Sân khấu cải lương: Cần một cuộc cách mạng trong thế kỷ 21

Sân khấu cải lương: Cần một cuộc cách mạng trong thế kỷ 21
-Những người làm sân khấu nhiều năm qua tự nhận là không bắt kịp xu hướng của thời đại nhưng một mặt lại cứ đi đổ cho khán giả không quan tâm đến sân khấu. Hàng năm Nhà nước đổ tiền ra để nuôi các nhà hát trên toàn quốc những số tiền không phải nhỏ. Và những nghệ sĩ sân khấu với đủ các thành phần sáng tạo đang làm gì để có cái cho khán giả xem?
Bế tắc và cũ mèm trong tư duy

Trước Liên hoan sân khấu chuyên nghiệp cải lương 2012 (vừa diễn ra từ 19/10 đến 3/11), NSƯT Lê Chức- Phó chủ tịch Hội nghệ sĩ sân khấu VN- đưa ra cái nhìn: “Cần cuộc cách mạng cải lương trong thế kỷ 21 giữa thời buổi quá ít khán giả yêu thích bộ môn nghệ thuật này”. Từ ý kiến của NSƯT Lê Chức, từ những bế tắc của ngành sân khấu, cái nhìn về các khâu gọi là sáng tạo nghệ thuật của chúng ta hiện nay, cụ thể hơn là cải lương cần những gì? Có không ít hội thảo, những nhận định của các chuyên gia song quan điểm về sáng tạo nói chung vẫn không có gì mới. 10 năm nay khán giả chẳng có cơ hội giật mình, ngẫm nghĩ một cách sâu xa sau khi xem xong một vở diễn. Cái cảm giác ban đầu xâm chiếm vẫn là cũ mèm từ tư duy đến cảm xúc, thiếu những sáng tạo mới mẻ và khán giả phần nhiều ngại ngần bước đến rạp xem kịch, cải lương.


Lý giải về chuyện này, NSND Doãn Châu- Nguyên Giám đốc nhà hát kịch VN có nhận xét trực diện: “Sân khấu hiện nay tất cả các khâu đều không làm bài bản. Tôi thấy không thể chấp nhận kiểu đạo diễn làm ăn chụp giật 3 đến 5 ngày 1 vở diễn, diễn viên cũng đọc kịch bản 3 ngày- không cần biết sâu hơn về nhân vật… Hội họa cũng không cầu kỳ. Nhạc sĩ thì lấy từ đĩa nọ, đĩa kia ra để sử dụng. Muốn có cái gì lâu dài không thể làm ăn xổi được. Sân khấu luôn đòi hỏi có tiếng nói mới, có gì đọng lại, không có cái gì lạ thì đừng làm.?”

Thế nhưng thời gian qua khán giả (nói chung không nhiều vì không hào hứng mua vé) và những người trong nghề chứng kiến rất nhiều vở diễn làm vội, vở diễn không có tiếng nói mới và nhất là không đọng lại gì được ra đời theo chỉ tiêu kế hoạch… Năm này nối tiếp năm khác, không biết bao nhiêu vở diễn cũ mèm như thế được “sáng tạo” ra hàng năm.

Về điều này, diễn viên, đạo diễn Triệu Trung Kiên- người vừa giành HVC cho vở “Mê cung” tại LHSK Cải lương chuyên nghiệp 2012- nhìn nhận: “Sân khấu Việt Nam hiện nay còn nhiều điểm chưa chuyên nghiệp. Cộng với thái độ sáng tạo thiếu nghiêm túc của một số cá nhân đã sản sinh ra những tác phẩm chỉ có thể lòe bịp được một bộ phận khán giả dễ tính. Nhìn lại những vở diễn trong Liên hoan SK Cải lương vừa rồi, đa số đều cố gắng vươn đến tính chuyên nghiệp cao dù điều kiện thực sự còn vô vàn khó khăn. Nhiều tác phẩm đã cố gắng vươn tới những giá trị chuẩn mực. Mặc dù mới lấp ló những yếu tố mới, những điểm sáng”.

Muốn có đột phá, phải bắt đầu từ thay đổi tư duy

Như ý kiến ĐD Triệu Trung Kiên, thì đúng là sân khấu mới chỉ ở kiểu lấp ló những yếu tố mới, khán giả hay những người làm nghề phải gạn, phải nhìn thật kỹ may ra mới bắt được một chút gì gọi là sáng tạo. Trên một cái nền chung không chịu tư duy mới, bao giờ sân khấu mới có bước đột phá?

Nói như nhà báo Phương Hà (báo Tin tức): “Nếu chúng ta không phá, không bỏ những tư duy lối mòn sao có thể xây được một tư duy cởi mở, một cái nhìn khách quan... Thực tế khi một sản phẩm của một người xây dựng hoặc tạo ra nó, nó là con đẻ của anh ta, nên lúc nào anh ta cũng cho nó là đúng, là hoàn thiện vì anh ta không có điều kiện để tham gia tìm hiểu những cái xung quanh, kiểu như ếch ngồi đáy giếng. Tư duy lối mòn đã ăn sâu vào tiềm thức của mỗi chúng ta, đúng là sáng tạo nhưng phải biết đập phá cái cũ”.

Thực sự chả riêng gì của sân khấu hay nghệ thuật hay ngành nghề gì, thiếu những sáng tạo mới thì đương nhiên tụt hậu, xếp xó, nhét kho… Phải thẳng thắn nhìn nhận như đạo diễn Triệu Trung Kiên, may ra mới có sự đổi thay: "Chúng ta đã tự đánh mất khán giả khi tạo dựng một diện mạo cải lương không phù hợp với nhu cầu hưởng thụ của người xem hiện đại. Thực trạng của sân khấu cải lương cũng đang chịu sự chi phối của một quy luật xã hội nào đó. Khán giả không còn mặn mà với cải lương do hai nguyên nhân khách quan, và chủ quan. Nguyên nhân khách quan đến từ điều kiện xã hội. Còn nguyên nhân chủ quan đến từ chính lực lượng làm nghề. Và hiện nay thiếu trầm trọng lực lượng nghệ sỹ trẻ kế cận”.

Hằng Nga

Tác giả bài viết: meoxu

Nguồn tin: Hằng Nga - CL