Ca kịch hài hước ‘Bùi Kiệm Thọ Tai Ương’

Kim Loan _Mộng Tuyền

Kim Loan _Mộng Tuyền

Khoảng giữa thập niên 1960, trên đài phát thanh Sài Gòn, chương trình cổ nhạc lúc 11 giờ trưa cho phát thanh vở kịch ngắn hài hước có tên “Bùi Kiệm Thọ Tai Ương” đã gây bất ngờ cho giới yêu thích cổ nhạc, cũng như thính giả khắp nơi
Bao bìa dĩa hát “Bùi Kiệm Thọ Tai Ương.” (Hình: Ngành Mai sưu tập)

Lúc đầu mới nghe giới thiệu, người ta tưởng đâu là trích một đoạn nào đó trong danh tác “Lục Vân Tiên” của thi hào Nguyễn Ðình Chiểu, nhưng nghe qua một lúc thì hầu như ai cũng cười.

Ðảm nhiệm các vai trò trong vở kịch là các anh hề Hoàng Mai, Xuân Phát, Phi Thoàn, Tùng Lâm và Kim Loan, nữ diễn viên duy nhất đóng vai Kiều Nguyệt Nga.

Cũng cần nói thêm vào thời điểm này, ở thôn quê hiếm thấy nhà nào có máy hát dĩa, chỉ một số ít nhà có radio, thành thử ra khi nghe đài phát thanh rồi, nếu muốn nghe trở lại chỉ có cách viết thơ gởi về đài yêu cầu, và chịu khó theo dõi chương trình cổ nhạc vào buổi trưa.

“Bùi Kiệm Thọ Tai Ương” được phát đi trên làn sóng phát thanh thì không đầy một tuần sau đài nhận nhiều thơ yêu cầu xin phát trở lại, và đài đã đáp ứng sự yêu cầu cho phát lần thứ hai.

Cái điều đáng nói ở đây là sau khi đài phát lần thứ hai thì thơ yêu cầu lại gởi đến nhiều hơn, thế là thính giả cứ cách một vài tuần thì được thưởng thức vở kịch trở lại. Có người nghe riết rồi thuộc luôn câu đối đáp và mang ra áp dụng trong sinh hoạt để cười vui.

Một nhân viên phụ trách mục thính giả yêu cầu của đài phát thanh, anh ta đến Ngã Tư Quốc Tế, phía sau rạp hát Nguyễn Văn Hảo, nói rằng thời gian mấy năm làm việc ở đài, vẫn thường đọc thơ yêu cầu cho phát bài ca cổ nhạc hoặc tuồng cải lương, nhưng chưa bao giờ đọc thơ yêu cầu của thính giả nhiều như “Bùi Kiệm Thọ Tai Ương,” mở thơ đọc cả tiếng đồng hồ mới xem xong.

Người ta đã cố tìm hiểu xem vở ca kịch hài hước “Bùi Kiệm Thọ Tai Ương” hay ở chỗ nào, hấp dẫn đến độ thơ yêu cầu gởi tới tấp về đài. Và rồi thì khá nhiều người đã đi đến kết luận:

– Tên nhân vật có từ trong danh phẩm “Lục Vân Tiên” mà người miền Nam ưa thích, ngôn từ, âm điệu Thơ Vân Tiên đã ăn sâu vào lòng người. Biết rằng khi chuyển sang kịch hài hước chỉ còn tên nhân vật, chớ tình tiết, địa danh đều đổi khác. Chẳng hạn như trong danh phẩm “Lục Vân Tiên” làm gì có Trịnh Hâm đi taxi đến cầu Chữ Y; Kiều Nguyệt Nga bán bún bò ở sông Chợ Ðệm. Danh phẩm đâu có từ ngữ Mobylette, Vespa, hoa hậu, brocanteur (tiệm cầm đồ)…

– Trong vở kịch lại có hát Nam hát Khách của hát bội, thính giả môn nghệ thuật này có rất nhiều ở miền Tây, Lục Tỉnh, họ rất thích thú khi nghe đờn nhạc hát bội trỗi lên. Và đặc biệt là có lớp thầy pháp đọc thiệu chữa bệnh cho Bùi Kiệm, nghe qua giống như mấy buổi đi coi thầy pháp trị bệnh tà ở miền quê nông thôn. Tuy rằng lối trị bệnh phản khoa học, các thế hệ sau này đã tẩy chay, nhưng nghe lối đọc thần chú có bài có bản cũng khá hay, lôi cuốn người ta nghe. Chưa bao giờ thấy “Pháp Sư” lên sân khấu, giờ đây xuất hiện trong dĩa hát thì họ viết thơ yêu cầu đài phát thanh để được nghe thôi.

