Đạo diễn, NSƯT Triệu Trung Kiên:Làm nghề với tâm thế kiên nhẫn...

Đạo diễn, NSƯT Triệu Trung Kiên:Làm nghề với tâm thế kiên nhẫn...

Năm năm gần đây, giữa sự lay lắt chung của sân khấu cải lương bắc, Trung Kiên bỗng nổi lên như một gương mặt tiêu biểu của lứa đạo diễn trẻ. Nhưng, cuộc trò chuyện với anh lần này không dừng ở nghề đạo diễn. Xa hơn, đó là chuyện của một người đang hì hục ngược dòng, gắng tìm "lối ra" trong cảnh chợ chiều của môn nghệ thuật truyền thống này từ mọi cương vị: tác giả, đạo diễn, diễn viên, tổ chức biểu diễn. Và cả ở vai trò chủ nhân của "chợ giao dịch kịch bản ảo"
Vừa làm vừa nghe ngóng

- Anh là một trong rất ít những soạn giả phía bắc vẫn miệt mài viết hoặc chuyển thể kịch bản cải lương. Và, việc mở "chợ kịch" có liên quan chút gì tới đặc thù ấy không?


- Phần nào là có đấy. Là một đạo diễn, tôi đã thấm thía cảnh ngộ loay hoay mãi mà không chọn được một kịch bản nào phù hợp với ý tưởng hoặc phong cách dàn dựng của mình. Mà, những kịch bản lớn, có giá trị cao, thì hoặc đã được dàn dựng quá nhiều, hoặc đã được đặt hàng trước để chuyển cho các đạo diễn tên tuổi rồi. Trước đây, khi dựng vở, các đoàn sân khấu vẫn "gom" kịch bản từ các nguồn khác nhau. Chọn mãi không được cái nào ưng ý thì cũng tới lúc uể oải, rồi biện pháp giải quyết phổ biến là nhặt ra một kịch bản khả dĩ nhất, và đặt hy vọng vào khả năng "thêm da đắp thịt" của đạo diễn để hoàn thiện hơn.

Bây giờ, nếu có một chợ kịch bản đủ lớn, sự lựa chọn của cả trăm đoàn nghệ thuật trên cả nước sẽ thuận lợi hơn rất nhiều.

Thậm chí, ngay từ bước đầu tiên, khi đọc đề cương hoặc tóm tắt, họ đã có thể tự sàng lọc để tìm về những kịch bản gần với nhu cầu của mình nhất...

- Vắn tắt, chokich.vn hoạt động theo nguyên tắc không quá phức tạp: Các đoàn vào đây để tìm kịch bản phù hợp, các tác giả sẽ "bán" kịch bản và trích lại mức phí cho các anh trong trường hợp giao dịch thành công. Nhưng, để quen với cách làm đó thì có rất nhiều điều phải thay đổi, mà trước hết là cách nghĩ của các tác giả sân khấu...

- Sự hồ nghi, băn khoăn của các tác giả cũng có đấy, bởi dù sao đây cũng là một cách giao dịch khá mới từ trước tới nay. Bởi vậy, có những tác giả làm việc với chokich.vn với tâm lý vừa làm vừa "nghe ngóng", và có cả những tác giả không mấy mặn mà. Tôi nghĩ, mọi việc cần có thời gian. Nếu chợ kịch hoạt động ổn định và rõ ràng về đường hướng, thì tôi tin giới sân khấu cũng sẽ dần chấp nhận thôi.

- Còn một câu chuyện nữa, đó là những "kênh giao dịch" riêng của các tác giả. Họ có sẵn lòng bỏ cách làm truyền thống ấy để tham gia vào chợ kịch của anh không?

- Quả thật, khi được mời, cũng có tác giả cao tuổi trả lời: Cảm ơn, nhưng chú không cần môi giới gì cả, vì từ trước tới giờ viết xong kịch bản nào cũng lập tức có đoàn xin dựng. Tôi giải thích: Trong bối cảnh khan hiếm kịch bản hay như bây giờ, rất nhiều đoàn vẫn có nhu cầu dựng lại những kịch bản cũ, miễn là đạt chất lượng cao. Và, họ có thể dễ dàng tiếp cận với kịch bản ấy, với sự bảo đảm và kiểm chứng của chokich.vn, thay vì lòng vòng mượn nhau. Hơn nữa, cái cháu cần là sự xuất hiện của chú ở chợ kịch ảo này. Được như vậy sẽ là điều khích lệ lớn với các tác giả trẻ.

Một tín hiệu vui khác: Đến giờ, hơn một chục tác giả trẻ đã liên hệ với tôi để gửi kịch bản lên chokich.vn. Trong đó, có một vài tác giả tôi tin là có tiềm năng lớn, như trường hợp của Nguyễn Toàn Thắng (Nhà hát kịch Việt Nam). Đó là điều quan trọng lắm, bởi những gương mặt trẻ như vậy chính là các kịch tác gia tiềm năng của sân khấu trong vài năm nữa...

