Vẻ Độc Đáo Trong Các Điệu Hát Của Nghệ Thuật Hát Bội

Vẻ Độc Đáo Trong Các Điệu Hát Của Nghệ Thuật Hát Bội

Hát Bội là một nghệ thuật truyền thống lâu đời của Việt Nam, trong đó các yếu tố ca, vũ, nhạc được kết hợp một cách hài hòa khi biểu diễn. Nghệ thuật này vừa chứa đựng yếu tố của sân khấu cổ điển lại vừa chứa đựng những yếu tố của sân khấu hiện đại.

Đông

Image
Nghệ sĩ Ngọc Bày trong một trích đoạn hát bội

Nghệ thuật mang tính tượng trưng, ước lệ
Hát Bội là một nghệ thuật truyền thống lâu đời của Việt Nam, trong đó các yếu tố ca, vũ, nhạc được kết hợp một cách hài hòa khi biểu diễn. Nghệ thuật này vừa chứa đựng yếu tố của sân khấu cổ điển lại vừa chứa đựng những yếu tố của sân khấu hiện đại. Yếu tố sân khấu cổ điển của nghệ thuật Hát Bội là những điệu hát, điệu múa được đúc kết trở thành khuôn vàng thước ngọc. Từ cảnh trí sân khấu, điệu bộ vũ đạo đến cách hát và cách vẽ mặt vừa cường điệu vừa tượng trưng, ẩn dụ, khiến người xem phải am tường bộ môn này mới thưởng thức được cái hay của nghệ thuật. Yếu tố hiện đại thì ở chỗ người nghệ sĩ khi biểu diễn trên sân khấu không cần cảnh trí.

Nghệ sĩ Hát Bội Ngọc Bày (Từng là giảng viên dạy Hát Bội tại Trường Quốc Gia Âm Nhạc Sài Gòn) cho rằng sở dĩ sân khấu Hát Bội không cần cảnh trí mà phải để trống vì Hát Bội hát theo văn vần, lời nói bằng thơ được âm nhạc hóa, cách hành văn theo lối xưa, không thể dùng văn xuôi hay văn kịch để viết tuồng Hát Bội.
Ví dụ
Một sắc thiều quang tỏ rạng,
Đôi nhành mai liễu đua tươi.
Trời xuân cảnh vật chào người,...
Cảnh vật nhìn vẻ gấm càng tươi.
Thiều quang vừa ngoại sáu mươi,
Đầy đường hoa nở, lắm người đạp thanh.
Trời thanh rạng vẻ xuân xanh.
Mộ người thanh tảo phí tình cửu thiên...

Nếu để tranh cảnh trang trí cụ thể, thì khi người diễn viên hát diễn biến câu chuyện, cảnh trí đã được dựng lên sẽ chỉ đơn điệu một cảnh đó, không diễn tả được hết nội dung câu truyện.

Nghệ sĩ Ngọc Bày chia sẻ:
“Vì vậy, không bày trí một cảnh sắc nào cụ thể thì khi người diễn viên xuất hiện, cảnh tượng sân khấu mới hiện dần lên, địa điểm và thời gian mới được xác định. Với một câu hát, một điệu múa, người diễn viên dựng nên cả một trời tưởng tượng, lúc là triều đình, khi là rừng núi, lúc là vườn thượng uyển, thoắt đã thành bãi chiến trường. Nhiệm vụ của người nghệ sĩ Hát Bội còn kiêm cả việc dựng cảnh. Nhưng để dựng được cảnh sắc trong trí tưởng tượng của người xem, người nghệ sĩ phải dùng những động tác tượng trưng với giả định có cảnh thật trước mắt. Đây là những động tác điêu luyện, được cách điệu cao và giàu sức biểu hiện. Nhờ những động tác tượng trưng này, người nghệ sĩ vượt ra ngoài khuôn khổ diện tích chật hẹp của sân khấu, tạo nên toàn bộ cuộc sống trên sân khấu.”

Nghệ sĩ Ngọc Bày cho biết, qua những tìm hiểu của bà, thì trước khi Hát Bội được du nhập vào Việt Nam từ Trung Quốc, dân ta đã có một điệu hát riêng biệt của dân tộc. Đến đời Nguyên bên Tàu (1285), tướng Toa Đô sang xâm chiếm nước ta bị Hưng Đạo Vương đánh đuổi. Khi quân Tàu thua chạy, quân ta bắt được một số tàn quân, trong đó có tên Lý Nguyên Cát biết múa hát. Nhà Trần hậu đãi tên kép hát ấy để dạy cho người mình về hình thức của điệu Hát Bội như: cách múa, vẽ mặt, mặc xiêm giáp..
“Còn về nội dung của các giọng hát thì người mình đã có sẵn từ trước. Những nghệ nhân Việt Nam đã biến đổi nó thành nét nghệ thuật riêng của Việt Nam. Âm nhạc Hát Bội của ta khác với âm nhạc của Tàu nhiều lắm. Giọng hát là do âm nhạc phát sinh, mà tiền nhân ta đã biết dung hòa cái hình thức điệu bộ của Tàu với nội dung âm điệu của mình sẵn có để tạo nên một lối hát đặc biệt Việt Nam.”

