Bản Sắc Dân Tộc - cailuongvietnam.com

Tin Tức Hậu Trường Sân Khấu

DUY TRÌ TRANG WEB CLVN

Tại sao cải lương đang dẫy chết?

Thứ ba - 09/10/2012 02:32

Tại sao cải lương đang dẫy chết?



Cách đây không lâu, trang web cailuongvietnam.com đăng bài Đại Phẩu: Ai Giết Chết Cải Lương và đề nghị các văn nghệ sĩ trong, ngoài nước và những nhà ái mộ nghệ thuật cải lương tham gia ý kiến, phân tách để xem tại sao Cải Lương Việt Nam đang dẫy chết.
 Xin trích vài dòng dẫn đầu của trang web đó:

Thanh Nga

 Là một loại hình nghệ thuật ra đời dựa trên nền tảng âm nhạc tài tử kết hợp với hình thức kịch nói phương tây, qua gần trăm năm phát triển, cải lương đã tự mình gạn lọc để được công nhận là một bộ môn nghệ thuật truyền thống của dân tộc, bên cạnh tuồng, chèo, múa rối nước… Một bộ môn nghệ thuật truyền thống đã có gần trăm năm tuổi, khai sinh, trưởng thành bằng máu tim của bao thế hệ nghệ nhân, nghệ sĩ. Một bộ môn nghệ thuật đã từng "khỏe mạnh", từng vinh quang, đã đang và sẽ mãi là niềm tự hào của dân tộc Việt Nam trong lãnh vực văn hóa phi vật thể. Vậy thì tại sao nó lại "lâm bệnh" và "hấp hối"?



Có nhiều soạn giả, nhà văn như Võ Tử Uyên, Phi Hùng và các bạn trẻ từng tham gia trang web cải lương việt nam viết nhiều bài để chỉ rõ tại sao cải lương chết.

Tôi xin được tóm tắt những ý kiến của các bạn đã viết trên trang web cailuongvietnam:


- Có bạn cho rằng tại vì không có tuồng hay, các đoàn hát cứ hát tuồng cũ cho nên khán giả không muốn xem cải lương nữa.

- Có bạn cho rằng các soạn giả các thế hệ sau nầy viết cải lương mà làm mất chất cải lương. Ít bài ca cổ nhạc hoặc khai thác không đúng bài bản. Có người chen vô những bài ca của miền Bắc như hát Chầu Văn, hát Bài Chòi, hát cò lã, hát bội xen cải lương , và gần đây ca tân nhạc, hát Opéra, tấu hài chen cải lương…

- Có bạn cho là sau năm 1975, đạo diễn miền Bắc vô Nam, họ học kịch ở Liên Xô, Bun ga ri… họ không biết cổ nhạc nhưng lại có quyền làm đạo diễn cải lương, họ cắt bỏ bớt bài ca cổ nhạc để tăng thêm kịch tính theo quan niệm của họ, nên các vở cải lương trở thành những vở kịch thêm bài ca cải lương.

- Có nạn bè phái trong giới quản lý rạp, quản lý đoàn hát và các nghệ sĩ nên có nghệ sĩ trong phe cánh được nhiều dịp xuất hiện trên sân khấu hoặc được mời thu video, thu truyền hình, có nghệ sĩ không trong phe cánh thì thất nghiệp dài dài. Điều đó cũng ảnh hưởng đến chất lượng nghệ thuật của đêm diễn.

- Có bạn cho là các ngôi sao cải lương đã giết chết cải lương. Khi chạy show hát cho các đoàn hát tỉnh, nghệ sĩ ngôi sao đòi tiền thù lao quá cao, khiến cho bầu gánh hát hay bầu show tăng cao giá vé xem hát, dân nghèo không đủ tiền mua vé xem hát, họ ghiền cải lương nên mướn video cải lương về xem đở ghiền, riết rồi họ quen xem video cải lương mà không đến rạp hát nữa.

- Có bạn cho rằng Vidéo đã giết chết cải lương. Vidéo cải lương luôn có tuồng mới, nhiều thể loại, nhiều nghệ sĩ hay, xem hình ảnh và nghe lời ca rõ ràng. Người mướn video cải lương được ngồi nhà xem thoải mái, giá tiền chi cho việc mướn một video cải lương là quá rẽ so với việc phải đi đến rạp hát, chầu chực để mua vé hát và họ cũng đở tốn tiền xe đến rạp coi hát và tiền xe trở về nhà.

