Ma cải lương hầu hết là ma nữ

Ma cải lương hầu hết là ma nữ



Khán giả cải lương thời giữa thập niên 1960 đã thưởng thức rất nhiều tuồng ma, do bởi năm đó hầu như soạn giả cải lương nào khi viết tuồng cũng đều hướng về con ma nào đó do mình tưởng tượng, hoặc cốp từ trong những truyện kinh dị có sẵn, rồi thêm bớt, chấp vá để cho ra đời những vở tuồng mà người xem hồi hộp càng nhiều càng tốt.


 

Hình đào Kiều Hoa đăng trên báo năm 1969, tức sau vài năm nổi tiếng nhờ vai trò ma nữ trong tuồng “Nàng Ma Trên Sông Dương Tử.” (Hình: Bộ sưu tập của Ngành Mai)

Vì có như thế thì mới đạt đúng yêu cầu của bầu gánh hát, ông bà bầu nào cũng muốn đoàn mình có tuồng ma thật rùng rợn, theo thị hiếu của khán giả thì mới mong hốt bạc. Bởi vậy cho nên ngay cả soạn giả Hoa Phượng từng nổi tiếng với những tuồng xã hội cũng chạy theo thời thế, viết tuồng ma đưa lên sân khấu vở hát “Tình Tục Duyên Ma,” và cũng khá ăn khách.

Thời điểm 1965-1966 là thời kỳ tuồng ma ào ạt ra đời, vô rạp hát nào cũng thấy ma, không riêng gì ở Sài Gòn mà ở tỉnh lẻ cũng thế, kể cả những gánh hát nhỏ, hát đình hát chợ cũng tự viết tuồng ma, bởi cho rằng tuồng ma dễ kiếm ăn hơn loại tuồng khác. Cũng năm 1965 này không hiểu sao nữ nghệ sĩ Thanh Nga lại cao hứng làm soạn giả viết tuồng với tên “Ngôi Nhà Ma.” Tuồng ăn khách, khán giả đi coi đông nghẹt rạp, do bởi hiếu kỳ muốn biết Thanh Nga viết tuồng như thế nào. Về phần bà Bầu Thơ thì vui mừng ra mặt và trả tiền bản quyền cho “soạn giả Thanh Nga” như bao nhiêu thầy tuồng khác.

Thời đó các soạn giả đã biến các cô đào cải lương thành những nàng ma trên sân khấu, và các cô cũng vui vẻ chấp nhận, vì nếu chê thì coi như mất vai trò. Người ta hỏi tại sao soạn giả cho các cô đào thành ma, mà không cho các anh kép vai trò tương tự? Không lẽ ma cải lương chỉ có ma nữ mà thôi sao? Riêng tôi, người viết bài này, từng coi hát trên cả chục tuồng ma, thế mà chưa thấy con ma đàn ông con trai nào, chỉ thấy toàn ma con gái, ma đàn bà mà thôi. Tại sao loại tuồng này đã không cân bằng âm dương như vậy chứ?

Thời đó có người hỏi một soạn giả rằng tại sao không viết tuồng cho mấy ông mấy cậu làm ma, mà toàn là mấy bà mấy cô làm ma không vậy. Ông soạn giả trả lời nếu viết tuồng cho phái nam làm ma thì có “con ma” nó coi, chớ khán giả nào mua vé vào coi, có bầu gánh nào chịu mua tuồng của mình. Không lẽ viết xong đem đi kiểm duyệt, rồi nhìn nó mà rơi nước mắt, lấy cái gì ăn để mà viết nữa.

Thì ra do đó mà các soạn giả đã không hẹn mà gặp nhau, chỉ cho ma nữ lên sân khấu thì mới ăn tiền. Ðây là thời kỳ mà tuồng ma oai trùm hơn bất cứ loại tuồng nào, tuồng ma ăn khách lấn áp tất cả mọi loại tuồng khác.

Cũng có vài cô đào chưa nổi tiếng, có dịp nhận vai trò ma thích hợp với khả năng diễn xuất của mình, để rồi lên như diều gặp gió. Ðó là trường hợp đào Kiều Hoa của đoàn Sao Ngàn Phương, bởi sau ngày đóng vai hoàng hậu ma trong vở hát “Nàng Ma Trên Sông Dương Tử,” của soạn giả Hoài Nhân, thì Kiều Hoa nổi tiếng luôn.

Không phải ở thời điểm 1965 ấy cải lương mới có tuồng ma, mà trước đó khoảng 30 năm, thời thập niên 1930 cải lương cũng có tuồng ma, đó là tuồng “Phạm Công Cúc Hoa,” và cũng là ma nữ. Trong tuồng có cảnh bà Cúc Hoa chết rồi, lại hiện về chăm sóc hai con bên phần mộ của mình. Tuồng này cũng được hãng dĩa hát thu thanh phát hành cùng khắp, nên trong nhân gian mọi người đều biết qua cốt truyện.

Nghe mấy ông bà già xưa kể lại rằng, thời ấy cả làng chỉ có một, hai cái máy hát dĩa, nên tối đến là bà con già trẻ bé lớn tập trung lại nhà có máy hát. Lúc tuồng “Phạm Công Cúc Hoa” hát tới đoạn sáo thổi một lúc, rồi bà Cúc Hoa hiện hồn về thì đám trẻ nít chùm nhum lại với nhau vì sợ ma.

Thế nhưng, thuở ấy người ta không gọi “Phạm Công Cúc Hoa” là tuồng ma, mà là tuồng truyện cổ tích dân gian. Tuồng này mang ý nghĩa đề cao tình mẫu tử, nghĩa vợ chồng (cảnh Phạm Công ra trận mà vai mang hài cốt vợ). Nhưng mục tiêu chính là đưa lên một hoàn cảnh xã hội “mẹ ghẻ con chồng,” với nhân vật Tào Thị gây ấn tượng mạnh mẽ trong tiềm thức khán giả.

Tác giả bài viết: tancogiaoduyen

Nguồn tin: Ngành Mai - NV