Xem Cho Trọn Cuộc Tình với đoàn cải lương Tân Dạ Lý

Xem Cho Trọn Cuộc Tình với đoàn cải lương Tân Dạ Lý
Vở cải lương nổi tiếng trước 1975 “Cho Trọn Cuộc Tình” của soạn giả Yên Ba ra đời vào khoảng thập niên 1960 của thế kỷ 20 trên sân khấu đoàn cải lương Dạ Lý Hương, từng gắn với tên tuổi của các nghệ sĩ Hùng Cường vai Dũng, Ngọc Giàu (Yến Lan, vợ cũ của Dũng), nghệ sĩ Bạch Tuyết (Thúy An, người yêu của Dũng), nghệ sĩ Văn Chung (Ông Năm, anh họ của Yến Lan), nghệ sĩ Minh Phụng (Thành, con riêng của Yến Lan), Ngọc Bích (Xuân, con gái của Dũng và Yến Lan), Hữu Phước (Nguyễn Hùng, bồ của Yến Lan, ba ruột của Thúy An). Vở này đã được đoàn cải lương Tân Dạ Lý (do nghệ sĩ Tuấn Châu làm bầu) dựng lại trọn tuồng và diễn tại phim trường của đài truyền hình VHN (thành phố Fountain Valley) vào tối Chủ Nhật, 2-6-2013 vừa qua, với khoảng một trăm khán giả đến xem.

.

Image
Từ trái qua phải nghệ sĩ Xuân Mỹ (Vai Xuân), nghệ sĩ Tuấn Châu (vai Dũng), nghệ sĩ Linh Tâm (vai Thành).

Vở diễn đã được thu hình và sẽ phát lại trên đài truyền hình VHN (Việt Hải Ngoại TV) trong thời gian sắp tới. Đây là vở cải lương thứ 6 của đoàn Tân Dạ Lý kết hợp cùng đài truyền hình VHN thực hiện, khoảng 3 tháng một lần giới thiệu một vở diễn mới, trọn tuồng.
Nét mới của “Cho Trọn Cuộc Tình” trên sân khấu đoàn cải lương Tân Dạ Lý lần này chính là sự tham gia lần đầu tiên của nghệ sĩ Linh Tâm (vai Thành) và Cẩm Thu (vai Yến Lan), Philip Nam (vai Nguyễn Hùng) bên cạnh các nghệ sĩ lâu nay của đoàn Tân Dạ Lý là nghệ sĩ Văn Chung (vai ông Năm, là vai cũ của nghệ sĩ Văn Chung cách nay hơn 40 năm trên sân khấu Dạ Lý Hương), nghệ sĩ Tuấn Châu (vai Dũng, đây cũng là vai anh đã đóng cách nay hơn 10 năm đã thu video, với các nghệ sĩ Thanh Thanh Tâm, Ngọc Huyền, Kim Tử Long, Vân Hà, hề Thanh Nam...), nghệ sĩ Hồng Loan (vai Thúy An, người yêu của Dũng), nghệ sĩ Xuân Mỹ (vai Xuân, con gái của Dũng).
Ngoài ra, vở diễn cũng đã được cắt gọn lại chỉ còn khoảng 2 tiếng so với vở diễn nguyên gốc trước đây dài 3 tiếng, dù vậy, nội dung chính của bản cắt gọn vẫn giúp người xem hiểu được câu chuyện, với lời vọng cổ và lời thoại được soạn giả Yên Ba viết trau chuốt, trữ tình, nhưng cũng rất đời. Những màn ca, diễn thêm của các nhân vật để dẫn giải cảm xúc cho người xem và tình tiết câu chuyện đã giản lược bớt. Vở diễn còn bổ sung sự hấp dẫn bằng cảnh trí đẹp, ánh sáng rực rỡ, và màn chiếu bối cảnh thật trên nền phông trắng khá đẹp mắt.

