Đang truy cập :
84
•Máy chủ tìm kiếm : 2
•Khách viếng thăm : 82
Hôm nay :
14124
Tháng hiện tại
: 585573
Tổng lượt truy cập : 32180629
Giới mộ điệu sân khấu cải lương vừa có được món quà đầu năm là tuyển tập cổ nhạc "Trăng nước Cần Thơ" của tác giả Nhâm Hùng - Bình Trọng (NXB Ðại học Cần Thơ) và "101 bài vọng cổ, tài tử đoạt giải và phát sóng" của tác giả Nguyễn Trung Nguyên (NXB Hội Nhà văn).
Một trích đoạn do các nghệ sĩ Nhà hát bội TP Hồ Chí Minh biểu diễn.
Gian nan bám nghề
Hơn bốn giờ sáng, nghệ sĩ Hữu Hòa đã thức dậy để phụ vợ bán hủ tiếu. Nhìn anh tất bật cùng vợ bên gánh hủ tiếu, ít ai nghĩ rằng anh là một diễn viên của Nhà hát bội TPHCM. Sau khi phụ vợ bán hàng anh lại vội vã chạy xe hàng chục km từ quận 12 xuống quận 1 để đi làm. Dường như, với người nghệ sĩ này, những nhọc nhằn của cuộc sống vẫn không cản được lòng yêu nghề của anh. Có những khi ra sân khấu, căn bệnh khớp tái phát khiến anh phải dùng thuốc để cố hoàn thành vai diễn của mình. Anh chia sẻ: "Mười mấy năm gắn bó với nghề hát bội, dù phải sống chật vật tôi vẫn bám nghề. Tôi yêu hát bội bằng trái tim của mình. Là nghệ sĩ đi trước mình không được phép nản lòng. Tôi hy vọng điều đó sẽ thổi lên tình yêu với nghệ thuật hát bội cho các nghệ sĩ trẻ".
Chúng tôi cảm nhận rằng, dù vào những vai kép phụ hay kép chính, nghệ sĩ Hữu Hòa vẫn say sưa với vai diễn, bỏ lại sau lưng những nỗi nhọc nhằn cuộc sống. Trong lần gặp chúng tôi gần đây, anh ngậm ngùi cho biết: "Vì buôn bán ở ngoài trời nên những ngày trời mưa hàng ế ẩm lắm. Hơn một tháng nay, vợ tôi bị tai nạn phải nghỉ bán hàng khiến cuộc sống càng khó khăn. Nhưng khó khăn mấy tôi vẫn bám với nghề hát".
Chuyện mưu sinh của nghệ sĩ Hữu Hòa không phải là hiếm trong số các nghệ sĩ hát bội tại TPHCM. Ít ai ngờ rằng, đằng sau những khuôn mặt rạng rỡ, những nụ cười trên sân khấu của người nghệ sĩ hát bội là những giọt mồ hôi và cả nước mắt mưu sinh. Ngoài những buổi biểu diễn, nhiều nghệ sĩ phải vật lộn với những công việc mưu sinh ngoài đời. Hôm nay họ có thể là ông hoàng, bà chúa trên sân khấu nhưng ngày mai lại phải bán hủ tiếu, cà-phê, chạy xe ôm, thợ cắt tóc,...
Phó Giám đốc Nhà hát bội TPHCM NSƯT Ngọc Nga cho biết: "Ðặc thù của nghệ thuật hát bội là người nghệ sĩ phải dùng chính giọng thật của mình để biểu diễn với cường độ cao. Mỗi suất diễn vài tiếng đồng hồ như thế có khi làm nghệ sĩ bị khan tiếng, rách thanh đới phải dùng thuốc kháng sinh liều cao ngay để có thể tiếp tục biểu diễn. Các bệnh viêm khớp, phế quản... là những căn bệnh mà người nghệ sĩ thường xuyên phải sống chung với nó...". Biểu diễn mất nhiều công sức nhưng mức thù lao của các nghệ sĩ hát bội lại quá thấp, 100 nghìn đồng/đêm diễn đối với diễn viên chính và hậu đài là 50 nghìn đồng... Với những buổi tập luyện tiền bồi dưỡng chỉ có 10 đến 15 nghìn đồng... Vì thu nhập thấp, cho nên để sống và tồn tại với nghề hát bội, hầu hết các nghệ sĩ đều phải có nghề tay trái để nuôi dưỡng tình yêu nghề.