- Có người nói hiện nay có nhiều tụ điểm văn hóa, có tấu hài, khán giả được mặc sức cười thoải mái cho thư giản sau những giờ làm việc căn thẳng, lại có hát trích đoạn cải lương, có kịch, có xiếc, có ca tân nhạc, xem hát ở những tụ điểm văn hóa tốn kém ít hơn là vô rạp hát.

- Có người nói là hiện nay có nhiều loại hình giải trí khác hấp dẫn hơn, nhiều quán ăn nhậu, nhiều quán karaoke, quán bia ôm, hớt tóc ôm, tắm ôm, có đấm bóp massage, có đủ mọi thứ vui chơi đèn mờ xanh xanh đỏ đỏ nên người ta không bó mình trong một rạp hát để xem hát cải lương.


Và người ta kết luận là tại soạn giả soạn tuồng dỡ hơn hồi xưa, soạn tuồng nhanh như kiểu làm mì ăn liền để thu video nên tuồng không hay, không đáp ứng tâm lý của khán giả khiến cho khán giả ngày càng chán cải lương.

Những bài viết đóng góp ý kiến nhận xét tại sao Cải Lương dẫy chết chỉ nói chung chung, không chỉ ra được những nguyên nhân chính yếu làm suy yếu cải lương đưa đến việc cải lương mất dần sự yêu thích của khán giả, các bài viết góp ý chỉ tập trung vào điểm chánh là do không có tuồng hay, lỗi tại soạn giả viết dở, nên kết luận là chính nghệ sĩ giết chết cải lương..

Tôi biết các nhà văn, các soạn giả, các nghệ sĩ ở trong nước không dễ gì nói ra được sự nhận thức trung thực của mình. Đây là một vấn đề “ nhạy cảm” dễ bị ghép vào tội “ nói xấu nhà nước” dù khi nói đến thực trạng của sân khấu, trong thâm tâm các bạn không muốn kết tội hay nói đụng chạm đến đảng và chánh phủ hiện hữu.

Nguyễn Phương tuy ở nước ngoài nhưng cũng như các bạn soạn giả đang ở trong nước, tôi cũng quan tâm đến sự tồn vong của nghệ thuật sân khấu cải lương, một ngành nghệ thuật mà suốt đời tôi đã đeo đuổi theo phụng sự.

 Soạn giả Nguyễn Phương

Tôi được may mắn là còn có trí nhớ tốt, có ghi chú những sự kiện liên quan đến sân khấu cải lương trong thời hoàng kim của ngành nghệ thuật cải lương trong các thập niên 1950, 1960, 1970 và sau năm 1975, tôi cũng đã nếm qua những khó khăn ràng buộc và bị tẩy nảo liên tục trong 14 năm trước khi tôi được ra nước ngoài để định cư ở Canada, tìm lại được cuộc sống tự do đích thực mà mọi người mong muốn.

Tôi xin minh định thái độ: tôi không kết tội ai, không nói sai sự thật, tôi chỉ nhắc lại những sự kiện đã xảy ra, gọi là để cùng nhau tìm kiếm những nguyên nhân nào đã làm cho nghệ thuật sân khấu Cải Lương dẫy chết.

Tôi công nhận một số ý kiến nhận xét của các bạn về điểm tuồng cải lương mất sức thu hút khán giả cải lương khi trong tuồng đưa ra những loại bài ca như hát bài chòi, hát chầu văn, hát opéra, những bài cổ nhạc đặt không đúng chổ và nội dung tuồng viết không đáp ứng được tâm lý của khán giả. Các bạn kết luận là lỗi tại soạn giả.

Tuy nhiên theo tôi thì có rất nhiều nguyên nhân khác đã góp phần làm cho khả năng sáng tác của soạn giả bị sa sút.

Để cho việc trình bày vấn đề có mạch lạc, tôi cho rằng muốn cho một ngành nghệ thuật sân khấu tồn tại và phát triển, nhất thiết phải tuân thủ theo 5 điều kiện sau đây:

1. Phải xét qua để xem nhà cầm quyền cai trị xứ sở đối với ngành nghệ thuật đó như thế nào?

2. Khả năng và phương cách hoạt động của những ông Bà Bầu gánh hát, các soạn giả và các nghệ sĩ tài danh trong cơ chế của chánh quyền hiện hữu.