Nội dung vở cải lương “Cho trọn cuộc tình”

Vở diễn kể về bi kịch gia đình của Dũng, người võ sĩ quyền Anh từng vô địch nhiều năm khi còn trẻ, nay đã “treo găng”, đang đối diện với sự tan vỡ gia đình. Dũng sống ly thân với người vợ Yến Lan, vốn là một quả phụ giàu có, xinh đẹp, từng say mê Dũng và đeo đuổi chinh phục Dũng làm chồng, nhưng vì bản tính lẳng lơ, phóng đãng, vô trách nhiệm với gia đình của nàng nên Dũng không thể sống tiếp đời vợ chồng, mà phải ly thân, chờ ngày ra tòa ly hôn. Thành con trai riêng của Yến Lan và Xuân con gái chung của Dũng và Yến Lan đang độ tuổi đôi mươi, sống cùng với mẹ, rất bất mãn người mẹ mà họ vốn yêu thương, với mong chờ sự tái hợp trở lại của mẹ cha, nhưng đó chỉ là ước vọng không tưởng. Bởi Yến Lan đang say mê kẻ sở khanh, đẹp mã Nguyễn Hùng. Còn Dũng thì tình cờ gặp gỡ và yêu thương Thúy An, người con gái tuổi vừa đôi mươi, xinh đẹp. Thúy An vốn sinh ra trong một gia đình bất hạnh, người cha đã bỏ bê mẹ của cô, khiến bà sinh cô chưa được bao lâu thì mất, người cha đưa cô vào viện mồ côi, bà ngoại đến đón cô về nuôi ăn học. Khi cô trưởng thành, người cha muốn nhận lại con, với mục đích sẽ tìm cho cô người chồng giàu sang. Nhưng Thúy An yêu Dũng chân thành mà không e ngại sự chênh lệch tuổi tác. Với Dũng, Thúy An như một điểm tựa cuối đời, giúp anh tìm lại niềm vui sống sau những tổn thương mà anh đã trải qua bên người vợ cũ. Trớ trêu thay, Thành (con riêng của Yến Lan) sau thời gian quen biết với Thúy An (vốn là bạn thân của Xuân, em gái Thành) cùng nhau lập “ban tam ca Yêu màu hồng”, Thành đã yêu đơn phương Thúy An. Từ một thanh niên lêu lổng, anh đã thay đổi ngày một tốt hơn và chờ dịp thổ lộ tình si.

Sau một thời gian cặp bồ và moi tiền của Yến Lan, tên sở khanh Nguyễn Hùng trở mặt, ép Yến Lan phải trả số tiền do hắn lừa gạt bằng cách bán căn biệt thự mà bà đang sống cùng 2 con, do Dũng đang đứng tên. Yến Lan hối hận, muốn nối lại tình xưa với chồng cũ, nhưng Dũng từ chối, vì đã quá chán chường mệt mỏi, đã hết tình với bà. Yến Lan cho con trai biết người con đang yêu đơn phương chính là người yêu của ba Dũng, Thành thất vọng, đau đớn, bỏ nhà ra đi.
Vì muốn có tiền giúp con mua nhạc cụ lập ban nhạc, Dũng đã chấp nhận trở lại đấu võ đài và bị thương, khi Thúy An đến thăm anh, chăm sóc cho anh, thì tên Nguyễn Hùng xuất hiện, để yêu cầu Dũng phải chấp nhận bán căn biệt thự để trả tiền do Yến Lan nợ, ông ta hoảng hốt chứng kiến con gái của mình là Thúy An, trong vòng tay của Dũng. Hắn ta tưởng rằng Dũng muốn trả thù, nên đã quyến rũ Thúy An, kỳ thực lúc đó Dũng cũng rất hoảng hốt khi biết sự thật. Thúy An và Nguyễn Hùng vừa rời đi, Thành đã đến gặp Dũng và cho biết tình yêu của anh dành cho Thúy An, đề nghị Dũng hãy tác thành cho anh ta. Dũng đau khổ, nhưng không muốn Thành thất vọng, và nhận thấy Thúy An cần có người chồng tốt đẹp hơn mình, ngay khi Thúy An quay trở lại thổ lộ ước mong cùng anh đi thật xa nơi này, Dũng khuyên Thúy An hãy rời xa anh. Lúc này Thành cũng thổ lộ cho Thúy An biết tình yêu của mình và đã bị cô chối từ quyết liệt, cho biết cô chỉ yêu ba của anh. Thúy An chạy khỏi nhà Dũng, với nỗi đau khi thấy Dũng muốn rời xa cô, chỉ vì muốn nhường cô lại cho con trai. Thành chạy theo Thúy An để khuyên nhủ.

