Những chuyện kể nhân ngày giỗ Tổ Cải Lương - Nghệ sĩ Sài Gòn quây quần ngày giỗ tổ nghề

Ảnh bé ngô - CLVNCOM

Ảnh bé ngô - CLVNCOM



Năm nay, giỗ Tổ ngành sân khấu Hát Bội và Cải Lương được tổ chức vào hai ngày 15, 16 tháng 9 dương lịch, nhằm ngày 11, 12 tháng 8 âm lịch, tại nhà truyền thống sân khấu tức là nhà Hội Nghệ Sĩ Ái Hữu Tương Tế, số 133 đường Cô Bắc, Quận 1 Saigon.

Các nghệ sĩ ở trong nước, dù đang hành nghề hay không còn theo nghề ca hát, dù ở tại các thành phố lớn hay đang lưu diễn ở các làng xã hẻo lánh xa xôi, và những người làm việc liên quan đến nghề hát như nhạc sĩ, thợ may trang phục hát, công nhân sân khấu, người bán vé hát, gác cửa rạp hát đều nhớ và tổ chức cúng nhân ngày giỗ Tổ. Các nghệ sĩ cải lương và hát bội, định cư dù ở bất cứ nước nào trên thế giới, như Hoa Kỳ, Canada, Pháp, Anh, Úc, Đan Mạch, Tân Tây Lan…, đến hai ngày 11, 12 tháng 8 âm lịch cũng đều nhớ làm lễ cúng giỗ Tổ Nghiệp. Nơi nào thuận tiện, tập trung đông đảo nghệ sĩ thì lễ cúng giỗ Tổ được tổ chức long trọng. Nơi nào có ít nghệ sĩ cư ngụ hoặc vì sự liên lạc khó khăn, các nghệ sĩ cũng nhớ ngày giỗ Tổ mà tổ chức cúng tại nhà như lễ cúng giỗ ông bà. Cúng Tổ nghề là một tập tục chung cho các ngành nghề với tinh thần Tôn Sư Trọng Đạo, Uống Nước Nhớ Nguồn, tưởng nhớ công ơn người khai sáng ra nghề ấy. Tổ sư một nghề là người phát minh hoặc là người đầu tiên đem nghề ấy ở nơi khác truyền lại cho dân chúng tại một làng hay miền nào đó. Thợ bạc cũng có Tổ thợ bạc, thợ mộc, thợ rèn, thợ may, thợ đóng ghe… cũng có ngày cúng Tổ nghề giống như ngành hát bội hay cải lương cúng Tổ nghiệp. Đó là một mỹ tục, tỏ lòng tôn kính, biết ơn công khai sáng ra ngành nghề, nhiều người tin tưởng, khi cúng Tổ, khẩn cầu xin Tổ bảo hộ cho nghề nghiệp thì sẽ được linh ứng. Trong khánh thờ Tổ nghiệp tại nhà Hội Nghệ Sĩ Ái Hữu Tương Tế Saigòn có 3 cốt ông tượng trưng cho Tam Giáo đạo sư (Tổ sư, Thánh sư, Tiên sư) và 12 cốt ông tượng trưng cho Thập Nhị công nghệ (những bậc thầy của các ngành nhạc, múa, mộc, dệt, rèn, thuốc…). Khánh thờ này đã có tính đến nay hơn một trăm năm, do bà Tám Đội chủ rạp hát tọa lạc tại đường Marins Chợ Lớn (đường Trần Hưng Đạo) tặng cho gánh hát bội Phước Xương của cô Ba Ngoạn, sau cậu Tư Cương con cô Ba Ngoạn tặng lại cho Hội Nghệ Sĩ Ái Hữu. Các nghệ sĩ hát bội và cải lương thờ Tổ nghiệp sân khấu là thờ các bậc tiền bối trong nghề hát nói chung chớ không khẳng định tên gì giống như người dân bình thường thờ cửu huyền thất tổ. Với tinh thần Tôn Sư Trọng Đạo, sự thờ Tổ nghiệp đã gắn bó các nghệ sĩ nhiều thế hệ, nhiều đoàn hát thương yêu và giúp đỡ lẫn nhau trong khi hành nghề. Tất cả các nghệ sĩ hát bội và cải lương đều tin tưởng có Tổ nghiệp, có nhiều sự linh ứng của Tổ nghiệp mà rất nhiều nghệ sĩ được trực tiếp mục kích

