Những Chuyện Tình Trên Đường Lưu Diễn

Những Chuyện Tình Trên Đường Lưu Diễn


Cách nay hơn sáu mươi năm của thế kỷ trước, tôi không nhớ là người Việt Nam có tổ chức “ ngày lễ tình nhân “ chưa nhưng thời đó có nhiều khán giả sang trọng đã biết tặng hoa hồng cho nữ nghệ sĩ để tỏ tình hay để bày tỏ lòng ngưởng mộ giọng ca lối hát của nghệ sĩ.

Tuy nhiên cách tặng hoa cho nghệ sĩ để tỏ tình của những chàng si hồi đó khác với cách tặng hoa  trong “ ngày lễ tình nhân “. Ngày nay, trong ngày lễ tình nhân, chàng trai tặng hoa cho người mình yêu chỉ là tặng một đóa hoa hồng và chỉ tặng trong một ngày lễ mà thôi( ngày 14 tháng 2 dương lịch ). Hoặc có người tặng một bó hoa 12 đóa hồng hay bó hoa 24 bó hồng để chứng tỏ là anh chàng rất là yêu cô nàng.

Hồi xưa( năm 1924 ) cô Năm Phỉ là diễn viên số một, chuyên diễn những vai bi thương nên được khán giả ái mộ và các vương tôn công tử đua nhau săn đón, tặng hoa, tặng nữ trang nhiều nhất. Cô được tặng danh hiệu đệ nhất mỹ nhân của sân khấu, có khách si tình tặng cô Năm Phỉ bài thơ:

 

          Mỉm miệng cười duyên đóa hải đường

         Xui lòng thi khách biết bao thương,

         Dịu dàng má đỏ đào ghen thắm,

         Yễu điệu mình mai liễu kém nhường.

         Ngọc tốt Lam - điền ai ngại giá,

         Hoa tươi Thượng Uyển nực mùi hương,

         Cất xong Đồng Tước chờ tiên nữ,

         Nhắn với ai kia chớ gọi thường.

Cô Năm Phỉ cùng với nghệ sĩ Bảy Nhiêu hát hay đến đổi ông Toàn Quyền Đông Dương chọn hai nghệ sĩ này gởi đi biểu diễn tuồng Xử Án Bàng Quí Phi tại Hội Chợ Đấu Xảo ở Paris năm 1931. Vở tuồng được cô Năm Phỉ và anh Bảy Nhiêu diễn liên tục cả tháng trường. Khán giả Pháp dù không biết nghe tiếng Việt, không hiểu các câu ca vọng cổ hay những lời đối thoại trong tuồng nhưng thông qua lối hát, điệu bộ, họ hiểu cốt chuyện và ngợi khen nghệ thuật diễn xuất của cặp diễn viên này. Chánh phủ Pháp tặng thưởng huy chương ( Chương Mỹ Bội tinh ) và một bằng khen tuyên dương cô Năm Phỉ là Nữ nghệ sĩ xuất sắc nhất trong hội đấu xảo các thuộc địa của nước Pháp năm 1931.

Theo cố nghệ sĩ Năm Châu kể lại, cô Năm Phỉ chẳng những nổi danh ở Saigon, các tỉnh miền Nam mà cô Năm Phỉ còn nổi danh ở Hà Nội, Hải Phòng, các tỉnh thành lớn ở miền Bắc, miền Trung, ở Lào và Cao Miên. Chẳng những cô Năm Phỉ diễn xuất sắc tuồng Xử Án Bàng Quí Phi mà cô Năm Phỉ còn ca diễn tuyệt vời trong các tuồng Phụ Phàng ( hát chung với Bảy Nam, Ba Vân, Năm Châu), tuồng Sĩ Vân Công Chúa( hát chung với Phùng Há, Bảy Nhiêu), tuồng Tơ Vương Đến Thác( La dame aux camélias ) hát chung với nghệ sĩ Bảy Nhiêu trong gánh hát Phước Cương của chồng cô là ông Nguyển ngọc Cương Kỷ niệm không thể nào quên của cô Năm Phỉ là sau khi kép Hai Giỏi, chồng của cô và là người bạn  diễn hay nhất của cô mất ( 1920 ), cô chán nản định bỏ nghệ. Một năm sau khi ông bầu Cu lập lại gánh Tái Đồng Ban, cô Năm Phỉ được mời cộng tác. Cô ca diễn ngày một hay hơn và thêm yêu nghề hát khi có một khán giả sang trọng, đêm nào cũng đến xem cô hát và đêm nào cũng mang một bó hoa hồng thập đẹp vào hậu trường tặng cho cô.

