NGHỆ THUẬT CẢI LƯƠNG & CUỘC ĐỜI VUA TRẦN NHÂN TÔNG

Đạo diễn và vai chính

Đạo diễn và vai chính

Vở Cải lương Vua Phật kể chuyện cuộc đời Phật hoàng Trần Nhân Tông làm Vua, làm Phật.

Cuộc Đời Vua Trần Nhân Tông Qua Nghệ thuật Cải lương

Chúng tôi được xem buổi công diễn vở cải lương Vua Phật do Nhà hát Cải lương Việt Nam dàn dựng, tại Trung tâm Nghệ thuật Âu Cơ- Hà Nội.
Tác giả kịch bản Bùi Hữu Dược. Đạo diễn NSUT Triệu Trung Kiên. Chuyển thể Cải lương NSUT Triệu Quang Vinh. Âm nhạc, nhạc sĩ Giáng Son.
Cố vấn chương trình:
Ban Văn hóa Trung ương giáo Hội Phật giáo Việt Nam.
Vở Cải lương Vua Phật kể chuyện cuộc đời Phật hoàng Trần Nhân Tông làm Vua, làm Phật.
Phật hoàng Trần Nhân Tông (1258- 1308).
      “Đức Vua Trần, một ông vua đã khước từ tước vị cao sang, giã biệt chốn phồn hoa đô hội lên non xanh Yên Tử tu hành để trở thành một Đức Phật Đại Hùng, Đại Lực, Đại Trí và Đại Bi”.  
          Hơn sáu trăm năm nay. Dòng chảy Thiền Trúc Lâm Yên Tử do Vua Phật sáng lập, luôn hướng Thiện trong mỗi người Việt sống có Đạo. Đạo sáng Đời.
Chọn Nghệ thuật Cải lương là ca kịch để biểu hiện Vua Phật. Các tác giả và diễn viên dùng vốn dân ca nhạc cổ rất phong phú của Nam Bộ. Nghệ thuật Cải lương hòa hợp dàn nhạc cổ và dàn nhạc tân. Dàn nhạc cổ giữ vai trò chủ chốt, là linh hồn của tuồng Cải lương.
Dàn nhạc trong Cải lương không chỉ nâng đỡ, phụ hoạ cho giọng hát, mà còn tô điểm cho từng giai điệu, làm nổi bật chiều sâu tâm lý nhân vật, tạo kịch tính chokịch bản, góp phần cho sự thành công của tuồng diễn. Diễn xuất và lời ca của diễn viên vang lên, nhờ dàn nhạc, bừng tỏa hào khí và xúc động tới người xem về hình tượng Vua Phật:
          Rũ bỏ lợi danh thả Tâm nhàn
          Trọn đời hạnh nguyện nước non an
          Minh quân giữ nước ngời sát Thát
          Sơ Tổ vì dân dựng thảo đàn
          Trúc Lâm Thiền phái vang Phật Quốc
          Cư trần lạc Đạo ngát nhân gian
          Phản quang tự kỷ Tâm Phật sáng
          Nết dụng sơn lâm đặng Niết Bàn
          Trí đức viên dung hòa hợp thế
          Nhật Nguyệt hùng huy tại giang san.
     Lời thoại cất cao nhịp điệu, tiếng Vua Phật vang giữa đời này:
“Làm vua lúc xã tắc thái bình tưởng dễ mà khác gì chia thịt hổ. Để cho người đời thấu lý, trên dưới thuận tình, pháp trị dầu nghiêm, nhưng không khỏi lỗi lầm chính trong nội thân Hoàng tộc. Chỉ có Đức Phật khiến lẽ Lục hòa thấu tỏ, để trên dưới nhất tâm xây xã tắc trường tồn”.
Vua Phật Đại Hùng, Đại Trí, Đại Bi
         Với cách kể chuyện chương hồi theo hành trình cuộc đời. Vở Cải lương Vua Phật làm nổi bật hình bóng, nhân cách, tư tưởng, tình yêu thương, Đức, Trí, Dũng của Phật Hoàng lúc là Thái tử Trần Khâm, đến khi làm vua, rồi thành Phật. Năm 16 tuổi (1274). Ngài được lập làm Đông cung Thái tử. Ngài kết duyên cùng công chúa Quyên Thánh, con gái Hưng Đạo Đại Vương. Vua Trần Thánh Tông đã mời các bậc lão thông Nho giáo, Tứ thư, Ngũ kinh dạy cho Ngài như Lê Phụ Trần, Nguyễn Thánh Huấn, Nguyễn Sĩ Cố. Chính vua cha đã soạn Di hậu lục dạy Thái tử cách xử thế, chuẩn bị làm vua.