               

Ba bau Th_ va Thanh Nga
Hình: Thanh Nga và bà bầu Thơ
Soạn giả Nguyễn Phương


 

Giai thoại về bàn thờ Tổ của đoàn hát Thanh Minh-Thanh Nga:


Năm 1964, thành phố Saigòn bị giới nghiêm vì những cuộc đảo chánh và các cuộc xuống đường của sinh viên và phật tử, đoàn Thanh Minh-Thanh Nga không hát được nên bà bầu Thơ bán dàn, đi lưu diễn ở các tỉnh miền Trung mà trạm hát đầu tiên là Nha Trang.
Đoàn xe Thanh Minh-Thanh Nga gồm có 4 xe nhà (của bà bầu Thơ, Hữu Phước, Thành Được – Út Bạch Lan, Hoàng Giang) một xe đò chở nghệ sĩ, một xe hàng chở phong cảnh, dụng cụ sân khấu, y trang và công nhân dàn cảnh. Bốn chiếc xe nhà và xe đò chở nghệ sĩ đã đến Nha Trang mà xe hàng chở cảnh trí vẫn chưa đến. Đến sáng, bà bầu Thơ cho chú tài xế Năm Địa chở ông bảy Quản lý và tôi trở lại kiếm coi xe hàng bị hư, nằm đường ở đâu để tìm mướn xe hàng khác chở cảnh trí ra Nha Trang thì đoàn hát mới hát được.

Đến Định Quán, chúng tôi nghe ông chủ quán nói là hôm qua tài xế xe lô ghé dùng cơm, nói là có một xe hàng lọt xuống hố ngay cua quẹo trên Định Quán. Đây là cua quẹo nguy hiểm, trước đây có nhiều xe bị lật, lọt xuống hố sâu, có người chết nên bên lề đường có miếu nhỏ thờ những người tử nạn ở khúc cua quẹo tử thần này.
Đến nơi chúng tôi biết là xe hàng chở cảnh trí của đoàn hát bị lọt xuống hố. Anh Thiệt, xếp dàn cảnh, đầu và tay bị băng bó, đang trả lời những câu hỏi của cảnh sát đến điều tra về tai nạn. Theo lời anh Thiệt, xe hàng đổ dốc, đến cua này thì bánh trước bị nổ, xe hơi lại đứt thắng nên đâm ngay xuống hố. Hố đá sâu hơn tám thước, xe lăng quay mấy vòng, các thùng đựng đồ hội, y trang bị văng tứ tung. Các anh dàn cảnh ngồi phía sau xe và tài xế nhảy ra khỏi xe, có mấy người bị thương nặng được xe cảnh sát cấp cứu và chở về nhà thương trong tỉnh. Hiện còn mất tích bà từ (người chuyên đốt nhang và giữ gìn bàn thờ Tổ) và hai em vệ sĩ cùng đi trong xe hàng. Anh Thiệt cho biết là đã kêu réo nhiều lần, có người leo xuống hố kiếm nhưng không thấy và không nghe trả lời. Anh Thiệt xếp dàn cảnh bị thương nên không leo xuống hố được và người leo xuống hố chỉ xuống được vài thước sâu rồi trở lên, nên không biết đích xác bà từ và hai em vệ sĩ bị chết hay bị thương nặng.
Thời may có một chiếc xe jeep nhà binh chạy đến. Họ thấy đông người đứng ngay khúc cua nguy hiểm nên dừng xe lại. Một ông trung úy đến hỏi xem chuyện gì đã xảy ra. Khi biết có ba người bị mất tích, ông trung úy nói phải tìm cách cứu lên ngay vì dù họ không bị thương mà lọt xuống hố, không cơm không nước mấy ngày chắc họ sẽ phải chết. Ông trung úy lại bàn bạc với các binh sĩ dưới quyền, có bốn anh chiến sĩ xung phong xuống hố cứu người. Ông trung úy cho cột một sợi dây thừng dài vô sau xe jeep, các anh lính nắm dây thừng đi lần lần từ miệng hố đi xuống, vừa đi vừa quan sát và kêu thật lớn tiếng. Chúng tôi nghiêng mình nhìn xuống hố theo dõi nhưng vì quá nhiều nhánh cây che khuất, chúng tôi không thấy được gì cả. Một lúc thật lâu, chừng như các anh lính xuống tới đáy hố sâu, chúng tôi nghe: Thấy rồi… thấy rồi… ba người còn nằm trong thùng xe.
Các anh lính lấy dây thừng buộc quanh bụng ba người bị nạn, mỗi anh lính nắm dây thừng đi sát kế bên để nâng đỡ cho họ nương theo dây mà leo lên. Trên nầy xe jeep chạy chậm chậm, kéo dây giúp cho các anh lính dìu ba nạn nhân lên mặt lộ dễ dàng hơn. Mất một thời gian quá lâu, bốn anh chiến sĩ Cộng Hòa mới dìu được bà từ và hai em vệ sĩ lần theo đường dây, nhờ sức kéo của xe jeep mà lên được mặt lộ.