Trước đó, khán giả ái mộ nghệ sĩ hoặc khen nghệ sĩ hát hay, họ thường kẹp tiền trong cây quạt giấy, liệng lên sân khấu tặng cho nghệ sĩ mà họ ái mộ. Việc tặng hoa cho nghệ sĩ chỉ là hành động của khán giả trí thức, có Tây học và phải là người giàu sang mới có hành động phong lưu tao nhã như vậy. Vị khán giả phong lưu trí thức đó là ông Nguyển ngọcCương, người từng du học ở Pháp Quốc, từng xem nhiều nghệ sĩ Pháp và quốc tế biểu diễn nên sau khi xem cô Năm Phỉ hát, ông đánh giá nữ nghệ sĩ Năm Phỉ là người có tài năng thuộc hàng nghệ sĩ quốc tế thượng thặng.

Sau một thời gian dài tặng hoa và tiếp xúc làm quen với nghệ sĩ, Nguyển ngọc Cương đã thành hôn với cô Năm Phỉ, lập nên gánh hát Phước Cương, đoàn hát có quy mô đại ban, xây nên nền móng của nghệ thuật hát cải lương trong thời sơ khởi của ngành nghệ thuật này.

Mỗi suất hát ở bất cứ rạp nào, cô Năm Phỉ cũng được khách mộ điệu tặng nhiều bó hoa. Vản hát, cô Năm Phỉ phải mướn một xe xích lô đạp chở các bó hoa của khách tặng về nơi cô cư ngụ.

Nhưng sau khi em gái cô chung sống với chồng của cô, cô giao gánh hát lại cho người em đó quản lý, cô tách ra, tự lập đoàn hát Nam Phi. Vài năm sau, đoàn hát Nam Phi mất dần khán giả đến độ phải rã gánh, cô lui về sống hẩm hiu một mình nơi căn phố nhỏ ở đường Ngô Tùng Châu quận nhứt Saigon.

Một hôm gặp nghệ sĩ Năm Châu, cô Năm Phỉ hàn huyên tâm sự và than là hiện tại cô rất nghèo, không còn một đồng xu dính túi. Nghệ sĩ Năm Châu biếu cho cô năm trăm đồng bạc và tin rằng cô Năm Phỉ có thể sống tạm với số tiền 500 đó ít nhất cả tháng.

Năm 1950, năm trăm đồng bạc Đông Dương ( giấy xanh ) là một số tiền rất lớn. Cô Năm Phỉ được 500 đồng, cô liền đi đến các kiosque bán hoa ở đường Charner ( ngày nay là đường Nguyễn Huệ ),đặt mua 500 đồng hoa hồng và yêu cầu các cửa hàng bán hoa đó phải chở những chậu hoa hồng đến nhà cô nội trong buổi chiều đó.

Tiếng đồn cách chơi ngông tung tiền qua cửa sổ của cô Năm Phỉ đến tai nghệ sĩ Năm Châu, ông bèn đi xe xích lô đến nhà cô Năm Phỉ để xem thiệt hay chỉ là tiếng đồn. Khi ông Năm Châu gỏ cửa, ông nghe tiếng cô Năm nói vọng ra:” Cửa không khóa, ai đó, xô cửa… mời vô!”

Bước vô nhà, ông Năm Châu thấy cô Năm Phỉ son phấn thật đẹp, mặc bộ áo đầm bằng voile trắng, y phục của nhân vật Trà Hoa Nữ trong tuồng Tơ Vương Đến Thác. Cô nằm trên giường drap nệm cũng một màu trắng tinh khiết. Chung quanh giường và khắp trong phòng, cô để đầy ấp những chậu hoa hồng mà cô đặt mua từ sớm. Mùi thơm hoa hồng sực mủi, màu đỏ của hoa hồng  vây quanh chiếc giường trắng toát khiến cho ông Năm Châu cảm thấy ghê rợn như có gì báo hiệu một điềm bất tường. Ông hỏi : “ Tại sao cô mua nhiều hoa hồng như vậy ?”

