“Tài tử Cầm Thi” trên đất Cần Thơ

DCTT

DCTT

"Cầm Thi"- tên gọi tương truyền là gốc tích của địa danh Cần Thơ- được một câu lạc bộ đờn ca tài tử (CLB ĐCTT) trực thuộc Trung tâm Văn hóa thành phố chọn đặt tên. Vẻ đẹp của âm nhạc cổ truyền Nam bộ được những tài tử trọn lòng gửi trao qua cung điệu Ngũ âm đằm sâu, góp phần làm phong phú đời sống tinh thần của người dân Tây Đô.

"Cắc!". Nghệ nhân đờn Hoàng Lưỡng gõ song lang dứt khoát, tiếng ca của nghệ nhân Tuyết Thu vô bản Ngũ điểm trúng nhịp, mùi mẫn. Buổi sáng cuối năm tiết trời se lạnh nhưng các thành viên CLB ĐCTT Cầm Thi có mặt đầy đủ, đúng giờ, dù người từ Cái Răng ra, người từ Ô Môn về. Các thành viên vừa ôn lại bài cũ, vừa chuẩn bị các tiết mục thi diễn Liên hoan ca nhạc, ca cổ, tiểu phẩm xuân TP Cần Thơ và cũng là những phút tâm tình dịp cuối năm. Xong buổi đờn ca, câu chuyện của họ lại xoay quanh chuyện chuẩn bị Tết, chuyện làm ăn, buôn bán. CLB đúng nghĩa là nơi hội ngộ của tri kỷ, tri âm.

Các thành viên CLB ĐCTT Cầm Thi đang tập trích đoạn cải lương. Ảnh: DUY KHÔI

Dù mới thành lập khoảng 3 tháng nay song CLB ĐCTT Cầm Thi hoạt động khá rôm rả. 24 thành viên hầu hết đều đã lớn tuổi, người lớn nhất gần 70 tuổi, còn lại đều đã U50, U60… vẫn say sưa với tiếng hát điệu đàn. Có người ở Thốt Nốt, Ô Môn… nhưng không vắng buổi sinh hoạt nào. Hiện CLB do nghệ nhân Hoàng Lưỡng cố vấn, có thêm 2 tay đờn là Ba Ne đờn sến và Bảy Trà đờn ghi-ta, còn lại đều là những giọng ca hay. Mỗi buổi sinh hoạt, CLB chọn tập dượt những bài vọng cổ, bài bản có phần lời phù hợp với nội dung từng tháng để tham gia biểu diễn phục vụ. Nhờ sinh hoạt đều đặn, có nội dung phong phú, các thành viên CLB ĐCTT Cầm Thi có thể hát tốt 20 bài bản Tổ. Đặc biệt, thành viên CLB ngoài ĐCTT còn có thể diễn các trích đoạn cải lương như "Bên cầu dệt lụa", "Tiếng trống Mê Linh"… Những tiết mục "cây nhà lá vườn" thu hút người xem bởi sự chân chất, mộc mạc. Cô Lê Thị Anh Đào, thành viên CLB thủ vai Quỳnh Nga trong "Bên cầu dệt lụa", thiệt thà: "Biết sao diễn vậy, rồi nghe mọi người chỉ dạy thêm. Cái chính là được thỏa đam mê của mình".

Thật ra, những thành viên CLB ĐCTT Cầm Thi đều khá quen mặt vì họ là "cây văn nghệ" ở địa phương, nhưng cái tình tài tử đã thôi thúc họ thành lập CLB này. Các thành viên trong CLB nhắc nhiều đến vai trò của chủ nhiệm Phạm Văn Suôl (nghệ danh Hoàng Dũng). Ông đã trải qua gần 2 năm đi cơ sở để "nghe ngóng" tình hình phong trào và mời gọi tài tử tham gia. Ông Hoàng Dũng cũng đạo diễn, dàn dựng các trích đoạn cải lương cho thành viên. "Cực khổ chọn lựa mới có thành viên tâm huyết. Điều tôi mong muốn nhất là làm sao giữ cái chất, cái lửa cho ĐCTT"- nghệ nhân Hoàng Dũng nói.

