Bản Sắc Dân Tộc - cailuongvietnam.com

Tin Tức Tìm Hiểu Nghệ Thuật

DUY TRÌ TRANG WEB CLVN

Nhọc nhằn gìn giữ nghệ thuật Cải lương

Thứ ba - 03/09/2013 00:33

Nhọc nhằn gìn giữ nghệ thuật Cải lương



Với một số người, niềm đam mê nghệ thuật lớn đến độ họ chấp nhận đánh đổi những thứ hữu hình khác, trải cuộc sống của mình theo từng đêm diễn, lênh đênh khắp các miền quê. Họ đã gắn cả đời mình, âm thầm và nhọc nhằn gìn giữ một loại hình nghệ thuật độc đáo mà cha ông để lại - Cải lương.

May mắn có dịp được xem Đoàn nghệ thuật cải lương Hoa Biển (tỉnh Phú Yên) biểu diễn tại Hà Nội, vốn yêu thích loại hình nghệ thuật này, tôi đã tiếp cận và được nghệ sỹ Trọng Nhân, Phó Trưởng đoàn cùng các anh chị em nghệ sỹ trong đoàn chia sẻ nhiều điều thú vị nhưng cũng rất đáng để suy ngẫm.

Image
Trích cảnh trong vở ‘‘Nước mắt nàng dâu’’. Ảnh: Hà Tuấn.


Bước chân trên vạn nẻo sông hồ

Các nghệ sỹ, diễn viên trong đoàn hầu hết đều đã bám trụ với nghiệp đờn ca từ khi còn nhỏ. Có những người năm nay đã xấp xỉ lục tuần, nhưng khát khao đêm đêm được đứng trên sân khấu vẫn cháy bỏng như thủa đôi mươi. Trong hành trình trên khắp mọi miền Tổ quốc, bàn chân in dấu khắp mọi nẻo đường, tình yêu, đam mê nghệ thuật dường như ngày càng lớn lên theo thời gian.

Sau thời điểm biểu diễn phục vụ đồng bào tại các địa bàn miền núi, vùng sâu, vùng xa trong tỉnh theo kế hoạch của Sở VHTTDL Phú Yên, đoàn sẽ bắt đầu lưu diễn phục vụ bà con khắp các các vùng miền của đất nước.

Đới với nghệ sỹ Trọng Nhân, cải lương đã thành duyên thành nợ, thành cái nghiệp. Sinh ra theo bước chân cha mẹ trên đường lưu diễn, anh lớn lên cùng tiếng hát đêm đêm dưới ánh đèn sân khấu. Từng giấc ngủ trẻ thơ chập chờn theo tiếng bước chân của mẹ cha và các đồng nghiệp trên sàn diễn. Nhiều khi cũng thấy nản, muốn bỏ nghề vì cuộc sống khó khăn, vì thấy không ít khán giả quay lưng lại với cải lương, nhưng rồi tình yêu nghề đã giúp anh vượt lên, để tiếp tục được cống hiến cho khán giả những giây phút thăng hoa.

Là kép chính của Đoàn, nghệ sỹ Kim Tử Linh khi đi lưu diễn xa cũng không tránh khỏi những giây phút nhớ nhà, nhớ vợ con, những đêm mưa dầm, những trận ốm bất đắc kỳ tử nơi rừng thiêng nước độc… hoặc đôi khi chỉ là những lý do như không liên hệ được địa điểm biểu diễn ở địa phương… Nhưng mỗi khi ra đường thấy khán giả gọi tên mình bằng vai diễn lại thấy vui vì mỗi đêm được biểu diễn phục vụ bà con. Có lẽ, nếu chỉ đơn thuần vì tiền, thì chắc khó ai có thể bám trụ với nghề. Đó là sự rung động, là tình yêu nghệ thuật đã ăn vào máu của người nghệ sỹ.

Ngoài những bộ trang phục trình diễn và những mảnh ghép sân khấu lưu động, gia tài của đoàn là tình yêu nghề, niềm say mê nghệ thuật cải lương của anh chị em nghệ sỹ, diễn viên và tình cảm yêu mến của khán giả mọi miền Tổ quốc. Cứ thế, hành trình của họ từ Nam ra Bắc, từ thành thị đến nông thôn, khắp các miệt vườn, xóm làng…

Trao truyền tình yêu nghệ thuật truyền thống

Đoàn nghệ thuật cải lương Hoa Biển với chủ trương phục vụ đồng bào theo chính sách ưu đãi hưởng thụ văn hoá, tại tất cả các điểm dừng chân, Đoàn đều biểu diễn không bán vé. Sau mỗi đêm diễn, nhiều khán giả yêu mến cũng dành những sự chia sẻ với đoàn. Khi thì là tấm bánh, củ khoai, có khi là con gà cải thiện bữa ăn của đoàn, thi thoảng cũng có những địa phương bà con ủng hộ bằng tiền và có khi chỉ là những tràng pháo tay tán thưởng cho thấy cải lương vẫn luôn được người dân yêu mến đón nhận đã là điều hạnh phúc nhất dành cho các nghệ sỹ, diễn viên.

Nghệ sỹ Trọng Nhân kể về những lần đoàn đi diễn ở các điểm miền núi, vùng sâu, vùng xa, bà con đến xem thậm chí còn không hiểu đoàn diễn cái gì vì… không biết tiếng Kinh, hoặc cũng có nơi khán giả không dám tiến đến gần sân khấu để xem vì… mắc cỡ, vì thấy diễn viên như những ông tướng nhà trời mà đã có lần nào đó tình cờ coi thấy ở đâu đó. Giờ thì tình hình cũng đã khá hơn, có những địa phương khi đoàn quay lại biểu diễn, bà con đã rành hơn và hưởng ứng nhiều hơn. Đó cũng là một sự động viên rất lớn đối với đoàn nghệ sỹ.

Theo đoàn đã khá lâu, Quốc Tuấn bộc bạch, có nhiều câu chuyện vui, xúc động đối với anh chị em nghệ sỹ qua mỗi chuyến lưu diễn. Lần đó, khi quay trở lại diễn ở một bản của người Mường ở Thanh Hoá, có hai vợ chồng trẻ nhất định mời anh chị em trong đoàn tới nhà chơi, khi đó mới biết hai người quen nhau và nên vợ nên chồng nhờ buổi đi xem… đoàn diễn. Những lúc như thế, mới thấy tâm sức của mình bấy nay đi diễn phục vụ bà con thực sự là rất ý nghĩa.

Không thể nhớ hết được những chuyến đi biểu diễn trong đời nghệ sỹ, khi đôi chân còn có thể cất bước, khi tiếng hát còn có thể cất lên thì những nghệ sỹ của đoàn cải lương Hoa Biển còn tiếp tục mang nghệ thuật cải lương đến với bà con mọi miền Tổ quốc. Niềm đam mê nghệ thuật cải lương sẽ giúp các anh chị em nghệ sỹ vượt lên khó khăn, góp phần gìn giữ nghệ thuật truyền thống của dân tộc.

Tác giả bài viết: meoxu

Nguồn tin: Langvietonline

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Bình luận mới

Gửi bình luận của bạn

Tên của bạn Email Nội dung Mã an toàn

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 

DUY TRÌ TRANG WEB CLVN