-  Hồi đó, mỗi suất hát tôi đều được tặng hoa hồng. Bây giờ không còn ai tặng hoa cho tôi, nên tôi mua hoa để tự tặng cho mình. Anh thấy sao ?

-  Tôi thấy cô muốn tự vận nên mới mua nhiều hoa hồng để trong phòng ngủ, chỉ cần đóng kín cửa sổ, mùi hoa hồng nồng nặc như vậy cũng đủ làm cho cô chết ngạt rồi. Tội gì mà đi tìm cái chết như vậy chớ?

Mỹ nhân tự cổ như danh tướng, Bất hứa nhân gian kiến bạch đầu. Hai câu thơ này anh viết trong tuồng Chuyện tình An Lộc Sơn để nói lên tâm sự của Dương Quí Phi, anh quên rồi sao?

-  Quên sao được ! Nhưng chuyện đời thường và chuyện sân khấu tuy có chổ giống nhau nhưng thực chất thì rất khác nhau. Dương Quí Phi là mỹ nhân cỗ thì sự suy nghĩ và hành động của Dương Quí Phi là theo cái kiểu cách của thời xưa. Còn cô là mỹ nhân tân thời, cô phải sống và suy nghĩ theo kiểu của người tân thờ chứ.

-  Ôi, tân hay cỗ gì khi người ta  đến con đường cùn rồi thì cũng phải kiếm cách nào đó để thoát khỏi cuộc sống bế tắc. Tôi nghĩ là cách của tôi chọn thật là êm và rất đẹp. Chỉ cần ngủ một giấc trên giường nệm sực nức mùi thơm hoa hồng, sáng ra thì mọi việc đã xong xuôi. 500 đồng anh tặng cho tôi, tôi  xem như anh mua tràng hoa tiển tôi lần cuối…

-  Bậy ! Bậy hết sức ! Cô làm vậy, bạn bè sẽ nói là Năm Châu giết chết Năm Phỉ đó… Nếu cô muốn chết kiểu đó thì cho tôi lên nằm chung một giường, đóng kín cửa để hai đứa mình cùng chết chung. Tôi từng đóng vai An Lộc Sơn, cô, vai Dương Quí Phi, Dương Quí Phi chết ở Mã Ngôi sẽ có An Lộc Sơn cùng chết. Vậy được hông? Tôi đóng kín cửa để cùng chết ngộp với cô nghen!…

Trời ơi, giờ phút này mà anh còn nói giởn được sao anh Năm?

-  Cô muốn chết thì nên chết ngay trên sân khấu, lúc đang diễn xuất thần, chớ đừng có tìm cách trốn chạy kiểu này. Tôi sẽ

.

kêu anh em dàn cảnh của đoàn Năm Châu đang hát ở rạp Nguyễn Văn Hảo, họ  tới đây đem hết những chậu hoa hồng này để trước rạp hát. Tôi cam đoan là tối mai đoàn Năm Châu sẽ nghẹt khán giả. Ai đến mua vé coi hát sẽ được tặng một đóa hồng. Tôi dặn người bán vé nói là hoa của nữ nghệ sĩ Năm Phỉ tặng. Còn đêm nay, cô về nhà tôi, cô sẽ ngủ và bầu bạn với vợ tôi. Ngày mai tôi sẽ bàn với cô chuyện hát xướng. Cô muốn cộng tác với đoàn Năm Châu thì tôi sẽ mở rộng hai tay ra mà đón mời. Nếu cô muốn lập lại gánh hát Nam Phi thì tôi sẽ kiếm cho cô một người giúp vốn. Là nghệ sĩ, thắng hay bại là trên con đường nghệ thuật, chớ không phải thân bại danh liệt vì tình.