Với nghệ sĩ trẻ Nguyễn Thanh Bình, vốn học nghề hát cải lương nhưng sau này lại đi theo con đường hát bội. Lòng đam mê hát bội được nhân lên khi bạn đời của anh cũng là một nghệ sĩ hát bội. Nhưng để theo đuổi đam mê của mình, vợ chồng anh chấp nhận ngoài giờ diễn làm thêm các phụ trang sân khấu, sườn lồng đèn... để có thêm chút thu nhập trang trải cuộc sống. Anh chia sẻ: "Theo hát bội giống như cái nghiệp, vì yêu nghề nên phải theo nghề, chứ lương bổng và phụ cấp nghề này thấp lắm. Cuộc sống phải tiết kiệm lắm mới đủ chi tiêu chứ chưa nói đến mức sống trung bình". Ðó là nỗi niềm của nhiều nghệ sĩ đã trót gắn bó với bộ môn nghệ thuật truyền thống lâu đời của dân tộc. Một nghệ sĩ tâm huyết với nghề xúc động chia sẻ: "Những người nghệ sĩ hát bội luôn cố gắng đem lại niềm vui cho khán giả nhưng ít ai hiểu được rằng, chúng tôi cười trên sân khấu nhưng khóc sau cánh gà vì những khó khăn, thiếu thốn của cuộc sống".
Nỗi lo tìm người kế cận
Nếu như ở thời hoàng kim của hát bội, những người yêu thích nghệ thuật này đều tự tìm đến những nghệ sĩ đi trước để học hỏi... thì nay lại hoàn toàn ngược lại, thầy phải tự tìm trò, bồi dưỡng truyền nghề để họ kế nghiệp mình. Bằng cách này, Nhà hát bội TPHCM đã đào tạo, bồi dưỡng được hơn 14 nghệ sĩ trẻ độ tuổi từ 22 đến 34. Thế nhưng đây cũng chưa phải là một điều đáng mừng, bởi nhiều nghệ sĩ lớn tuổi của nhà hát cũng sắp phải về hưu, không thể làm nghề được nữa. Việc tìm kiếm lực lượng kế thừa cho nghệ thuật hát bội luôn là một nỗi lo khi chế độ đãi ngộ cho những nghệ sĩ chưa đủ. NSƯT Ngọc Nga lo lắng: "Loại hình nghệ thuật hát bội vốn rất kén khán giả. Dù đang được bảo tồn nhưng rất khó thu hút được khán giả đến thưởng thức. Với mức sống như hiện nay, quả thật không thể đáp ứng được nhu cầu cuộc sống của đa số các nghệ sĩ. Ðiều này khiến lực lượng kế thừa đang ngày càng khan hiếm và hụt hẫng, khó thu hút được các em đến với nghề...".
Với những nghệ sĩ hát bội TPHCM, khó khăn chồng chất khó khăn, khi nhà hát đang ở vào tình trạng xuống cấp trầm trọng, không còn là nơi biểu diễn bán vé được nữa. Thật khó để khách du lịch, hay những người yêu hát bội tìm được nơi thưởng thức cho "đúng chất". Nhiều năm qua, hát bội gần như không còn bán vé và diễn ở rạp nữa, chủ yếu chỉ phục vụ các lễ hội tín ngưỡng dân gian ở đình chùa, miếu, lễ hội... là chính. Sân khấu biểu diễn ở những nơi này chỉ là tạm bợ. Ðiều này khiến nhiều người dân thành phố không biết nhiều về nghệ thuật hát bội hay lạ lẫm khi nghe tên Nhà hát bội TPHCM.
Ðể thu hút khán giả đến với nghệ thuật hát bội, mới đây, loại hình nghệ thuật này đã được đưa ra phục vụ ở Nhà hát thành phố và Công viên 23-9. Bước đầu đã thu hút được khá đông các khán giả trẻ là học sinh, sinh viên và du khách nước ngoài tới xem. Nhờ vậy, năm 2012, Nhà hát bội TPHCM có gần 200 suất diễn. Nhiều nghệ sĩ chia sẻ: "Thấy khán giả đến xem biểu diễn là chúng tôi mừng rồi. Mong sao các cơ quan chức năng có nhiều biện pháp hỗ trợ nghệ sĩ chúng tôi được đưa nghệ thuật truyền thống lâu đời của dân tộc tới đông đảo công chúng hơn".
Mã an toàn:
Giới mộ điệu sân khấu cải lương vừa có được món quà đầu năm là tuyển tập cổ nhạc "Trăng nước Cần Thơ" của tác giả Nhâm Hùng - Bình Trọng (NXB Ðại học Cần Thơ) và "101 bài vọng cổ, tài tử đoạt giải và phát sóng" của tác giả Nguyễn Trung Nguyên (NXB Hội Nhà văn).
Ý kiến bạn đọc