Bản Sắc Dân Tộc - cailuongvietnam.com

Tin Tức Hậu Trường Sân Khấu

DUY TRÌ TRANG WEB CLVN

Ôn Cố Tri Tân

Thứ năm - 17/07/2014 12:37

Ôn Cố Tri Tân


CLVNCOM - Giặc Tàu tới biển Đông, gợi nhớ chiến tranh biên giới tháng 2/79.
Trong các tuồng cải lương dã sử chống xâm lăng Tàu, có những đào, kép đóng vai nhân vật trung dũng, dám hy sinh tánh mạng đánh giặc giữ nước, cũng có những người khác đóng vai nịnh hoặc làm kẻ bán nước như Trần Ích Tắc nhưng những kẻ đó lại lớn tiếng huênh hoang tự xưng là yêu nước hơn tất cả mọi người, họ núp dưới bộ mặt nạ giả dối đó để bán nước cầu vinh hoặc nhân lúc nước loạn, mưu hại người khác để cướp tài đoạt lợi.

Sân khấu thể hiện một mảnh đời thu nhỏ lại nên dễ khám phá ra người trung kẻ nịnh, còn cuộc đời thì bao la, bát ngát, trung hay nịnh thì không dễ dàng được phân biệt ra, nhưng thông thường khi cuộc đời kéo dài nhiều năm, trước hay sau kẻ nịnh cũng bị vạch mặt xấu xa, người trung dầu trước đó có bị hiểu lầm, oan khuất thì cũng được giải oan, được thế nhân thông cảm và khen ngợi.

Tôi xin phép được dài dòng như vậy vì tôi muốn nhắc lại những chuyện giống như chuyện trong tuồng hát đã xảy ra trong giới văn nghệ sĩ lúc có chiến tranh biên giới tháng 2 năm 1979.

Đầu năm 1979, khi quân Tàu xâm lược tràn qua đánh chiếm các tỉnh Cao Bằng, Lạng Sơn…các tỉnh biên giới miền Bắc và quân Khờ Me đỏ bắn trọng pháo qua các tỉnh Tây Ninh, Châu Đốc, và giết đàn bà, trẻ con ở vùng Xa Mác, Sở Văn Hóa Thông Tin triệu tập các trưởng phó đoàn hát cải lương, kịch nói, hát bội, ca múa nhạc hợp lại để phổ biến tình hình và hướng dẫn đường lối chủ trương. Sau đó chúng tôi được thông báo:

-         Ông Trương Bỉnh Tòng Phó Giám đốc Sở VHTT ngưng chức vụ, được điều động qua Khối Văn Nghệ Quần Chúng.

-         Ông Cao Văn Bỉnh Trưởng Phòng Sân Khấu,  ngưng chức,về nghĩ hưu non,   

-         Ông Lâm Am, Trưởng đoàn cải lương Triều Quảng Thống Nhất bị bắt giam ở khám Phan Đăng Lưu Gia Định,  

-         ông Bạch Tùng Hương, Trưởng đoàn cải lương tuồng cổ bị mất chức, rút về làm cán bộ Phòng SK.

-         Ông Trương Bỉnh Lâm, trưởng đoàn Ca Nhạc Nhẹ trong Ban Ca Nhạc Bông Sen bị sa thải.

-         Ông Nguyễn Thành Đức Trưởng Phoìng Văn Hóa Quần Chúng ở Sở Tao Đàn bị ngưng chức, hưu non. Vợ ông Đức là đại úy Xảo Ly ( người Hoa) phục trách an ninh văn hóa ở Sở VHTT cũng bị ngưng chức

-         Các ông RUM Bảo Việt, Lý Tòng Bá, nhà thơ Xuân Miển Ban Tuyên Huấn Thành Ủy cũng bị ngưng chức.

Sự ngưng chức một số cán bộ Phó Giám Đốc, Trưởng Phòng của Sở VHTT, các trưởng đoàn hát khiến cho soạn giả và nghệ sĩ chúng tôi hoang mang lo sợ. Sau đó thì được biết như sau:

Ông Lâm Am, Trưởng đoàn hát Triều Quảng Thống Nhất là người Hoa, trong thời chiến tranh, hoạt động trong Hoa Kiều Vụ, thu góp tiền của người Hoa ở Chợ Lớn để gởi vô chiến khu ủng hộ Đảng C S. Bây giờ Ban an ninh chính trị CSVN nghi ông tàu Lâm Am là cán bộ Cộng Sản Trung Quốc nên bắt giam.

Các ông khác như Trương BỈnh Tòng, Trương BỈnh Lâm, Cao văn BỈnh, Bạch Tùng Hương, Lý Tòng Bá… đều là người lai Tàu, cha Tàu, mẹ Việt nên bị nghi ngờ là tay chân của Trung Quốc; nhưng các ông này lai Tàu đã nhiều đời, không biết nói tiếng Tàu và đã là đảng viên CS VN lâu năm, từng theo đảng trong hai cuộc chiến. Ông Cao Văn Bỉnh là con của ông Cao Văn Lầu, cha đẻ của bài ca vọng cổ, là người Việt nhưng Ban an ninh chính trị vịnh vào cái họ Cao để buộc ông là Tiều lai. Ông Bạch Tùng Hương bị nghi họ Bạch là họ của người Tàu chớ VN không có họ Bạch, cũng bị mất chức, ông Bạch Tùng Hương biện bạch: Bạch là tên của vợ, Tùng là tên của ông, Hương là tên của con gái đầu lòng. Ba tên ghép lại thành tên Bạch Tùng Hương nhưng ông vẫn bị loại.