Cô Năm Phỉ ngồi dậy, gụt đầu suy nghĩ. Ông Năm Châu mở rộng cửa cho mùi thơm hoa hồng tỏa bớt ra ngoài. Sau khi suy cùn nghĩ cạn, cô Năm Phỉ nói: “ Anh Năm ngồi đây chờ, tôi vô phòng trong thay y phục rồi đi theo anh về nhà anh ngay…Ở lại đây lâu, tôi sợ không thoát khỏi những ý nghĩ hắc ám trong đầu”.

Cô nói xong, bước vô phòng trong thay bỏ bộ y phục của Trà Hoa Nữ, mặc lại chiếc áo bà ba trắng, quần lãnh đen, xong bước đến một chậu hoa, cô ngắt một đóa hoa, đưa cho anh Năm Châu:” Đây, tôi tặng cho anh một đóa hoa, đáng giá 500 đồng của anh đó. Anh nhận chứ?”

- Rất vui lòng, đóa hoa này là đoá hoa quý vô giá, nó biểu hiện tình bạn của chúng ta, nó chứng tỏ sân khầu là thánh đường của các nghệ sĩ chân chính. Đừng nói là mất năm trăm đồng, mất năm triệu đồng hay nhiều hơn nữa mà được đoá hoa tràn niềm tin nghệ thuật này cũng là xứng đáng lắm…

Ông Năm Châu nắm tay cô Năm Phỉ, kéo đi ngay ra khỏi căn phòng hắc ám đó.

Cô Năm Phỉ được người tài trợ, lập gánh hát Nam Phi để có sân khấu biểu diễn và dạy nghề hát cho những cô con gái nuôi của cô.

Kỳ nữ Kim Cương, con của cô Bảy Nam, người em đã một lần làn tan nát đời Năm Phỉ nhưng Năm Phỉ vẫn nhận Kim Cương để nuôi dạy nghề hát. Cô Túy Hoa( danh tài kịch nói, vợ của kịch sĩ Anh Lân), cô Kim Hoàng, Như Mai, Ngọc An, Thúy Nga là những cô con nuôi và đệ tử của nữ nghệ sĩ Năm Phỉ.

Năm 1952, khi đang hát cô Năm Phỉ ngất xỉu trên sân khấu đoàn hát Nam Phi tại rạp Nam Quang( góc đường Lê Văn Duyệt và Trần Qúy Cáp). Cô được đưa đến bệnh viện Đồn Đất. Nơi đây bác sĩ báo là cô đã bị đứt mạch máu nảo, chết ngay trên sân khấu nên bác sĩ không còn cách nào để cấp cứu được.

Tin tức đệ nhất mỹ nhân sân khấu mất đột ngột trên sân khấu được tất cả các tờ nhật báo ở Saigon loan tin nơi trang nhất, có đăng bức ảnh đẹp nhất của cô Năm Phỉ.

Trong ngày lễ an táng nữ tài danh Năm Phỉ, có hai sự kiện xảy ra được giới nghệ sĩ cải lương và báo chí thời đó bàn tán mãi, xem như những giai thoại tuyệt đẹp trong tình cảm giữa nghệ sĩ với nghệ sĩ.

Việc thứ nhứt là chuyện xảy ra chung quanh đóa hoa hồng phơi khô của nghệ sĩ Năm Châu đặt trên đầu quan tài của nữ nghệ sĩ Năm Phỉ.

Đó là đóa hoa hồng mà cô Năm Phỉ đã ngắt từ chậu hoa hồng trong phòng của cô trong ngày mà cô định tự vận bằng cách tự làm chết ngạt với những chậu hoa hồng trong căn phòng khép kín. Lúc đưa cô Năm Phỉ về nhà để cho Kim Cúc, vợ ông an ủi và khuyến khích cô Năm Phỉ, ông Năm Châu nói là ông sẽ giữ mãi đoá hoa của cô Năm Phỉ tặng để làm chứng tích ghi nhớ việc cô hứa sẽ không tìm một cái chết vô lý mà cô sẽ sống chết với nghệ thuật hát cải lương.

Bà Kim Cúc đã đem phơi khô đóa hoa đó, mua một cái hộp gổ thật đẹp để đóa hoa khô vào giữ làm kỷ niệm và là vật chứng như chồng của bà, ông Năm Châu đã mong muốn.