Tác giả biên soạn vở hài kịch “Bùi Kiệm Thọ Tai Ương” là thường dân, nhưng lại lấy biệt hiệu Vĩnh Thụy, là tên tộc của cựu hoàng Bảo Ðại. Ông đã hợp soạn với danh hề Phi Thoàn, để lại cho đời một vở kịch rất hay, thích đáng.

Ngành Mai

Ðào cải lương Kim Loan đổi tên Mộng Tuyền

 

Ðào cải lương Mộng Tuyền trước kia có tên là Kim Loan, là cô gái vùng Cần Thơ với trái ngọt cây lành, đã tô điểm cho vườn kịch nghệ xứ sở của cô một nét rạng rỡ. Vốn có sẵn một nhan sắc mê đắm người từ thuở 13 khi “lưu lạc” ở các đoàn hát nhỏ. Kim Loan về đoàn Thanh Minh Thanh Nga năm 1962, được đoàn nầy và đô thành tráng lệ “đánh bóng”. Từ độ ấy, báo chí nói nhiều đến Kim Loan, người ta đã in ảnh Kim Loan trên lịch Tết, bìa báo Xuân và các bìa tuần báo văn nghệ...
 
Nhờ nổi bật trong vai một vũ nữ trong vở tâm lý tình cảm “Phu Tử Tùng Tử” của Hà Triều Hoa Phượng, đào Kim Loan chiếm huy chương vàng giải Thanh Tâm 1963. Lúc bấy giờ bên phía tân nhạc cũng có Kim Loan (trước nàng ít lâu), và có lẽ bị nói nầy nói nọ sao đó nên Kim Loan cải lương đổi tên là Mộng Tuyền. Nghề nghiệp tiến xa hơn, Mộng Tuyền bước sang điện ảnh làm tài tử chánh của mấy cuốn phim, và làm trưởng ban cải lương ở đài TV.

Có thể nói Mộng Tuyền là một trong những cô đào sân khấu đẹp nhất vào thời đó, cô đã hát qua nhiều gánh và lọt vào bao nhiêu cặp mắt xanh của bầu bì, vương tôn công tử, cũng như những anh kép cùng trang lứa. Không biết trong lúc ấy Mộng Tuyền có thầm yêu ai không, nhưng cái chánh là nhờ ông già luôn theo giữ kè kè hoài, nên Mộng Tuyền đành chịu cảnh phòng không gối chiếc cho đến một ngày... Ngày ấy một hoa mai trắng rụng vào tim cô. Trung tá Nam được cái diễm phúc ấy, và ông già đành nở nụ cười gượng chấp nhận cuộc hôn nhân không mấy rỡ ràng tại nhà hàng Bát Ðạt ở Chợ Lớn.

Thế là đôi đàng xây tổ uyên từ căn nhà ở đường Phát Diệm, rồi lần lượt dọn lên cư xá Bàn Cờ. Tại đây thì xảy ra cơn sóng gió. Không rõ Mộng Tuyền phật lòng chồng sao đó mà ông này uýnh cho một trận xể mặt, xể mày. Cái khéo của Mộng Tuyền là khi giận chồng, cô không bỏ đi về nhà cha mẹ mình mà lại đi thẳng đến nhà cha mẹ chồng để nằm vạ. Sóng gió đã qua, cô lót tót về với chồng và cho rằng căn nhà ấy không hạp tuổi với cô. Vậy là huề. Thương nhau lắm thì cắn nhau đau. Ðôi bên lại hòa thuận và đâu vào đấy, trong ấm ngoài êm. Có người cắc cớ hỏi Mộng Tuyền:

- Gặp chồng khó tánh, bị đòn hoài vậy rồi cô nghĩ sao?

Mộng Tuyền nho?n miệng cười đáp:

- Ðắng cay phải chịu chớ than phiền với ai. Bởi vì mình đã chọn, mình đã yêu, thì phải chiều nhau cho đến ngày răng long tóc bạc!

Nhưng chưa đến ngày đó, trước ngày tàn cuộc chiến vài tháng thì Mộng Tuyền đã bái bai ông xã hoa mai trắng kia, và theo như trong báo Sân Khấu Mới đăng bức hình có chú thích rằng nàng “có sẵn kép sơ cua”.

Sau 1975 không biết Mộng Tuyền làm nghề gì, có còn hoạt động văn nghệ không. Cũng như còn ở trong nước hay đã ra hải ngoại.
Ngành Mai

Nguồn tin: tcgd theo NLĐ