.

 80 tuổi nhưng có đến gần 70 gắn với sân khấu, cô nghĩ sao về nghiệp diễn?

- Cô nghĩ, đời nghệ sĩ như một bông hoa, khoe hương khoe sắc cho người ta coi, nhưng cũng lắm khi bị mưa bào nắng dội mà đâu phải ai cũng biết. Đời nghệ sĩ đâu chỉ có hào quang sân khấu. Nhiều khi cô nghĩ, biết làm nghề cực như vầy, hồi còn xuân sắc, cô đi thêm bước nữa, biết đâu giờ này có người bầu bạn, có nhà cửa, con cháu đầy đàn. Nhưng không phải đâu con, nghệ sĩ không chọn nghề mà Tổ chọn cho mình, mình phải đi theo. Cứ đi đi, Tổ thương Tổ bù lại mấy hồi, cô nghĩ vậy. Bởi vậy có nhiều người hỏi cô hối hận khi làm nghệ sĩ không, cô lắc đầu liền.

 Bây giờ, cô mong muốn nhất điều gì?

- Sức khỏe. Sức khỏe là đầu tiên hết để cô tiếp tục đóng phim, làm trang phục cho anh em nghệ sĩ hát bội để còn lo cho đứa cháu côi cút. Mà giờ cô cũng toại nguyện rồi, khi sắp có giấy tờ tùy thân sau mấy mươi năm cô với Dĩ An, con cô, sống "trụi lủi". Có giấy tờ, Dĩ An nó còn có thể xin chỗ này chỗ kia làm thêm, lo cho bản thân về sau được. Còn cô già rồi, được Nhà nước hỗ trợ nghệ sĩ 1,5 triệu đồng/ tháng nên sống lây lất được.

Điều cô muốn nữa là làm sao cho cải lương tuồng cổ, hát bội được sống lại như hồi xưa, thời bà con kéo nhau đi coi chật kín sân đình. Anh em nghệ sĩ nhiều người yêu nghề lắm nhưng không có đất diễn. Được như bà con Cần Thơ đi coi như vầy là đỡ lắm nè (cười)!

 Xin cảm ơn cô!

DUY KHÔI (thực hiện)

Nghệ sĩ Hồng Sáp - Đời buồn hơn những thước phim
 

Tuổi thơ tôi từng "ám ảnh" với những vai dì ghẻ, ma quỷ, bà chằn… trong các phim, truyện cổ tích do nghệ sĩ Hồng Sáp đóng. Dịp may, tôi đã gặp lão nghệ sĩ 80 tuổi khi bà về Cần Thơ, lo trang phục cho nghệ sĩ hát bội, nghe bà kể chuyện đời, chuyện nghề. Một câu chuyện nhiều thăng trầm và đẫm nước mắt.

 

 Công việc chính của nghệ sĩ Hồng Sáp là lo trang phục cho nghệ sĩ hát bội.

 

Thấy bà lão móm mém có duyên, hay cười và thân thiện với giọng nói rặt ri Nam bộ, tôi hỏi: Cô Tám người Sài Gòn hay miền Tây? Cô cười: Cô người gốc Hà Nội! Chuyện là cha cô vốn là thầy đờn, mẹ cô là nghệ sĩ hát cải lương, vào Nam lập nghiệp và dẫn cô theo. Vậy rồi mới 10 tuổi, cha mẹ qua đời, cô Hồng Sáp trở thành trẻ mồ côi, bươn chải chốn Sài thành. Cô xin vào đoàn hát, đóng vai tì nữ, chạy bận, quày quả qua các đoàn: Kim Chung, Phước Thành, rồi gắn với đoàn hát bội Huỳnh Long ở đình Cầu Muối (đình Nhơn Hòa, TP Hồ Chí Minh) suốt mấy mươi năm. Khán giả mộ điệu cải lương hẳn nhớ đến nữ nghệ sĩ Hồng Sáp thời xuân sắc với các vai đào lẳng, đào độc trong một số tuồng cải lương như "Tấm Cám", "Tình sử A Nàng", "Sấm dậy hận lòng thơ", "Hai dòng sữa mẹ"...

