Vai diễn giả trai, giả gái: Nét độc đáo trong nghệ thuật sân khấu truyền thống

Vai diễn giả trai, giả gái: Nét độc đáo trong nghệ thuật sân khấu truyền thống


Trên sân khấu kịch hiện đại hay phim truyền hình, thỉnh thoảng vẫn bắt gặp hình ảnh nam đóng giả nữ hay ngược lại. Ít ai biết rằng, hiện tượng “chuyển giới” này trong các loại hình kịch hát như tuồng, chèo, cải lương… đã có từ lâu. Ðó là nét độc đáo trong nghệ thuật sân khấu truyền thống, thể hiện tài năng của diễn viên và là cách tạo tính hấp dẫn, lôi cuốn cho nghệ thuật sân khấu.

1. Trên sân khấu tuồng Bình Định nửa sau thế kỷ XX đã phổ biến hiện tượng kép vào vai đào, bởi thời điểm đó con gái không được theo nghề hát. Một số kép đã từng kinh qua vai đào như chánh ca Đông, Vũ Ngọc Liễn… Chánh ca Đông bắt đầu nổi tiếng từ những vai đào như Nguyệt Cô, Điêu Thuyền, Lan Anh, Trại Ba… Không có làn hơi thiên phú, nhưng ông kiên trì tập luyện phát âm tròn vành rõ chữ, ngữ khí, ngữ điệu nhuần nhuyễn. Vì thế, ông vào các vai đào rất truyền cảm, mềm mại, để lại ấn tượng tốt trong lòng khán giả.

NSND Minh Ngọc đóng vai Bích Đào (người quỳ) trong vở tuồng “Diễn võ đình”.

Hay NSƯT Ngọc Cầm đã từng lay động khán giả qua giọng hát khỏe, vang, cao, ấm áp cộng với thân hình cao lớn, phong thái hào hoa phong nhã khi vào các vai kép. Sau vai Địch Thanh làm say lòng bao người hâm mộ là các vai Lộ Địch, Tiết Nhơn Quý, Phạm Công… Mỗi vai một vẻ nhưng ai cũng cảm nhận được rằng “kép” Ngọc Cầm quá đẹp bởi kết hợp nhuần nhuyễn giữa vẻ oai phong lẫm liệt của kép võ với dáng nho nhã, đa tình của kép văn.

Nhưng vai kép thành công nhất của NSƯT Ngọc Cầm phải kể đến vai Lữ Bố (vở tuồng “Phụng Nghi Đình”). Ở vai diễn này, NSƯT Ngọc Cầm đã thể hiện vô cùng hoàn mỹ phong thái uy vũ, kiêu hùng của một viên dõng tướng nhưng đồng thời cũng rất đa tình, hào hoa của một trang nam tử cao ngạo, khinh mạn. Cách hát lúc thì lên giọng vênh vang khoe mẽ, lúc thì hạ giọng tỉ tê của Lữ Bố khi dụ dỗ Điêu Thuyền đã được Ngọc Cầm thể hiện vô cùng điệu nghệ, tới nay vẫn chưa có nữ diễn viên nào đóng kép sánh kịp.

2. Đó là chuyện diễn viên nam đóng vai nữ, diễn viên nữ đóng vai nam. Điều thú vị trong các lớp tuồng của kịch hát dân tộc còn là hiện tượng nhân vật nam giả nữ hoặc ngược lại.

Trong vở “Diễn võ đình”, tráng sĩ Triệu Khánh Sanh là một anh hùng tuổi trẻ tài cao nhưng phải giả gái (đặt tên là Bích Đào) để bảo toàn tính mạng trước sự truy sát của tên gian thần Bàng Hồng muốn tiêu diệt cả dòng họ Triệu: “Dứt dây cửi buộc chân chí khí/ Xách khuôn thêu đè mặt hùng anh”. Bích Đào ăn nói nhỏ nhẹ, dịu dàng, ứng khẩu nhanh nhẹn, khôn khéo khi được Kiều Quang dạy nghề thêu dệt: “Luồn chỉ thắm - Chắp tơ mành/ Cúc trắng mai vàng thưa thớt nhụy”. Nhưng cũng rất đa tình, hào hoa, lãng mạn khi trêu ghẹo Kiều Quang: “Chim xanh lá đỏ ngẩn ngơ tình”.

