Tìm Lại Thời Vang Bóng

Tìm Lại Thời Vang Bóng
Không ồn ào khuấy động dư luận như các cuộc hội thảo, tọa đàm của giới chuyên môn bàn về cách “cứu vãn” sân khấu cải lương trong thời buổi hiện nay, cũng không phô trương hoành tráng như các chương trình truyền hình trực tiếp, nhưng trong cách nghĩ, cách làm của những người thực hiện chương trình Cải lương Thuần Việt (*) đã làm cho ý nghĩa làm “một điều gì đó cho cải lương” đã vượt qua những mong muốn ban đầu.
.

NSƯT Lê Thiện (phải) và NSƯT Quế Trân trong vở Vụ án trộm trứng gà.

Trân trọng người làm nghề

Có thể thấy, để góp một chút gì đó cho cải lương trở lại với công chúng, những người thực hiện chương trình bắt đầu từ việc tìm lại những tác phẩm vang bóng một thời và đến nay chương trình đã tổ chức dàn dựng, công diễn, phát sóng định kỳ trên HTVC Thuần Việt những vở diễn tạo được tiếng vang như: Tần Nương Thất, Bên cầu dệt lụa, Trúng độc đắc, Má hồng soi kiếm bạc, Chất ngọc không tan, Vụ án trộm trứng gà, Bóng tối và ánh sáng… với sự tham gia dàn dựng của các đạo diễn uy tín: NSND Bạch Tuyết, NSND Trần Ngọc Giàu, NSƯT Trần Minh Ngọc, NSƯT Ca Lê Hồng, đạo diễn Lê Văn Tỉnh, NSƯT Kim Tử Long... Đây là những kịch bản hay của sân khấu cải lương một thời mà chỉ cần nhắc đến tên của tác giả thôi cũng đã khẳng định được sức sống của tác phẩm trong lòng công chúng như: Trương Huyền, Thanh Tòng, Hà Triều, Hoa Phượng, Ngọc Linh…

Chủ đích của những người làm chương trình không phải lặp lại, ăn vào cái bóng của những vở diễn và các nghệ sĩ ngày xưa mà họ tạo ra được sự phát triển có kế thừa của loại hình nghệ thuật dân tộc. Chương trình đã huy động được lực lượng diễn viên xưa và nay cùng chung trong một vở diễn, tạo ra những lối diễn cũ mới đan xen, thú vị. Một NSƯT Hùng Minh từng nổi danh một thời với vai Nguyễn Thế Nam già dặn, lắm mưu mô trên sân khấu, một NSƯT Thanh Nguyệt vẫn sắc sảo trong vai bà vú như ngày nào bên cạnh một lối diễn trẻ trung của NSƯT Thoại Mỹ (vai Vân), NSƯT Phương Loan (vai Loan), NSƯT Tấn Giao (vai Vĩnh)… trong vở Bóng tối và ánh sáng vừa công diễn tại Nhà hát Thành phố đã minh chứng một điều rằng sự cộng hưởng ấy là việc làm hiệu quả và đáng trân trọng.

Nghệ sĩ xin tập thêm giờ và...

Có tham gia những buổi tập mới thấy hết cái tâm của những người tham gia trong chương trình. NSND Bạch Tuyết một thời nổi tiếng với vai Tần Nương Thất nay trở lại với vai trò đạo diễn đã không giấu nghề mà dốc hết tâm huyết để truyền lại vai diễn này cho nghệ sĩ trẻ Tú Sương. Những bước chân, điệu bộ như bị thôi miên của bà chính là tấm gương cho thế hệ trẻ noi theo.

Một buổi tập tại rạp Thủ Đô trong cái nóng như thiêu đốt người ta vẫn thấy có một ông già thường hay đến xì xào với đạo diễn - NSƯT Ca Lê Hồng, sau đó chạy lên sân khấu để thị phạm, hướng dẫn cho các diễn viên. Ông chính là tác giả Trương Huyền, từng là một vị thành viên khó tính trong Hội đồng nghệ thuật của Sở VH-TT (nay là Sở VH-TT-DL) TPHCM một thời. Là tác giả nhưng ông dường như có mặt ở hầu hết các buổi tập của vở diễn. Có đến Nhà hát Thành phố trong đêm công diễn vở Vụ án trộm trứng gà, nhìn cảnh hai ông già (đạo diễn Lê Văn Tỉnh và tác giả Trương Huyền) cùng cười tươi đón từng khách mời, cùng khán giả chụp hình với những cái trứng gà trên tay mới thấy hết cái tâm của họ đối với chương trình.

Còn NSƯT Hùng Minh trong lần tập lại vở Bóng tối và ánh sáng ở rạp Công Nhân đã bất ngờ bị “mệt” làm cho anh em nghệ sĩ một lần hoảng hồn. Đang tập bỗng nhiên ông đứng dậy lảo đảo rồi thở gấp, mọi người mời ông nên đi về nghỉ nhưng ông cứ ngồi đó vì muốn “con cháu nó thuộc lời diễn mới hay”. Kịch bản 49 trang ông có mặt hết 46 trang, ông không tập thì các nghệ sĩ khác tập sao được! Vậy là ông ngồi đó vừa tập vừa… có người đứng sau lưng xoa dầu, đến khi không chịu nổi ông mới chịu xuống khỏi sân khấu. Một cái giường dã chiến được bố trí để ông nằm bên dưới sân khấu, lát sau hết chịu nổi ông mới chịu về gặp bác sĩ.

Lúc tập vở Bóng tối và ánh sáng, nhiều nghệ sĩ đã xin tập thêm ngoài giờ, NSƯT Phượng Loan và NSƯT Tấn Giao đã tâm sự: “Lâu lắm rồi mới có cảnh diễn viên xin tập thêm như vầy!”. Quả thật lâu rồi mới có cái cảnh mà đạo diễn vắng mặt (do diễn viên xin tập thêm ngày) mà diễn viên cứ răm rắp trên sân khấu đến vậy, người đi trước thị phạm, hướng dẫn từng chi tiết cho người đi sau. Khoảng cách giữa nghệ sĩ lão làng và nghệ sĩ trẻ không còn nữa, thay vào đó là tình cảm, trách nhiệm với vở diễn sao cho hiệu quả nhất.
Việc chọn địa điểm biểu diễn là Nhà hát Thành phố, một địa điểm vốn chỉ dành cho nghệ thuật hàn lâm và những sự kiện sang trọng cũng đã nói lên được tấm lòng của những người làm chương trình. Khán giả đi xem được yêu cầu phải mặc trang phục đẹp mới được vào khán phòng, trong thư mời hay vé điều có dòng ghi chú “Đề nghị quý khán giả mặc trang phục đẹp”. Ông Lê Đức Hùng, Giám đốc Trung tâm truyền hình cáp TPHCM, cho biết: “Mình phải tập dần cho khán giả khi xem cải lương cũng phải ăn mặc đẹp, phải ứng xử văn hóa, làm thế cũng là để trân trọng nghệ thuật của dân tộc”.

–––––––

(*) Chương trình Cải lương Thuần Việt được biểu diễn, thu hình tại Nhà hát Thành phố và được phát sóng thường xuyên trên kênh HTVC Thuần Việt.

Huỳnh Công Duẩn

Tác giả bài viết: tancogiaoduyen

Nguồn tin: SGGP