Tuy chỉ mới diễn ra những ngày sơ tuyển đầu tiên nhưng mùa “Chuông vàng vọng cổ” 2017 đã ghi nhận nhiều trường hợp khá đặc biệt. Đầu tiên phải kể đến những gương mặt đã từng lọt vào vòng tuyển chọn năm 2016 như: Nguyễn Quốc Nhựt, Huỳnh Văn Tánh và Tống Thị Yến Nhi. Sau một năm tập luyện, các bạn trở lại với “Chuông vàng vọng cổ” với nhiều kỳ vọng cùng với sự tự tin về khả năng của mình. Quốc Nhựt chia sẻ: “Sau khi được lọt vào vòng tuyển chọn, nhận được sự góp ý của các nghệ sĩ, Nhựt đã dần khắc phục những hạn chế trong cách lấy hơi và tư duy chọn bài”. Còn cô gái Yến Nhi tỏ ra rụt rè: “Mỗi lần thất bại là mỗi lần em học được những bài học kinh nghiệm cho mình để từ đó phấn đấu hơn nữa”.
Từ trái sang: Nguyễn Quốc Nhựt, Tống Thị Yến Nhi và Huỳnh Văn Tánh (Ảnh: Thanh Nhàn) |
Trong giới khán giả mộ điệu, có lẽ nhiều người biết đến Diễn đàn Cải lương số. Đây là một câu lạc bộ được thành lập từ một nhóm bạn có chung niềm đam mê đối với vọng cổ. Làn điệu ngọt ngào, lời ca sâu sắc mang đậm hơi thở của miền đất Nam bộ đã kết nối những người cùng chung sở thích với nhau. Họ cùng gặp gỡ, trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm và giao lưu, học hỏi để giúp nhau tiến bộ trong cách ca. Từ một hoạt động nhỏ, các thành viên có được sự tự tin và vươn đến sân chơi chuyên nghiệp như cuộc thi “Chuông vàng vọng cổ” là một ví dụ. Lần này, bốn thành viên của Cải lương số đã cùng đăng ký tham gia “Chuông vàng vọng cổ” tại cụm 4. Không có khái niệm “đối thủ”, người ngồi dưới lo lắng hơn cả bạn thi trên sân khấu, chỉ “hy vọng bạn hoàn thành tốt phần thi”.
Bạn Trương Huỳnh Anh Nhi (Diễn đàn Cải lương số) thể hiện phần thi trên sân khấu (Ảnh: Thanh Nhàn) |
Chưa khi nào chúng ta thôi niềm tin rằng cải lương sẽ luôn sống mãi như lúc này. Đến với “Chuông vàng vọng cổ” năm nay, Ban giám khảo được lắng nghe những giọng ca mà tuổi đời còn rất trẻ, chỉ vừa chớm 16, 17 tuổi. Có thể còn sự non nớt trong giọng ca, sự run rẩy khi đứng trên sân khấu và thấy đông khán giả ngồi dưới khán phòng, sự lo sợ khi thể hiện trước Ban giám khảo – những người có thâm niên trong nghề. Tuy nhiên, ánh lên trong đôi mắt ấy là sự say mê vô hạn dành cho bộ môn này. Em Đỗ Thị Bích Trầm (17 tuổi) thổ lộ qua khóe miệng tươi tắn: “Con thích cải lương lắm. Năm nay con đi thi để lấy kinh nghiệm. Nếu có rớt con cũng không buồn và con sẽ trở lại vào năm sau”.
Cha đi ủng hộ tinh thần cho con gái Bích Trầm (Ảnh: Thanh Nhàn) |
Khi câu hát cất lên, lòng người như gần lại rồi vỡ òa khi một thí sinh xuống vọng cổ ngọt bùi tai. Những người trẻ đang nắm trong tay ngọn lửa để gìn giữ và phát huy nét đẹp nghệ thuật truyền thống của dân tộc Việt Nam.
Ý kiến bạn đọc