Bản Sắc Dân Tộc - cailuongvietnam.com

Tin Tức Đó Đây Gần Xa

DUY TRÌ TRANG WEB CLVN

CHUÔNG VÀNG VỌNG CỔ: NGÂN MÃI TIẾNG TƠ LÒNG

Thứ sáu - 09/08/2013 05:19

CHUÔNG VÀNG VỌNG CỔ: NGÂN MÃI TIẾNG TƠ LÒNG


Hành trình 8 năm qua của Đài Truyền hình TP. HCM (HTV) trong cuộc tìm kiếm những “chuông vàng vọng cổ” (CVVC) đã góp phần quan trọng để vọng cổ nói riêng, nghệ thuật cải lương nói chung được bảo tồn và phát huy giá trị. Tiếng tơ lòng mãi ngân, câu vọng cổ mãi còn làm thổn thức bao trái tim mộ điệu dù cuộc sống hiện đại hôm nay có biết bao hình thức tối tân đang áp đảo thị trường giải trí!

Để chuông mãi ngân xa

Khởi đầu từ năm 2006, “Ngôi sao vọng cổ truyền hình” là tên gọi đầu tiên của cuộc thi. Nhưng sau đó, có thể do thấy cụm từ “ngôi sao” không hợp với tính chất của hội thi nên Ban tổ chức đã đổi thành CVVC. Và kể từ ấy, CVVC trở thành thương hiệu cho một cuộc thi được giới mộ điệu cải lương quan tâm, dõi theo từng bước đi. Nhà báo Hồ Quang, một cây bút lão thành chuyên viết mảng kịch trường, đồng thời cũng là một fan trung thành suốt hành trình 7 mùa thi, bộc bạch: “CVVC đã trở thành sân chơi để nâng tiếng chuông ngân. Cái hay của hội thi là sau khi tìm kiếm được những giọng ca mùi, HTV lại tiếp tục phát huy tài năng của những chuông vàng, chuông bạc qua chương trình “Ngân mãi chuông vàng”. Tôi cho rằng đây là những hoạt động hết sức thiết thực để cải lương, vọng cổ “sống bền” và được giữ gìn, phát huy những tinh túy vốn có”.



Image

Tiết mục ca múa “Dạ cổ hoài lang” mở màn đêm chung kết khu vực cuộc thi Chuông vàng vọng cổ lần thứ VIII - 2013 tại Bạc Liêu (do các “Chuông vàng” Ngọc Đợi, Huyền Trang và một số diễn viên Đoàn cải lương Cao Văn Lầu thể hiện). Ảnh: C.T

Thật vậy, không dừng lại ở ánh hào quang chói lọi sau một cuộc thi mà những tên tuổi đoạt giải (hầu hết đều rất trẻ) bước ra từ cuộc thi đã bước đầu thành công trên con đường “lập nghiệp”. Đó là những gương mặt được đào tạo qua trường lớp như: Võ Minh Lâm (Nhà hát Trần Hữu Trang), Ngọc Đợi (Đoàn cải lương Cao Văn Lầu - Bạc Liêu), Hồ Ngọc Trinh (Đoàn cải lương Long An)…; và cả những người không chuyên: Lê Văn Gàn, Võ Thành Phê… Sự thành công của họ một phần là bởi “chuông” giành được, nhưng quan trọng hơn chính là nhờ những động thái tích cực của HTV sau đó, để phát huy hết tài năng ca lẫn diễn. Từ năm 2011, chương trình “Ngân mãi chuông vàng” đã trở thành sân diễn chuyên nghiệp cho đội ngũ diễn viên trẻ này. Những vở cải lương thuộc hàng “kinh điển” đã từng được những nghệ sĩ lão thành, gạo cội biểu diễn, nay được dàn dựng lại và mạnh dạn giao cho các “chuông” thử sức. Đó là các vở: Tâm sự loài chim biển, Khi rừng mới sang thu, Đường gươm Nguyên Bá, Tấm lòng của biển, Lương Sơn Bá - Chúc Anh Đài, Tìm lại cuộc đời, Chiều đông gió lạnh về… Ở đây phải kể đến công cán và tâm huyết của đội ngũ đạo diễn “cao tay” đã đồng hành với “Ngân mãi chuông vàng” như: NSƯT Hữu Lộc, NSND Trần Ngọc Giàu, đạo diễn Kim Phương… Chính nhờ những bậc thầy này mà “chuông” ngân vang hơn, đặc biệt là tài diễn xuất điêu luyện hơn. Tựu trung lại, đó là tín hiệu đáng mừng: đã có một đội ngũ có khả năng kế thừa sự nghiệp sân khấu cải lương khi mà đội ngũ đi trước nay đa số tuổi đã gần “về chiều”.

