Bản Sắc Dân Tộc - cailuongvietnam.com

Tin Tức Hậu Trường Sân Khấu

DUY TRÌ TRANG WEB CLVN

Cái nỗi khổ cho một cô đào bị hát cương

Thứ hai - 14/07/2014 16:05

Cô đào Kiều Lan. (Hình: Bộ sưu tập của Ngành Mai)



Khán giả đi coi hát cải lương, theo dõi diễn tiến của tuồng hát, nhưng ít có ai để ý đến các diễn viên đang đối thoại bằng lời lẽ của tuồng hay là họ đang hát cương. Bởi trên sân khấu có những nghệ sĩ chỉ hát đúng kịch bản, họ có thể thêm hay bớt đi những từ ngữ mà đối với họ là “khó hát,” chớ không nhạy bén như những người từng hát cương.

Hát cương là một hình thái nghệ thuật đã có từ lâu đời trên sân khấu cải lương, từ thời thập niên 1930-1940 hay trước đó nữa, mà cho đến ngày nay lối hát cương cũng vẫn duy trì, và có lẽ còn tiếp tục dài dài nếu bộ môn nghệ thuật này vẫn tồn tại với thời gian.

Tùy theo vai trò và bối cảnh của màn hát đang diễn, mà người diễn viên tự “chế” ra những câu, những lời thích hợp chứ không theo đúng như trong kịch bản của soạn giả, tức là không hát theo lối văn đã viết trong tuồng. Có những lúc nghệ sĩ hài còn đi xa hơn, họ đã cương bằng những câu không dính dáng gì đến cốt truyện của tuồng, và vì thế mà lắm lúc gây bực mình cho khán giả, nhưng đó là những anh hề lạng quạng, cũng ít thôi.

Nếu đào kép, diễn viên giỏi thì hát cương sẽ hay hơn, sống động hơn, thay vì phải “rập khuôn” đúng như trong kịch bản, mà đôi khi có những tuồng chẳng hay ho gì hết. Và lối hát cương này không tránh khỏi bất cứ một nghệ sĩ diễn viên nào hết, đặc biệt là các đào kép thủ vai độc, vai hề.

Hát cương thực tế hơn, do bởi lời thốt ra từ hát cương là những đối thoại, cũng như câu nói rất bình thường của nhân vật trong tuồng hát, mà người diễn viên đã hòa mình được với vai trò, trong bối cảnh xã hội và hoàn cảnh hiện thực của nhân vật lúc bấy giờ.

Nói một cách rõ ràng hơn, hát cương là “đụng đâu hát đó” xuất phát từ khả năng ứng khẩu của diễn viên, và tùy theo cảnh kịch của tuồng, tùy theo vai mà linh động hát, chứ không theo một quy luật nghệ thuật nào cả. Tóm lại là diễn viên cứ “cương” tự do, miễn sao lớp tuồng đó được khán giả hoan nghinh là coi như thành công, và bầu gánh cũng chỉ mong có như thế. Ðó là đặc điểm của nghệ thuật mà sân khấu cải lương từ xưa tới giờ đã mặc nhiên chấp nhận.

Thế nhưng, nếu như có những nghệ sĩ phải cương ngoài tuồng thì mới hát hay, như trường hợp kép độc Hoàng Giang phải cương mới hay, thì ngược lại cũng có nghệ sĩ rất sợ hát cương, mà phải có tuồng đàng hoàng. Trường hợp cô đào Kiều Lan của đoàn Sao Ngàn Phương thì năm ấy cô theo đoàn lưu diễn miền Trung. Ðến tỉnh Quảng Ngãi diễn được một thời gian ngắn, thì bỗng đâu không khí chiến tranh bao trùm địa phương trong giai đoạn “mùa hè đỏ lửa.” Bầu gánh liền quyết định mang đoàn hát ra đảo Lý Sơn, tức cù lao Ré, để lánh nạn xa nơi có chiến trận.

Ðoàn hát được một tuần, mỗi đêm 1 tuồng thì không còn tuồng để hát nữa, khán giả xem thưa thớt trong lúc tình hình chiến sự ở đất liền chưa yên, nên anh chị em trong đoàn lo lắng vì không thể trở về Quảng Ngãi, mà ở đảo hát lại không có khán giả xem. Vài người trong đoàn lại có sáng kiến đi ra chợ mua truyện thơ về làm thành tuồng để hát cương.

Thế là họ đi chọn mua truyện, rồi ông bầu Hoài Nhân tập hợp anh em lại ráp tuồng cương để tối lại hát... tuồng mới!

Ðoàn hát vở “Lâm Sanh Xuân Nương,” nữ nghệ sĩ Kiều Hoa hát trong một lớp với mẹ chồng, cứ khóc tới khóc lui khiến khán giả khóc theo, rồi Kiều Hoa chẳng biết ca hát gì thêm nữa. Khán giả la lên:

- Sao cô đào chánh cứ khóc hoài mà không hát vậy?

May nhờ có người nhắc tuồng là cô đào Liêm, diễn viên chuyên hát cương nên cô nàng lại cương tuồng để Kiều Hoa hát theo cho hết màn. Vào hậu trường Kiều Hoa cự nự bầu Hoài Nhân vì cô không biết hát cương. Riêng đào Kiều Lan mới vào nghề cùng chẳng quen hát cương, đóng vai công chúa cứ ngồi nhìn khán giả hoài nên cũng bị khán giả phản ứng:

- Công chúa trông đẹp mà chẳng biết ca gì cả!

Về sau Kiều Lan kể lại với báo chí:

- Tôi bối rối thì chị nhắc tuồng lại nhanh nhẹn cương liền một bài ca cho tôi ca, chị ca tới đâu, tôi ca tới đó. Ðêm sau đoàn diễn vở Thoại Khanh Châu Tuấn, tôi vẫn hát vai công chúa. Tình huống kịch hai vở giống nhau: Thí sinh thi đỗ Trạng Nguyên, vua gả công chúa cho, nhưng vì Trạng Nguyên đã có vợ nhà nên từ chối. Vua nổi giận ra lịnh chém đầu Trạng Nguyên. Công chúa liền vô vọng cổ xin tội:

- Khoan! Phụ vương ơi, xin phụ vương hãy dừng ngay án lịnh mà nghe con bày tỏ đôi... lời...

Kiều Lan lộ vẻ chán chường:

- Ðêm đầu, đoàn diễn Lâm Sanh Xuân Nương tôi vô vọng cổ được vỗ tay vang dậy. Qua đêm sau diễn Thoại Khanh Châu Tuấn, tôi cũng đóng vai công chúa mà tình huống kịch cũng giống hệt nhau nên chị Liêm nhắc tuồng mớm lời cho tôi ca vọng cổ giống như đêm trước. Khán giả không vỗ tay mà lại la to:

- Thôi đi! Câu đó hôm qua ca rồi bữa nay đừng ca nữa, hãy ca câu khác đi...

Tôi hổ thẹn, hát qua loa rồi vào hậu trường ngồi khóc...
 

Tác giả bài viết: meoxu

Nguồn tin: Ngành Mai - NV

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Bình luận mới

Gửi bình luận của bạn

Tên của bạn Email Nội dung Mã an toàn

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 

DUY TRÌ TRANG WEB CLVN