        Về Phật pháp. Thái tử học đạo với Tuệ Trung Thượng Sĩ. Thượng Sĩ hết lòng hướng dẫn những yếu nghĩa Thiền tông. Ngài tâm đắc câu: “Phản quan tự kỷ bổn phận sự, bất tùng tha đắc” (Quan sát lại chính mình đó là bổn phận, không do người khác làm được) và tôn Tuệ Trung Thượng Sĩ làm Thầy. Ngài thường tới chùa Tư Phúc trong kinh thành để tụng kinh, tọa Thiền, lễ bái Tam bảo.
Cư trần lạc Đạo ngát nhân gian
        Năm 21 tuổi (1279). Ngài được Trần Thánh Tông truyền ngôi vua Đại Việt. Ngài lấy Đức trị dân, an cư, lạc nghiệp. Ngài không ham hố ghế vua. Trong triều, Ngài thường chay tịnh. Hướng Tâm về Phật pháp. Thế giới nội tâm của Ngài hiện về trong cảnh diễn Ngài không mặn nồng cùng cung tần, mỹ nữ và Hoàng hậu con gái Hưng Đạo Vương. Duyên kỳ ngộ. Ngài gặp cung nữ Ứng Thụy, con gái Lý Chiêu Hoàng. Khối tình hẹn từ kiếp trước của nhà Lý với nhà Trần. Khối tình tri âm. Cao cả. Ứng Thụy đã thức tỉnh Ngài làm vua an dân, và đánh giặc. Khi đã ngồi trên ghế vua. Phải hiến dâng hết mình cho lợi ích của Dân, Nước. Nàng được Ngài phong Hoàng phi, yêu trọng. Họ truyền sức mạnh Tình yêu, hóa giải mối hận thù giữa nhà Lý và nhà Trần. Khối tình định mệnh lớn này, đã làm đau lòng Hoàng hậu và Trần Hưng Đạo. Nhưng mọi người đều biết ứng xử nhân ái. Không ghen ghét, thù hận vì nghĩa Nước, tình Nhà.
             Minh quân giữ nước ngời sát Thát
          Màn kịch Cải lương này, người đóng vai Trần Nhân Tông được thay, để thể hiện một minh quân Đại Hùng.
Trước thảm họa ngoại xâm. Quân Nguyên Mông chuẩn bị đánh Đại Việt. Thượng hoàng Trần Thánh Tông, cùng vua Trần Nhân Tông, Trần Hưng Đạo cấp tốc bàn đánh giặc. Tâm trạng các ngài đầy kịch tính. Thương dân. Không muốn chiến tranh giết người tàn bạo. Nhưng  nước mất, nhà tan. Phải cứu nước. Cứu dân. Phải đánh giặc.
          Triều đình phải lựa chọn. Chủ hòa? Hay quyết chiến?     Hùng khí non sông bừng dậy trên sân khấu. Lịch sử Hào khí Đông A hiện về. Trần Nhân Tông mở hội nghị Bình Than năm 1282. Những anh hùng, hào kiệt vang lời quyết chiến. Trần Hưng Đạo, Trần Quang Khải, Trần Nhật Duật… dâng kế sách diệt giặc Nguyên. Có bộ mặt và ánh mắt tà gian của Trần Ích Tắc.
          Hội nghị Bình Than là hội nghị quân sự do vua Trần Nhân Tông triệu tập. Tìm phương cách chiến đấu khi quân Nguyên Mông sang. Hội nghị Bình Than tổ chức ở làng Bình Than, tổng Vạn Ti, vùng đất nay là Gia Bình- Bắc Ninh. Nơi họp bí mật, tránh tai mắt bọn giặc gián điệp.
          Trước khi cuộc chiến diễn ra. Trần Nhân Tông cùng Thượng hoàng Trần Thánh Tông chủ trì Hội nghị Diên Hồng, trước thềm điện Diên Hồng, tháng chạp năm 1284. Hỏi ý kiến các vị bô lão cả nước về chủ trương hòa hay chiến khi quân Nguyên Mông sang cướp Đại Việt lần thứ hai. Khi vua hỏi các bô lão nên HÒA hay ĐÁNH? Sân khấu vang tiếng già, trẻ, gái trai, một lòng hô quyết ĐÁNH.
         Vở Cải lương Vua Phật. Nhờ kỹ thuật phối cảnh, ánh sáng, âm thanh, âm nhạc… hiện đại, đã hiện rõ cảnh đánh giặc Nguyên Mông năm 1285. Khói lửa mịt mù. Đao kiếm. Tiếng hò hét vang dậy. Trần Nhân Tông đã lãnh đạo quân dân chiến thắng cuộc xâm lược Nguyên Mông lần thứ nhất.
