Bản Sắc Dân Tộc - cailuongvietnam.com

Tin Tức Tâm Tình Khán Giả

DUY TRÌ TRANG WEB CLVN

Vọng cổ thời @!

Thứ ba - 15/09/2015 21:48

Vọng cổ thời @!

1. Qua 10 năm tổ chức, cuộc thi "Chuông vàng vọng cổ" của Đài Truyền hình TP Hồ Chí Minh đã khơi dậy tình yêu nghệ thuật truyền thống của người mộ điệu và giúp "đãi cát tìm vàng" cho sân khấu cải lương. Năm nay, ngoài cuộc thi chính, ban tổ chức còn mở sân chơi "Chuông vàng vọng cổ online", thu hút hàng trăm thí sinh tham gia, đa phần là giới trẻ.

Điều kiện tham gia rất đơn giản: những ai biết ca vọng cổ có thể dùng điện thoại hay bất cứ phương tiện ghi hình nào ghi cảnh ca trọn vẹn một bài vọng cổ rồi gửi về trang web hay facebook của chương trình. Có 7 thí sinh được xếp hạng nhất 7 tuần và 3 thí sinh do giám khảo bình chọn vào vòng chung kết xếp hạng. Trải qua 6 tuần thi, cuộc thi đã phát hiện những giọng ca đẹp, mượt mà. Anh Bùi Thanh Quốc, thí sinh đến từ Vĩnh Long, giải Nhất tuần đầu tiên của cuộc thi, bộc bạch: "Tôi thử sức với chiếc điện thoại của mình, không ngờ đạt giải. Cũng nhờ các trang mạng xã hội mà chúng tôi được trau dồi kỹ năng ca, hát vọng cổ".

Điều thú vị của cuộc thi là giám khảo, nghệ sĩ Lê Tứ, cũng… quay video clip nhận xét từng phần thi của thí sinh cùng với dòng trạng thái đăng tải trên facebook của chương trình, giúp thí sinh rút kinh nghiệm. Những lời nhận xét ngắn gọn như: "Rớt nhịp câu 1, lòng câu chao nhiều", "Hơi khỏe nhưng thiếu sự mượt mà, nên tập trung vào sự truyền cảm để vuốt làn hơi cho mềm mại"… rất bổ ích cho thí sinh. Anh Nguyễn Thanh Cần, ngụ phường 2, TP Vĩnh Long, nói: "Tôi gặp được bạn đồng điệu, tri kỷ, yêu thích cải lương qua mạng internet. Cuộc thi này thật hay, tưởng "ảo" nhưng hoàn toàn thật!".

2. Dự án "Sân khấu học đường" do Cục nghệ thuật biểu diễn triển khai tại Cần Thơ nhằm truyền dạy kỹ năng biểu diễn sân khấu cho học sinh vừa kết thúc. Nhiều người còn băn khoăn bởi sau dự án, liệu còn em học sinh nào trong số 60 em theo đuổi đam mê? Có dịp tham dự một buổi sinh hoạt của các em học sinh Trường THCS Long Tuyền (Bình Thủy) và THCS Mỹ Khánh (Phong Điền) mới thấy vấn đề ấy không đáng lo. Em Lê Thị Ngọc Hương, học sinh Trường THCS Long Tuyền cho biết, sau dự án, các em đã trở thành bạn ngoài đời và… trên facebook. Cứ mỗi cuối tuần hay khi rảnh, các em lại nhờ facebook kết nối, hẹn gặp mặt để tập ca vọng cổ, diễn cải lương, xướng âm lòng bản tài tử để khỏi quên bài. Cũng nhờ internet mà các em có thể tìm kiếm những bài bản, những trích đoạn hay để tập luyện. "Nhờ vậy mà tụi em học hỏi và thêm yêu cải lương" – Ngọc Hương cho biết.

* * *

Không phải cải lương, vọng cổ mà bất cứ loại hình nghệ thuật nào cũng vậy, sẽ biến chuyển theo thời gian, hoàn cảnh, như một xu thế tất yếu. Vấn đề đặt ra là người có trách nhiệm cần tìm lối đi phù hợp với xu hướng hiện đại cho nghệ thuật truyền thống. Những tiết mục dự thi của Hoài Lâm với "Xẩm Thập ân", trích đoạn cải lương "Tiếng trống Mê Linh"…; nghệ sĩ Ái Phương với trích đoạn "Nửa đời hương phấn" trong chương trình "Gương mặt thân quen" hay việc thi vọng cổ online là những ví dụ điển hình, tạo luồng gió mới cho nghệ thuật truyền thống.

Thời @, làm sao để khán giả trẻ không cần đến rạp vẫn có thể khóc cười cùng nhân vật cải lương qua ti-vi, máy vi tính, điện thoại… cũng là điều đáng suy ngẫm!

Đăng Huỳnh


Image













Thí sinh Trương Văn Thảo giải nhất tuần 3 

 


Image

 

Nguồn tin: tcgd theo BCT

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Từ khóa:Vọng cổ thời @, vọng cổ online, CVVC,

Bình luận mới

Gửi bình luận của bạn

Tên của bạn Email Nội dung Mã an toàn

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 

DUY TRÌ TRANG WEB CLVN