Nghệ thuật thanh nhạc của Hát Bội

Theo nghệ sĩ Ngọc Bày thì thanh nhạc của Hát Bội gồm 2 phần: bài bản và không bài bản (làn điệu).
-Dạng có bài bản:
Có 3 loại, là những bài nhỏ - cho các vai phụ, vai hề gọi chung là “nồi niêu”; bài thường - những bài bản trong tình huống bi thương sầu oán; và bài chính - gồm những bài dài hơn, phân theo các nhóm tính chất: trữ tình, hoành tráng, những bài dành cho các vai nữ với giai điệu mềm mại, những bài có tính chất vui tươi, ngân nga hoặc ngâm vịnh...
-Dạng theo làn điệu:
Là những điệu hát cơ bản và khá phổ biến, gồm những điệu chưa có khúc thức hoàn chỉnh. Tính chất co giãn và tương đối tự do của làn điệu là cơ sở cho phong cách ngẫu hứng của diễn viên. Dạng theo làn điệu có hai loại: loại không theo nhịp và loại theo nhịp.

Loại không theo nhịp thì có:
1.Nói Lối: Kỹ thuật rất đặc thù và phổ biến nhất trong Hát Bội. Các nghệ sĩ rất chú trọng kỹ thuật này vì làn điệu phong phú, sâu sắc và tính tự do, phóng khoáng. Có nhiều kiểu nói lối, lệ thuộc vào hoàn cảnh, tâm trạng khác nhau của nhân vật;
Riêng về “nói Lối”, tuy gọi là nói, nhưng nghệ sĩ cất giọng cao gần như hát. Có 4 cách “nói Lối”: Lối Xuân (nói chậm rãi, nghiêm nghị, thường dùng khi xưng tên và đàm thoại; Lối Ai (nói lúc buồn để tả tâm sự đớn đau thê lương); Lối Xẵng (lối nầy nói nhanh hơn lối xuân và lối ai, dùng trong lúc giận hay khi tỏ lời khí khái, cũng ngâm theo văn vần). Ví dụ: (Nổi lôi đình chi nộ. Phấn thích lịch chi oai. Phú Ôn Đình em khá tranh tài, Trừng phạt gã, để răn muôn chúng) ; và Lối Thường (dùng văn xuôi). Thí dụ:
“Công Chúa giận cũng phải, nhưng xin Công Chúa nghĩ lại. Nay tên Bàng Hồng đã sàm tấu cùng Thánh thượng rằng hạ quan là kẻ phản quốc tư thù, nên lệnh trên đã dạy giam từ mẫu nơi ngục nội...”
2.Xướng, tức là nói lớn lên một cách chậm rãi cho mọi người đều nghe. Một vai tuồng mới khi ra mắt khán giả thường xướng 4 câu để tỏ tâm sự hoặc hoàn cảnh của mình. Là kỹ thuật hát nói rất đặc thù trong Hát Bội, gồm nhiều loại lệ thuộc vào những hoàn cảnh, tâm trạng khác nhau của nhân vật. Ở các kịch bản Hát Bội, có sự phân biệt rất rõ giữa ca và xướng. Nếu trong ca, giai điệu được dùng để diễn tả tình cảm thì trong xướng, ngữ khí đóng một vai trò quan trọng. Xướng thường cất cao giọng, dựng hơi lên.
3.Bạch, là bày tỏ rõ ràng cho mọi người biết. Bạch thường dùng Hán văn 7 chữ. Dùng cho những vai tướng võ, thầy rùa, kép núi... để biểu thị cái chí hướng hoặc tài lực của mình.
4.Ngâm, là điệu ngâm thơ Đường luật. Giọng Ngâm nghiêm nghị và tha thiết dùng để tỏ tình luyến ái khi vợ chồng hay tôi chúa sắp xa nhau.
5.Thán, gồm những làn điệu mang tính thất vọng, oán thán, than thở. Thường nhân vật tự thán 4 câu hoặc nhiều câu bằng chữ Hán.
6.Oán, là ai oán, dùng khi khóc người quá cố, hoặc khi oán trách vận mạng.
7.Quân bẩn, thường hát khi quân cầm cờ hiệu đứng tại cửa buồng hay đi ít vòng trên sân khấu để thị oai (lúc kéo binh đi đánh giặc hoặc sắp về trào để vấn tội nghịch thần).
8.Hát Bài: các mỹ nữ thường hát Bài để chúc thọ cho vua.
9.Tán (Đường hát Nam, đệm thêm một câu chữ Hán); Hường (là những tiếng Việt đệm ở giữa 2 câu hát hoặc 2 câu Lối để phụ nghĩa); Vĩ (dùng để chuyển từ câu Lối bắt qua hát Nam, hát Khách, hay muốn Ngâm, Thán...); Láy (trong điệu Hát Bội, nghệ sĩ thường phải thêm những tiếng a, ư, ý, a, ừ, hừ ở sau một câu hát để cho án theo đờn kèn); Giáo đầu và Chúc vãn (giáo đầu hát lúc khai diễn và chúc vãn hát lúc buổi hát chấm dứt); Vịnh: Mang tính lãng mạn, phóng khoáng; Sa mạc: Thường gặp trong các cảnh thể hiện cảm xúc trữ tình.