Khi đến phúng viếng cô Năm Phỉ, thay vì cúng những tràng hoa với lời ghi Vô Cùng Thương Tiếc như các nghệ sĩ khác, vợ chồng ông Năm Châu trân trọng mang đóa hoa khô, kỷ vật của cô Năm Phỉ tặng cho ông để làm vật phúng viếng người quá cố.

Đoá hoa khô kỷ vật quý báo đó được để trên nấp quan tài của cô Năm Phỉ. Nhiều ký giả chụp ảnh ông Năm Châu và đóa hoa khô trên nấp quan tài của cô Năm Phỉ và viết nhiều bài báo ngợi ca tình nghệ sĩ. Ông Trần Tấn Quốc, nhà báo lão thành và cũng là người chủ trương phát giải thưởng Thanh Tâm , ngay trong lúc sắp động quan, ông đã để năm trăm đồng, dằng trên ly rượu cạnh hoa hồng, yêu cầu các ông đạo tỳ khi khiên quan tài cô Năm đi mai táng, không được làm rơi đóa hoa hồng kỷ vật đó. Ông Năm Châu sẽ đến trước huyệt mộ, đặt đóa hoa khô đó trên nấp hòm trước khi đạo tỳ lấp đất.

Lại một chuyện tình nghĩa nghệ sĩ đáng ghi nhớ trong dịp lễ tang nữ tài danh Năm Phỉ .

Nhạc sĩ Chín Trích( thân phụ của nữ nghệ sĩ “ nữ hoàng lồng tiếng” Tú Trinh), ông Chín Trích chuyên đờn cò cho cô Năm Phỉ ca trong đoàn hát hay khi thu dĩa. Giống như cô Phùng Há khi ca thì phải có nhạc sĩ Sáu Tửng đờn kìm, nữ nghệ sĩ Năm Phỉ khi ca hát thì phải có nhạc sĩ Chín Trích đàn cò đàn cho cô ca. Nếu người nhạc sĩ khác đờn mà không có nhạc sĩ Chín Trích đờn thì cô Năm Phỉ mất hứng, không ca hát được. Dường như ca sĩ và nhạc sĩ có điểm tương đồng nào đó nên cô Năm Phỉ ca thì phải do Chín Trích đờn thì giọng ca sẽ hay hơn, truyền cảm hơn mà chính nhạc sĩ Chín Trích kéo đờn cò cũng hào hứng hơn.

Ngày cô Năm Phỉ mất, suốt trong mấy ngày tang lễ, người đến viếng tang cô Năm Phỉ, nghe nhạc sĩ Chín Trích đàn ròng rã mấy ngày liền kế bên quan tài của cô Năm Phỉ. Ông vừa đờn vừa khóc. Khi người nhà của cô Năm Phỉ mời ông nghĩ đờn để dùng bữa, ông lắc đầu, im lặng đàn rĩ rã hoài vì ông nói chỉ còn mấy ngày để tôi đờn cho cổ nghe.

Đến lúc động quan, trước khi đạo tỳ đến làm lễ để di quan, nhạc sĩ Chín Trích đến lạy lần chót, ông khóc lớn: “ Cô Năm đã mất rồi, từ nay Chín Trích sẽ không còn đờn cho ai ca nữa. Giống như Bá Nha Tử Kỳ, tri kỷ tri âm kẻ dương gian người âm cảnh, thôi đành vĩnh biệt cung đàn với giọng ca.” Ông nói xong ông đập gảy cây đờn trước quan tài người quá cố.

Việc xảy quá đột ngột và trong hoàn cảnh bi thương của kẻ còn đang khóc thương người mất, mọi người im lặng chia xẻ nổi đau của gia đình người quá cố và của nhạc sĩ Chín Trích. Khi hạ huyệt thì người nhà của cô Năm Phỉ chôn luôn cây đàn gảy của nhạc sĩ Chín Trích xuống mộ phần của cô Năm Phỉ.

Từ đó nhạc sĩ Chín Trích không đờn nữa, ông nghĩ vài ngày rồi định đổi nghề khác chớ ông quyết thôi làm nhạc sĩ.