Trong men say của rượu, người vợ cũ của Dũng là Yến Lan tìm đến nhà Dũng để kiếm Nguyễn Hùng, kẻ đã khiến bà mất hết tiền bạc, lúc này tên Nguyễn Hùng cũng tìm đến, để yêu cầu Yến Lan trả lại cây súng mà hắn đã bỏ quên trong nhà của Yến Lan. Do không tỉnh táo, cộng thêm lòng căm thù Nguyễn Hùng, trong điên loạn, Yến Lan đã nã súng bắn chết Nguyễn Hùng, bắn luôn cả Dũng, khi anh muốn ngăn bà lại. Lúc này Yến Lan bừng tỉnh và ngã quỵ đau đớn, gào thét bên người chồng mà bà đã cướp đi mạng sống, bên cạnh là tiếng khóc thương của Thúy An và Thành vừa mới quay lại, chứng kiến sự oan nghiệt mà Yến Lan đã gây ra.

Thông điệp của vở diễn
Vở diễn gây xúc động mạnh nơi người xem bởi những cao trào của bi kịch được đẩy lên tột đỉnh, kết thúc của “Cho trọn cuộc tình” không phải là sự đoàn viên, hạnh phúc, mà là bi kịch với hai cái chết, để rồi khi cánh màn sân khấu khép lại, khiến khán giả suy ngẫm, day dứt, khán giả được nhận lấy một cảnh báo có khi phũ phàng như... cuộc sống. Nhưng thật và cần thiết.

Bởi cuộc đời thật của xã hội, bi kịch - nỗi đau có khi còn khốc liệt hơn trên sân khấu. Cái đáng sợ nhất là sự dửng dưng trước bi kịch và nỗi đau của con người. Trên sân khấu, khi soạn giả và nghệ sĩ được tỏ bày, được chia sẻ câu chuyện đến khán giả, là đã góp phần giúp mọi người cùng hoàn thiện, cùng chia sẻ để giảm bớt bi kịch xảy ra trong cuộc đời. Bởi sau bi kịch, người ta sẽ lớn lên.
Chuyện cũ của vở cải lương “Cho trọn cuộc tình” ra đời cách nay hơn 40 năm, nhưng vẫn đầy sức hút khi nó chạm và đề cập đến các vấn đề mà ở đâu đó trong các gia đình, ngoài xã hội hôm nay vẫn đang diễn ra.
Người xem có thể nhận thấy bức tranh muôn màu của cuộc sống, ở đó gia đình chỉ thật sự là mái ấm cho mọi thành viên, khi cả chồng và vợ cùng nương nhau kiến tạo yêu thương trên lằn mức ân tình.

Nét diễn của nghệ sĩ
Các nghệ sĩ tham gia lần này hầu hết đều làm tròn vai diễn của mình.
Chỉ tiếc một điều, đây là chương trình thu hình, nên phần lớn những đoạn hát trong tuồng đều được thu âm trước, và nghệ sĩ hát nhép lại, trừ phần thoại trong phần giao tiếp giữa các nhân vật là diễn live.
Ông Năm của nghệ sĩ lão thành Văn Chung rất duyên trong nét hài và cách ca diễn vẫn còn rất mùi, cùng những lời khuyên răn cô em họ Yến Lan rất thấu tình đạt lý.

Nghệ sĩ Văn Chung tâm sự với người viết, dù nay tuổi đã 86 rồi, nhưng khi không tham gia sân khấu nữa, ông nhớ lắm, nhân dịp đoàn Tân Dạ Lý dựng lại vở này, ông sẵn sàng tham gia ngay, vì là vai cũ, ông không phải học tuồng, nghệ sĩ Tuấn Châu cũng đồng ý cắt bớt phần ca của ông khoảng 70 phần trăm, ông chỉ còn xuất hiện 30 phần trăm so với trước đây, nhưng cũng đủ đem lại niềm vui cho ông được gặp gỡ khán giả. Với ông, cải lương đã trở thành máu thịt, nên ông thật khó mà nghỉ hưu, ngưng diễn nữa.

Nhân vật Dũng của Tuấn Châu có làn hơi, cách ca hao hao nghệ sĩ Hùng Cường, nhưng cách thể hiện trong diễn xuất có những nét chấm phá riêng, không chỉ bằng khả năng biểu cảm mà chính nghệ thuật ca trong diễn, diễn trong ca của anh với chất giọng cao, hơi rộng và cách ca chân phương, có chút gì đó nghèn nghẹn ở cuối câu, khiến người nghe cảm thấy xốn xang trong dạ... Và phải chăng chính bởi cái chất giọng ấy đã khiến cho Tuấn Châu thành công với nhân vật mang nhiều tâm trạng, có duyên phận hẩm hiu, đã làm nên nét hay cho Dũng.

