Hát chèo ở chợ đêm phố cổ
Đã hơn nửa thế kỷ đất nước ta thực hiện công cuộc bảo tồn và phát triển văn hóa nghệ thuật truyền thống theo phương châm khoa học hóa, hiện đại hóa để hội nhập với thời đại. Gần đây, sau những sự kiện các di sản âm nhạc cổ truyền được đề nghị tôn vinh là di sản văn hóa thế giới, người ta mới nhìn lại toàn cảnh bức tranh âm nhạc dân tộc và giật mình thấy rằng nhiều giá trị tốt đẹp, nhiều bản sắc quý giá đã bị thất truyền...
Đâu rồi những giá trị kinh điển?
Có lẽ chưa bao giờ
người ta nhắc nhiều đến vấn đề giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc như hiện nay.
Trên tất cả các phương tiện thông tin đại chúng, ở tất cả các cuộc hội thảo tọa
đàm đều thấy xuất hiện ngày càng nhiều những tiếng kêu cứu trước thực trạng một
số loại hình văn hóa truyền thống đang rơi vào khủng hoảng trầm trọng. Ở mọi
phương diện của văn hóa nghệ thuật, các giá trị hiện đại phương Tây đang tràn
ngập và lấn lướt, thậm chí đè bẹp một số giá trị truyền thống dân
tộc.
Trong bối cảnh đó, các loại hình âm nhạc cổ truyền dân tộc cũng
không tránh khỏi sự mất mát của riêng mình. Nhiều vốn liếng tinh hoa của âm nhạc
truyền thống đã đội nón ra đi theo các nghệ nhân về nơi đất lạnh. Một số loại
hình thì bị đứt đoạn, sự tồn tại hiện nay chỉ còn là những mảnh vỡ. Một số khác
lại đang được phát huy, phát triển theo cái cách mà dù không nói ra song nhiều
nhà hoạt động văn hóa nghệ thuật cho rằng hoặc rất xa rời với nguyên gốc hoặc
thụt lùi, đi xuống.
Nhạc sĩ Đặng Hoành
Loan, nguyên Viện trưởng Viện Âm nhạc Việt Nam
kể: Ngót 8 năm trước, Viện Âm nhạc tiến hành một cuộc điền dã sưu tầm chèo Khuốc
và chèo Sáo đền ở Thái Bình, những mong cố gắng giữ lại được đôi ba “mảnh vỡ”
của chèo cổ “xịn” làm vật chứng cho một quá khứ sáng tạo với những thành công
lớn lao của ngành sân khấu dân gian. Thật tiếc lần ấy, Viện Âm nhạc chỉ thu lượm
được 3 mảng chèo bao gồm: Múa đèn đeo vai; Múa tắm tiên; Hề canh điếm. Phần lớn
di sản cổ chèo còn lại đều đã bị “trung ương hóa”, bị “kịch bản và đạo diễn hóa”
cả rồi.
Quả thật, tìm lại các vở diễn của Nhà hát Chèo Trung ương từ khi
thành lập cho đến nay chỉ thấy có một vở do các nghệ nhân làng chèo tự dựng, đó
là vở Quan Âm - Thị Kính, kịch bản do cụ Trần Huyền Trân chỉnh lý. Còn lại tất
tần tật các vở như: Lưu Bình Dương Lễ, Súy Vân (tên cổ là Kim Nham), Trinh
Nguyên, Đôi ngọc truyền kỳ (tên cổ là Trương viên), Từ Thức... đều có tên người
làm kịch bản, người đạo diễn, người viết nhạc, người làm mỹ thuật. “Chèo nhà
hát” ngày nay đã khác chèo sân đình xưa rất nhiều, không còn là sân khấu ứng
diễn giữa khán giả và nghệ nhân nữa mà đã trở thành sân khấu của tác giả kịch
bản và đạo diễn. Không còn tính truyền miệng và lối trình diễn ngẫu hứng như nó
vốn có tự thưở nào.
Đành rằng trong thời đại mới, cần phải cải biên, cải
tiến, phát triển cho phù hợp. Đành rằng sự cải biên, cải tiến, phát triển ấy
cũng có nhiều mặt tốt. Song điều này cũng khiến cho những người có tấm lòng với
âm nhạc cổ truyền dân tộc cảm thấy mất mát và tiếc nuối. Người ta ước gì lối
diễn ngày xưa vẫn được lưu giữ: Hát chèo không có phông cảnh, không có bài trí,
không có mở màn hạ màn gì hết. Đào kép cứ tuần tự từ trong buồng trò vén màn ra
hát. Khán giả thuộc lòng tuồng tích nên thấy vai nào ra là biết ngay vai gì,
hiểu ngay đã đổi màn đổi cảnh... Có như vậy con cháu ngày nay mới có thể hiểu
được những sáng tạo của cha ông trong trường kỳ lịch sử vĩ đại như thế
nào.