 Và cảnh đánh giặc Nguyên lần thứ hai. Quân Nguyên tiếp tục chiếm Đại Việt lần thứ hai. Trần Nhân Tông lại một lần nữa chỉ huy cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại. Ngài đã chiến thắng quân Nguyên Mông lần thứ hai năm 1288. Với sự đoàn kết dân tộc vua tôi một lòng. Quân dân Đại Việt đã đánh tan 50 vạn quân Nguyên Mông từ phía bắc tiến xuống, do Thoát Hoan cầm đầu. 20 vạn quân Nguyên Mông do Ô Mã Nhi dẫn từ biển phía nam vào. Thoát Hoan, hoàng tử nhà Nguyên trấn nam vương, phải chui vào ống đồng chạy về nước.
Câu thơ Trần Nhân Tông vọng núi sông, biển, đảo:
“Xã tắc hai phen chồn ngựa đá
Non sông muôn thuở vững âu vàng”
          Đất nước hết giặc. Trần Nhân Tông củng cố triều đình. Chiêu hiền, đãi sĩ. Đoàn kết toàn dân. Cùng dân xây dựng và phát triển đất nước sau cuộc chiến. Ngài đã bỏ qua những lỗi lầm của quần thần và thân tộc như bọn Trần Ích Tắc..
                     Sơ Tổ vì dân dựng thảo đàn
          Vua Phật với những màn diễn thể hiện Phật pháp thâm sâu và tâm tình tĩnh lặng của Trần Nhân Tông khi Ngài làm Phật.
Phật pháp siêu phàm. Vua Trần Nhân Tông nhìn kiếp người u mê. Trôi lăn mờ mịt. Không biết mình sinh ra từ đâu? Khi chết đi về đâu?
Xã hội phân chia hỗn loạn. Kẻ nghèo đói. Buồn đau. Bệnh ốm. Không lối thoát. Kẻ chém giết. Thù hận. Một số kẻ ranh ma coi Quyền/ Tiền là mục đích sống. Tham Ác không có điểm dừng. Vơ vét vật chất, tiền, vàng, đổi chác, bán mua, hưởng lạc trên xương máu người ngã xuống, trong thảm họa giặc xâm lăng vây bủa…
         Trần Nhân Tông đi tìm Tuệ Trung Thượng sĩ. Tiếng Thượng sĩ rung chuyển sân khấu: “Tu hành để làm gì? Tu để gánh vác sơn hà qua cuộc bể dâu. Hòa vào đời để giáo hóa chúng sinh hiểu con đường tự sửa mình. Giảm tham, sân, si mà giải thoát. Phật tại Tâm. Mượn Đạo tạo Đời. Lấy Tâm Đạo hòa quy xã tắc. Minh quân Đạo Đời sáng tỏ, sống cùng sử xanh”.
             Trúc Lâm Thiền phái vang Phật Quốc
         Với Vua Phật các tác giả kịch bản và nghệ sĩ sân khấu đã tôn kính từng chi tiết, từng bước chân gậy trúc trong cuộc hành trình làm Vua đến làm Phật của Phật Hoàng Trần Nhân Tông. Không một ai dám xưng danh nghệ thuật để hư cấu, bịa đặt. Năm 41 tuổi (1293). Trần Nhân Tông nhường ngôi cho con là Trần Anh Tông lên làm Thái Thượng Hoàng. Năm 1299. Ngài trở lại thăm Kinh sư lần cuối, rồi đi thẳng lên núi Yên Tử- Uông Bí- Quảng Ninh tu hành khổ hạnh, tham thiền nhập định, lấy tên là “Hương Vân Đại Đầu Đà”. Ngài độ Đồng Kiên Cương làm đệ tử, ban pháp hiệu Pháp Loa.
           Năm 1301. Phật hoàng hạ sơn. Đi thăm nước Chiêm Thành. Tạo lập mối quan hệ hợp tác, hòa bình, hữu nghị với các nước lân bang. Ngài về chùa Phổ Minh phủ Thiên Trường (Nam Định) giảng kinh, thuyết pháp. Mở hội đại thí vô lượng cho nhân dân.
         Năm 1304. Ngài chống gậy trúc dạo khắp nước Đại Việt. Khuyến khích muôn dân giữ năm giới. Tu hành Thập thiện. Dẹp bỏ những nơi thờ cúng không đúng Chính pháp. Loại trừ mê tín, dị đoan… Ngài đến Bố Chánh- Quảng Bình lập am Tri Kiến và lưu lại đây một thời gian. Sau đó, vua Trần Anh Tông thỉnh Ngài vào nội cung, truyền giới Bồ Tát cho bá quan văn võ, quần thần.