Không thể mãi định kiến

- Sự thật, sân khấu cũng ít có tiền lệ về nạn "đạo kịch bản". Nhưng, chúng ta cũng có một tiền lệ đáng buồn khác ở những bộ môn nghệ thuật bạn, đó là việc tranh chấp bản quyền rất ít khi được giải quyết đến tận cùng và luôn gây khó khăn, ức chế cho những người theo đuổi vụ việc. Vậy, trong vai trò một cầu nối trung gian, nguồn thù lao mà chokich.vn mang lại trong tương lai có xứng đáng với những rủi ro có thể đi kèm không?

- Tôi hiểu điều đó. Hiện tại, khi bàn giao kịch bản miễn phí cho những đơn vị quan tâm, chợ kịch cũng chỉ có thể yêu cầu họ ký xác nhận rằng đã mượn kịch bản này để tham khảo từ trang web. Đó là cơ sở pháp lý hiếm hoi để giải quyết mọi việc nếu có rủi ro gì. Và thực tế, đến giờ chokich.vn cũng mới chỉ có một phiên giao dịch duy nhất, khi Nhà hát chèo Việt Nam mua kịch bản Bắc Lệ đền thiêng của... tôi. Không giấu gì, việc hợp tác này đã diễn ra từ trước đó, tuy nhiên tôi muốn đưa về chokich.vn để giao dịch và cắt lại mức phí cho trang web nhằm tạo ra một khởi đầu thuận lợi.

Để lo lắng, sẽ có rất nhiều điều đáng lo, trong bối cảnh chung về sân khấu và luật bản quyền của chúng ta hiện nay.

Nhưng, mọi thứ vẫn cứ phải tiến hành, bởi sân khấu bắt đầu cần tới một chợ giao dịch như vậy rồi. Chúng ta không thể mãi giữ những định kiến về sự lạc hậu, trì trệ của sân khấu phía bắc cả về chất lượng cũng như cách làm việc manh mún, thiếu chuyên nghiệp.

- Ở tuổi 43, anh được coi là một đạo diễn trẻ hiếm hoi của sân khấu cải lương bắc. Rồi anh mở Công ty truyền thông HK, mở chợ kịch, tổ chức chương trình Khoảng trời phương Namđể giới thiệu ẩm thực Nam Bộ và đờn ca tài tử Nam Bộ với khán giả Hà Nội. Đâu là lý do chính để anh vẫn miệt mài với kỳ vọng... tìm chỗ đứng cho cải lương ở bối cảnh hiện tại như thế?

- Tôi nghĩ, mọi thứ giống như một cái nghiệp. Bố mẹ tôi đều hoạt động trong ngành cải lương, tôi theo nghề diễn viên từ rất sớm. Rồi, đi học đạo diễn để có thêm những cảm xúc mới và được làm nghề nhiều hơn. Rồi không tìm được kịch bản ưng ý thì mày mò tự viết lấy. Cả việc mở công ty, đó cũng là một cách để tìm thêm những hoạt động phụ trợ, bớt đi sự ỷ lại khi ngồi trong một cơ quan nhà nước để có điều kiện học thêm những kinh nghiệm quý hơn.

Nói vui, nếu để kiếm tiền, hẳn trong chúng ta không ai sẽ đi theo con đường của sân khấu chuyên nghiệp trong giai đoạn này cả. Nhưng, khi đã là cái nghiệp, tôi cảm thấy vui với những gì mình đã làm được và không bao giờ có chút ân hận nào về sự lựa chọn này. Sân khấu khó khăn, nhưng theo quy luật phát triển, rồi sẽ đến lúc nó dần hồi sinh trở lại. Có thể trong thời gian sắp tới, hoặc cũng có thể còn rất lâu, rất lâu sau này.

Nhưng, đã làm nghề, chúng ta cần cố hết sức để rút ngắn bớt quãng đường đấy, với tâm thế kiên nhẫn và không nôn nóng...

- Xin cảm ơn và chúc anh thành công với lựa chọn của mình.

"NSƯT Triệu Trung Kiên sinh năm 1971, hiện đang là Trưởng đoàn 1 Nhà hát Cải lương Việt Nam.
Image

Từng giành Giải B cuộc thi Tài năng đạo diễn trẻ toàn quốc năm 2007 với vở diễn Dấu ấn giao thời, HCB Hội diễn sân khấu Cải lương chuyên nghiệp toàn quốc năm 2009 với vở diễn Đế đô sóng cả, HCV Liên hoan sân khấu Cải lương chuyên nghiệp toàn quốc 2012 với vở Mê cung. Đã giành một số giải thưởng kịch bản sân khấu với các tác phẩm Dấu ấn giao thời, Đế đô sóng cả...


VI NGUYỄN

Tác giả bài viết: meoxu

Nguồn tin: ND