Vượt qua chặng đường dài từ Đồng Tháp về đến TP HCM để kịp có mặt tại
rạp Thủ Đô, dàn dựng cho diễn viên Thy Trang hóa thân vào nhân vật Dương
Vân Nga, NSƯT Vũ Linh quên đi mệt nhọc, lao vào thị phạm cho các diễn
viên trẻ. Những vai diễn trong sự nghiệp ca diễn, trong đó có 5 vai diễn
từng nhận Giải Mai Vàng, đều được anh âm thầm trao truyền cho thế hệ
diễn viên trẻ thông qua chương trình Người đưa đò của mình.
Nghiêm khắc với nghề“Cậu
Năm (cách gọi thân mật của người trong giới đối với NSƯT Vũ Linh) khó
lắm. Tập mà lơ là, hời hợt là bị cậu trách” - nghệ sĩ (NS) Thy Trang cho
biết. Với NSƯT Thanh Ngân, được làm việc với NSƯT Vũ Linh sẽ thấy nghề
hát của mình có được sự tiến triển rõ rệt.
NSƯT Vũ Linh và nghệ sĩ Trinh Trinh trong vở Tiết Giao đoạt ngọc

NSƯT Vũ Linh và nghệ sĩ Trinh Trinh trong vở Tiết Giao đoạt ngọcKhi
sàn diễn cải lương rơi vào bế tắc, số đông diễn viên trẻ không tìm được
vai diễn mới. Các suất diễn thưa thớt dần vì thiếu rạp diễn, đời sống
cải lương ngày càng khó khăn. NSƯT Vũ Linh đã đứng ra tổ chức chương
trình chuyên đề mang tên Người đưa đò.
“Anh Năm muốn truyền lại
những vai diễn từng được công chúng yêu thích cho các diễn viên trẻ, đó
là cơ hội để chúng tôi cọ xát với nghề. Tuy nhiên, anh dạy không theo
cách cứ bê nguyên xi của thầy, trái lại đòi hỏi chúng tôi phải có những
sáng tạo” - NS Huỳnh Tấn Phong nói.
Không chỉ có tài thị phạm,
hướng dẫn từ ánh mắt, điệu bộ, vũ đạo, võ thuật, cách ca diễn nội tâm,
dấu ấn mà NSƯT Vũ Linh để lại qua chương trình Người đưa đò chính là tài
năng dàn dựng, đẩy nhanh tiết tấu, dung nạp nhiều sáng tạo mới cho nghệ
thuật cải lương, trong đó có cách xử lý tình huống và tâm lý nhân vật
bằng kinh nghiệm 40 năm theo nghề của mình. “Mạnh dạn cắt bỏ những mảng
miếng không cần thiết, xử lý không gian, ánh sáng tạo điểm nhấn cho nhân
vật trung tâm, anh Năm đã làm cho trích đoạn Bức ngôn đồ Đại Việt (tác
giả: Hà Văn Cầu, Loan Thảo, Thanh Tòng) sáng đẹp và ấn tượng. Sự nghiêm
khắc trong nghề của anh hâm nóng lòng yêu nghề của nhiều diễn viên trẻ
cho dù sân khấu cải lương chưa có dấu hiệu sáng sủa” - NSƯT Thoại Mỹ
nhận xét.
Lộc trời cho không hưởng tận
Năm
vai diễn mà NSƯT Vũ Linh được trao Giải Mai Vàng gồm: Điệp (vở Lan và
Điệp, năm 1995), Sơn (vở Giũ áo bụi đời, năm 1996), Đường Minh Hoàng (vở
Chuyện tình Dương Quý Phi, năm 1997), Vĩnh (vở Hòn vọng phu, năm 1998)
và Nguyễn Địa Lô (vở Bức ngôn đồ Đại Việt, năm 1999) đã được anh lần
lượt trao truyền cho thế hệ nghệ sĩ đàn em như: NSƯT Trọng Phúc, NSƯT
Kim Tiểu Long, NS Vũ Luân, NS Chiêu Hùng, NS Trọng Nghĩa, NS Huỳnh Tấn
Phong… Các vai diễn “vệ tinh” xung quanh những số phận này, anh cũng
mạnh dạn giao cho các diễn viên trẻ, giúp họ tỏa sáng khi có thêm kinh
nghiệm biểu diễn.
NSƯT Vũ Linh nói: “Tôi quan niệm sống theo
những lời dạy của các bậc tiền nhân đi trước: Lộc trời cho không hưởng
tận. Tôi đem lộc nghề mà công chúng dành tặng truyền lại cho các bạn
diễn viên trẻ. Trọng trách của người đưa đò rất lớn, luôn phải tận tâm,
nhất là trong giai đoạn nghề nghiệp của chúng tôi gặp nhiều khó khăn.
Mừng là các em còn yêu nghề, lửa đam mê còn rực cháy, dù cho sức khỏe có
hao mòn, tôi cũng chèo mạnh tay để đưa các em đến bến bờ”.
Xua
đi sự mệt nhọc, NSƯT Vũ Linh lại lao vào tập dượt cùng đàn em để kịp ra
mắt chương trình Người đưa đò lần 4. Không gian truyền nghề mà anh tạo
dựng được giữa lúc sàn diễn cải lương đìu hiu thật đáng quý.
Tác
giả Lê Duy Hạnh, Phó chủ tịch Hội Sân khấu Việt Nam, đánh giá cao chương
trình Người đưa đò mà Vũ Linh đang thực hiện tại rạp Thủ Đô. Theo ông,
đây là một mô hình cần được nhân rộng để giúp thế hệ diễn viên trẻ có
dịp học hỏi đàn anh đi trước thông qua từng vai diễn khó.
“Tôi
mang ơn công chúng đã bình chọn qua 5 mùa Giải Mai Vàng, đó là giải
thưởng đáng nhớ nhất trong sự nghiệp hoạt động nghệ thuật của tôi bởi nó
được trao tặng từ chính khán giả”.
NSƯT Vũ Linh
Bài và ảnh: Thanh Hiệp
Ý kiến bạn đọc