Văn nghệ sĩ trước thềm Festival

Văn nghệ sĩ trước thềm Festival


Chỉ còn khoảng một tháng nữa, Festival Đờn ca tài tử quốc gia lần I - Bạc Liêu 2014 (gọi tắt là Festival) sẽ diễn ra. Hơn ai hết, giới văn nghệ sĩ là những người trông đợi sự kiện này nhất. Chúng ta hãy cùng lắng nghe những chia sẻ về cảm xúc trước thềm Festival, cũng như những chuẩn bị của họ khi tham gia “ngày hội tài tử” quan trọng này…



 

Image



* Nghệ sĩ sân khấu Trần Khánh: Tự hào khi được tham gia Festival tại Bạc Liêu

Khi hay tin Bạc Liêu đăng cai tổ chức Festival, tôi đã chuẩn bị tâm thế sẵn sàng tham gia ngày hội này. Có hạnh phúc và tự hào nào bằng khi bộ môn nghệ thuật mình theo đuổi lại có ngày được thế giới vinh danh và được đất nước tôn vinh bằng một sự kiện trọng đại với nhiều hoạt động ý nghĩa. Đâu chỉ hạnh phúc, tôi còn rất tự hào khi được mời với tư cách thành viên trong nhiều tổ tư vấn để tổ chức các hoạt động. Đó là: tổ tư vấn của Tỉnh ủy về việc trưng bày các di tích xoay quanh sự nghiệp của Cao Văn Lầu; tổ tư vấn về kịch bản sân khấu hóa để trình diễn trong sự kiện Festival; tổ tư vấn của Sở VH-TT&DL để chuẩn bị nội dung cho hội thảo về việc đưa ĐCTT vào học đường.

Không những thế, tôi còn chủ động sáng tác 20 bản tổ nói về Bạc Liêu, 12 bài vọng cổ ở các loại nhịp 2, 4, 8, 16 và 32 và tân cổ. Các tác phẩm này đã được Liên hiệp Hội VHNT tỉnh in thành tuyển tập và đã phát hành rộng rãi để các đơn vị tham khảo. Quyển sách cũng là tâm huyết của tôi như một bước chuẩn bị để phía cơ sở có tài liệu học các bài ca mới, cũng vừa như một hình thức quảng bá về đất tài tử Bạc Liêu đến các tỉnh, thành trong cả nước khi Festival diễn ra.

Điều tôi trăn trở là làm sao để nhiều người có thể tiếp cận và học lời mới sáng tác về Bạc Liêu thì công tác tuyên truyền về Festival và quảng bá cho hình ảnh của Bạc Liêu mới thật sự thành công.


 

Image


* Trần Thị Trúc Ny (CLB ĐCTT Hồ Nam): Háo hức chào đón Festival diễn ra

Với thâm niên trên 10 năm đi ca diễn tài tử ở nhiều sân khấu lớn nhỏ, tôi có thể khá tự tin với “tài lẻ” của mình, vậy mà, trước thềm Festival tôi lại có cảm giác hồi hộp, nôn nao khó tả. Cảm giác vui mừng và phấn khởi luôn chiếm hết tâm trí tôi mỗi lần tập dượt cùng anh em đồng nghiệp. Cùng với một số tài tử ca khác, tôi cũng đang thu 104 câu Nam Ai để chuẩn bị cho chương trình hoàn chỉnh 20 bản tổ thống nhất cả nước. Ngoài ra, tôi còn tự tập thêm một số bài vọng cổ nhịp 16 để chuẩn bị cho cuộc tranh tài trong cuộc thi tài tử với 20 tỉnh, thành sắp tới.

Tuy tốn nhiều công sức, căng thẳng vì phải học lời ca, hát theo nhịp chuẩn của cả nước, nhưng khi nghĩ tới việc góp sức của mình vào thành công của Festival, tôi cảm thấy công lao bỏ ra thật xứng đáng! Bởi từ bây giờ, đờn ca tài tử không chỉ đơn thuần là bộ môn nghệ thuật chơi cho vui nữa, mà đã chính thức bước lên sàn diễn một cách trang trọng và chuyên nghiệp.

 

Image


* Nghệ nhân đờn Phạm Văn Loan (Tư Loan): Cực nhưng mà vui

Trong số các hoạt động nằm trong khuôn khổ của Festival, chúng tôi có chuẩn bị thu 20 bản tổ theo đúng chuẩn của Viện Âm nhạc Quốc gia. Đây là hoạt động thật sự khó đối với giới nghệ sĩ chúng tôi. Bởi lẽ, bấy lâu nay giới nhạc công tài tử đều đờn theo cảm tính của mỗi người, cảm thấy hay thì đờn tới vậy thôi miễn đúng chữ đờn và dìu theo giọng của tài tử ca cho đúng nhịp. Còn bây giờ, khi ĐCTT đã được UNESCO công nhận là di sản phi vật thể của nhân loại thì tất cả 21 tỉnh, thành có chơi bộ môn này đều phải đờn theo khung chuẩn. Dù có cực, nhưng tôi vẫn cảm thấy rất phấn khởi khi Bạc Liêu được mọi người đặt niềm tin tổ chức sự kiện này.

Là 1 trong số 5 “tay đờn” được tỉnh chọn để tham gia tranh tài với 20 tỉnh, thành khác, tôi cảm thấy thật tự hào. Cho nên, tôi đang cùng với các nghệ nhân đờn ra sức tập luyện các bài bản cho nhuần nhuyễn để chuẩn bị bước vào “cuộc chơi” lớn trên chính sân nhà.

 

Ngọc Trân

Tác giả bài viết: meoxu

Nguồn tin: BLO