Khi chỉ có một mình, trở lại tính cách nam nhi, Triệu Khánh Sanh rất dữ dội, uất hận lúc đối diện với chính mình đang bị tên gian thần khét tiếng Bàng Hồng đuổi bắt: “Ớ Bàng Hồng! Tao nói thiệt/ Cánh hộc hồng (mà) gặp gió liệng mây xanh, thì…/ Xương ưng khuyển (tao) nghiền tro quăng biển bạc”. Quả thật, Bích Đào học thêu là một lớp tuồng hấp dẫn, thú vị cho người xem và là mẫu mực cho diễn viên phát triển nghề nghiệp.

Ngược lại, vở “Nỗi oan tình” (còn có tên gọi khác là “Chiếc bóng oan khiên”) lại có tình tiết gái giả trai. Nàng Mai Hương rất nết na, yêu thương chồng con. Để giúp con vơi nỗi nhớ cha, nàng chỉ vào chiếc bóng của mình trên tường vào mỗi buổi tối và bảo với con đó là cha nó. Không ngờ, Mai Hương bị chồng vu oan là không chung thủy bởi con không nhận cha lúc chồng trở về. Nàng tự vẫn, được nhà sư cứu giúp và đem về chùa dạy võ.

Lúc đất nước gặp nạn can qua, nàng đóng giả nam nhi, lấy tên chồng là Trịnh Lang và xin gia nhập đội quân của Tổng trấn Lê Trung giúp vua đánh giặc cứu nước, trở thành một phó tướng tài ba lỗi lạc. Hết họa binh đao, nàng được trọng dụng làm Quan Tổng trấn. Oái ăm thay, lúc này công chúa đã phải lòng Trịnh Lang, gây khó xử cho nàng. Kết thúc câu chuyện những tưởng, với việc đóng giả trai, nàng sẽ bị nhà vua trị tội. Nhưng ông đã anh minh nhận ra tài đức vẹn toàn của người phụ nữ kiên trinh, tha chết cho nàng và gia đình họ được đoàn viên.

3. Có thể nói, việc “hoán đổi giới tính” trong các tình huống éo le, bất khả kháng có tác dụng tích cực đối với bản thân nhân vật, đồng thời gây hứng thú, lôi cuốn khán giả là sáng tạo độc đáo của nghệ thuật sân khấu dân tộc. Nhưng đối với diễn viên, việc “chuyển giới” là vai diễn không hề dễ.

NSND Minh Ngọc, người đã từng đảm nhiệm vai Triệu Khánh Sanh giả gái đoạt huy chương Vàng tại Liên hoan nghệ thuật tuồng truyền thống toàn quốc 2008, cho biết: “Khi nhận nhiệm vụ đóng giả cô gái trong vở “Diễn võ đình” tôi cũng rất băn khoăn, bởi tuổi đời mình không còn trẻ. Nhưng bằng kinh nghiệm lâu năm trong nghề cộng với chịu khó quan sát thực tế cuộc sống, như tìm hiểu cách cầm kim, xỏ chỉ ra sao, đi lại thế nào… đã giúp tôi hoàn thành vai diễn này”.

Thành công của các NSƯT Ngọc Cầm, NSND Hòa Bình, NSND Minh Ngọc khi “chuyển giới” trên sân khấu tuồng Bình Định là một minh chứng sinh động thể hiện sức cuốn hút của dạng vai diễn này. Qua đó cũng cho thấy sự đa năng của các nghệ sĩ tên tuổi. Từ đào họ có thể đóng kép và ngược lại từ kép họ có thể chuyển đào. Giả trai, giả gái trong kịch hát dân tộc thực sự là “mảnh đất màu mỡ” để người nghệ sĩ bộc lộ tài năng của mình trên nhiều phương diện.

NGUYỄN THÚY HƯỜNG

Tác giả bài viết: tancogiaoduyen