Ngẫm chuyện “hột cơm Tổ nghiệp”

TN

TN

Dư luận gần đây xôn xao câu nói của nghệ sĩ T. trả lời khán giả và truyền thông về những chương trình hài thực tế nhảm đang chiếm sóng truyền hình hiện nay, đại khái là: "Nếu quý vị cảm thấy chương trình nào nhảm nhí, hãy tắt tivi!".

Đa số khán giả bất bình trước phát biểu ngổ ngáo, trịch thượng của nam nghệ sĩ 30 tuổi này. Khi trả lời việc nhiều nghệ sĩ đem đời tư đồng nghiệp ra để diễn hài, anh dửng dưng: "Họ là bạn tôi, họ không có ý kiến. Vậy lý do gì những người khác phàn nàn?". Xin nói ngay rằng, T. cùng bạn anh có thể đùa ở một không gian riêng nào đó, còn đã mang lên sóng truyền hình, trở thành một "sản phẩm văn hóa", sao không cho khán giả có quyền "phàn nàn"!?

 

 Thờ Tổ nghiệp không chỉ là tâm linh mà còn nhắc nhở nghệ sĩ giữ đạo đức nghề nghiệp. Trong ảnh: Nghệ sĩ Nhà hát Tây Đô thắp nhang cho Tổ nghiệp nhân Giỗ Tổ Sân khấu. Ảnh: DUY KHÔI

 

Trong phạm vi bài viết này, người viết không bàn những lời nghệ sĩ T. nói là đúng sai mà chia sẻ ở một phương diện khác- đạo đức nghệ sĩ. Từ bao đời qua, ngày 12-8 âm lịch hằng năm được giới nghệ sĩ tưởng nhớ Giỗ Tổ Sân khấu. Ai đi đâu, làm gì cũng nhớ về Tổ nghiệp trong ngày này với trọn lòng thành. Ngày xưa, nghệ sĩ nào thành công, trở thành đào chánh, kép chánh, được khán giả mến mộ, họ khiêm nhường rằng đó là do "Tổ đãi". Tôi đã từng nghe nhiều nghệ sĩ gạo cội của làng cải lương, thoại kịch miền Nam như NSND Kim Cương, NSND Bạch Tuyết, NSƯT Thành Lộc… khi nói về nghiệp đời sân khấu của mình đều nhắc đến Tổ nghiệp với tâm nguyện: "Hột cơm Tổ nghiệp còn dính kẽ răng thì nghệ sĩ phải diễn hết mình, không được dối trá với nghề, với khán giả".

Tôi nhớ hoài trong lần NSND Bạch Tuyết giao lưu với sinh viên Trường Đại học Tây Đô hồi cuối tháng 8-2016, bà đã kể rằng vinh dự được ba nuôi là soạn giả Điêu Huyền người Cần Thơ, dẫn dắt vào con đường nghệ thuật. "Từ lúc đi hát tới nổi tiếng, trước khi bước ra sân khấu, tôi đều khấn Tổ rằng: "Tổ có thương thì cho con hát đàng hoàng; hát không đàng hoàng, lang thang lếch thếch, khổ lắm!". Điều đó đến bây giờ tôi vẫn tâm niệm"- "Cải lương chi bảo" tâm tình. Mấy từ "lang thang lếch thếch" của bà nghe chân tình mà cũng là nỗi ám ảnh của người theo nghiệp cầm ca. "Tổ thương thì đỡ" là vậy. Nói như vậy để thấy rằng, với những nghệ sĩ thành tâm với nghề, thành công luôn đi liền với lòng biết ơn Tổ nghiệp, tri ân khán giả đã làm nên tên tuổi của mình. Như NSƯT Thanh Nam khi lên nhận giải Mai Vàng cho vai Hai Lúa trong phim "Những cuộc phiêu lưu của Hai Lúa" đã nói ngắn gọn rằng: "Xin cảm ơn khán giả đã cho Hai Lúa lên đời!". Câu nói của người nghệ sĩ gốc Cần Thơ làm cảm động biết bao người.

Thời trước, hát bội phải có người "cầm chầu": nghệ sĩ diễn đoạn nào hay, đánh "tùng, tùng…" tán thưởng; diễn đoạn chưa tới thì gõ "cụp, cụp…" nhắc chừng. Bởi vậy nghệ sĩ đã đứng lên sân khấu là phải diễn hết mình, một lời khen chê của khán giả cũng phải "mất ăn, mất ngủ".

Nhắc những điều này rồi quy chiếu lại lời nói của nghệ sĩ T., mới thấy, anh quá tự mãn. Có thể anh có những thành công trước mắt, có lượng người hâm mộ nhất định, nhưng chưa hẳn là mãi mãi. Tuổi đời và tuổi nghề càng nhiều, trải qua thăng trầm sau này, hẳn anh sẽ nghĩ khác. Trước mắt, khán giả thấy rằng anh chẳng cần để tâm sự phê bình của công chúng để tiến bộ, cứ cho rằng hào quang trước mắt và bạc tiền trong túi là đủ.

ĐĂNG HUỲNH

Nguồn tin: tcgd theo BCT