CẢI LƯƠNG VÀO MÙA HÁT CHẦU KỲ 2: TIẾNG TRỐNG CHẦU

CẢI LƯƠNG VÀO MÙA HÁT CHẦU  KỲ 2: TIẾNG TRỐNG CHẦU
CLVNCOM - Nếu như ở bài viết trước là "tam niên đáo lệ Kỳ yên" nói về thời gian bắt đầu một mùa hát chầu trong năm với những tên đoàn hát xưa, những nghệ sỹ biểu diễn nghệ thuật tuồng cổ... hay những nỗi nhớ ai hoài ... thì ở bài viết này người viết muốn nói đến tiềng trống trong mùa hát chầu hay còn gọi là tiếng trống chầu.
Lễ Kỳ yên từ lâu được xem là văn hóa tín ngưỡng trong dân gian, đã ăn sâu trong tìm thức người Việt Nam bao đời với nhiều hoạt động, sinh hoạt, phong tục phong phú ... là nơi hội tụ giao lưu và kết nối tình cảm bà con, làng xóm, của những người xa xứ tìm về nguồn cội ... 

Image

Không là hương, không là hoa nhưng cũng đủ làm xao xuyến, thúc giục, đam mê đến đê mê lạ thường bao trái tim, làm nhớ nhung lòng ai, làm bồi hồi, phấn khởi, hối hả đến lạ thường ... buộc con người ta phải tất tả chạy tới gần hơn, thật gần mới được! 

Image

Tiếng trống chầu trong Lễ Kỳ yên có một sức hấp dẫn khó tả vô lượng! Nếu không đâu phải tự nhiên mà thành? Nếu không đâu dễ gì mà qui tụ bao người đến, vui vẻ, hồ hởi, hân hoan? Đâu phải những người bình dân xưa trong làng, trong xóm hay những nam thanh, nữ tú bị cuốn hút bởi tiếng trồng chầu xa xa ... mà còn cả đào, kép hát ... những con người đã trót gởi phận đời mình theo nhặt khoan tiếng trống chầu - thứ hạnh phúc mà không dễ gì nơi đâu có được hay ai mang đến cho ai mà đó là sự tương tác của tiếng trống chầu với người nghệ sỹ nơi sân đình.

Sự tương tác ấy như thế nào mà tiếng tiếng trống chầu lại gắn kết bao tâm hồn, cung điệu đến thế?

Image

Lễ Kỳ yên được hiểu là lễ cầu an, lễ tế thần Thành Hoàng lớn nhất trong một năm ở một ngôi đình thần ở Nam Bộ, mỗi năm có 2 lệ cúng: thượng đền và hạ điền, có nghĩa là bắt đầu mùa vụ mới người ta cũng làm lễ tế thần cầu một năm mưa thuận, gió hòa, mùa màng bội thu và làm lễ tế sau một mùa thu hoạch như mong đợi để cầu sự bình yên...


Trở lại với tiếng trống chầu. Để bắt đầu một buổi hát chầu, người cầm chầu đánh nhẹ dằn roi trống một tiếng - điều này cũng là báo một tín hiểu rằng phía bên trong sân khấu, đoàn hát đã chuẩn bị xong chưa? Tiếng vang động của trống, bà con nghe được cũng hiểu là đã sắp đến giờ biểu diễn mọi người tập trung, ổn định chỗ ngồi chuẩn bị xem hát. Sau tiếng trống "thùng rụp" báo hiệu đó, từ phía trong sân khấu sẽ có tiếng trống "cờ rụp" của dàn nhạc - ý chỉ báo hiệu đã chuẩn bị xong, sau đó người có uy tín trong đoàn hát sẽ giới thiệu chương trình biểu diễn...

Nghệ thuật có thì sẽ có phê bình nghệ thuật bằng lời văn, ca từ, bài viết, hát chầu là biểu diễn phục vụ quần chúng và quần chúng của loại hình này cũng tham gia phê bình bằng roi tuồng, roi tuồng ấy là gì mà sao đem lại hiệu quả trực tiếp và rất thanh lịch?

Thế nên, người đánh trống chầu cũng là người người am hiểu nghệ thuật không kém đào, kép hát. Vì vậy, tiếng trống chầu được xem là roi tuồng, không phải thứ lý luận suông mà có cả một qui luật hẳn hoi.

Image

Sau hồi đối đáp, báo tín hiệu qua lại như thế, tiếng trống chầu bắt đầu nổi lên thúc giục diễn viên ra sân khấu biểu diễn - đó còn được gọi là trống khai trường và được đánh theo mùa: "Xuân tam, hạ cử, thu thất, đông nhị” - nghĩa là vào mùa xuân thì trống khai trường đánh ba tiếng, mùa hạ thì đánh chín tiếng, mùa thu thì đánh bảy tiếng và mùa đông thì đánh hai tiếng. Khi vùa dứt tiếng trống cuối cùng thì dàn nhạc của sân khấu trổi lên chuẩn bị không khí biểu diễn.

Người cầm chầu "có trong tay" ba loại roi: thứ nhất là "roi trống mở miệng, thứ hai: "roi trống chấm câu", thứ ba: roi trống điểm khuyên". Ý nghĩa và mục đích của ba loại roi ấy như thế nào?

Trường hợp là "roi trống mở miệng": khi diễn bước ra sân khấu và chuẩn bị cất giọng. Nếu là "roi trống chấm câu": "mượn roi trống như là một bút son để chấm mạch văn trong câu thơ và từng câu thơ". Thế mới hay tiếng trống chầu là một loại hình phê bình rất trực tiếp và thanh lịch mà lại hiệu quả vô cùng. Trường hợp cuối cùng "roi trống điểm khuyên": dùng để khen ngợi người nghệ sỹ ca hay, diễn giỏi, vũ đạo đẹp.

Có khen thì sẽ có phạt, nếu phạt thì sao? - Lúc đó không đánh trống mà sẽ gõ vào thành trống. Khi diễn viên đuối sức, hay hụt hơi thì tiếng trống lại nổi lên, khi đó gọi là "roi trống vớt hơi" - diễn viên nào gặp roi trống như thế này được gọi là động viên - như một sự tiếp sức, diễn viên cảm thấy khỏe hơn, thoải mái, phấn khởi biểu diễn.
Image

Trong hoàn cảnh nào đi chăng nữa thì người cầm chầu vẫn giữ đúng nguyên tắc hàng đầu là không đánh trống chồng lấp lên tiếng hát, lời thoại của diễn viên, tiếng trống chầu được xem là phương tiện thưởng thức nghệ thuật chính vì vậy trong từng roi trống đều rất hiệu quả, dứt khoát, góp phần mang lại hiệu ứng tích cực nơi người thưởng thức.

"Tam niên đáo lệ Kỳ yên
Trống chầu giục giã mọi miền gần xa
"

Image

Không là hương, không là hoa nhưng cũng đủ làm xao xuyến, thúc giục, đam mê đến đê mê lạ thường bao trái tim, làm nhớ nhung lòng ai, làm bồi hồi, phấn khởi, hối hả đến lạ thường ... buộc con người ta phải tất tả chạy tới gần hơn, thật gần mới được! 

Tiếng trống chầu trong Lễ Kỳ yên có một sức hấp dẫn khó tả vô lượng! Nếu không đâu phải tự nhiên mà thành? Nếu không đâu dễ gì mà qui tụ bao người đến, vui vẻ, hồ hởi, hân hoan?

Tác giả: Vương Thoại Hồng

Tác giả bài viết: VƯƠNG THOẠI HỒNG

Nguồn tin: vuongthoaihong - cailuongvietnam.com