3. Xét qua tình hình thực tế của các rạp hát, những nơi dùng để hát cải lương.

4. Phân tích tình hình khán giả, khả năng thu nhập, thói quen sinh hoạt và những thời vụ sản xuất có ảnh hưởng đến việc thưởng thức nghệ thuật sân khấu của họ.

5. Môi trường sinh hoạt, khí hậu, việc di chuyển, phương tiện di chuyển của các đoàn hát và của khán giả. Những loại hình nghệ thuật sân khấu khác đang cạnh tranh với sân khấu cải lương. Thói quen và phương tiện giải trí của người dân nơi các đô thị và ở các vùng thôn quê trong thời kỳ kinh tế hội nhập với thị trường kinh tế thế giới.

Năm điều kiện trên tương quan mật thiết với nhau, ảnh hưởng lẫn nhau, cho nên nhận xét nguyên nhân nào làm cho sân khấu cải lương mất khán giả, tôi nghĩ là không thể bỏ qua một điều kiện nào trong năm điều đã kể.

Điều thứ nhất: “ Ảnh hưởng của nhà cầm quyền đang cai trị xứ sở đối với nghệ thuật hát sân khấu cải lương “:

Trước khi nói đến hiện tại: thời điểm hấp hối của nghệ thuật hát cải lương, tôi xin nhắc lại hai thời kỳ mà ảnh hưởng của chánh quyền đã tác động đến sinh hoạt văn học nghệ thuật ở trong nước.

Thời kỳ thứ nhất : Sau khi thực dân Pháp chiếm được Nam Kỳ Lục Tỉnh, chúng bải bỏ việc học và thi chữ Hán, chữ Nôm, buộc các công chức và dân chúng phải học chữ quốc ngữ, với ý đồ chính trị là dùng chữ quốc ngữ như một công cụ để thực dân hóa đất nước Việt Nam.

Không đề cập đến hậu quả chính trị của việc bải bỏ học và thi chữ Hán, chữ Nôm, việc thực dân Pháp buộc dân chúng học chữ Quốc ngữ và chữ Pháp đã giết chết dần nghệ thuật hát bội.

Văn chương tuồng hát bội dùng nhiều chữ nho, nhiều điển tích, khi người dân không học chữ nho, chữ Hán, chữ Nôm thì khi nghe nghệ sĩ hát bội hát, họ không thể hiểu câu văn trong tuồng là nghĩa làm sao.

Ví dụ: trong vở tuồng San Hậu, một vở tuồng thầy, một vở tuồng mẫu mực để cho các nghệ sĩ hát bội hát và dạy truyền nghề cho các thế hệ sau, lớp nàng Phượng Cơ bị Tạ Ôn Đình bắt hạ ngục, Phương Cơ hát than như sau:


Tiên Quân a !
Nhất canh sầu khiển chuyển
Nhị canh thống tâm can
Tam canh sạ thính quyên đề khóc
Tứ canh sáng tịch chẩm bất an
Ngũ cổ tài văn kê chuyển tán
Bình minh nhật xuất lệ san san !


Khi có dịp ra Huế, xem đoàn hát bội Bình Định hát, Phượng Cơ đã hát những câu chữ nho như đã kể. Người dân ở Huế, ở Bình Định, ở miền Trung, những vùng có nhiều người lớn tuổi, họ còn biết chữ nho nên họ thưởng thức được câu hát trên.

Ở Saigòn, hát y nguyên văn chữ nho như vậy, rất nhiều khán giả không hiểu. Đoàn hát bội Vĩnh Xuân Ban - Bầu Thắng đã dịch lại thành lối văn thường, nàng Phượng Cơ trong lớp bị hạ ngục đã hát:


Tiên quân ôi !
Canh một buồn day dứt,
Canh hai đau nhói tâm can
Canh ba sực nghe tiếng khóc của chim quyên,
Canh tư chiếu giường không yên gối
Canh năm vừa nghe tiếng gà gáy
Mặt trời lên sáng, mắt ta lệ chảy đầm đìa…

Nguồn tin: SG Nguyễn Phương

Tổng số điểm của bài viết là: 4 trong 1 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Bình luận mới

Gửi bình luận của bạn

Tên của bạn Email Nội dung Mã an toàn

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 

DUY TRÌ TRANG WEB CLVN