Bản Sắc Dân Tộc - cailuongvietnam.com

Tin Tức Những Vở Diễn Hay

DUY TRÌ TRANG WEB CLVN

Soạn giả Thế Châu và vở hát 'Bên Cầu Dệt Lụa'

Thứ hai - 16/06/2014 01:33

NS Xuân Lan & NS Hồng Loan trong hậu trường buổi diễn vở BCDL





Khán giả cải lương sành điệu chắc khó quên tình tiết của vở hát “Bên Cầu Dệt Lụa” của soạn giả Thế Châu nổi tiếng một thời, và cho đến bây giờ vẫn còn để lại dấu ấn mạnh mẽ trong lòng khán giả cũng như người trong giới



Soạn giả Thế Châu tên thật là Ngô Văn Long, sinh quán tại Thuận An, Lái Thiêu, tỉnh Bình Dương, một vùng quê nổi tiếng có nhiều trái cây sầu riêng, măng cụt. Năm 1954 mới 18 tuổi, ông là một thầy giáo làng, và lúc đó chưa để ý gì đến cải lương. Mãi đến những năm đầu của thập niên 1960, cùng với những người hàng xóm quây quần bên máy hát (loại quay dây thiều) vào những tối để giải khuây. Nào ngờ sự kỳ diệu của cải lương trong dĩa hát đã quyến rũ thầy giáo trẻ, để rồi trở thành sự đam mê triền miên sau này.

 


Hai nữ nghệ sĩ Thanh Ngân và Kim Thoa trong lớp tuồng “Bên Cầu Dệt Lụa.” (Hình: Bộ sưu tập của Ngành Mai)


Mùa hè năm 1964, tỉnh Bình Dương tổ chức Hội Thi Văn Nghệ cho các trường học, thầy giáo Long của trường tiểu học Lái Thiêu viết vở cải lương “Lê Lai Cứu Chúa.” Chỉ viết theo cảm hứng của phong trào nghiệp dư, ông lấy bút hiệu Thế Châu từ đó, và năm ấy vở diễn đoạt giải nhất tỉnh.

Tiếng lành đồn xa, soạn giả Loan Thảo tìm đến làm quen và động viên hợp tác. Sau đó ông đã cùng một số soạn giả như: Nhị Kiều, Hoa Phượng, Loan Thảo hợp soạn một số vở cho sân khấu cải lương chuyên nghiệp. Từ năm 1965 đến 1975 ông đã viết nhiều vở hát, được dàn dựng trên sân khấu của các đoàn hát lớn.

Thế Châu là người ít nói, hay cười và nhạy cảm nên rất dễ hòa nhập cùng cảm xúc của soạn giả khác, chính vì sự đồng cảm ấy mà ông đã viết được nhiều loại tuồng: Hương xa, màu sắc, tâm lý xã hội... Sau năm 1975, Thế Châu viết hàng loạt và trong đó có tuồng “Bên Cầu Dệt Lụa” được coi như nổi tiếng nhứt.

Năm 1983, ông chuyển sang kinh doanh gỗ tạp và củi, thế là ông đã bỏ luôn nghề giáo và cũng rời nghiệp cải lương. Ba năm lăn lộn với thương trường, chuyện kinh doanh của ông đi vào bế tắc, vốn liếng và cả ngôi nhà cũng mất trắng vì lỗ lã. 

Vì còn vương mang nghiệp dĩ nên đầu năm 1987, Thế Châu trở lại sân khấu viết chung với Trần Hà. Và kể từ năm 1990 người ta không thấy ông viết thêm vở tuồng nào nữa.

Ðến năm 1996, trong chương trình phụ diễn trong đêm phát giải Diễn Viên Xuất Sắc, người ta thấy hai nữ nghệ sĩ Thanh Ngân và Kim Thoa diễn một lớp trong vở “Bên Cầu Dệt Lụa,” lúc Công Chúa Bích Vân đi gặp Quỳnh Nga, với tình tiết như sau:

Công chúa Bích Vân kiêu hãnh một mình một ngựa đi tìm người con gái đã khiến cho Trạng Nguyên Trần Minh từ chối hôn ước với mình. Với quyền lực, bạc vàng và tài sắc này, nàng tin chắc mình sẽ thắng cuộc. Ðối mặt nhau, từ những lời đối đáp đầu tiên Quỳnh Nga đã khiến công chúa đầy lòng ghen tỵ. Nàng quả là khác người, ẩn trong vẻ đẹp đầm thắm thôn dã, ẩn trong vẻ đoan trang là một con người đầy tự tin, thông minh sắc sảo và cũng kiêu hãnh không kém công chúa. 

Một Quỳnh Nga hiền thục mà cứng cỏi, dịu dàng mà quyết liệt...

Hống hách xưng danh, gương mặt công chúa thoáng cười mãn nguyện khi thấy Quỳnh Nga thủ lễ quỳ dưới chân mình. Song, trong ánh mắt nàng tuyệt nhiên không có vẻ phục tùng, sợ hãi. Nó khiến cho công chúa bối rối. Càng quẩn quanh trong cơn ghen hơn, càng cậy vào quyền lực bạc tiền. Công chúa càng nhận thấy Quỳnh Nga cao hơn trong mắt mình. Kẻ tình địch quyết chọn cái chết để bảo vệ tình yêu, đã khiến cho công chúa run tay gươm, và như tiêu tan cả lòng kiêu hãnh để cũng trở nên thường tình khi không “mua chuộc” được tình yêu.

Gạt nhanh giọt nước mắt của kẻ “bại trận,” công chúa lại bừng giận hờn ghen khi nghe những lời an ủi, và bắt gặp đôi mắt Quỳnh Nga nhìn mình thương hại. Dẫu biết không thể khuất phục tình yêu mãnh liệt chung thủy ấy, công chúa vẫn cao ngạo lên tiếng đe dọa Quỳnh Nga: “Chính thái độ của nàng sẽ gây hại cho Trần Minh...” Có lẽ đó là phút duy nhứt ngắn ngủi Quỳnh Nga tỏ ra sợ sệt yếu đuối. Hình ảnh đó thoáng chút xoa dịu lòng ghen tức tủi buồn của công chúa, nhưng hơn ai hết nàng hiểu rõ mình đã hoàn toàn thua cuộc khi lâm trận yêu đầu...
 

 

***Hội Cổ Nhạc Miền Nam Việt Nam Hải Ngoại đang tiếp xúc với các nam nữ nghệ sĩ, từng đoạt giải Phụng Hoàng của những năm trước. Ðề nghị tập dượt một trích đoạn “Bên Cầu Dệt Lụa” phụ diễn trong dịp phát giải Phụng Hoàng năm nay.

Ngành Mai

Tác giả bài viết: tancogiaoduyen

Nguồn tin: NVO

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Bình luận mới

Gửi bình luận của bạn

Tên của bạn Email Nội dung Mã an toàn

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 

DUY TRÌ TRANG WEB CLVN