           Chuyến thăm hữu nghị Chiêm Thành năm 1301. Ngài hứa gả Công chúa Huyền Trân cho Chế Mân, vua Chiêm. Năm 1305. Vua Chiêm sai Chế Bồ Đài và phái đoàn ngoại giao mang vàng, bạc… sính lễ cầu hôn. Năm 1306. Ngài đứng ra chứng minh hôn lễ giữa Công chúa Huyền Trân và vua Chiêm Thành, Chế Mân.
Vua Chiêm đã dâng Châu Ô, Châu Rí cho Đại Việt làm quà sính lễ. Nước Đại Việt mở rộng bờ cõi về phương Nam là Thuận Hóa (Huế). Năm 1307 Ngài truyền Y Bát cho Tôn giả Pháp Loa, lên làm Sơ Tổ Trúc Lâm. Pháp Loa là Tổ thứ hai của Thiền phái Trúc Lâm. Ngài thường lui tới chùa Báo Ân Siêu Loại, Sùng Nghiêm, Hải Duơng, Vĩnh Nghiêm, Lạng Giang (nay là Bắc Giang) chùa Từ Lâm, chùa Quỳnh Lâm, Đông Triều- Quảng Ninh để giảng kinh, thuyết pháp và chứng minh các lễ hội…
Nết dụng sơn lâm đặng Niết Bàn
          Sau khi truyền Y Bát cho Tôn giả Pháp Loa, Ngài tập trung biên soạn Kinh sách và Ngữ lục. Ngài để lại cho hậu thế kinh sách quý báu: Trần Nhân Tôn thi tập, Đại Hương Hải Ấn thi tập, Tăng Già Toái Sự, Thạch Thất Mỵ Ngữ, Trung hưng Thực Lục, Truyền Đăng Lục….Trước khi nhập diệt. Ngài đọc bài kệ Pháp Thân Thường Trụ cho thị giả Bảo Sát, hầu cận bên Ngài:
            “Tất cả pháp không sinh. Tất cả pháp không diệt. Ai hiểu được như vầy. Thì chư Phật hiện tiền. Nào có đến có đi”
         (Nhất thiết pháp bất sinh. Nhất thiết pháp bất diệt. Nhược năng như thị giải. Chư Phật thường tại tiền. Hà khứ lai chi hữu).
        Theo sử sách. Ngài an nhiên, thị tịch ngày 1/11/Mậu Thân (1308). Thọ thế 51 năm tại am Ngọa Vân- Đông Triều- Quảng Ninh. Vua Trần Anh Tông cung thỉnh nhục thân Ngài về kinh đô Thăng Long cử hành Quốc tang trong hai tuần. Vua quan, quần thần, văn võ bá quan, đệ tử Pháp Loa, Bảo Sát và chúng Tăng trong nước cử hành Lễ Trà tỳ.
         Phật hoàng để lại Xá lợi. Xá lợi chia làm hai phần. Một phần xây tháp thờ ở Lăng Quý Đức phủ Long Hưng- Thái Bình. Một phần xây tháp tôn thờ tại chùa Vân Yên- Yên Tử- Uông Bí- Quảng Ninh, lấy hiệu là Huệ Quang Kim Tháp. Dâng Thánh hiệu: Đại Thánh Trần Triều, Trúc Lâm Đầu Đà, Tịnh Tuệ Giác Hoàng Điều Ngự Phật Tổ.
         Ca kịch Cải lương Vua Phật khép lại trong màn diễn linh thiêng. Xúc động. Phật Hoàng bỏ ngai vàng. Bỏ cuộc sống giàu sang, đô hội, lẫn vào Rừng Thiền Yên Tử. Sương trắng giăng mờ, trập trùng đại ngàn. Tiếng chim ca. Tiếng hổ gầm. Tiếng vua Trần Anh Tông khóc thất thanh gọi Phụ Hoàng! Tiếng các cung nữ khóc than. Và hình ảnh các nàng trầm mình nơi Suối Giải Oan dưới chân Yên Tử, giữ tình với Ngài trọn vẹn.
 Khán giả lặng im. Xúc động dâng trào.
Một cuộc chia ly vật đổi sao dời.
Cuộc chia ly tạc Hồn thiêng sông núi.
Cuộc chia ly phi phàm.
Cuộc chia ly kết nối cõi Người về cõi Phật.
        Tiếng Vua Phật hát ru muôn đời con cháu Việt:
Số đời một hơi thở
Lòng người hai biển vàng
Cung ma dồn quá lắm
Cõi Phật nào vui hơn
         (Thiền sư Thích Thanh Từ dịch)
      

  Mai Thục


Nguồn tin: tcgd theo VHPGVN