Bạc Liêu “có duyên” với chuông vàng

Hai lần đoạt CVVC (Ngọc Đợi năm 2007, Huyền Trang năm 2012), một lần đoạt chuông bạc (Quốc Phòng năm 2008) và chưa kể một số giải phụ khác; đủ để khẳng định rằng Bạc Liêu “có duyên” với CVVC! Chưa dám đặt kỳ vọng nhiều vào cuộc thi CVVC lần thứ VIII năm nay đang làm sôi động sân khấu ở khắp mọi miền đất nước, nhưng khán giả mộ điệu Bạc Liêu chắc hẳn vẫn đang “âm thầm” hy vọng sẽ lập “hattrick” “Chuông vàng”!

Ngọc Đợi sở hữu CVVC năm 2007, cũng từ đó trên các chương trình “Vầng trăng cổ nhạc”, “Ngân mãi chuông vàng”, các vở cải lương truyền hình…, cô đào quê Bạc Liêu được giới mộ điệu cả nước biết đến. Ánh hào quang của cô cũng làm Đoàn cải lương Cao Văn Lầu của tỉnh ít nhiều được “thơm lây”, nhất là khi sau đó Ngọc Đợi tiếp tục gặt hái HCV Trần Hữu Trang năm 2011 và HCV Liên hoan sâu khấu cải lương chuyên nghiệp toàn quốc 2012. Quốc Phòng cũng là giọng ca “chắc, khỏe” được chú ý nhiều hơn sau khi sở hữu chuông bạc và tham gia một số vai diễn trong “Ngân mãi chuông vàng”. Còn cô đào quê gốc Bạc Liêu Huyền Trang đang khẳng định mình trên sàn diễn các chương trình truyền hình của HTV và hứa hẹn những thành công mới trong tương lai. Bước ra từ cuộc thi CVVC, những gương mặt trẻ ấy đã chứng minh rằng mình là lớp kế thừa xứng đáng cho sân khấu cải lương, đại diện vinh dự cho Bạc Liêu - một trong những “chiếc nôi” của bộ môn nghệ thuật bản sắc này!

Hơn 500 thí sinh trên mọi miền Tổ quốc tham gia CVVC lần thứ VIII này (số lượng gần gấp đôi lần thứ VII) khẳng định đây là một cuộc đua tài khá cam go để tìm ra chủ sỡ hữu chuông vàng. Nhưng sâu xa hơn, đó là tín hiệu đáng mừng vì vọng cổ, cải lương đâu chỉ có người Nam bộ mới biết và yêu thích. Bằng chứng nữa là tại CVVC năm 2012 vừa qua, một chàng trai đất Bắc - Nguyễn Văn Đáng (tỉnh Bắc Giang) đã vào đến vòng chung kết xếp hạng và đoạt hạng Ba. Thế là, chuông đã ngân trên khắp dải đất hình chữ S; cải lương, vọng cổ đã trở thành “đặc sản” chung trong kho tàng văn hóa Việt Nam. Những người con cháu của bác Sáu Lầu như chúng ta có quyền tự hào về điều đó!

Cẩm Thúy

Tác giả bài viết: Trunganh

Nguồn tin: BBL

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Bình luận mới

Gửi bình luận của bạn

Tên của bạn Email Nội dung Mã an toàn

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 

DUY TRÌ TRANG WEB CLVN