Loại theo nhịp gồm có:
1.Hát Khách, còn gọi là hát Bắc, gồm có: Hát Khách hành binh (để diễn tả tâm trạng nhân vật trước hoặc đang lúc ra quân); Hát Khách đối thoại (dành cho 2 người); Hát Khách tự sự: nhân vật thể hiện tâm trạng của chính mình; Hát Khách tửu: Nhân vật đang uống rượu; Khách tử: Nhân vật khi sắp chết; Khách tẩu: Đang chạy, hoặc dang lúc khẩn trương ra trận; Khách hồn: nhân vật là hồn ma hiện về; Khách phú: nhân vật là người quí phái, sang trọng.
2. Hát Nam. Có các loại: Nam xuân: Tâm trạng vui tươi, sảng khoái; Nam ai: Tâm trạng buồn bi lụy; Nam xuân nữ: Ít thấy sử dụng trong các vở Tuồng cổ. Tâm trạng buồn nhưng không không bằng Nam ai; “Nam Chạy” (lúc bị truy nã cấp bách hay bị lạc vào rừng, vai tuồng vừa chạy vừa hát nên gọi là Nam Chạy); và “Nam Biệt” (chỉ sự xa cách nhau, kẻ đi người ở. Văn Nam thường dùng câu song thất hay có khi dùng câu lục bát).

Bên cạnh những giọng hát chính đã kể trên, Hát Bội còn có nhiều giọng hát phụ khác dùng vào các trường hợp đặc biệt như: Điệu Thiền hay Thoàn (của Sư tăng); Điệu Phù Thủy (của Pháp sư); Thài (đào cầm quạt, vừa múa vừa hát); Giao Duyên (lúc vợ chồng hiệp cẩn giao bôi); giọng Gian Nan(của các vai hề)...

Kỹ năng của người nghệ sĩ Hát Bội
Nghệ sĩ Ngọc Bày nhận xét: “Về kỹ thuật hát, nghệ sĩ Hát Bội ngoài chất giọng bẩm sinh, cần phải học tập, rèn luyện dài lâu. Sân khấu Hát Bội ngày trước thường hát ngoài trời nên nghệ sĩ cần có chất giọng vang to, ngân dài và khi tập cần phải sử dụng sức rất nhiều. Trong khi học cách phát âm, nhả chữ, họ phải luôn tuân thủ những luật hát rất nghiêm ngặt. Đây là tập hợp những kinh nghiệm, thói quen về ngữ âm, nhận thức thẩm mỹ về thanh nhạc trong nghệ thuật Hát Bội của từng địa phương”.

Nói thêm về sự khổ luyện của nghệ sĩ Hát Bội trong buổi đầu làm quen với nghệ thuật này, nghệ sĩ Ngọc Bày nói, các nghệ sĩ Hát Bội phải phát âm chính xác các dấu, rõ tiếng, không bị biến âm, không nói ngọng. Vì vậy trước khi tập hát, các nghệ sĩ thường tập nói, luyện ngữ âm, ngữ khí trong các kỹ thuật nói lối như một trong những phương thức nghệ thuật tinh tế nhằm biểu hiện cảm xúc của nhân vật. Có thể xem đây như một trong những ngôn ngữ mang đậm yếu tố tượng trưng trong Hát Bội. Ngoài ra, người học Hát Bội phải luôn tuân thủ nguyên tắc: trống, mái (theo qui luật âm, dương trong Dịch). (B.H)

Băng Huyền


Tác giả bài viết: phuongdiep

Nguồn tin: VD