Sự đứt đoạn truyền thống tương tự cũng diễn ra trong các ngành
tuồng, cải lương, ca trù, hát xẩm... Kết quả bảo tồn và phát huy giá trị truyền
thống của các loại hình này ở thế hệ tiếp nối được các nhà chuyên môn đánh giá
là suy giảm cả về chất và lượng. Nhiều nghệ sĩ tuồng bây giờ không biết đọc bản
cổ nhạc theo hệ thống Hò - Xự - Xang - Cống - Xế... mà chỉ biết hệ thống ký âm
pháp hiện đại. Phong cách nghệ thuật tuồng Bắc (vốn được coi là cổ hơn tuồng
Nam) đã tan vỡ, cũng chỉ còn lại vài mảnh vụn. Hàng trăm vở tuồng cổ với nhiều
dạng thức khác nhau đã một đi không trở lại. Nghệ sĩ tuồng bây giờ thuộc rất ít
các pho diễn cổ...
Một buổi tập
hát chèo Lối “kịch bản và đạo diễn hóa”, “văn công hóa” còn ăn sâu
vào các làn điệu dân ca, các hình thức diễn xướng dân gian khác. Xin đơn cử thể
loại hát quan họ. Ngoài lối hát cổ (hát đôi, có giọng chính, giọng luồn với các
kỹ thuật vang, rền, nền, nảy, không có nhạc cụ đệm và sinh hoạt theo canh hát)
của các cụ được tiếp nối bởi một số ít những người đứng tuổi, gọi là “quan họ
làng”, hiện nay còn có “quan họ đài”, “quan họ đoàn” với một lối hát khác mang
tính trình diễn sân khấu nhiều hơn (hát đơn từng tiết mục và có nhạc đệm). Mà
hình thức hát kiểu mới này chính là hình thức đang được truyền bá rộng rãi và
được nhiều người biết đến. Những sự biến tấu, biến dạng như vậy diễn ra hằng
ngày kéo theo nhiều giá trị kinh điển, cổ truyền cứ dần dần bị lấn lướt, bị mai
một đi và một lúc nào đó sẽ hoàn toàn thất truyền.
“Cách tân phải
hợp lý”Ứng xử thế nào với âm nhạc cổ truyền trong xu hướng toàn
cầu hóa? Đó là câu hỏi khó đối với những người làm quản lý văn hóa. Đến nay, vẫn
tồn tại nhiều luồng ý kiến trái chiều về vấn đề này. Phái chủ trương kế thừa cho
rằng: Sự biến đổi truyền thống là hợp lý. Nếu truyền thống gắn được với nhu cầu
của xã hội thì truyền thống sẽ tồn tại, bằng không sẽ mất đi. Dẫn chứng là sự
thành công của các dàn nhạc dân tộc kiểu mới ở Trung Quốc hay sự kết hợp dàn
nhạc truyền thống Okinawa của Nhật và dàn nhạc hiện đại của Mỹ. Còn những người
theo quan điểm bảo tồn thì trái lại, nhất định muốn giữ nguyên trạng những giá
trị âm nhạc cổ mà cha ông để lại. Thậm chí không ít người còn gay gắt kết án mọi
sự pha trộn truyền thống - hiện đại thiếu cẩn trọng đều là “đánh mất bản sắc dân
tộc của mình một cách thiển cận”.
Theo nhạc sĩ Đặng Hoành Loan: Nghệ
thuật của quá khứ đã trải qua bao thăng trầm còn tồn tại đến ngày nay là thứ
nghệ thuật đã đạt đến đỉnh cao. Và đó là di sản văn hóa của cả quốc gia chứ
không chỉ riêng vùng miền nào. Trách nhiệm của con người, của xã hội hiện đại là
phải bảo vệ nó. Tuy nhiên, xu hướng cải tiến, cách tân các loại hình nghệ thuật
truyền thống hiện nay là một xu hướng tất yếu nhằm đáp ứng nhu cầu của con người
trong thời đại mới. Thực tế là một số cải tiến, cách tân đã hấp dẫn được khán
giả đồng thời vẫn chuyển tải được những câu chuyện đương thời vào đó. Chúng ta
có thể thay đổi sân khấu nhưng vẫn giữ nguyên những vai diễn và mảng diễn của
các nghệ nhân. Chúng ta cũng hoàn toàn có thể khôi phục lại những vở chèo,
tuồng, những điệu hát cổ nhưng là dưới con mắt đương đại và ánh đèn đương
đại...
Tất cả những điều này đòi hỏi một tầm nhìn vĩ mô của các nhà quản
lý văn hóa, làm công tác văn hóa. Nếu nhất thiết phải cải tiến, phải cách tân
thì cần có sự chọn lọc khắt khe cải tiến chỗ nào, cách tân những gì sao cho dung
hòa, cân xứng cả truyền thống và hiện đại đồng thời vẫn bảo tồn được một cách
đầy đủ nhất ở mức có thể những tinh hoa vốn cổ. Chỉ có như vậy chúng ta mới có
cơ sở để tin rằng nền âm nhạc Việt Nam sẽ trường tồn và phát triển, sẽ hòa nhập
mà không hòa tan.
Ý kiến bạn đọc