Cô Tám kể, cô có chồng và 7 người con; chồng cô đã chết và 3 trong số các con cô cũng qua đời vì bệnh, vì nghèo không tiền thang thuốc. Đó là nỗi đau đời cô vương mang tới giờ. Một mình nuôi 4 người con trong cảnh khó nghèo và khi các con có gia đình, cũng nghèo như mẹ, nên: "Tụi nó lo cho gia đình đầy đủ là mừng rồi, cô lo cho cô được"- cô nói vậy. Ai có xem phim "Khóc thầm", chuyển thể từ tiểu thuyết của Hồ Biểu Chánh, nhớ vai bà nội nghèo khổ nuôi cháu nội trong sự ghẻ lạnh của nhiều người do nghệ sĩ Hồng Sáp thủ vai, rồi nghe chuyện đời bà, hẳn phải thốt lên rằng, đời bà còn khổ hơn phim.

Sau năm 1975, bà cùng đoàn Huỳnh Long diễn ở Bến Tre, bị kẻ trộm lấy hết tư trang, giấy tờ. Giữa Sài Gòn phồn hoa đô hội, một nghệ sĩ gần 40 năm qua không có giấy "lận lưng" vì bà không có tiền đi làm giấy tờ, xác nhận… Bà vui mừng nói: "Bây giờ được rồi, mấy chú trên phường giải quyết êm, diễn xong ở Cần Thơ tôi về thành phố là có giấy tờ rồi". Hiện nghệ sĩ Hồng Sáp ở với người con trai- tay trống Dĩ An trong đoàn tuồng cổ Minh Tơ và đứa cháu nội 19 tuổi (con của người con trai út, đã qua đời, được bà nuôi từ nhỏ) trong nhà trọ. Nửa thế kỷ qua bà vẫn sống gác trọ, từ thuở hơn 100.000 đồng/tháng nay đã 2 triệu đồng/tháng, nghệ sĩ Hồng Sáp vẫn chưa có mái ấm cho riêng mình ở tuổi 80.

Một thời là đào chính, nay vì sức khỏe, tuổi cao, bà theo đoàn Minh Tơ rày đây mai đó để lo trang phục cho diễn viên. Bà nói vui rằng, Tổ nghiệp phù hộ bà về chiều. Quả thật, gần chục năm qua, nghệ sĩ Hồng Sáp bỗng bén duyên với điện ảnh. Hàng loạt nhân vật do bà thủ vai trong các phim "Khóc thầm", "Xóm bắt cào cào", "Bụi đời", "Người mẹ điên", "Dốc tình"… đều để lại ấn tượng sâu sắc với khán giả. Nhiều người nói đùa, đời và phim của bà chừng như không khác nhau mấy. Bởi vai diễn nào trên phim cũng như ở ngoài đời của bà vậy- chưa bao giờ vượt qua khỏi kiếp nghèo. Bà tự thấy mình hợp với những vai diễn này. Mới đây, bà còn đóng video ca nhạc, phim quảng cáo… 80 tuổi, phải đóng cảnh gió mưa, khuya sớm… nhưng nghệ sĩ Hồng Sáp vẫn hết mình vì bà nói: "Tổ nghiệp cho thì ráng mà hưởng".

Hôm ở đình Bình Thủy, bà con Cần Thơ cứ vây quanh nghệ sĩ Hồng Sáp, xôn xao: "Bà có đóng phim nè", "Bà Thông Tiền trong phim Khóc thầm nè", "Bà đóng vai quỷ móc mắt người nè"… Bà kính cẩn cúi đầu chào tất cả. Với bà đó là niềm vui của đời nghệ sĩ khi khán giả còn nhớ, còn thương.

Bài, ảnh: ĐĂNG HUỲNH

Nguồn tin: tcgd theo BCT