Nữ Ðô Ðốc Bùi Thị Xuân trên sân khấu

Nữ Ðô Ðốc Bùi Thị Xuân trên sân khấu



Vở hát “Nữ Tướng Cờ Ðào.” Cuộc đời nữ Ðô Ðốc Bùi Thị Xuân được đưa lên sân khấu ở hai thời điểm: Năm 1994 Bùi Thị Xuân (Diệu Hiền) trên sân khấu đoàn Sài Gòn 2, và năm 1996 Bùi Thị Xuân (Ngọc Huyền) trình diễn dự giải diễn viên xuất sắc.

.

Image
Nữ nghệ sĩ Ngọc Huyền trong vai nữ tướng Bùi Thị Xuân. (Hình: Bộ sưu tập của Ngành Mai)

Trải qua nhiều giai đoạn: Thoát ly với tư tưởng phù Lê của gia tộc, đi theo Tây Sơn giúp Nguyễn Huệ đánh Ðông dẹp Bắc để dựng nên nghiệp lớn. Sau khi Quang Trung mất, bà ra sức chống đỡ triều Tây Sơn với ông vua còn non trẻ, và thù trong giặc ngoài đe dọa. Tất cả, đều đã được tái hiện trong rất nhiều tác phẩm sân khấu.

Tuy có nhiều nữ nghệ sĩ đã thể hiện nhân vật Bùi Thị Xuân - nữ tướng tài ba dưới thời Tây Sơn, nhưng người xem vẫn nhớ mãi một Bùi Thị Xuân-Diệu Hiền. Hoàn toàn không ngoa khi nói rằng qua tài năng của Diệu Hiền, Bùi Thị Xuân đã trở thành một trong những hình tượng đạt đỉnh cao nghệ thuật.

Bằng một giọng ca khỏe khoắn hiếm có, sự sâu sắc đạt đến độ chín muồi khi bộc lộ những dằn vặt nội tâm giữa một bên tình, một bên trách nhiệm đang giằng xé trong lòng người nữ tướng. Với đường nét vũ đạo điệu nghệ, nhẹ nhàng nhưng dũng mãnh, đẹp mắt, Bùi Thị Xuân của Diệu Hiền đầy sức chinh phục bởi sự thành công có thể nói là hoàn chỉnh của nhân vật.

Nhớ đến Diệu Hiền là nhớ đến một Bùi Thị Xuân không đầu hàng số phận; một nữ tướng tài ba với dũng khí, lòng kiên quyết và sự sáng suốt của người anh hùng cùng những nỗi đau, những tâm tư hết sức “đời thường” của người phụ nữ đối với gia đình, v.v... Ở đây, Diệu Hiền đã góp phần quan trọng làm phong phú hóa tính cách Bùi Thị Xuân trên sân khấu.

Lần sau dự giải diễn viên xuất sắc, Bùi Thị Xuân-Ngọc Huyền chọn một trích đoạn thể hiện những giây phút cuối của cuộc đời lừng lẫy của bà. Cũng vẫn một Bùi Thị Xuân lẫm liệt, uy nghi - nhưng đó là cái uy nghi của con hổ đã sa bẫy. Không chỉ nỗi đau riêng, bà còn đau nỗi đau của cả một triều đại đã sụp đổ.

Về cái cay đắng của kẻ anh hùng, những cố gắng của Ngọc Huyền đã tạo cho trích đoạn những chấm phá ấn tượng.

Thứ nhất, đó là một Bùi Thị Xuân nghiêm khắc. Dạy con phải giữ khí tiết đã đành - bà còn kìm nén như không dám thú nhận với mình nỗi xót xa cho đứa con bé bỏng phải nằm gọn trong nanh vuốt kẻ thù. Nỗi đau mà người mẹ không dám đau - chỉ thoáng qua trong một giây ánh mắt hoảng loạn. Bà đã trấn an mình bằng đủ thứ lý lẽ để xoa dịu nỗi đau bản năng mà kẻ làm tướng không có quyền.

Tuy nhiên, nỗi đau của Bùi Thị Xuân không đơn độc. Người gác ngục đã liều chết mang đến cho bà hai vật quý nhất trong giây phút cuối. Một là băng vải đỏ quấn quanh mình, để cực hình voi giày cũng không khiến bà phải phơi bày thân thể. Chi tiết này chứng tỏ một lòng kính trọng sâu xa của quần chúng đối với bà.

Vật quý thứ hai là nắm xôi nếp quê nhà. Tiễn một người ra đi, hương nếp bay theo quyến luyến. Bùi Thị Xuân trước khi chết hẳn cũng được thỏa nguyền. Người đời không chỉ tri ân bà, họ còn thương mến bà như những người thân. Như vậy sự nghiệp của bà không uổng phí, và bản thân bà cũng rất tin vào điều đó. Bà đã nhận đầy cảm kích mà không chút ngạc nhiên. Có lẽ, bà đã luôn xác tín đến giây phút sau cùng. Ngọc Huyền đã thể hiện được điều đó, tạo được cho nhân vật một sức nặng, cho phút ra đi đậm màu bi tráng, thoát ra khỏi những tầm thường..
.

Tác giả bài viết: phuongdiep

Nguồn tin: NV