Có dịp sinh hoạt cùng các thành viên, chúng tôi rất tò mò với hình ảnh một thành viên tóc đã bạc, mặc bộ đồ công nhân đầy vết sơn. Hỏi ra mới biết chú tên Nguyễn Minh Sang, ở Hưng Phú, Cái Răng, là thành viên CLB ngay từ đầu. Đang thi công sơn, vẽ tiểu đảo ở các trục đường của trung tâm thành phố nhưng chú vẫn tranh thủ giờ rảnh đến sinh hoạt với anh em. Lấm lem vết sơn, chú Sang vẫn cất lên tiếng hát mùi mẫn, quên đi bao tất bật cuộc sống. Trong CLB còn có cô Nguyễn Thị Bạch Tuyết (nghệ danh Tuyết Thu), từng là cô đào lẳng tài sắc của Đoàn Cải lương Hậu Giang II, Sông Hậu II… trước đây. Nhưng vì gánh nặng cuộc sống, cô Tuyết Thu đành bỏ nghề hát. Cô Tuyết Thu tâm tình rằng, gần 30 năm xa ánh đèn sân khấu nhưng chưa bao giờ tình yêu cổ nhạc tắt lịm trong cô. Bởi vậy, khi hay có CLB ĐCTT Cầm Thi, cô tham gia ngay. "Được hát là hạnh phúc lắm, nhất là gặp những người có cùng đam mê với mình. Tuổi già tụi cô phải hát, hát cho lớp trẻ thấy hay, thấy đẹp mà gìn giữ"- cô Tuyết Thu tâm huyết.

* * *

Nhìn những tài tử đầu đã điểm bạc say sưa hóa thân thành ông chúa, bà hoàng trong các trích đoạn, mải mê trải lòng trên chiếu ĐCTT mới thấu hiểu sự nặng lòng với âm nhạc cổ truyền của họ. Khi tôi hỏi "cái được" khi tham gia CLB ĐCTT Cầm Thi là gì, các cô chú đều có cùng câu trả lời: "Là được ca cho người khác nghe". Tình yêu cổ nhạc của họ đã giúp loại hình di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại còn mãi với thời gian.

Duy Lữ


Tiếng quê hương

Hát Sắc bùa, hò vè Nam bộ rồi nghi lễ cúng đình, miễu… câu chuyện của ông Lư Hội- Nguyên Giám đốc Bảo tàng Bến Tre, cứ cuốn hút trong những chủ đề đó, tối mịt mà vẫn quên thôi. Bình trà đã châm năm bảy lần nước, nhưng chuyện kể vẫn đậm đà, chất phác. Sau mỗi câu chuyện, ông Lư Hội lại xuýt xoa: "Tiếng quê hương mình thấy thương gì đâu!".

Hôm tôi về xứ Dừa tìm gặp, cũng là ngày làm việc cuối cùng của ông Lư Hội trên cương vị Giám đốc Bảo tàng tỉnh Bến Tre. Quày quả đống sách cũ cùng lỉnh kỉnh đờn cò, sanh tiền, trống cơm- gia tài sau mấy mươi năm làm văn hóa, để về quê vui thú điền viên, gương mặt ông luôn ánh nét cười điềm đạm, không chút ưu tư, nghĩ ngợi. Ông nói rằng, việc bảo tồn văn hóa thì cả đời, đâu nề hà địa vị hay tuổi tác.

Ông Lư Hội - người sưu tầm di sản văn hóa xứ Dừa. Ảnh: DUY KHÔI

Ở Đồng bằng sông Cửu Long, giới nghiên cứu văn hóa dân gian ai cũng biết ông Lư Hội như người khơi dậy sức sống cho di sản. Người ta nhắc nhiều khi ông cứu sống một di sản tưởng đã chết ở Bến Tre- hát Sắc bùa Phú Lễ. Hát Sắc bùa là loại hình diễn xướng dân gian phổ biến ở miền Trung; ở Nam bộ chỉ duy nhất Bến Tre có, nhưng đã mai một. Vậy là ông lần tìm các nghệ nhân còn nhớ nghề, mong tìm những lời ca, điệu nhạc đặc trưng, tỉ mẩn ghi chép. Những lão nông từng bấn lòng trước điệu hát Sắc bùa ngày càng mai một như ông Năm Hứa, Tư Dũng ở Phú Lễ, ông Võ ở Tân Xuân, Ba Tri, mừng vì đã tìm gặp "truyền nhân". Họ gởi hết tâm tình cho ông Lư Hội. Từ đó, Đội Hát Sắc bùa Bến Tre, CLB Hát Sắc bùa Phú Lễ ra đời. Tiếng hát Sắc bùa dịp Tết trên xứ Dừa hơn nửa thế kỷ trước nay lại vang lên, tìm ký ức cho người già, truyền niềm vui cho người trẻ. Điệu hát Sắc bùa còn được ông Lư Hội đem giới thiệu, diễn xướng ở Cần Thơ, Long An, TP Hồ Chí Minh...

Từ một thầy giáo làng, cán bộ xã rồi bén duyên với ngành văn hóa, ông Lư Hội mang trái tim luôn "xao động" khi nghe tiếng nhạc lễ ở đình, điệu hát đưa em hay một câu hò xứ sở. Trên chiếc xe máy cũ kỹ, ông đến mọi miền quê của xứ Dừa, tìm gặp những người nắm giữ các loại hình di sản mà ghi chép, lưu giữ. Tập tài liệu của ông cứ dày lên theo tuổi tác và mái đầu điểm bạc. Gần 30 đầu sách về văn hóa, di sản đồng bằng ấy là tài sản của một nhà nghiên cứu tận tâm. Ông tìm thấy niềm vui, còn người đọc tìm thấy công đức của tiền nhân trong mỗi trang viết.