Ông Rum Bảo Việt vì được cho họ Rum là người Miên. Khờ Me đỏ đang đánh biên giới Tây Nam nên ông cũng bị ngưng chức.

Mọi người đều biết ông Rum Bảo Việt là người Việt Nam trăm phần trăm, tên RUM có nghĩa là Rừng U Minh , ba chữ đầu R, U, M ghép lại thành chữ Rum chớ không phải họ Miên,

Các ông kể trên bị cho nghĩ việc vì địa vị Giám Đốc, Trưởng Phòng, Trưởng đoàn hát có thu nhập cao, có nhiều quyền lợi nên khi có chiến tranh Tàu & Việt, họ vịn vào cớ “ lai Tàu “ để hất đi chổ khác, cho cán bộ phe đảng thay vào hưởng lợi.

Ôn cố tri tân, nhân chuyện cũ, nghĩ tới chuyện mới. Đã 35 năm qua rồi, hồi đó nhân có chiến tranh biên giới, bọn thân Tàu núp dưới danh nghĩa yêu nước ( dù giả dối) để hạ bệ nhau, tranh địa vị và quyền lợi. Bây giờ giặc Tàu tới biển Đông, ngấp nghé nơi biên giới miền Bắc, trong giới văn nghệ sĩ ở hải ngoại, tại sao lại có kẻ núp dưới danh nghĩa yêu nước, mắng chửi các văn nghệ sĩ khác để tranh đoạt quyền lợi gì? Tôi nghĩ hoài không ra!

Chửi “ Văn nghệ vô cảm:” là chửi các nhà làm thơ, nhà văn viết tiểu thuyết, truyện ngắn, tùy bút, tạp ghi…( không, chắc ông nhà văn Tạp Ghi không tự chửi mình đâu ), các họa sĩ, các nhà nhiếp ảnh, các soạn giả, diễn viên sân khấu Kịch, Cải lương, Hát bội, Chèo…các nhà sáng tác ca nhạc và ca nhạc sĩ ( trừ ông nhạc sĩ Việt Khang là người được nhà văn Tạp Ghi kể một bài Ca yêu nước) .

Các ông nhà văn, viết kịch hồi thời VNCH chống Cộng được ông nhắc khen trong bài “ Văn Nghệ Vô Cảm “, nhưng thời đó đã qua hơn bốn chục năm rồi, bây giờ không biết các ông nhà văn này đã kịp viết bài thơ, bài văn nào khi giặc Tàu đưa dàn khoan 981 vô biển Đông? Nếu chưa thì xin viết mau đi, kẻo ông nhà văn Tạp Ghi xếp vô những người mà ông gọi là Văn Nghệ Vô Cảm!

Như tôi đã kể trong bài “ Nghệ sĩ Cải Lương hướng về biển đảo quê hương “ khi giặc Tàu gây chiến tranh biên giới năm 1979, sân khấu cải lương đã có 30 tuồng hát chống bọn Tàu Xăm Lược.( Nếu kể thêm các đoàn hát ở các tỉnh, ở miền Trung và miền Bắc, chắc con số tác phẩm chống xâm lược Tàu lên đến hơn trăm tác phẩm). Từ sau 1975, các soạn giả cũ bị cấm hành nghề, soạn giả mới phải viết theo định hướng, chỉ viết theo chỉ thị thì mới có thể hát được.  Họ muốn sáng tác tự do theo ý họ đâu có được.

Nhân nói đến các sĩ quan VNCH dưới danh nghĩa : Cải Tạo”, tôi chợt nhớ đến bài Tạp Ghi “ Những Ca Khúc Ngày Xưa : trong quyển “ Đi Lấy Chồng Xa”, xuất bản năm 2007.của nhà văn Tạp Ghi Huy Phương: Xin trích nguyên văn một đoạn ngắn, trang 37:      “Một ngày giá rét ở núi rừng thượng du Bắc Việt, chúng tôi một nhóm tù gồm mấy anh em đang lang thang dọc bờ suối để chặt cho đủ chỉ tiêu một bó nứa hai mươi cây. Khi đi ngang qua một ngôi nhà sàn của đồng bào thiểu số, chúng tôi nghe một bài hát vẳng lại. Đó là một bài hát quen thuộc khá bình dân, rất phổ biến ở miền Nam là bài“ Một Trăm Phần Trăm

