Nghệ thuật cải lương hiếm sàn diễn

Nghệ thuật cải lương hiếm sàn diễn
Sân khấu cải lương đang ngày càng trống vắng, buồn tênh. Có người cho rằng, cải lương đang chuyển đổi phương thức hoạt động, vắng bóng sàn diễn nhưng lại xuất hiện ở khắp nơi, từ những cuộc thi ca hát đến các đám tiệc... Điều này không sai nhưng lại đang làm cho nhiều người lo ngại hơn cho tương lai cải lương.

“Một thời đã xa”

TP.HCM từng là nơi có đời sống cải lương rất sôi động với nhiều đoàn hát ngày đêm phục vụ công chúng, nhưng đó là… “một thời đã xa”! Giờ đây, các sàn diễn cải lương đang ngày càng hiu quạnh, buồn tẻ. Các đoàn hát cũng ngày một ít đi, hoạt động thưa thớt, năm thì mười họa mới có được vở diễn mới phục vụ công chúng. Ngay cả chương trình Thắp sáng niềm tin của nhà hát Trần Hữu Trang vốn quy tụ đông nghệ sĩ trẻ từng đoạt các giải thưởng cao của cải lương, năng động, chịu đựng, thường xuyên trình diễn vào những ngày cuối tuần, cũng dần rơi rụng. Suốt nhiều tháng qua, Thắp sáng niềm tin đã tắt đèn, không còn biểu diễn vào những ngày cuối tuần ở rạp hát Thủ Đô.

Trước thực tế của cải lương hiện nay, chắc hẳn sẽ có 1.001 lý do để lý giải cho sự co cụm, teo tóp của cải lương. Chẳng hạn như cơ quan chức năng ít quan tâm giúp đỡ, bị các loại hình giải trí khác chèn ép, phần lớn giới trẻ quay lưng với cải lương, thiếu tuồng tích mới... và cũng có tiếng nói cho rằng sở dĩ đời sống của cải lương ra cớ sự này lý do chính nằm ở chỗ tài nghệ của nghệ sĩ đang kém dần?

Bởi “trống vắng” sàn diễn, các nghệ sĩ phải tứ tán khắp nơi, vừa đi hát cho các đài truyền hình thành phố và các tỉnh, vừa chạy sô cho nhiều chương trình đại nhạc hội, hát chầu, đám tiệc… và cả ca hát theo yêu cầu của các “đại gia”.

Tuy nhiên, không phải nghệ sĩ nào cũng được mời tham gia những sô hát này, tất cả còn phải tùy thuộc vào người nhiều tiền lắm của thích nghe, thích… ngắm ai hát! Ngược lại, cũng không phải nghệ sĩ nào cũng sẵn sàng tham gia những sô như thế. Theo họ, làm nghề theo kiểu chỉ có đi ca như vậy mà không diễn nguyên tuồng thì rất khó giỏi nghề. NSƯT Minh Vương chia sẻ, nghệ sĩ muốn giỏi nghề, nhất thiết phải thường xuyên luyện tập hát thật nhiều những vai tuồng mới, có sự sáng tạo, cảm xúc dạt dào.

Cố gắng theo nghề

Trong tình hình đó, việc Trung tâm Truyền hình cáp Đài Truyền hình TP.HCM phối hợp cùng nghệ sĩ Linh Huyền, NSƯT Kim Tử Long thực hiện một số vở cải lương trình diễn phục vụ khán giả trước khi ghi hình phát sóng thật đáng quý. Bên cạnh đó, từ nhiều tháng qua, Đài Truyền hình TP.HCM đều đặn tổ chức chương trình Ngân mãi chuông vàng trình diễn nguyên một vở tuồng cũng là cơ hội tốt để các nghệ sĩ, đặc biệt là các nghệ sĩ trẻ được trau dồi kỹ thuật ca, diễn.

NSND Lệ Thủy nhận xét: “Chương trình này cho thấy hiện nay nhiều nghệ sĩ trẻ có được giọng ca tốt. Nếu như các em nhận vai diễn vừa sức để thể hiện rồi dần dần nâng cao lên, tôi tin là các giọng ca này sẽ dễ dàng phát triển, rất có triển vọng…”.

NSƯT Kim Tử Long chủ động đưa cải lương ra Bắc biểu diễn vào cuối tháng 6 vừa qua cũng là một cố gắng khích lệ, động viên cải lương trong Nam. Đây là sự khởi đầu trở lại sau 15 năm các nghệ sĩ cải lương miền Nam vắng bóng trên sàn diễn miền Bắc và ngày 3-8 tới đây, chuyến đi thứ 2 của cải lương Nam ra Bắc sẽ được tiếp tục.

Có thể nói, trong tình hình khó khăn, với những nỗ lực tìm hướng phát triển cải lương của một số nghệ sĩ, đơn vị kể trên là thiết thực và thật đáng khích lệ. Tuy nhiên, về lâu dài, đời sống cải lương có được sôi nổi trở lại hay không còn tùy thuộc vào mức độ giỏi nghề, giỏi tiếp cận công chúng của các đoàn hát cũng như sự quan tâm tạo điều kiện và vạch hướng đi đúng của ngành văn hóa dành cho cải lương

Tác giả bài viết: tanconhac

Nguồn tin: Theo: VÂN AN - SGGP