6/10/2013 Buổi biểu diễn ra mắt Hội Cải Lương Về Nguồn
Kính thưa Quý Vị,
Giữ gìn bản sắc dân tộc là một việc làm cần thiết đối với tất cả các dân tộc trên thế giới trong xã hội hiện đại ngày nay. Người Việt Nam ta dù sống ở đâu cũng hết lòng gắn bó với cội nguồn dân tộc. Trên tinh thần đó, nghệ sỹ Hà Mỹ Xuân đã đứng ra thành lập Hội Cải Lương mang tên Về Nguồn với mục đích là góp phần bảo tồn nghệ thuật cải lương-một bản sắc độc đáo của dân tộc Việt Nam. Phương châm hoạt động của hội là: Tất cả vì bản sắc văn hóa chứ không phải vì lợi nhuận.
Buổi biểu diễn ra mắt Hội sẽ diễn ra vào ngày 06 tháng 10 tới đây tại Théâtre 2
Rives Charenton với dàn diễn viên hùng hậu: Hà Mỹ Liên, Hà Mỹ Xuân, vợ chồng
nghệ sĩ Thanh Điền-Thanh Kim Huệ, Trọng Phúc, Lý Kim Thành, Mai Thế Hiệp, Lê
Hồng Phước, nhà báo-MC-đạo diễn Thanh Hiệp và MC Tố Nga.
Hai vở tuồng ra
mắt lần này sẽ là: Bên Cầu Dệt Lụa và Nghêu Sò Ốc Hến.
1) Bên
cầu dệt lụa là vở cải lương thuộc hàng kinh điển của sân khấu cải lương Việt
Nam.
Chuyện kể rằng, Trần Minh là anh học trò nghèo phải nuôi mẹ
đang cơn đau yếu. Trần Minh có người vợ hứa hôn tên là Quỳnh Nga, là con gái của
quan tri huyện. Thế nhưng, Quan Huyện chê Trần Minh nghèo nên đã đơn phương hủy
hôn ước. Để không mang tiếng phụ khó tham sang và để chuộc tội cho cha, nên
Quỳnh Nga đã thoát ly gia đình ra chăn tằm dệt vải và dựng quán gấm ở bên cầu,
để tự tay buôn bán lấy tiền cho Trần Minh ăn học. Sau đó, Trần Minh đổ trạng
nguyên. Nhưng chàng lại bị vua ép gả công chúa. Chàng đã kiên quyết từ chối dù
phải chết. Công chúa bèn xin lệnh vua cha đích thân tìm đến gặp Quỳnh Nga tại
quán gấm bên cầu, dùng tiền bạc và uy thế để giành lấy tình yêu. Nhưng cuối cùng
công chúa đã chịu thua trước thái độ cương quyết giữ tròn chung thủy của Quỳnh
Nga. Vở cải lương mang đến một thông điệp đẹp đẽ về tình yêu sắc son chung thủy,
về tấm gương vượt khó học tập và những suy tư về nhân tình thế
thái.
2) Nghêu Sò Ốc Hến thì được xem là vở hài hàng
đầu của thể loại Cải Lương Hài. Trùm Sò là một tên trọc phú, rất giàu sang mà
cũng rất keo kiệt, chuyên cho vay nặng lãi và bóc lột người làm công. Do hoàn
cảnh nghèo khó, Ốc cùng với Bác Ngao mới đến nhà Trùm Sò ăn trộm. Hai người bị
Lý Trưởng bắt được và tịch thu tang vật. Thế nhưng Lý Trưởng không xử theo phép
công, mà lại cho người lén để gói tang vật vào nhà của một phụ nữ góa chồng tên
là Thị Hến. Lý trưởng muốn dùng tội chứa đồ gian để ép Thị Hến làm vợ bé. Bị Thị
Hến chống cự quyết liệt, Lý Trưởng bèn trình vụ án lên Quan Huyện. Lý Trưởng
không ngờ rằng, trước huyện đường, nhan sắc của Thị Hến đã khiến cho Quan Huyện
và Thầy Đề đứng về phía nàng. Kết quả là Lý Trưởng và Trùm Sò đều bị phạt tiền
và phạt đánh đòn. Vở cải lương đả kích và châm biếm những bất công xã hội, với
nhiều tình tiết éo le cười vỡ bụng.
Vở "Bên Cầu Dệt Lụa" gắn liền với
tên tuổi của Nữ Hoàng Sân Khấu Thanh Nga và kép Thanh Sang. Thanh Nga đã mất vào
năm 1978, sau đó người tiếp nối vai này thành công nhất là nữ nghệ sĩ tài danh
Hà Mỹ Xuân, người từng đứng chung sân khấu nhiều năm với nghệ sĩ Thanh
Nga.
Trong buổi trình diễn lần này, Quý Vị sẽ được thưởng thức tài ca
diễn đặc sắc của Hà Mỹ Xuân trong vai Quỳnh Nga.
Bên cạnh đó, còn có nghệ
sĩ trẻ Trọng Phúc từ trong nước sang với vai Trần Minh. Trọng Phúc là nghệ sĩ
trẻ thuộc hàng triển vọng nhất của sân khấu cải lương trong nước hiện
nay.Còn vở "Ngao Sò Ốc Hến", thì vợ chồng nghệ sĩ Thanh
Điền-Thanh Kim Huệ từ trong nước sang sẽ vào lại hai vai ruột của mình là Quan
Huyện và Thị Hến. Đến từ Việt Nam lần này còn có Thanh Hiệp, một nhà báo-MC-đạo
diễn nổi tiếng hiện tại ở Việt Nam.
Chưa kể
là còn có phần tham dự của nam nghệ sĩ Mai Thế Hiệp. Bên cạnh đó còn có sự góp
mặt của nữ MC duyên dáng tại Paris là MC Tố Nga, cùng với các nghệ sĩ tại Paris
là Hà Mỹ Liên, Lý Kim Thành và Lê Hồng Phước. Dàn đờn cổ nhạc sẽ vinh dự được
đón các nhạc sĩ cổ nhạc có thâm niên tại Paris như Thanh Dũng, Ngân Hà, Thanh
Sơn và Văn Trực.
Như vậy, trong buổi trình diễn này trước tiên quý vị sẽ
được ru hồn bằng những lời ca tiếng hát mang tính kinh điển trong vở "Bên Cầu
Dệt Lụa", sau đó quý vị sẽ được thư giãn với "Ngao Sò Ốc Hến" trong nhiều tình
tiết cười ra nước mắt. Chúng tôi sẽ cố gắng không để cho chương trình kéo dài
quá 3 tiếng đồng hồ, để mọi người không phải mất quá nhiều thời gian và để tất
cả cùng có cảm giác “vừa đủ”.
Sự thành công của buổi trình diễn
và sự sống còn của Cải Lương chủ yếu không phải ở chúng tôi mà là ở sự ủng hộ
của khán giả, tức là Quý Vị. Kính kêu gọi Quý Vị cùng tiếp tay với chúng tôi bảo
tồn nghệ thuật cải lương.
Xin chân thành cảm ơn!
Hội trưởng
Nghệ sĩ HÀ MỸ XUÂN
XEM THÊM CHI TIẾT VÀ HÌNH ẢNH TẠI SÂN CHOI DÀNH CHO KHÁN GIẢ - BẤM VÀO ĐÂY
Ý kiến bạn đọc