"Lúc đầu được phân công mảng di sản, tôi bù trất vì có biết thế nào là di sản phi vật thể, di sản vật thể đâu. Nhạc lý cũng mờ căm. Vậy nhưng mình làm bằng cái tâm, vừa làm vừa học, rồi đâu cũng vào đó"- ông Lư Hội nói. Vậy rồi trong một quán nhỏ ven bờ Hàm Luông, ông trỗi lên tiếng đờn cò nghe não nuột, thiết tha điệu Lý Ba Tri. Ngón đờn này ông học cách đây hơn một năm, để tiện cho việc diễn xướng hát Sắc bùa. Hàng trăm câu hò điệu lý ở Bến Tre đã được ông Lư Hội ghi chép, giới thiệu, kỹ càng đến mức: chỗ nào cái kể, con xô, chỗ nào nói nhạo, chỗ nào mái đoản, mái trường… Những điệu hò "Ớ hơ", "Hòa hơ"… phổ biến ở Bến Tre hiện nay chính do ông sưu tầm và định danh. Ai biết cũng thật bất ngờ, khi công trình đó lại của người chưa một ngày học nhạc. Vậy mà người đọc vẫn hò hát được trên những trang sách của ông. Có lẽ những lời ru điệu hát thuở ấu thơ đã nuôi nấng tâm hồn và cho ông một sự đồng điệu với di sản mà ông gọi là tiếng quê hương.

Ông vẫn hay trầm trồ với mọi người rằng, có đi vào đời sống dân gian mới thấy người đồng bằng mình sống nhân nghĩa mà điệu nghệ vô cùng. Những công trình của ông như: Tang lễ của người già ở Bến Tre, Các làn điệu dân ca Bến Tre, Hát Sắc bùa Phú Lễ… đều là kết quả của những tháng ngày dầm cơn mưa đầu mùa, đội ngày nắng cháy tháng hạn và phơi mình trên những cánh đồng Bến Tre cùng người dân quê. Bởi, chỉ ở đó, ông Lư Hội mới tìm được "kho báu". Đi mãi thành thân, dệt tình thương cho bà con xứ sở. Ông Lư Hội đi tới đâu, tiếng hát tiếng hò lại vang lên những khúc ân tình. Ông kể, có cụ Lê Hắc Hổ ở Mỏ Cày Nam, tuổi đã gần trăm nhưng hò rất hay. Thỉnh thoảng khi nhớ lại điệu hò nào đó, cụ bắt xe ôm lên tận thành phố Bến Tre: "Tìm chú Hội để hò cho chú ghi lại". Thương là thương cái nghĩa, quý là quý cái tình, bà con biết rằng ông Hội sưu tầm chẳng phải cho riêng mình mà là gìn giữ cho muôn đời sau.

Còn nhớ cách đây 2 năm, đội Hát sắc bùa của ông Lư Hội phục vụ "Sắc xuân miệt vườn" ở Cần Thơ. Nhiều khách đứng xem vì sự lạ lẫm, rồi tần ngần trước những điệu nhạc dân dã mà tôn quý. Cần Thơ là điểm đến đầu tiên của ông Lư Hội trên hành trình quảng bá di sản. Mấy năm trước, ông cũng mang đến Lễ hội Bánh dân gian Nam bộ câu chuyện về bánh tráng Mỹ Lồng- bánh phồng Sơn Đốc nức tiếng Bến Tre. "Tôi luôn có một ân tình dành cho Cần Thơ", ông nói vậy, rồi lần giở mớ hình ảnh lưu niệm với các văn nghệ sĩ Tây Đô, như một lời nhắc nhớ.

* * *

Bao nhiêu năm vẫn vậy, vẫn với độ bồ bà ba, chiếc khăn rằn bình dị, mái tóc có bạc dần, nhưng tiếng hát, điệu hò của ông Lư Hội vẫn đậm đà Nam bộ. Vẫn cách nói dân dã, không hoa mỹ, câu nệ, người đàn ông tuổi ngoài 60 tiếp tục lặng thầm đi tìm cái hay, cái đẹp của văn hóa dân gian.

"Ngũ phúc lâm môn. Năm mới giàu sang. Gia quan tấn lộc". Ông tiễn tôi bằng điệu hát Sắc bùa đồng vọng cùng tiếng đờn cò. Rời Bến Tre, tôi nghe tiếng rít rao những tàu dừa mùa gió chướng và nghe đâu đó, tiếng lòng của người lặng thầm gìn giữ tiếng quê hương.

VĨNH LỘC


Nguồn tin: tcgd theo BCT