do Hùng Cường và Mai Lệ Huyền hát. Hồi ấy là đã cuối năm 1977, có lẽ đây là một cuốn băng cassette “ chiến lợi phẩm “ do một anh “ bộ đội “ dân tộc nào đó mang về cho gia đình. Bỗng dưng không ai nói ai, chúng tôi cùng chậm chân lại, rồi đứng hẳn, cùng im lặng lắng nghe. Giờ phút đó, phải nói chúng tôi uống từng lời hát, nuốt từng âm điệu, sung sướng như chưa bao giờ được nghe một bản nhạc hay như thế trong suốt cuộc đời mình. Phần tôi, trong những ” ngày xưa ấy “, tôi cũng không tâm đắc gì với hai giọng hát trên và cũng không mặn nồng gì với những ca khúc tương tự. Nhưng giờ đây, đó là những điều đã mất, đó là cái gì thuộc về máu thịt của miền Nam, đó là cái gì thuộc về dĩ vãng, thuộc về kỷ niệm. Vì hiện tại là chúng tôi, những thằng tù đã mất tất cả, đang cầm mỗi đứa một con dao “ tông “, đứng trên bờ suối, dưới một cái nhà sàn, thuộc tỉnh Hoàng Liên Sơn, xa Saigon tới 1200 cây số đường chim bay…

...( trang 39 ) Khi tiếng hát được cất lên, chúng ta không nhìn ra người hát, không nhớ tới người viết. Nó là nỗi niềm riêng của mỗi người, là châu báu không thể ban cho ai. Chính những giòng nhạc đó đã tiềm ẩn sâu trong vùng sâu kín của tâm hồn, đang trổi dậy gọi chúng ta về với những ngày tháng cũ. (  ngưng trích )

Tôi không hiểu tại sao nhà văn Tạp Ghi khi nghe bài hát cũ như bài “ Một trăm phần trăm” do Hùng Cường và Mai Lệ Huyền ca, anh hoài niệm lại một thời vàng son đã mất và chắc chắn là anh thêm thù hận đối với ai đã cướp đoạt nó.

Bây giờ sau biến cố 1975, đồng bào  vượt biển, bất chấp muôn ngàn hiểm nguy, khi ở được nơi mảnh đất tạm dung, cách quê hương không phải chỉ có 1200 cây số như từ Hoàng Liên Sơn về Saigon, mà là cả chục ngàn cây số từ Canada, Pháp, Mỹ, Úc…về tới VN, tại sao bà con xem hát những tuồng như Ông Cò Quận 9, Tuyệt Tình Ca,  Trà Hoa Nữ để hoài niệm lại một thời vàng son đã mất , ông nhà văn Tạp Ghi lại chửi là “ Văn nghệ vô cảm “ ? Tại sao nghệ sĩ và đồng bào khán giả tỵ nạn Cộng Sản không có quyền xem lại những vở tuồng cũ để hoài niệm những giá trị tinh thần quý báu đã mất? Hay là ông nhà văn Tạp Ghi tự cho là chỉ có mình ông mới có cái quyền yêu nước.

Ông không tìm ra được bài thơ yêu nước nào của thi sĩ Việt Nam  hay sao mà ông phải mượn thơ của hai thi sĩ Tàu Đỗ Phủ ( Thạch Hào Lại) và ông Đỗ Mục khi ông viết bài Văn nghệ vô cảm để chửi thi sĩ VN? Thần tượng của ông là thi sĩ Tàu, chắc là thực tâm ông không muốn đánh Tàu đâu.

Ông dùng một câu văn kinh điển của tổ sư Cộng Sản Karl Marx: “ Chỉ có súc vật mới có thể quay lưng lại nỗi khổ đau của đồng loại mà chăm lo riêng cho bộ lông của mình” trong bài “ Văn nghệ vô cảm “để chửi và dạy cho văn nghệ sĩ biết yêu nước

Nếu ông nhà văn Tạp Ghi muốn dạy Văn nghệ sĩ Việt Nam ở hải ngoại hay ở trong nước phải yêu nước kiểu Cộng Sản qua lời kinh điển của Karl Marx, thì tôi xin ông đừng nói nữa, vì ông càng tự khen mình yêu nước thì người ta càng nghĩ ngược lại ví lời nói của ông giống như kiểu nói dối trá của CS.

Giặc Tàu đưa dàn khoan 981 vô biển Đông bao lâu rồi? Chúng lại đưa dàn khoan thứ hai vào….Đâu có thấy ai  thưa gởi tới Liên Hiệp Quốc hay Toà Án Quốc Tế để khiếu nại, bảo vệ chủ quyền biển đảo của VN?

Tới nhớ đã nhờ ông viết dùm một kịch bản chống Trung Quốc hiện đại, hay một kịch có nội dung nói về dàn khoan 981 hay về biển Đông đang bị lấn chiếm, nếu có sớm, tôi rất cám ơn ông để còn chuyển thể thành tuồng cải lương để cho anh em tập hát, để khỏi bị ông chửi là Văn nghệ vô Cảm.

Hay là chính ông mới thật sự “Vô Cảm “nên không sáng tác kịch chống Trung Quốc hiện đại ?

Nguyễn Phương 93 tuổi.

Tác giả bài viết: SG Nguyễn Phương

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Bình luận mới

Gửi bình luận của bạn

Tên của bạn Email Nội dung Mã an toàn

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 

DUY TRÌ TRANG WEB CLVN