Vợ anh đến năn nĩ các bạn nhạc sĩ của Chín Trích, nhờ khuyên giải Chín Trích, nếu bỏ nghề nhạc sĩ, anh không thể có nghề nào khác ngoại trừ việc khuân thuê vác mướn như những người cu ly ở dưới bến Cầu Ông Lãnh. Ông Sáu Tửng, Năm Cơ, Bảy Bá, Hai Thơm, những nhạc sĩ bạn của Chín Trích hứa sẻ khuyên Chín Trích.

Đến khi cúng 49 ngày của cố nghệ sĩ Năm Phỉ, các nghệ sĩ, nhạc sĩ tụ họp đông đủ, cúng vái và nhắc những kỷ niệm trong những ngày chung sống trong đoàn hát với cố nghệ sĩ Năm Phĩ, nhạc sĩ Sáu Tửng đến ngồi trước bàn thờ của cô Năm Phỉ, đờn độc tấu một câu vọng cổ với cây đàn kìm để cúng. Tiếp đó nhạc sĩ Năm Cơ độc tấu đờn đoản, nhạc sĩ Hai Thơm độc tấu đờn violon, nhạc sĩ Bảy Bá độc tấu đờn tranh. Tất cả trước khi đờn đều mời vong linh cố nghệ sĩ Năm Phỉ về thưởng thức. Sau cùng họ trịnh trọng giới thiệu người nhạc sĩ có điệu đàn họp với giọng ca của nữ nghệ sĩ Năm Phỉ là Chín Trích. Mọi người yêu cầu Chín Trích đờn. Nhưng Chín Trích đã đập gảy cây đờn và thề sẽ không đờn nữa. Anh nói:” Nếu cô Năm còn sống, cô Năm sẽ mua đàn cho thì Chín Trích sẽ đàn cho cô ca.”.

Người nhà nghe vậy, bước đến bàn thờ của cô Năm Phỉ, lấy hộp gổ đựng cây đàn cò có cẩn óc xa cừ, cây đàn cò cổ rất quý của ông Phước Georges đặt cho thợ làm để tặng cho cô Năm Phỉ khi cô Năm Phỉ và ông Bảy Nhiêu hát thành công ở Paris về. Người nhà trao cây đàn cò cho nhạc sĩ Chín Trích và nói được cô Năm hiện về trong mộng, yêu cầu đem đàn tặng cho Chín Trích.

Lần này mọi người đều nói vô, Chín Trích không thể không nhận cây đàn quý đó. Anh lạy trước bàn thờ ba lạy, xong mở hộp lấy đàn ra đàn, lối rao đờn cò cung dài của Chín Trích nghe nảo nuột, anh đờn một lớp bài Văn Thiên Tường, các nhạc sĩ tiếp theo hòa đờn để bái tạ vong linh của cố nghệ sĩ Năm Phỉ.

Nhờ chuyện hi hữu đó mà nhạc sĩ Chín Trích trở lại với nghề làm nhạc sĩ. Và người trong giới đều ngầm hiểu là các nhạc sĩ Sáu Tửng, Năm Cơ, Bảy Bá, Hai Thơm, không ai muốn mất người bạn nhạc sĩ hiền lành mà có cung đàn nảo nuột như Chín Trích nên mới thuyết phục gia đình cô Năm Phỉ tặng đàn cho Chín Trích. Âu cũng là chuyện Báu KIếm tặng Anh Hùng vậy!

Ngày lễ tình nhân ngày nay chắc cũng có nhiều chuyện tình chung thủy, cảm động nhưng mỗi khi nhắc đến những chuyện tình, tôi không quên được những chuyện tình cảm giữa nghệ sĩ và nghệ sĩ. Không phải là chuyện tình yêu trai gái nhưng nhắc lại vẫn thấy se thắt trong lòng.

Tình nghệ sĩ và nghệ sĩ cũng đậm đà, đáng nhắc lại trong ngày lễ Tình nhân, phải không các bạn?

Nguyễn Phương 2011

Tác giả bài viết: tancogiaoduyen

Nguồn tin: SG Nguyễn Phương