Bà từ và hai em vệ sĩ không bị thương vì trong khoang xe hàng có một khung làm bằng ê ke sắt lớn, chia khoang xe làm ba phần, hai phần kia để thùng đồ hội và thùng đồ cá nhân nghệ sĩ. Trong khung sắt lớn đó cột ghịt chặt bàn thờ tổ và có chỗ trống cho bà từ và hai em vệ sĩ ngồi. Khi xe lật, các thùng đồ hội và thùng cá nhân của nghệ sĩ văng ra xa, bà từ và hai em ngồi trong khung sắt, bám chặt vào các thanh sắt nên chỉ một phen hoảng sợ, không bị thùng hàng hay cây cối va quẹt vào mình nên mới không bị thương. Vì họ sợ quá nên dù nghe tiếng kêu réo, họ cũng không thể trả lời được.
Bà bầu và các nghệ sĩ tin là nhờ có ông Tổ độ mà bà từ và hai em nghệ sĩ thoát chết. Năm đó đoàn hát cúng TỔ thật long trọng và mọi người tăng thêm lòng tin vào sự linh ứng của Tổ nghiệp. Tôi nghĩ chắc nhờ vào lòng tin có Tổ độ nên bà từ và hai em vệ sĩ mới bám chặt vào khung sắt, chớ nếu không thì chỉ hoảng sợ, họ cũng buông tay ra và sẽ tự đập đầu vào khung sắt đó mà bị thương.


Chuyện thứ hai: Cũng ông Tổ đoàn hát Thanh Minh-Thanh Nga:


Năm 1972, bà bầu Thơ có hai đoàn hát: đoàn Thanh Minh-Thanh Nga 1 hát tại rạp Hưng Đạo Saigon, đoàn Thanh Minh-Thanh Nga 2 tức đoàn Dạ Minh Châu do con của bà là nghệ sĩ Hữu Thìn cai quản, hát ở rạp Thủ Đô Chợ Lớn.
7 giờ tối, bà ra rạp hát Hưng Đạo, thắp nhang trên bàn thờ Tổ, xong lại salon sát vách rạp sau dàn đờn cổ nhạc, ngồi ăn trầu, nói chuyện về việc tập tuồng với tôi và soạn giả Kiên Giang. Vì tôi là Giám đốc kỹ thuật của đoàn hát nên khi tập tuồng của soạn giả nào, tôi cũng phải đến nghe chuyện tuồng, biết việc phân vai để lo y phục cho các nhân vật, cảnh trí nào của đoàn có thể dùng lại cho tuồng đó. Đang nói chuyện thì nghe tiếng Thanh Nga la: Má ơi, bàn thờ Tổ cháy kìa.
Bà bầu Thơ, tôi, Kiên Giang và các nghệ sĩ chạy lại, thấy tấm màn vàng của bàn thờ Tổ cháy rụi, lư hương thì chân nhang cháy ngún khói mịt mù. Khi dập tắt được ngọn lửa, bà bầu buồn lắm. Bà biết chính bà vừa thắp nhang ở bàn thờ Tổ, nghệ sĩ chưa vô và họ chỉ thắp nhang khi sắp bước ra sân khấu để diễn. Việc bàn Thờ Tổ cháy tấm màn và cháy ngún chân nhang thì bà biết chắc là khi cặm nhang vô lư hương, bà sơ suất, cặm không chắc, cây nhang ngã vô tấm màn mới đốt cháy màn bàn thờ Tổ.
Bà bảo tôi nhờ vợ tôi may tấm màn khác thay cho tấm bị cháy, vừa lúc đó thì anh Năm Cư quản lý rạp chạy vô báo tin: Điện thoại ở rạp Thủ Đô báo tin là hai tấm màn lớn của đoàn Dạ Minh Châu tức đoàn Thanh Minh-Thanh Nga 2 bị điện xẹt, cháy rụi. Khán giả túa chạy ra, xe chửa lửa phải tới mới dập tắt được ngọn lửa.
Bà bầu và chúng tôi vô rạp Thủ Đô trong chợ lớn mới thấy đoàn Dạ Minh Châu tan hoang. Một số khán giả tuông chạy, làm hư dàn đờn Tân Nhạc, bể các loa phóng thanh. Sở chửa lửa xịt nước, hư, gãy phong cảnh, quần áo hát, luôn cái bàn thờ Tổ cũng bị xịt nước, bể tung tóe ra.

Đoàn Dạ Minh Châu coi như rã gánh từ đêm đó. Một tháng sau đoàn Thanh Minh-Thanh Nga rã gánh ở rạp Minh Châu (cầu Ông Lãnh).
Bà bầu nói ông Tổ đã báo hiệu và trừng phạt bà. Chúng tôi không biết bà đã làm gì mà bị Tổ trừng phạt nhưng nghệ sĩ đều tin là có bàn tay vô hình nhúng vào nên mới suy sụp mau như vậy.
Chuyện về Tổ nghiệp linh ứng còn rất nhiều, xảy ra cho đoàn Việt Kịch Năm Châu, đoàn Kim Thoa, đoàn Kim Chưởng, đoàn Tiếng Chuông… những chuyện mà tôi được mục kích khi tôi cộng tác với các đoàn hát vừa kể.
Các nghệ sĩ cải lương luôn luôn sợ Tổ phạt, Tổ lấy nghề, Tổ lấy duyên sân khấu nên nỗi lo sợ đó cũng là một biện pháp tốt để răn dạy nghệ sĩ, giữ không cho nghệ sĩ phản thầy hại bạn hay làm hại đời các cô thiếu nữ mê kép, trốn cha mẹ mà hư hại cả cuộc đời.
Tôi sẽ ráng nhớ đầy đủ chi tiết các chuyện về ông Tổ của chúng tôi để kỳ tới cống hiến cho các bạn xem để hiểu về cuộc sống tinh thần của các nghệ sĩ xưa.



Nguyễn Phương 2013

 

Tác giả bài viết: meoxu & phuongdiep

Nguồn tin: TB- CAN