Nghệ sĩ cải lương: Vất vả tìm đất diễn

Nghệ sĩ cải lương: Vất vả tìm đất diễn

Nghệ thuật cải lương đã qua “thời thịnh” nhưng những nghệ sĩ yêu môn nghệ thuật truyền thống này vẫn một lòng theo đuổi đam mê. Trải qua nhiều thăng trầm, cuối cùng các nghệ sĩ trong câu lạc bộ (CLB) Cải lương tỉnh đã tìm được đất diễn ngay trên chính quê hương Bà Rịa– Vũng Tàu.
8 giờ tối cuối tuần, chương trình biểu diễn cải lương của CLB Cải lương tỉnh mới bắt đầu nhưng 20 thành viên trong CLB đã có mặt rất sớm để tập dợt lại tiết mục, hoá trang và chuẩn bị đạo cụ. Sau 6 bài vọng cổ là trích đoạn cải lương “Lan và Điệp”. Không gian rộng rãi của sân khấu ngoài trời trở nên ấm cúng lạ lùng khi dưới hàng ghế khán giả có rất nhiều ánh mắt dõi theo các nghệ sĩ trên sân khấu. Vẫn còn đó những tiếng nức nở nghẹn ngào khi nghệ sĩ trẻ Huỳnh Trần Hương Giang cất lên những câu cải lương thể hiện nỗi đau xé lòng của nhân vật Lan trong trích đoạn... 22 giờ, vở diễn kể thúc, các nghệ sĩ cải lương lặng lẽ lùi về sau ánh đèn sân khấu, tự tẩy trang và thay phục trang để trở về nhà. Nhưng ai cũng vui vì họ đã “cháy” hết mình trên sân khấu để lấy được những tràng pháo tay và cả những giọt nước mắt của khán giả.

Thành lập từ năm 1996 nhưng duy trì được 6 năm thì CLB Cải lương tỉnh phải tạm ngưng hoạt động bởi đã có không ít nghệ sĩ nản lòng... ra đi. Các nghệ sĩ còn lại biểu diễn lẻ tẻ theo Đội Thông tin lưu động của tỉnh. Sau đó không lâu, những người nghệ sĩ có chung niềm đam mê nghệ thuật cải lương lại tìm đến nhau và tiếp tục “giữ lửa” cho CLB đến ngày hôm nay. Hầu hết các nghệ sĩ trong CLB đều được đào tạo qua trường lớp, như anh Nguyễn Phi Hải, có đến gần 30 năm theo nghề hát cải lương, anh tốt nghiệp trường Nghệ thuật sân khấu 2 (trường Nghệ thuật Sân khấu điện ảnh hiện nay) anh vừa diễn viên, vừa là đạo diễn cho các trích đoạn của CLB. Có thể kể đến một số trích đoạn để lại dấu ấn của anh và của CLB Cải lương tỉnh như: Người đẹp trong tranh, Tình hận thâm cung, Tô Ánh Nguyệt, Tuyệt tình ca… “Dù nghệ thuật cải lương có lúc thịnh lúc suy, khán giả trẻ không nhiều người còn mặn mà nữa nhưng chúng tôi vẫn tin rằng có nhiều người vẫn yêu quý bộ môn nghệ thuật này”, anh Hải chia sẻ.

Đúng vậy, vẫn còn rất nhiều người yêu cải lương, không chỉ có lớp già mà còn có giới trẻ trí thức. Nghe và hát nhạc trẻ, nhạc nước ngoài nhưng cuối cùng nhiều người vẫn trở về với câu vọng cổ ngọt ngào. Sức mạnh của bộ môn nghệ thuật này là vậy, nhưng diễn cải lương không mang lại thu nhập để nuôi sống bản thân và gia đình cho các nghệ sĩ. Muốn giữ được bộ môn nghệ thuật này, chính những người nghệ sĩ phải tự kiếm kế mưu sinh, người làm nghề buôn bán, người là tài xế xe, người là công nhân viên chức của một đơn vị…

Chị Trần Ngọc Hương cũng bén duyên với nghệ thuật cải lương từ hàng chục năm nay. Khi thì chị vào vai một bà già, một lão hề, một kép độc, có khi lại thành một đào lẳng... vai diễn nào đối với chị cũng xuất phát từ đam mê và tình yêu nghệ thuật. Để “nuôi” được niềm đam mê của mình, hàng ngày chị phải lo chu toàn công việc gia đình để mỗi tối, chị thảnh thơi đến tập luyện cùng với các thành viên trong CLB. “Có những hôm diễn tận Xuyên Mộc, Châu Đức, Long Hải… người dân ở đây đến xem đông lắm nên diễn hăng quá đến11-12 giờ đêm mới về đến nhà”, chị Hương kể. Không chỉ có chị, cô con gái 18 tuổi Huỳnh Trần Hương Giang cũng “nối nghiệp” cải lương của mẹ đã 2 năm nay. Hương Giang chia sẻ, trong khi nhạc trẻ đang lên ngôi, nhạc sôi động đang thịnh hành, cũng là lúc nghệ thuật cải lương trầm lắng lại, chính vì thế sự nỗ lực hết mình của các nghệ sĩ cải lương trẻ tuổi sẽ là một ngọn lửa giúp nghệ thuật cải lương có thể sống mãi với thời gian.

Image
Nghệ sĩ cải lương tự hóa trang trước khi lên sân khấu

Trong CLB còn nhiều nghệ sĩ có thể hát ca cổ. Nghệ sĩ Như Hoa, người từng được biết đến nhiều qua các tác phẩm như: Dòng sông quê em, Nhớ cha mùa phượng đỏ, Hoa phượng đợi chờ… cũng thể hiện tình yêu nghề bằng hàng chục năm dài mang giọng hát của mình đi trình diễn khắp nơi. Thấy chị hóa trang phía sau sân khấu, chị bảo: “Vào nghề này ai cũng phải biết hoá trang và sử dụng trang phục sao cho phù hợp với nội dung của bài ca vọng cổ hoặc trích đoạn cải lương. Mọi người cố gắng tận dụng những gì mình có, chứ không dùng gì lãng phí, đặng dành tiền thưởng từ các buổi biểu diễn để đóng góp vào hoạt động cho CLB”.

Và rồi những nỗ lực của các nghệ sĩ cũng được đền đáp, đất diễn cho môn nghệ thuật cải lương ngày càng được mở rộng hơn. Mỗi năm họ có hàng chục xuất diễn phục vụ tại TP. Vũng Tàu và nhiều đơn vị huyện, thị trong tỉnh. Các điểm du lịch, các sự kiện cũng mời các nghệ sĩ cải lương đến biểu diễn. Lấy công làm lời, lấy nghệ thuật nuôi nghệ thuật, họ đã bắt đầu đầu tư thêm được âm thanh, micro và các loại trang phục, phụ đạo cần thiết để phục vụ cho các buổi biểu diễn của mình. Anh Nguyễn Phi Hải vui vẻ nói: “Giá trị của cải lương vẫn còn nguyên vẹn như thuở nào, nó vẫn được công chúng đón nhận nên chúng tôi phải luôn làm mới mình”.

Bài, ảnh: Như Mây

Tác giả bài viết: tuyetmai

Nguồn tin: BRV