Một Linh Tâm với cách ca cải lương hơi “hoa lá cành”, khoe giọng ca vọng cổ hơi dài, khá tròn vai khi thể hiện một Thành bất cần đời, nhưng yêu Thúy An, anh cố gắng thay đổi mình ngày một tốt hơn, Thành cũng thật ích kỷ khi ép buộc ba Dũng nhường tình yêu Thúy An lại cho anh, nhưng khi chứng kiến cha bị mẹ bắn chết, anh đau đớn khôn cùng.
Một Xuân của Xuân Mỹ nhẹ nhàng, sâu sắc, với khát vọng mong manh gắn kết cha và mẹ lại với nhau để gia đình được hòa thuận như xưa.
Một Philip Nam còn khá mới trên sân khấu, nhưng cũng thể hiện được phần nào sự đểu giả của tên Nguyễn Hùng chuyên lừa tình gạt tiền.

Hồng Loan rất hợp khi vào vai Thúy An, người con gái tuổi hoa xinh đẹp, dành tình yêu chân thành không tính toán cho Dũng. Dẫu rằng làn hơi, cách ca, cách diễn trong ca của Hồng Loan nếu so sánh với nghệ sĩ Bạch Tuyết hay Phượng Mai, Ngọc Huyền... đã từng vào vai này, Hồng Loan không bằng, nhưng Hồng Loan đã đem lại sự tươi mát, thanh xuân cho Thúy An.
Đặc biệt vai Yến Lan của nghệ sĩ Cẩm Thu khá thành công. Chị đã chọn cho nhân vật một giọng nói rất khàn, cách ca cũng khàn. Khô khan trong cái nhìn vô cảm, cách cầm thuốc hút và thả khói, khi đối diện với người chồng mà chị phụ tình. nhưng cũng khá nũng nịu bên tình nhân mới Nguyễn Hùng, những tích tắc và hành động của nhân vật được chị chăm chút và "thả” cảm xúc rất liều lượng, chuẩn mực, tâm lý nhân vật được chị đẩy đến cùng và kéo lại một cách ngọt xớt, khi Yến Lan nhận ra bộ mặt lừa gạt của Nguyễn Hùng, hối hận và muốn quay về lại với Dũng. Nghệ sĩ Cẩm Thu đã vẽ đậm nét cho chân dung một người đàn bà phù phiếm, đua đòi. Nhưng cái giỏi của chị là sau cái giận, chị biết làm khán giả thương nhân vật ở sự nông nổi của một tính cách phù phiếm, nhưng cũng biết yêu thương. Với nét mặt choáng váng, thất thần, thân hình rúm ró vì đau đớn, tiếng thét “Tôi đã giết chồng tôi rồi” của nhân vật Yến Lan khi phát hiện mình đã bắn chết Dũng, khiến khán giả không khỏi chạnh lòng cho sự hối hận của Yến Lan.

Cải lương những năm nay tại sân khấu ở hải ngoại rất hiu hắt. Nhưng trong bối cảnh đó vẫn có những đốm lửa sáng lên. Lửa được giữ bằng cái tâm, quyết không bỏ nghề từ những nghệ sĩ luôn muốn duy trì cho sân khấu sáng đèn. Nghệ sĩ Tuấn Châu là một trong những nghệ sĩ đó.
Nghệ sĩ Tuấn Châu nói rằng anh biết việc kiếm tiền bằng việc lập ra Tân Dạ Lý, lỗ là cái chắc, nhưng anh và những nghệ sĩ cải lương yêu nghề, đã trót ăn cơm tổ thì phải biết hy sinh và chịu đựng. Vấn đề là sự chịu đựng được tính bằng thời gian dài, chứ không phải bằng thời gian ngắn. Nghệ sĩ Tuấn Châu chia sẻ: “Cải lương là nghệ thuật rất hay của dân tộc, nếu mình để mai một, mất đi tại hải ngoại này, thì uổng lắm.”

Băng Huyền


Tác giả bài viết: phuongdiep & tu kien

Nguồn tin: